Chủ nhật, 24/11/2024 08:57 (GMT+7)
Thứ sáu, 21/04/2023 06:00 (GMT+7)

Thiên tai đã "thổi bay" gần 20 nghìn tỷ đồng trong năm 2022

Theo dõi KTMT trên

Năm 2022 thiên tai đã khiến 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng, gấp 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021.

Thiệt hại kinh tế tăng 3,4 lần so với năm 2021

Thông tin tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 ngày 20/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, năm 2022, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm và trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần) trong đó có 1.072 trận thiên tai đã được thống kê.

Tại miền Bắc, mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, ngập lụt đô thị, khu công nghiệp trong các tháng 4,5,6, nhất là tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên… Các hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang đã phải vận hành xả lũ khi chưa vào thời kỳ mùa lũ và duy trì trong một thời gian khá dài (đây là một năm hiếm thấy kể từ khi hệ thống liên hồ chứa sông Hồng đi vào khai thác, vận hành).

Thiên tai đã "thổi bay" gần 20 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 - Ảnh 1

Tại khu vực miền Trung, mưa lớn trái mùa xảy ra vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 gây ngập lụt diện rộng các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên; liên tiếp 3 cơn bão đổ bộ và mưa lũ sau bão gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, trong đó bão số 4 (Noru) đạt cường độ mạnh nhất cấp 14-15, giật cấp 17, gần đạt cấp siêu bão trên Biển Đông, suy yếu nhanh và đổ bộ vào Đà Nẵng-Quảng Nam ngày 28-9, đã gây mưa rất lớn từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, trong đó riêng Nghệ An mưa rất lớn từ 300-500mm (Quỳnh Lưu 662mm; Con Cuông 650mm), gây ngập lụt tại khu vực đồng bằng và lũ quét nghiêm trọng tại huyện Kỳ Sơn.

Mưa lớn sau bão số 5 (tại thành phố Đà Nẵng mưa rất to tại Suối Đá 831mm, vượt lịch sử năm 2018 là 635mm; cường suất rất lớn 642mm trong vòng 7 giờ (từ 15 giờ đến 21 giờ) ngày 14-10-2022 đã gây lũ trên báo động 3 (BĐ) trên các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế; ngập lụt đặc biệt nghiêm trọng có nơi tới 1,5-2,0m tại trung tâm thành phố Đà Nẵng.

Ngoài ra, triều cường, kết hợp gió mạnh trên biển gây sóng lớn từ 1,5-2m tại khu vực biển Tây gây tràn và sạt lở đê biển Tây, tỉnh Cà Mau; 247 trận động đất xảy ra liên tiếp trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum…

Thiên tai năm 2022 đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021). Từ đầu năm 2023 đến nay, đã xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận dông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại và 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển; trong đó, cuối tháng 3-2023 đã xảy ra nắng nóng vượt lịch sử cùng thời kỳ tại Hòa Bình. Thiên tai đã làm 7 người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng.

Năm 2023, diễn biến thiên tai còn rất khó lường

Theo ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Năm 2023, hiện tượng Elno nên có khả năng sẽ ít mưa hơn so với nhiều năm nhưng các cơn bão sẽ xuất hiện với cường độ lớn hơn và khó dự báo, cường độ diễn biến khó lường. Ngoài ra, do lượng mưa ít nên nguy cơ về hạn hán, xâm nhập có nhiều diễn biến rất khó lường.

Thiên tai đã "thổi bay" gần 20 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 - Ảnh 2
Năm 2023, dự báo tình hình thiên tai sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. (Ảnh minh hoạ)

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, năm 2023, dự báo tình hình thiên tai sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. Vì thế, các địa phương, đơn vị chủ động xây dựng các phương án cụ thể, phù hợp và kịp thời triển khai một cách hiệu quả. Đồng thời phối hợp các ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn; nâng cao năng lực phòng chống thiên tai tại địa phương mình.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các địa phương ưu tiên bố trí kinh phí, bổ sung phương tiện, vật tư phục vụ phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn. Tiếp tục đẩy mạnh thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra..

Còn nhiều tồn tại trong công tác cứu hộ, cứu nạn

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu, mới đáp ứng khoảng 20-30% nhu cầu thực tế của các địa phương; chưa có dòng ngân sách riêng để chủ động khắc phục hậu quả thiên tai.

Bên cạnh đó, việc thành lập Quỹ Phòng chống thiên tai Trung ương chưa hoàn thành. Tiến độ triển khai công tác khắc phục hậu quả ở một số địa phương triển khai còn chậm, không dứt điểm mặc dù đã có quy định của pháp luật, dẫn đến chưa đáp ứng được yêu cầu hoặc giảm hiệu quả đầu tư như việc phân bổ và triển khai kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả năm 2021, 2022.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Thiên tai đã "thổi bay" gần 20 nghìn tỷ đồng trong năm 2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới