Chủ nhật, 24/11/2024 08:53 (GMT+7)
Thứ năm, 27/02/2020 14:30 (GMT+7)

Thúc đẩy chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản

Theo dõi KTMT trên

Đầu tư phát triển sản xuất, nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng các kỹ thuật mới, phát triển các sản phẩm mới và hình thành các chuỗi liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hợp tác xã (HTX) và các nhà phân phối là những giải pháp cấp thiết giúp nông sản TP Hà Nội khẳng định vị thế trong nước, từng bước chiếm lĩnh thị trường quốc tế.

Thúc đẩy chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản - Ảnh 1
Hội chợ Xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp 2019 tại Trung tâm thương mại AEON MALL Long Biên (Hà Nội).

Ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội, tính đến hết năm 2019, toàn thành phố có 133 mô hình ứng dụng công nghệ cao, phù hợp thực tiễn sản xuất nông nghiệp của thành phố đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ði đầu trong ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất phải kể đến hợp tác xã nông nghiệp Thanh Hà, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín. Từ một hợp tác xã nông nghiệp truyền thống, Thanh Hà đã triển khai thành công Chương trình số 02 của thành phố về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới vươn lên trở thành đơn vị chủ lực của huyện Thường Tín và của TP Hà Nội trong chuyển đổi hiệu quả cơ cấu giống cây trồng, tạo sản phẩm nông nghiệp an toàn, có chất lượng và giá trị kinh tế cao.

Ðể có được 1,15 ha sản xuất rau an toàn công nghệ cao, năm 2012, hợp tác xã Thanh Hà đã tiến hành thuê lại đất của nông dân xã Ninh Sở. Người dân trong xã vốn có nghề truyền thống mây tre đan và nghề mộc, cho nên ít đầu tư cho nông nghiệp, nhờ vậy, việc tích tụ ruộng đất của hợp tác xã Thanh Hà diễn ra khá thuận lợi. Sau khi có đất, hợp tác xã Thanh Hà nhanh chóng xây dựng khu nhà màng với hệ thống tưới phun tự động lên đến 8.000 m2 và hai kho lạnh để bảo quản, sơ chế rau, củ với tổng mức đầu tư gần năm tỷ đồng. Với quyết tâm thực hiện chiến lược phát triển sản phẩm rau an toàn chất lượng cao theo chuỗi khép kín tiêu chuẩn VietGAP đến sơ chế, tiêu thụ nông sản và hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ của thành phố, hợp tác xã Thanh Hà đã thành công và trở thành đơn vị tiên phong đưa dòng sản phẩm rau mầm vào thị trường, cho ra đời thương hiệu "Rau an toàn Vinasafl" với doanh thu đạt hơn 2 tỷ đồng/ha/năm. Hiện tại, hợp tác xã Thanh Hà đã và đang tính đến việc mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho gần 20 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng.

hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Ðồng Phú, xã Ðồng Phú, huyện Chương Mỹ với tiền thân là nhóm nông dân thôn Thượng Phúc đã thành công với dự án thí điểm Pamci (canh tác theo nguyên tắc hữu cơ) và phương pháp SRI nhằm cải thiện sản xuất lúa gạo và môi trường kinh doanh sạch. Nhờ quy trình sản xuất nghiêm ngặt lúa hữu cơ theo dự án Pamci gồm: Các nguồn đất, nước phải được kiểm tra dư lượng các chất kim loại nặng, nói không với thuốc trừ sâu, trừ cỏ, các chất hóa học sử dụng trong nông nghiệp từ: đạm, lân, ka-li và các chất bảo quản, tuyệt đối không dùng bất kỳ một loại hóa chất nào ngoài phân chuồng ủ hoai mục, cho nên sản phẩm gạo Ðồng Phú không chỉ được thị trường ưa chuộng mà còn được cấp chứng nhận Pamci theo vụ mùa và chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam 11041-2:2017. Những thành công bước đầu trong sản xuất gạo hữu cơ nhanh chóng trở thành động lực để xã viên hợp tác xã Ðồng Phú mạnh dạn mở rộng diện tích canh tác lúa năm 2018 và vụ xuân năm 2019 thêm 50 ha, năng suất lúa đạt 4,9 tấn/ha. Ngoài trồng lúa, Ðồng Phú còn hướng dẫn xã viên trồng luân canh đậu tương cho sản lượng từ 8 đến 10 tấn/vụ,
thu nhập lên đến 600 triệu đồng/ha.

Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Ðồng Phú, so với sản xuất lúa gạo thông thường, sản xuất theo phương pháp hữu cơ cho thu nhập gấp 1,8 lần (từ 89 triệu đồng/ha/năm tăng lên 189 triệu đồng/ha/năm), cho nên xã viên rất phấn khởi và yên tâm sản xuất.

Kết nối tiêu thụ nông sản

Ðể tạo điều kiện cho các hợp tác xã , tổ hợp tác và doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhiều năm qua, TP Hà Nội đã thường xuyên mở các lớp tập huấn cho xã viên, tuyên truyền các văn bản của Trung ương có liên quan ứng dụng công nghệ cao và liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, thành phố cũng ban hành 14 văn bản về cơ chế, chính sách trong ứng dụng khoa học kỹ thuật và liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, những khó khăn, vướng mắc của xã viên, hợp tác xã và doanh nghiệp đều được điều chỉnh và hướng dẫn cụ thể. Ðặc biệt, từ nhận thức rõ, kết nối chuỗi nông sản không đơn thuần chỉ là việc tiêu thụ sản phẩm, thành phố đã chủ động tăng cường tính bền vững trong liên doanh, liên kết giữa nhà sản xuất - doanh nghiệp (tiêu thụ) và ngân hàng ngay từ giai đoạn đầu tiên của sản xuất nông nghiệp. Theo ông Ðỗ Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam, hiện nay, các đơn vị sản xuất nông nghiệp cơ bản đã làm chủ được quy trình, kỹ thuật và tạo ra sản phẩm tốt, nhưng còn thiếu kiến thức trong định giá sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu và phát triển thương hiệu sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, do đó việc liên doanh, liên kết là rất cần thiết để sản phẩm tốt đến được tay người tiêu dùng theo đúng giá trị thực.

Giờ đây, để người tiêu dùng thành phố nói riêng, cả nước nói chung biết đến sản phẩm hữu cơ, hay bất kỳ một thương hiệu nông sản của Hà Nội thì ngoài chất lượng tốt, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm đó phải được quảng bá rộng rãi trong cộng đồng nhờ kênh xúc tiến thương mại. Chính vì vậy, kết nối trong tiêu thụ nông sản được xem là điểm mấu chốt để nông sản trụ vững và phát triển tại thị trường địa phương, trong nước và quốc tế. Ðặc biệt, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc kết nối càng cần được đẩy mạnh, không chỉ từ ứng dụng khoa học - công nghệ mà doanh nghiệp, hợp tác xã , tổ hợp tác phải kết nối chặt chẽ với nhà khoa học để tiếp cận và làm chủ công nghệ. Bên cạnh đó, là những chính sách kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ vốn giúp các thành phần kinh tế có thể liên kết chặt chẽ trong hoạt động sản xuất, xúc tiến thương mại.

Theo ước tính, trung bình hằng tháng, lượng lương thực, thực phẩm nông, lâm, thủy sản tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội là khoảng hơn 300 nghìn tấn… Với nhu cầu tiêu thụ này, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được khoảng 30% về gạo, 55,7% về rau, củ, quả , 3% thủy, hải sản… phần lớn nhu cầu thiếu hụt được bù đắp từ nông sản ngoài địa bàn thành phố hoặc nhập khẩu. Nếu làm tốt việc liên kết chặt chẽ trong hoạt động sản xuất, xúc tiến thương mại, chắc chắn trong thời gian tới, Hà Nội sẽ bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nông sản trên địa bàn cũng như chiếm lĩnh thị phần tiêu dùng cả nước, hướng đến xuất khẩu.

Sơn Hà

Bạn đang đọc bài viết Thúc đẩy chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới