Thủ tướng: Không dao động, sợ hãi trước thử thách của tự nhiên
Biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi các mô hình, phương thức sản xuất, ảnh hưởng đến kinh tế và sinh kế của hàng triệu người dân cũng như tương lai của con cháu chúng ta, song xét cho cùng nó không nghiêm trọng bằng sự dao động của ý chí, của bản lĩnh, niềm tin của chúng ta trước các thử thách của tự nhiên và tạo hóa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Hội nghị đánh giá 2 năm triển khai Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) vào chiều 18/6, tại TP HCM.
Thủ tướng cho rằng, BĐKH bất thường của thế giới và khu vực Đông Nam Á đe dọa sự phát triển an toàn của người dân. Ở Việt Nam, theo thống kê, năm 2018, thiên tai liên tiếp xảy ra ở nhiều vùng và đặc biệt là nhiệt độ tăng lên mức kỷ lục. Trong nhiều báo cáo của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là 1 trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu ở châu Á.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính gần 55% dân số Việt Nam sẽ bị tổn thương trước mối đe dọa từ thiên nhiên. Điều đáng lo ngại là nhiều người dân vẫn chưa nhận thức được những thách thức này. Nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng ứng phó với thách thức từ thiên tai hay hiện tượng nóng lên toàn cầu cũng như chưa có ý thức góp phần giảm các tác nhân gây BĐKH.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nghị quyết 120 đã đặt vấn đề thúc đẩy triết lý phát triển “thuận thiên”, tức là dựa vào các quy luật của tự nhiên để phát triển, không can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phá vỡ tính cố kết sẵn có của tự nhiên. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
ĐBSCL có dân số 20 triệu người, đóng góp khoảng 20% GDP cả nước, nếu tính cả vùng TP HCM (bao gồm các tỉnh Đông Nam Bộ) thì quy mô GDP vùng ĐBSCL và vùng TP HCM sẽ chiếm hơn 60% GDP cả nước. Vai trò của ĐBSCL và vùng TP HCM đối với cả nước không chỉ thể hiện ở con số tỷ trọng đóng góp đó. Nếu trừ ĐBSCL và vùng TP HCM ra thì phần đóng góp của các địa phương khác sẽ ít hơn con số 40%. Nếu không có ĐBSCL hay vùng này bị ảnh hưởng thì quy mô GDP của TP HCM không thể giữ được mức 30% của cả nước như hiện nay.
Một thống kê gần đây cho thấy, trong 10 năm trở lại đây, 1,7 triệu người đã di cư ra khỏi ĐBSCL trong khi chỉ có 700.000 người chuyển đến. Tỷ lệ di cư này gấp đôi trung bình cả nước. Điều này tạo ra thách thức cho nhiều địa phương.
Dẫn lại sự kiện lịch sử về sự sụp đổ của nền văn minh Maya với một trong những nguyên nhân mà theo các nhà khoa học là do hạn hán, trong đó người Maya đã làm trầm trọng hơn vấn đề bằng chặt phá rừng để lấy đất xây dựng thành phố, canh tác mùa màng, Thủ tướng cho rằng, sự trù phù của ĐBSCL đã mang đến cuộc sống ấm no, trù phú cho người dân, nhưng sinh kế hàng chục triệu dân trong vùng đang đứng trước thử thách lớn, mang tính bước ngoặt mà nếu vượt qua được, ĐBSCL có sức bật tăng trưởng rất lớn.
"Cơ hội và thách thức do chính cách chúng ta nhìn vấn đề. Chẳng hạn, với tình trạng xâm nhập mặn, nếu nhìn cây lúa thì thấy thách thức, nhưng nếu nhìn con tôm thì có thể là cơ hội" - Thủ tướng nói.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
"Lịch sử của loài người, về bản chất là lịch sử của những cuộc chinh phục tự nhiên, không giai đoạn phát triển nào thiên nhiên lại dễ dàng với con người nhưng loài người vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển như ngày nay, đó chính là nhờ bản lĩnh và chất xám của con người. Có lẽ bất kỳ thời kỳ nào thì câu nói thiên nhiên ngày càng tàn khốc cũng đúng, thật khó để có so sánh diễn biến thời tiết và khí hậu xưa hay nay khắc nghiệt hơn, nhưng có điều chắc chắn là năng lực hiểu biết và khả năng ứng phó của chúng ta đã tốt hơn xưa rất nhiều. Thế nhưng, dù với những công nghệ còn đơn giản xưa kia, cha ông ta vẫn có thể ứng phó được nhiều biến động của thiên tai và thời tiết, vậy tại sao chúng ta lại lo lắng, tỏ ra sợ hãi trước những thách thức của thiên tai. Chúng ta không sợ hãi trước thách thức của thiên tai nếu có ý thức và biết cách làm tốt. Tôi muốn nói điều này để báo cáo lại với tất cả quý vị lãnh đạo cũng như những nhà khoa học, chắc các nhà khoa học ủng hộ chúng ta những quan điểm này" - Thủ tướng chia sẻ.
Nghị quyết 120 đã đặt vấn đề thúc đẩy triết lý phát triển "thuận thiên”, tức là dựa vào các quy luật của tự nhiên để phát triển, không can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phá vỡ tính cố kết sẵn có của tự nhiên nhưng điều này không có nghĩa là cam chịu, là chấp nhận số phận hay sự sắp đặt của tạo hóa. Số phận suy vong hay thịnh phát do chính chúng ta quyết định bằng chính hành động của mình. Chứ không phải là “thuận thiên” là xuôi tay hết.
Theo Thủ tướng, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 120, chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng mà các báo cáo của các bộ đã cung cấp. Có thể nói khối lượng công việc mà chúng ta đã làm không ít hơn các sự cố thiên tai đã diễn ra trong 2 năm qua. Tuy nhiên, chúng ta còn có thể và phải làm tốt hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt làm sao để những chính sách và hành động có tác động lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa đến cộng đồng, mang lại hiệu quả thực tế và đậm nét hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Để đạt được yêu cầu đó, chúng ta phải huy động triệt để tâm sức, trí tuệ của các nhà khoa học, các tổ chức tư vấn, phát huy vai trò của chính quyền các cấp, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò của người dân.
Nhân dịp này, Thủ tướng nêu rõ phương châm hành động của Chính phủ thời gian tới là: Chính phủ thúc đẩy, doanh nghiệp hành động, người dân hưởng ứng. Theo đó, Chính phủ thúc đẩy bằng chức năng kiến tạo, xác lập các cơ chế và chính sách để khuyến khích và thúc đẩy. Chính phủ tiếp tục bố trí lại, bổ sung nguồn lực, trước hết là hạ tầng cứng, đào tạo nhân lực. Doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, cả kinh tế hộ gia đình hành động bằng các dự án đầu tư cụ thể. Người dân hưởng ứng bằng tăng cường sự nhận thức, đồng thuận và tham gia cùng với Chính phủ và cộng đồng.
Thủ tướng đề nghị nghiên cứu thêm một số vấn đề như, tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp, thúc đẩy sự linh hoạt của chính sách và các yếu tố kinh tế. Chỉ có thể bằng các dự án của doanh nghiệp thì mới có chất xúc tác để trung hòa các tác động của BĐKH hay nước biển dâng.
Đối với thị trường đất đai, cần nghiên cứu cơ sở khoa học để bố trí lại đất đai với lúa gạo, trái cây, thủy sản đi liền với công nghiệp chế biến, xây dựng thương hiệu với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Cần thúc đẩy chuyển đổi đất đai để thích nghi với nhu cầu và mục đích sử dụng đất trước sự biến đổi nhanh và khó lường của thiên nhiên. Nghiên cứu tiếp tục giảm diện tích đất trồng lúa trên cơ sở tăng năng suất.
Về thị trường vốn, đang kém phát triển ở ĐBSCL, Thủ tướng đề nghị thúc đẩy hình thành các quỹ đầu tư, các cơ chế huy động vốn khuyến khích cho vay, giúp chuyển đổi cơ cấu nhanh chóng, tăng cường năng lực cho các thành phần kinh tế. Thủ tướng cho rằng, cần xây dựng cơ chế tài chính riêng cho vùng thông qua nguồn lực ngoài nước, vốn ODA và hoàn thiện thể chế về môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư tư nhân. Quyết tâm xây dựng một chương trình trọng điểm quốc gia cho vùng ĐBSCL để triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ tới theo hướng nghiên cứu xây dựng cơ chế ưu tiên phân bổ nguồn lực từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 cho vùng ĐBSCL. Theo đó, nghiên cứu đa dạng hóa nguồn lực trung ương, địa phương, ODA, FDI… với cam kết một khoản vốn khoảng 2 tỉ USD tăng thêm so với giai đoạn 2016-2020 và dành riêng cho ĐBSCL để đầu tư các dự án mang tính liên vùng, đang là “điểm nghẽn” phát triển trong lĩnh vực giao thông vận tải, BĐKH phù hợp với quy hoạch vùng được phê duyệt.
"Nhận thức thuận thiên ở đây không có nghĩa là phó mặc cho trời đất mà dành các nguồn lực để phát triển ĐBSCL rõ hơn, nhiều hơn" - Thủ tướng nói. Cần ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng nhiều hơn nữa cho vùng như phải làm cho xong đường cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận. Thủ tướng đề nghị đưa ngân sách chi cho ứng phó BĐKH thành một nhiệm vụ chi chính trong ngân sách của các địa phương. Chúng ta không chỉ lập dự toán dự phòng chống thiên tai như hiện nay, tức là kiểu ứng phó bị động mà phải có chương trình, nguồn lực ứng phó BĐKH một cách chủ động.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Các địa phương cần thúc đẩy liên kết vùng mạnh mẽ hơn trong ứng phó BĐKH, nếu không thì các chính sách sẽ không thể thành công. TP HCM phải phát huy vai trò "nhạc trưởng" trong điều phối hiệu quả các cơ chế liên kết vùng.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế thuế phát thải để khuyến khích cắt giảm phát thải khí nhà kính, qua đó, giúp huy động nguồn lực hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH.
"Cách đây hơn 320 năm, Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã vào Nam, mở mang bờ cõi để chúng ta có được như ngày nay. Xưa kia mở cõi chúng ta không thể hình dung hết được những khó khăn và trở ngại khi đến vùng đất trũng, nước đọng quanh năm, rừng thiêng, nước độc mà cha ông ta đã khai phá và chinh phục. Biết bao người đã ngã xuống nơi đây để có được vùng đất trù phú, giàu tiềm năng, độc lập, tự do như ngày nay" - Thủ tướng nói.
"Tổ tiên đã có công mở mang bờ cõi thì chúng ta phải có trách nhiệm cùng nhau bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ thiêng liêng của cha ông. BĐKH có thể làm thay đổi các mô hình, phương thức sản xuất, ảnh hưởng đến kinh tế và sinh kế của hàng triệu người dân cũng như tương lai của con cháu chúng ta, song xét cho cùng nó không nghiêm trọng bằng sự dao động của ý chí, của bản lĩnh, niềm tin của chúng ta trước các thử thách của tự nhiên và tạo hóa" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng tin rằng, với ý chí của người Việt Nam, người Nam bộ, nếu giữ được cội nguồn văn hóa, giữ được đất đai thì chúng ta sẽ làm giàu được trên mảnh đất thiêng liêng mà cha ông để lại.
Công cuộc chống BĐKH và thiên tai là một cuộc chiến trường kỳ, hết sức khó khăn và phức tạp. Do đó, chúng ta phải biết huy động nguồn lực tổng hợp của tất cả các thành phần, từ Trung ương đến địa phương, cả trong và ngoài nước, từ sức mạnh của nhân dân, hệ thống chính trị thì mới có thể bền vững, thành công.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị hành động nhằm thể chế hóa, thúc đẩy triển khai các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp được nêu ra tại hội nghị.
Theo Chinhphu.vn