Chủ nhật, 24/11/2024 07:05 (GMT+7)
Thứ bảy, 16/04/2022 07:00 (GMT+7)

Thích ứng BĐKH và phát thải ròng bằng ‘0’ là cơ hội để Việt Nam phát triển bền vững

Theo dõi KTMT trên

Biến đổi khí hậu là xu thế không thể đảo ngược và là thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Do đó, thích ứng với BĐKH và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển của Việt Nam.

Đẩy nhanh hoàn thiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu được cho là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại thế kỷ 21. Các nhà khoa học đều nhất trí rằng Trái Đất đang có nguy cơ đối mặt với sự kiện sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 nếu thiếu các nỗ lực giúp chấm dứt và đảo ngược các tổn hại về hệ sinh thái.

Theo đó, thời gian qua, Cục Biến đổi khí hậu đã phối hợp với các cơ quan trực thuộc các bộ, ngành liên quan và tổ chức các nhóm chuyên gia xây dựng dự thảo Chiến lược. Trong quá trình xây dựng, Cục đã tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố về đề cương dự thảo, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thông tin.

Mục tiêu Chiến lược nhằm giảm mức độ dễ bị tổn thương và rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu thông qua nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tích cực đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.

Thích ứng BĐKH và phát thải ròng bằng ‘0’ là cơ hội để Việt Nam phát triển bền vững - Ảnh 1
Thích ứng với BĐKH và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển của Việt Nam.

Đặc biệt, theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, quan điểm xuyên suốt trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 khẳng định, biến đổi khí hậu là xu thế không thể đảo ngược và là thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Thích ứng với BĐKH và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân.

Việt Nam sẽ ứng phó với BĐKH trên nguyên tắc công lý, công bằng, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế.

Bên cạnh đó, Dự thảo Chiến lược nhấn mạnh, ứng phó với BĐKH là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện. Quá trình này cần sự nỗ lực liên tục, kiên định, thống nhất trong nhận thức và hành động.

Các giải pháp cấp bách giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăng cường sức chống chịu trước tác động của BĐKH sẽ được triển khai. Trong đó, ưu tiên cao nhất bảo đảm an toàn, sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề; tập trung phát triển hạ tầng ứng phó với BĐKH, chuyển dịch năng lượng dựa trên tiềm năng, lợi thế của vùng, miền.

Tập trung nguồn lực, thu hút đầu tư cho ứng phó với BĐKH

Các chuyên gia cho rằng, để làm được điều này, Việt Nam sẽ tập trung nguồn lực cho ứng phó với BĐKH; phát triển các cơ chế tài chính, thị trường các-bon; thúc đẩy chuyển dịch đầu tư cho phát triển kinh tế ít phát thải; phát huy nguồn lực của Nhà nước làm đòn bẩy thu hút các nguồn lực của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nguồn lực quốc tế trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Những quan điểm này đều hướng tới mục tiêu cao nhất của Chiến lược, làm sao để Việt Nam chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do BĐKH; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; tận dụng cơ hội từ ứng phó BĐKH để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế; đóng góp tích cực, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu Trái Đất.

Chia sẻ về vấn đề này, để Việt Nam đạt được khát vọng COP26, vị Giám đốc điều hành McKinsey tại Việt Nam khuyến nghị Việt Nam cần tập trung vào 5 vấn đề ưu tiên.

Thứ nhất, phi carbon hóa cần là một ưu tiên đối với Việt Nam bởi biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam thông qua những rủi ro vật lý cũng như rủi ro trong quá trình chuyển đổi.

Thứ hai, Việt Nam cần có lộ trình để đạt đến trạng thái phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thông qua những nỗ lực liên ngành, huy động sự tham gia của toàn xã hội.

Thứ ba, lĩnh vực năng lượng điện cần được ưu tiên đặc biệt. Trong đó, để đạt được trạng thái “Zero”, Việt Nam cần lắp đặt 70GW điện mặt trời và 150 GW điện gió vào năm 2050.

Thứ tư, điện khí hóa phương tiên giao thông đường bộ sẽ là một lĩnh vực trọng tâm khác mà Việt Nam cần quan tâm nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã tiên phong trong việc triển khai ứng dụng xe điện 2 bánh.

Thứ năm, cần có nỗ lực phối hợp giữa tất cả các ngành để đẩy nhanh quá trình phi carbon hóa của Việt Nam, đặc biệt trong việc thực hiện các đòn bẩy quan trọng như đường sắt cao tốc, giao thông công cộng và chuyển đổi sang sản xuất chế tạo tiên tiến.

Cũng tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ Biên tập cùng các chuyên gia đã thảo luận, góp ý về các nội dung quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong dự thảo Chiến lược; các chương trình, dự án ưu tiên triển khai từ nay đến năm 2030; lựa chọn phương án giảm phát thải cho lĩnh vực năng lượng; nhiệm vụ, giải pháp cụ thể hóa cam kết COP 26; chủ trương sản xuất các hàng hóa tiêu tốn nhiều năng lượng đủ dùng cho nhu cầu trong nước, không xuất khẩu; chủ trương hạn chế xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho chủ rừng; chủ trương nhà nước mua lại tín chỉ CO2 để đảm bảo mục tiêu giảm phát thải quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh, đây là vấn đề cấp bách bởi hiện nay, các đối tác quốc tế rất quan tâm và muốn đồng hành với Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt trong chuyển đổi năng lượng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm vấn đề này và đã chỉ đạo quyết liệt nhằm hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại COP26.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Thích ứng BĐKH và phát thải ròng bằng ‘0’ là cơ hội để Việt Nam phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới