Chủ nhật, 24/11/2024 10:06 (GMT+7)
Thứ hai, 04/11/2019 09:40 (GMT+7)

Thừa Thiên Huế: Ký ức đau thương trong trận 'đại hồng thủy' năm 1999

Theo dõi KTMT trên

Trong ngày 3/11, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã có chuyến thăm, tặng quà các hộ gia đình, các địa phương bị thiệt hại nặng nề về người trong cơn lũ lịch sử xảy ra năm 1999. Tròn 20 năm trôi qua, những ký ức kinh hoàng, đau thương ấy vẫn còn nguyên vẹn đối với người dân Cố đô.

Thừa Thiên Huế: Ký ức đau thương trong trận 'đại hồng thủy' năm 1999 - Ảnh 1
Trận lụt lịch sử năm 1999 nhấn chìm tỉnh Thừa Thiên Huế.

Vượt qua những đau thương

Những ngày đầu tháng 11 này, trời xứ Huế mưa nặng hạt và không ngớt khiến cho nhiều người thêm buồn, sợ hãi vì nhớ lại trận lụt lịch sử không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều biết đến.

Cách đây tròn 20 năm, một trận lụt ở miền Trung khiến 595 người thiệt mạng. Riêng tỉnh Thừa Thiên bị thiệt hại nặng nề nhất với 352 người chết, 21 người mất tích, hàng trăm người bị thương và nhiều ngôi làng ở địa phương này bị “xóa sổ”; đã có những người phải bỏ cả tính mạng mình để cứu sống những người khác gặp hoạn nạn trong cơn “đại hồng thủy”.

Ngày 4/11/1999, nước lũ rút dần trong tiếng nấc nghẹn của người dân mất gia đình, nhà cửa, cảnh xơ xác và tang thương diễn ra khắp nơi. Tại bia Quốc học Huế, hàng chục chiếc quan tài của người chết lũ được đặt thành hàng để chờ nhận mặt. Những ngày sau đó, nhiều hộ dân phải sống tạm bợ trong những căn nhà đổ nát và vật lộn với tình trạng thiếu lượng thực, nước sạch. Môi trường xung quanh bị ô nhiễm nặng bởi xác động vật.

Thừa Thiên Huế: Ký ức đau thương trong trận 'đại hồng thủy' năm 1999 - Ảnh 2
Bà Hường không kìm được nước mắt khi kể lại ký ức đau thương

Làng Rồng (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) là nơi chịu thiệt hại nặng nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đây, có rất nhiều gia đình bị mất đi người thân, trong đó gia đình bà Trần Thị Hường có đến 12 người thiệt mạng. Làng Rồng cũng là cái tên do chính Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đặt cho với mong muốn những người dân còn sống sót sau trận lũ lịch sử sẽ có cuộc sống đầy đủ, ấm no và phát triển mạnh mẽ hơn.

Thắp nén hương lên bàn thờ, bà Hường nghẹn ngào kể lại, khoảng 20h đêm 02/11/1999, thấy nước lũ dâng ngập nhà, hai vợ chồng chị liền dùng ghe chở 3 người con sang nhà nội cách khoảng 100m để tránh lũ. Khoảng một tiếng sau, tiếng la hét vang lên trong đêm, khi đó chị Hường mới biết bố mẹ ruột, 4 anh em trai, 2 chị dâu và 4 đứa cháu cùng với căn nhà đã bị lũ cuốn trôi ra biển.

“Những ngày sau đó, may mắn sống sót nhưng tôi như người mất hồn. Mãi sau này gia đình tôi mới tìm thấy hài cốt người thân để đưa về quê an táng khi thi thể họ trôi dạt vào bờ và được người dân sống ven biển ở các địa phương chôn cất...”, chị Hường xót xa nói.

Thừa Thiên Huế: Ký ức đau thương trong trận 'đại hồng thủy' năm 1999 - Ảnh 3
Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thắp hương tại nhà bà Hường

Thăm và tâm sự với người dân Làng Rồng, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vui mừng khi thấy người dân nơi đây đã biết vượt qua những khó khăn, mất mát, thiếu thốn của những ngày đầu. Giờ đây, cuộc sống của người dân làng Rồng đã có những khởi sắc, với những ngôi nhà mới vươn cao, cơ sở hạ tầng được đầu tư đầy đủ. Làng hiện có 64 hộ gia đình với 276 nhân khẩu, sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ, với mức thu nhập bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Cả làng không còn hộ nghèo.

Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, sau 20 năm, được sự hỗ trợ của Trung ương Đảng, Chính phủ, tất cả các khu vực dân cư bị thiệt hại do cơn lũ 1999 đã được hồi sinh, trong đó có làng Rồng.

“Mất mát nào rồi cũng sẽ qua đi, chúng ta phải biết phát huy tinh thần vượt khó, nỗ lực cùng nhau vươn lên, biến khó khăn thành cơ hội, luôn hướng về phía trước. Người dân và chính quyền phải cùng nhau đoàn kết để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn, người dân có cuốc sống no ấm và hạnh phúc...”, ông Thọ chia sẻ.

Thừa Thiên Huế: Ký ức đau thương trong trận 'đại hồng thủy' năm 1999 - Ảnh 4
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế thăm hỏi, động viện người dân bị thiệt hại nặng trong trận lụt 1999.

Chủ động phòng chống thiên tai

Trong một lần trò chuyện với PV, bà Nguyễn Thị Hiền (trú xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) kể rằng, lụt năm 1999 ghê lắm, ngập suốt một tuần lễ, nước dâng đến cột điện ở làng ước chừng 4m. Nhà nào nhà nấy chỉ còn thấy nóc chứ không thấy nhà, nhìn mà thương...

“Trong xóm nhà ai mà cao nhất thì gác thêm một tầng rồi cả xóm chèo ghe, chở con chở vợ đến ở lại nhờ. Gạo không có mà ăn vì ướt hết với không thể nấu được, chỉ biết ngồi chờ cứu trợ. Gà, vịt, trâu bò chết hết, nhiều người ngồi trên nóc nhà nhìn xuống nước thấy trâu bò, gà vịt nổi lềnh bềnh mà khóc. Của cải mất sạch, khi đó cứ ngồi đó mà nghĩ lụt xong lấy chi mà sống thôi...”, bà Hiền nhớ lại.

Sau khi thăm làng Rồng, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã thắp hương, dâng hoa tại nơi thờ 2 liệt sĩ Trung úy Lê Đình Tư và Binh nhất Phạm Văn Điền, cán bộ Hải Đội 2 (Bộ đội biên phòng tỉnh) hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ cứu dân trong trận lũ năm 1999. Thăm, tặng quà các gia đình có nạn nhân trong vụ sạt lở đợt lũ lịch sử năm 1999 ở Mũi Né (thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc)...

Thừa Thiên Huế: Ký ức đau thương trong trận 'đại hồng thủy' năm 1999 - Ảnh 5
Tặng quà cho bà con có người thân thiệt mạng.

Trò chuyện thêm với người dân và chính quyền các cấp, theo ông Phan Ngọc Thọ, cơn lũ năm 1999 là một bài học lớn trong công tác phòng chống bão lũ, thiên tai cho tỉnh Thừa Thiên Huế. Vì vậy, trong những năm qua, tỉnh đã luôn nỗ lực và triển khai nhiều phương án phòng chống, chủ động ứng phó với thiên tai.

Trong đó, tập trung nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH), luôn coi trọng việc lồng ghép xây dựng phát triển KTXH gắn với phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai theo phương châm “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”. Xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai theo phương châm “5 tại chỗ”, Lấy công tác phòng là chính, kết hợp nâng cao nhận thức của người dân về tác động và khả năng thích ứng với BĐKH. Tăng cường hệ thống đê kè, xử lý những vùng bị hư hỏng; tăng cường phương tiện, trang thiết bị, vật chất phục vụ công tác phòng chống bão lụt...

“Công tác tuyên truyền phòng chống bão lụt rất quan trọng, là nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ toàn dân, lấy phòng chống là chính. Nhận thức cảnh báo, phòng ngừa là một trong những nội dung cần được quán triệt. Những nơi xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa, người dân phải được sơ tán, di dời trước khi bão đến. Trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, môi trường...”, ông Thọ nhấn mạnh.

Bạn đang đọc bài viết Thừa Thiên Huế: Ký ức đau thương trong trận 'đại hồng thủy' năm 1999. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới