Thứ năm, 28/11/2024 02:05 (GMT+7)
Thứ năm, 16/03/2023 09:24 (GMT+7)

Ước tính mức thiệt hại kinh tế đối với các dự án “treo” (Bài 4)

Theo dõi KTMT trên

Thời gian đầu năm 2023, báo chí lại có dịp nói về các dự án “treo” với cái nhìn từ nhiều góc độ khác nhau. Dưới góc nhìn kinh tế môi trường chúng tôi muốn làm rõ hơn về mức thiệt hại của dự án này theo nhiều cách tiếp cận khác nhau.

Đặt vấn đề

Dự án treo là dự án đã được lên kế hoạch, đã được phê duyệt ở mức nào đấy, đã chi phí nhiều hạng mục nhưng chưa thật sự bắt đầu thực hiện dự án. Trong kinh tế thị trường, một dự án phát triển phải có thời điểm đầu trên trục thời gian, lúc ấy coi thời gian t=0, từ năm sau trở đi lần lượt lấy t=1, t=2, t-3,… Như vậy, đối với dự án treo rất khó xác định thời điểm ban đầu. Sở dĩ phải xác định thời điểm t=0 như vậy là do đồng tiền sẽ chịu chiết khấu theo thời gian, có phần giống như tính toán giá so sánh trong Niên giám thống kê. Nghĩa là, giá trị/lợi ích đồng tiền T thu được hoặc chi phí ở năm thứ t nào đó thì khi tính giá trị về thời điểm ban đầu (t=0) chỉ còn ở mức giá trị là T/(1+r)t, trong đó r là hệ số chiết khấu. Hệ số này sẽ được chủ dự án hoặc các bên đánh giá khác có liên quan lựa chọn, chúng có giá trị luôn dương, trong khoảng vài phần trăm đến hàng chục phần trăm. Chắc chắn khi chọn chiết khấu lớn thì đồng tiền sẽ suy giảm giá trị càng nhanh, chẳng hạn r=5% thì từ năm thứ 15 trở đi thì giá trị tính về thời điểm ban đầu sẽ dưới 50% (so với mức ban đầu) còn với r=10% thì chỉ từ năm thứ 8 còn khi r=15% thì chỉ từ năm thứ 5 trở đi.

Ước tính mức thiệt hại kinh tế đối với các dự án “treo” (Bài 4) - Ảnh 1
Cận cảnh hoang tàn, nhếch nhác tại KĐT sinh thái Đồng Mai.

Ở Việt Nam, khi dự án được duyệt sẽ đi kèm quyết định giao đất cho chủ dự án thực hiện, thời điểm quyết định này có thể lấy làm thời điểm t=0. Nếu thời gian treo kéo dài thì khi tính chiết khấu đồng tiền thu được sẽ mất giá trị khá lớn,

Một điều khác cần xác định rõ, đó là dù thiệt hại do doanh nghiệp chủ dự án chịu thì thiệt hại này cũng là thiệt hại chung của toàn xã hội.

Phương pháp ước tính thiệt hại

Tính thiệt hại dựa trên đánh giá chi phí lợi ích (Cost Benefit Analysis – CBA)

Khi tính toán hiệu quả của một dự án người ta thường tính các giá trị như giá trị hiện tại ròng (Net Present Value= NPV), giá trị hệ số hoàn vồn nội tai (Internal Return Rate- IRR)  hoặc tỷ số chi phí lợi ích B/C. Các giá trị này phải tính tổng cộng trong suốt thời gian thực hiện dự án, bắt đầu từ thời điểm t=0 nào đó và phải tính tới số chiết khấu, Các công thức tính các giá trị này có thể tham khảo trong nhiều tài liệu, chỉ xin viện dẫn một tài liệu khá phổ biến là Giáo trình Kinh tế môi trường do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành lần thứ 6 năm 2013 và hiện nay đang lưu hành trên mạng.

Đối với dự án “treo” phải tính toán các giá trị nêu trên cho nhiều phương án khác nhau rồi so sánh kết quả sẽ thấy mức thiệt hại khi để dự án treo trong thời gian dài. Các phương án có thể tính đến như:

Phương án ban đầu

Đây là phương án được đưa trình để được thực hiện, khi đó giá trị t=0, hệ số chiết khấu, tuổi thọ dự án đã được lựa chọn, các giá trị chi phí lợi ích các năm thực hiện dự án được ước tính. Khi đó sẽ tính được các giá trị ký hiệu là NPV1, IRR1 và (B/C)1.

Phương án dự án bị treo và thời điểm t=0 vẫn giữ như phương án ban đầu.

Khi đó tuổi thọ dự án có thể kéo dài (nếu thời gian sử dụng đất cho phép) bằng tuổi thọ phương án ban đầu cộng với số năm “treo”. Hệ số chiết khấu và các giá trị lợi ích/chi phí các năm giữa phương án này với phương án ban đầu phải chọn tương đồng, Với phương án này ta sẽ tính được giá trị NPV2, IRR2 và (B/C)2.

Phương án dự án treo nhưng các tính toán NPV, IRR, B/C bắt đầu từ năm hết “treo” nào đó (sau năm t=0).

Gọi chênh lệch thời gian phương án này với phương án đầu là dT (năm) và giả thiết có tính tương đồng các giá trị chiết khấu, lợi ích/chi phí các năm. Khi đó tính được các giá trị NPV3, IRR3 và (B/C)3, ngoài ra phải tính tới mức lợi ích bị mất do không thực hiện dự án NPV4, IRR và (B/C)4.

Có được các giá trị này có thể so sánh để tính mức thiệt hại do dự án treo gây ra so với trường hợp thực hiện theo đúng tiến độ.

Tính thiệt hại theo tính toán/tiếp cận“chi phí tựa cơ hội”

Trong nhiều trường hợp, để thấy mức thiệt hai do hiện  tượng dự án bị “treo” có thể tính mức thiệt hại khi sử dụng đất đai vào  dự án (không giống dự án ban đầu) đơn giản hơn. Một dự án sử dụng đơn giản nhất là phân lô bán nền thu tiền trực tiếp của người mua/đấu thầu được rồi đem tiền gửi ngân hang lấy lãi (đối với đất đô thị) hoặc dựa trên hiệu quả trồng cây nào đấy (đất nông nghiệp). Trong trường hợp như vậy có thể tính giá trị theo phương pháp CBA ở trên với tuổi thọ “dự án” là thời gian dự án bị “treo”. Nếu có thể tính với nhiều dự án sử dụng đất khác nhau thì có thể chọn mức thiệt hại của dự án treo là mức giá trị lợi ích cao nhất trong số các dự án được tính toán.

Ước tính mức thiệt hại kinh tế đối với các dự án “treo” (Bài 4) - Ảnh 2
Dự án Nhà máy Chế biến – tổng kho bảo quản rau, củ, quả của Công ty CP Vinamit 16 năm bỏ hoang.

Có thể còn có thêm cách xác định thiệt hại khác nhưng hai cách nêu trên có thể coi là mang tính cơ bản, có thể áp dụng trong thực tiễn. Thật ra, không chỉ dùng riêng rẽ từng cách tiếp cận mà nhiều khi phải áp dụng cả hai để có thể phân tích kỹ hơn nhiều khía cạnh liên quan.

Một số ví dụ ước tính thiệt hại

Để minh họa cho các cách tính trên, có thể nêu một số dự án “treo” có thể áp dụng các phương pháp nêu trên để ước tính giá trị thiệt hại.

Dự án: Đầu tư khai thác và tuyển quặng Mỏ sắt Thạch Khê

Có thể coi là dự án treo có quy mô khá lớn do một Tập đoàn lớn đầu tư thực hiện. Dự án này đã dừng hoạt động từ năm 2011 với nhiều nguyên nhân chưa được giải quyết nên đến nay (đầu năm 2023) vẫn chưa có kết luận cuối cùng là cho tiếp tục thực hiện dự án theo đề xuất của chủ đầu tư Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) hay dừng dự án, chuyển mục đích sử dụng vùng dự án cho dự án khác do UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất.

Một trong những lý do mà Chủ dự án đề xuất thực hiện dự án là đã chi khoản kinh phí quá lớn (gần 2.000 tỷ đồng giai đoạn 2008-2010) để giải phóng mặt bằng và thử nghiệm khai thác đến độ sâu 34m. Nếu dừng dự án sẽ khó giải trình các khoản chi rất lớn, ảnh hưởng nhiều mặt đến kế hoạch của chủ đầu tư và nhiều thiệt hại, hậu quả đi kèm. Chủ dự án cũng đề xuất tiếp tục thực hiện đề tài và chứng minh hiệu quả kinh tế khá cao nhưng cần công khai các phương pháp tính, số liệu được sử dụng, đặc biệt là khả năng tác động đến môi trường và tính cả đến thời gian dừng hoạt động.

UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê tiềm ẩn nhiều tác động khó kiểm soát, kể cả sự cố môi trường với hậu quả lớn. Trong khi, nếu chuyển đổi sang dự án mở rộng, kết nối du lịch với một số vùng du lịch xung quanh như Thiên Cầm chẳng hạn thì đảm bảo tốt hơn cả yếu tố kinh tế và môi trường. UBND tỉnh Hà tĩnh cũng đã lường được những tác động bất lợi của việc dừng dự án và mong muốn cùng chủ dự án tìm cách khắc phục.

Như vậy, một trong những cơ sở để quyết định dừng hay cho dự án  khai thác mỏ sắt Thạch Khê tiếp tục triển khai là các giá trị định lượng về kinh tế chưa được tính toán rõ và công khai để nhiều người được biết.

Đặc biệt, phải ước tính được thiệt hại do bị “treo” trong thời gian dài. Một mặt, chủ dự án phải tính tới điều này khi tính lợi ích kinh tế nếu tiếp tục thực hiện dự án, liệu có làm giảm các giá trị NPV, IRR, B/C đồng nghĩa với giảm hiệu quả kinh tế hay không và mức giảm là bao nhiêu. Xin nêu mấy điểm cần chú ý khi tính tới thời gian dự án bị “treo”, bao gồm:

-Sự suy giảm giá trị đồng tiền theo thời gian khi tính tới thời gian dừng dự án,

-Giá trị có thể thu được từ tổng diện tích đất sử dụng của dự án là 4.821 ha (chẳng hạn lợi ích tựa cơ hội khi sử dụng diện tích này trong nông nghiệp, du lịch).

Dự án: Sử dụng khu đất đã giải phóng mặt bằng của Triển lãm Giảng Võ

Về dự án này đã có loạt bài đăng trên Tạp chí Môi trường điện tử mục Góc nhìn KTMT. Vì vậy, ở đây chỉ nhắc lại cách tiếp cận lợi ích tựa cơ hội khi sử dụng mục đích sử dụng phân lô bán nền cho xây dựng nhà ở và cơ sở dịch vụ lấy tiền gửi ngân hàng lấy lãi. Theo các bài viết này, khu vực rộng gần 70.000 m2, sau khi dành diện tích công cộng vẫn có thể trích ra 50.000 m2 để phân lô bán nền với giá giả định năm 2016 là 300 triệu đồng một m2. Khi đó, số tiền thu được ban đầu là 15.000 tỷ đồng, gửi vào ngân hàng liên tục, chúng ta sẽ hưởng được mức lãi các năm trên bảng 1.

Bảng 1. Mức lãi suất thu được hang năm khi gửi vốn ban đầu 15.000 tỷ đồng năm 2016.

Năm

2017

2018

2019

2020

2021

2022

Tổng

Lãi (tỷ đồng)

900,00

1854,00

2865,24

3937,15

5073,38

6277,79

20907,56

Lãi tính về giá 2016 (tỷ đồng)(*)

849,06

1650,05

2405,71

3118,60

3791,13

4425,59

16240,14

Ghi chú: (*) tính với chiết khấu 6%

Có thể lấy mức lãi thu được trong các năm từ kinh phí thu được từ chia lô bán nền đất Khu Triển lãm Giảng Võ trong thời gian “treo” không hề nhỏ và có thể coi là mức lãng phí lớn.

Tất nhiên đây chỉ là con số mang tính đặc trưng, phần nào chỉ ra mức độ thiệt hại do các dự án chậm đưa diện tích đất được giao vào thực hiện dự án.

Kết luận

-Chắc chắn dự án “treo” sẽ gây thiệt hại nhiều mặt về cả lĩnh vực kinh tế và xã hội. Cách tiếp cận tính toán thiệt hại kinh tế bằng tiền tệ nêu trên là hướng cần được quan tâm, xem xét, đưa vào áp dụng làm rõ mức độ thiệt hại/lãng phí của các dự án “treo”.

-Các chủ dự án và cơ quan quản lý dự án cần tiến hành tính toán thiệt hại để cùng tìm biện pháp khắc phục. Các cơ quan báo chí cũng có thể áp dụng phương pháp chi phí/lợi ích tựa cơ hội để ước tính và cảnh báo mức thiệt hại khi đất đai bị bỏ hoang, không sử dụng đúng mục đích. Nếu có cơ sở dữ liệu về giá trị đất đai do cơ quan nhà nước hoặc ngoài nhà nước xây dựng thì ước tính này só tính thuyết phục cao hơn và cảnh báo, đánh giá về dự án treo sẽ có tác dụng hơn.

GS Hoàng Xuân Cơ (Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam)

Bạn đang đọc bài viết Ước tính mức thiệt hại kinh tế đối với các dự án “treo” (Bài 4). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới