Chủ nhật, 24/11/2024 08:18 (GMT+7)
Chủ nhật, 07/06/2020 11:51 (GMT+7)

Thiếu nước, gần 45 nghìn ha đất trồng lúa có nguy cơ bị bỏ hoang

Theo dõi KTMT trên

Do thiếu nước ở khu vực ở Trung Bộ và Tây Nguyên, vụ Hè Thu năm nay, diện tích đất trồng lúa có khả năng bị bỏ trống lên tới gần 45 nghìn ha.

Thiếu nước, gần 45 nghìn ha đất trồng lúa có nguy cơ bị bỏ hoang - Ảnh 1
Thiếu nước ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, chất lượng cây trồng. (Ảnh: VGP)

Đây là thông tin được Cục Trồng trọt (Bộ NN&PT-NT) báo cáo trong Hội nghị triển khai công tác thủy lợi đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2020 khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên ngày 5/6 tại Quảng Ngãi.

Hạn hán khốc liệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, từ đầu năm 2020 đến nay, một số khu vực Trung bộ và Tây Nguyên có lượng mưa thiếu hụt lớn so với trung bình nhiều năm, đã xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước ở một số địa phương, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Tại vùng Duyên hải Trung bộ, từ đầu vụ Đông Xuân 2019 – 2020, do nguồn nước không đảm bảo, một số địa phương đã điều chỉnh giảm diện tích sản xuất cho khoảng 23.500 ha cây trồng, chiếm 6% diện tích gieo trồng vụ ĐX 2019 – 2020.

Vào thời điểm cao nhất (cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2020) có 2.990 ha cây trồng chủ yếu là lúa Đông Xuân bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước đặc biệt là các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận.

Về ảnh hưởng đến nước sinh hoạt, hiện đang có 34.724 hộ dân đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Cụ thể, Quảng Bình 3.300 hộ, Quảng Ngãi 1.625 hộ, Phú Yên 1.100 hộ, Ninh Thuận 2.399 hộ, Bình Thuận 26.300 hộ...

Khu vực Tây Nguyên, thời điểm cao nhất trong vụ Đông Xuân có 27.387 ha cây trồng bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước và hiện nay có khoảng gần 7.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Mùa khô khu vực Trung bộ vẫn còn kéo dài đến hết tháng 8/2020. Trong khi đó nguồn nước dự trữ tại các hồ chứa hiện đang ở mức thấp. Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi, ở vùng Trung bộ, do mùa mưa ở hầu hết các địa phương bắt đầu từ tháng 9 nên lượng nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp chủ yếu từ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Trong khi đó, dung tích các hồ chứa trong vùng lại đang ở mức thấp.

Hiện dung tích các hồ chứa của các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế đạt 59% dung tích thiết kế, thấp hơn năm 2018 khoảng 5%, gần tương đương so với các năm 2016, 2019. Dung tích các hồ chứa trong vùng từ Đà Nẵng đến Bình Thuận đạt 45% dung tích thiết kế, thấp hơn các năm 2018, 2019 khoảng 19%.

Dung tích trữ hiện tại các hồ chứa khu vực Tây Nguyên chỉ đạt 26-41% dung tích thiết kế. Mùa mưa trong khu vực đã bắt đầu từ tháng 5, sản xuất vụ mùa trong thời gian mùa mưa nên nguồn nước sẽ cơ bản được đảm bảo.

Thiếu nước, gần 45 nghìn ha đất trồng lúa có nguy cơ bị bỏ hoang - Ảnh 2
Một hồ chứa nước ở Đắk Lắk cạn khô. (Ảnh: Lao động)

Sử dụng hợp lý nguồn nước để ứng phó khô hạn

Trước tình hình các hồ chứa đang có dung tích thấp như hiện nay, nguy cơ hạn hán, thiếu nước sẽ xảy ra trên diện rộng trong vụ Hè Thu 2020. Đại diện Cục Trồng trọt cho biết, vụ Hè Thu năm nay, diện tích đất trồng lúa có khả năng bỏ đất trống không sản xuất do thiếu nước khoảng gần 45 nghìn ha, trong đó Bình Thuận khoảng 26,7 nghìn ha, Ninh Thuận khoảng 10,8 nghìn ha, Bình Định khoảng 5,0 nghìn ha, Quảng Ngãi khoảng 1,8 nghìn ha.

Cục trồng trọt đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ việc vận hành các nhà máy thủy điện theo lịch điều tiết tại các thông báo đã được Bộ NN&PTNT ban hành; tiếp tục xây dựng lịch điều tiết các hồ chứa thủy điện để phục vụ thủy lợi khi xảy ra hạn hán, thiếu nước theo đúng qui định hiện hành.

Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống hạn, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh theo hướng chủ động, linh hoạt bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, thời điểm xuống giống lúa phù hợp, ở những vùng đủ nước cần đẩy sớm lịch sản xuất để tận dụng nguồn nước, vùng không đảm bảo nguồn nước cần xem xét giãn, dừng cho diện tích lúa để chờ mưa hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng…

Thiếu nước, gần 45 nghìn ha đất trồng lúa có nguy cơ bị bỏ hoang - Ảnh 3
Một góc cánh đồng ở xã Phổ Cường (Quảng Ngãi) bỏ hoang không canh tác. (Ảnh: Đại đoàn kết)

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PT-NT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn theo các kịch bản có thể xảy ra, huy động nguồn lực để chủ động triển khai các giải pháp phù hợp, đảm bảo tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp.

Thực hiện các giải pháp tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Công điện số 601/C Đ-TTg ngày 12/5/2020 về việc tập trung ứng phó với nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Công điện 601/CĐ-TTg yêu cầu tập trung ứng phó với nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên.

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố kiểm kê, đánh giá nguồn nước trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn, điều chỉnh và bổ sung phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho phù hợp. Các địa phương ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi gia súc, các vùng đã sản xuất và tưới cây công nghiệp lâu năm.

Các địa phương tổ chức nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, tích nước hồ chứa, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến, đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước và ngăn mặn; đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Bộ NN&PT-NT tổng hợp tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở các địa phương; đề xuất các hỗ trợ của các địa phương gửi Bộ Tài chính để trình Chính phủ hỗ trợ các địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kịp thời, hiệu quả.

Bộ NN&PT-NT tiếp tục rà soát, đánh giá lại năng lực của các công trình thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa nước ở các vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; xây dựng bản đồ dự báo hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn để các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp.

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Thiếu nước, gần 45 nghìn ha đất trồng lúa có nguy cơ bị bỏ hoang. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới