Chủ nhật, 24/11/2024 12:30 (GMT+7)
Thứ hai, 12/12/2022 16:09 (GMT+7)

Thị trường nước giải khát Việt Nam: Còn nhiều dư địa phát triển

Theo dõi KTMT trên

Với việc mức tiêu thụ nước giải khát chỉ khoảng hơn ½ mức trung bình thế giới, thị trường nước giải khát Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là còn nhiều dư địa phát triển trong thời gian tới.

Cuộc chạy đua khốc liệt

Thị trường nước giải khát không cồn của Việt Nam thời gian qua chủ yếu là sự hiện diện của Suntory Pepsi, URC, Coca-Cola và các tập đoàn nội địa như Tập đoàn Tân Hiệp Phát (Tân Hiệp Phát), Tâp đoàn Masan.

Theo số liệu của Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, mức tiêu thụ nước giải khát của Việt Nam đang khá thấp, chỉ 23 lít/người/năm so với mức trung bình thế giới là 40 lít/người/năm. Đây cũng là lý do khiến các chuyên gia nhận định việc thị trường nước giải khát vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Bên cạnh đó, thị trường nước giải khát không cồn của Việt Nam cũng ghi nhận việc tăng trưởng trung bình 6-7%/năm trong khi tại các thị trường như Pháp, Nhật chỉ kỳ vọng đạt 2%/năm.

Thị trường nước giải khát Việt Nam: Còn nhiều dư địa phát triển - Ảnh 1
Thị trường nước giải khái sôi động dịp cuối năm

Không chỉ thị trường nước giải khát không cồn phát triển mạnh mẽ, phân khúc nước uống tăng lực thu hút nhiều gương mặt cả trong lẫn ngoài nước tham gia và chứng kiến nhiều cuộc chạy đua. Theo tìm hiểu, Tập đoàn TCP, chủ sở hữu thương hiệu nước tăng lực Red Bull và Warrior có dự kiến trong 3 năm tới sẽ ra mắt 10 sản phẩm mới, tập trung vào dòng sản phẩm sức khoẻ và đầu tư khoảng 340 triệu USD cho các thị trường. Với khoản đầu tư này, ông Saravoot Yoovidhya, Tổng Giám đốc TCP, cho biết: “Công ty đặt mục tiêu tăng doanh thu hằng năm lên gấp đôi, đạt 2,5 tỉ USD vào năm 2024 và hướng đến phát triển bền vững”.

Hay Hansen (Mỹ) với nước uống Monster Energy, Coca-Cola với sản phẩm Coca-Cola Energy và Samurai, PepsiCo với Rockstar và Sting, Tân Hiệp Phát với Number 1, Masan với Wake-up 247 hay Taisho (Nhật) với Lipovitan… cũng đã có những hoạt động đầu tư, củng cố vị thế trên thị trường.

Nhiều gương mặt mới như Compact Cherry, Night Wolf... cũng tìm cách chen chân. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất nước tăng lực không chỉ cạnh tranh mạnh mẽ với nhiều đối thủ cùng phân khúc mà còn phải cạnh tranh với những phân khúc khác. Theo khảo sát của vtown.vn, người tiêu dùng đang ưu ái nhất là trà, chiếm gần 37% thị phần. Kế đến là nước ngọt có ga. Nước tăng lực chỉ đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng lựa chọn. Nước tăng lực cũng phải đương đầu với sự lớn mạnh của dòng nước uống cà phê. Theo dự đoán của Statista, giai đoạn 2021-2025, cà phê có thể sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép 8,28%/năm.

Bên cạnh việc quan tâm đến hương vị và sức khỏe, người tiêu dùng ngày càng khó tính trong lựa chọn mức độ thân thiện môi trường của sản phẩm, tính mỹ thuật, chất lượng bao bì, nội dung quảng bá… Đây sẽ là những tiêu chí sàng lọc trên thị trường nước giải khát nói chung và nước tăng lực nói riêng. Ngoài ra, nước uống tăng lực được xem là phân khúc bị làm nhái, làm giả rất nhiều.

Đánh giá về tình hình cạnh tranh hiện tại, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát nhận định, thời gian qua, trong lĩnh vực đồ uống giải khát, có rất nhiều hãng đến từ nhiều quốc gia đầu tư vào Việt Nam, tạo nên sức cạnh tranh khá gay gắt. Tân Hiệp Phát đang là một công ty địa phương duy nhất tại Việt Nam trong số các công ty nước giải khát chiếm thị phần hàng đầu ở Việt Nam nên đòi hỏi Tân Hiệp Phát phải tự phát triển, hoàn thiện công nghệ hiện đại và theo đúng xu hướng mới giúp cho Tân Hiệp Phát đứng vững được.

“Gần đây, bên cạnh các công ty đa quốc gia, một số công ty nước giải khát đến từ Thái Lan, Nhật Bản đã triển khai nhiều sản phẩm mới trong ngành nước giải khát. Vì vậy trong thời gian tới, đối diện với những khó khăn sau dịch Covid-19, giá cả nguyên vật liệu, logistics tăng cao, việc Tân Hiệp Phát đứng vững được tại thị trường trong nước cũng là bài toán khó, đòi hỏi nhiều hơn nữa trong hoạt động, cũng như việc tiếp cận thị trường trong nước” – bà Phương cho biết thêm.

Dù vậy, với nhu cầu tập luyện thể thao và chú ý đến sức khoẻ hơn sau dịch COVID-19, với triển vọng của ngành đồ uống bổ sung năng lượng toàn cầu định giá khoảng 6,67 tỉ USD vào năm 2026, theo Business Wire, những công ty nào có khả năng nghiên cứu thị trường, có tiềm lực đầu tư để phát triển các sản phẩm thức uống năng lượng mới thì sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Phát triển với hướng đi khác biệt

Tân Hiệp Phát có hành trình 28 năm gây dựng và phát triển mạnh mẽ với thương hiệu phủ rộng trong và ngoài nước, có mặt ở gần 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các sản phẩm nổi bật của Tân Hiệp Phát như Trà Dr.Thanh, Trà Xanh Không Độ, Nước tăng lực Number 1 của Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã 6 lần liên tiếp được vinh danh là Thương hiệu quốc gia Việt Nam, đạt Giải Vàng Chất lượng quốc gia.

Bên cạnh đó, Tân Hiệp Phát cũng là doanh nghiệp nước giải khát Việt có thể cạnh tranh sòng phẳng với các “đế chế” đồ uống đa quốc gia khi đang dẫn đầu thị phần thức uống có lợi cho sức khỏe tại Việt Nam và vươn mình mạnh mẽ ra thế giới nhờ được hàng triệu người tiêu dùng yêu chuộng và sử dụng sản phẩm mỗi ngày. Chủ trương “Tìm ra hướng đi riêng để phát triển”, động lực thôi thúc Ban lãnh đạo Tân Hiệp Phát cải tiến mỗi ngày, được bà Trần Uyên Phương chia sẻ.

Nhắc tới Tân Hiệp Phát là nhắc tới doanh nghiệp với tinh thần “tiên phong”, “khai phá” tại thị trường Việt Nam. Ngay từ khi thành lập, so với các thương hiệu đồ uống nổi tiếng quốc tế có mặt tại Việt Nam, Tân Hiệp Phát đã chọn cho mình lối đi khác biệt, không đi theo lối mòn chấp nhận thời điểm đó là gia công cho các hãng khác mà mạnh dạn bằng niềm đam mê và khát vọng muốn chứng minh việc xây dựng và tạo ra chỗ đứng cho thương hiệu Việt và khẳng định “người Việt Nam làm được”.

Chính vì vậy, Tân Hiệp Phát đã mở ra phân khúc đồ uống giải khát có nguồn gốc nguyên liệu tự nhiên, tốt cho sức khỏe đáp ứng nhu cầu giải khát với các tiêu chuẩn về chất lượng ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Thời gian qua, Tân Hiệp Phát có nhiều bước đi được giới kinh doanh đánh giá là “táo bạo” để tiếp tục phát triển sản phẩm của mình, củng cố thương hiệu trong nước và vươn ra thị trường nước ngoài.

Thị trường nước giải khát Việt Nam: Còn nhiều dư địa phát triển - Ảnh 2
TOP 10 doanh nghiệp đồ uống uy tín năm 2022

Bà Trần Uyên Phương chia sẻ: “Cách đây ba năm, Tân Hiệp Phát mạnh dạn triển khai một dự án khá táo bạo với mục tiêu là tìm ra một sản phẩm mới không chỉ là sự đột phá trong ngành giải khát tại Việt Nam mà còn trong khu vực. Thời điểm đó, do gặp khó về mặt công nghệ nên chúng tôi dù đã triển khai nhưng thất bại. Bây giờ, sau đại dịch Covid-19, Tân Hiệp Phát có điều kiện hơn để tiếp cận với công nghệ mới nhất ở nước ngoài, cụ thể tại Cộng hòa Liên bang Đức. Hiện, chúng tôi tiến hành triển khai lại dự án đặc biệt này tại Việt Nam. Tôi xin phép chưa nói cụ thể nhưng hy vọng đây sẽ tiếp tục là đột phá mới trong ngành giải khát ở Việt Nam và trong khu vực”.

Bên cạnh đó, Tân Hiệp Phát đã thành công trong việc khai thác những sản phẩm truyền thống từ những nguyên liệu chế biến quen thuộc trong dân gian, điều này tạo sự gần gũi để người tiêu dùng dễ chấp nhận.

Bà Trần Uyên Phương cho biết: “Việc tìm và đưa nhiều nguyên liệu phong phú của Việt Nam vào đồ uống giải khát của Tân Hiệp Phát thật sự là bài toán với rất nhiều ý tưởng. Bằng niềm đam mê, Tân Hiệp Phát đã ra mắt rất nhiều sản phẩm trong lịch sử 28 năm của mình, Tân Hiệp Phát đã và đang nghiên cứu hơn 250 sản phẩm đồ uống và điều đáng mừng các sản phẩm đó được người tiêu dùng chấp nhận. Như tôi đã nói ở trên, Tân Hiệp Phát sắp sửa ra mắt sản phẩm mới và kỳ vọng sản phẩm mới đó với sự đầu tư bài bản và có tính đột phá nhất định sẽ tạo thêm khác biệt trong ngành nước giải khát, và đó cũng chính là nguyên tắc tìm ra lối đi riêng để phát triển của Tân Hiệp Phát trong thời gian tới”.

“Những người sáng lập và lãnh đạo Tân Hiệp Phát lúc nào cũng trân quý tình cảm người tiêu dùng trong nước dành cho Tân Hiệp Phát. Chính vì vậy, đối với các sản phẩm, Tân Hiệp Phát luôn ý thức không chỉ để kiếm tiền mà chính là đền đáp tình cảm của người tiêu dùng đối với Tân Hiệp Phát. Nhiều năm qua, bên cạnh việc chăm lo cho hơn 4.000 cán bộ, nhân viên và gia đình của mỗi thành viên, Tân Hiệp Phát còn tham gia trực tiếp, gián tiếp nhiều hoạt động xã hội, đến nhiều địa phương, chia sẻ với người dân các vùng, miền những khó khăn trước mắt. Tân Hiệp Phát luôn mong muốn góp phần nhỏ bé đóng góp cho sự phát triển, hội nhập của đất nước, hưởng ứng nhiệt thành các phong trào của Nhà nước, Chính phủ đề ra, đúng tầm của một doanh nghiệp nội địa” – bà Phương cho biết thêm.

Ngoài ra, một trong những lợi thế của Tân Hiệp Phát là lãnh đạo và đội ngũ nhân viên rất sâu sát và hiểu thị trường. Những kinh nghiệm và việc chưa thành công như mong muốn, giúp cho Tân Hiệp Phát cơ hội hiểu thêm về thị trường, về vùng, miền, về nhu cầu người tiêu dùng Việt Nam. Nhờ vậy, Tân Hiệp Phát đã có nhiều thay đổi trong sản xuất và hệ thống bán hàng của mình.

Bạn đang đọc bài viết Thị trường nước giải khát Việt Nam: Còn nhiều dư địa phát triển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới