Chủ nhật, 24/11/2024 11:25 (GMT+7)
Thứ ba, 25/02/2020 09:00 (GMT+7)

Xuất khẩu nông sản trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19

Theo dõi KTMT trên

Dịch Covid-19 lây lan mạnh trên thế giới đã tác động bất lợi đến hoạt động xuất khẩu nông sản của nước ta, nhất là thị trường Trung Quốc. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các ngành hàng nông sản cần sớm có kế hoạch chủ động thích ứng để đẩy mạnh tiêu thụ, ổn định sản xuất...

Bài 1: Chủ động mở rộng thị trường

Trong khi việc sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các tỉnh phía nam bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh ngay trong mùa thu hoạch, thì tại các tỉnh phía bắc, nhiều sản phẩm mới chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch chính cho nên cũng đang phải gấp rút tìm những giải pháp mở rộng thị trường...

Xuất khẩu nông sản trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 - Ảnh 1
Ðiểm tập kết nông sản của Hợp tác xã rau an toàn tại xóm Mới, bản Tự Nhiên, xã Ðông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.Ảnh: DUY LINH

Ðẩy mạnh tiêu thụ trong nước

Tại tỉnh Sơn La, dự kiến hàng nông sản và cây ăn quả năm nay tăng mạnh cả diện tích lẫn sản lượng. Chính vì vậy, vấn đề tiêu thụ nông sản đang đặt ra cho nông dân tỉnh Sơn La một bài toán không dễ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Quốc Khánh cho biết: Trước khi xuất hiện dịch Covid-19, tỉnh đã có hai hội nghị chuyên đề bàn về sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu năm 2020, nhưng đến nay kế hoạch này đang phải rà soát, điều chỉnh lại cho phù hợp, ứng phó linh hoạt. Tỉnh đề ra một loạt biện pháp, như: Ðề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện rà soát lại toàn bộ diện tích, sản lượng, vùng trồng, các hợp tác xã tham gia xuất khẩu để có cơ sở kết nối tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục chỉ đạo duy trì sản xuất theo hướng bền vững, an toàn thực phẩm để giữ uy tín, thương hiệu cho nông sản Sơn La. Ðối với thị trường Trung Quốc, nắm bắt sát diễn biến của dịch và công tác xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, liên lạc chặt chẽ với các đối tác tại Trung Quốc để chủ động thực hiện các biên bản ghi nhớ, cam kết thương mại. Trong đó, dự kiến sẽ xuất khẩu 7.000 tấn xoài, 7.900 tấn nhãn, 1.050 tấn thanh long, 1.800 tấn mận sang thị trường này… Theo thời vụ còn khoảng ba đến năm tháng nữa mới đến kỳ thu hoạch, nhưng ngay từ bây giờ Sơn La đã chủ động đưa ra các kịch bản ứng phó phù hợp. Thí dụ mới đây, khi các cửa khẩu hạn chế giao dịch, hơn 3.000 tấn chuối đã được kết nối tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối ở Thanh Hóa, Nghệ An.

Khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, nông sản Sơn La đã và đang được điều chỉnh tìm kiếm thị trường trong nước. Thời gian qua, tỉnh đã phối hợp các tỉnh, thành phố có tiềm năng tiêu thụ hàng nông sản như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An để đưa nông sản tiêu thụ tại các chợ lớn, khu công nghiệp, siêu thị, bếp ăn, nhà hàng. Ðến nay, Sơn La đã xây dựng được 65 chuỗi cung ứng, cung cấp nông sản ổn định ở các tỉnh phía bắc. Ðồng thời, ký kết với các tập đoàn lớn, như: Hapro, TH, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Ðồng Dao, Nafood Tây Bắc… đưa nông sản vào hệ thống sản xuất, chế biến, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, một trong những giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản quan trọng là đẩy nhanh tiến độ đưa các nhà máy chế biến vào hoạt động. Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sơn La Ðỗ Thị Bích Châu cho biết: Hiện, tỉnh có 47 cơ sở chế biến nông sản công suất hơn 150 nghìn tấn, chủ yếu tham gia xuất khẩu, ngoài ra còn có hàng trăm cơ sở chế biến vừa và nhỏ. Ðể đón đầu tình hình mở rộng sản xuất nông sản, ba năm qua, tỉnh Sơn La đã kêu gọi đầu tư xây dựng sáu nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu. Ðáng chú ý, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã tích cực hỗ trợ nhà máy chế biến, bảo quản nông sản công nghệ cao của Công ty SI Vân Hồ đẩy nhanh tiến độ và vừa đi vào hoạt động. Tỉnh Sơn La cũng đã hỗ trợ Tập đoàn TH giải phóng mặt bằng, cung cấp điện, nước, xử lý môi trường để nhà máy chế biến rau quả, đồ uống công nghệ cao dự kiến hoạt động vào tháng 7-2020 với công suất 18 đến 20 nghìn chai/giờ, sẽ tiêu thụ lượng lớn hoa quả cho nông dân trên địa bàn.

Cũng như Sơn La, tỉnh Bắc Giang có nhiều nông sản chủ lực sắp vào vụ thu hoạch chính. Ðối với cây vải thiều, hiện tại thời tiết khá thuận lợi để đậu quả, dự báo sẽ được mùa. Hiện, toàn tỉnh có khoảng 38.300 ha trồng vải thiều, dự báo năm 2020 đạt sản lượng từ 155 đến 165 nghìn tấn, thu hoạch vào cuối tháng 5 và tháng 6. Những năm trước, khoảng 50% lượng vải thiều tươi được xuất khẩu sang Trung Quốc. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang tích cực vận động, hướng dẫn và hỗ trợ người trồng vải sản xuất theo mô hình VietGAP và GlobalGAP được thêm hơn 40 ha. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng lựa chọn 50 ha trồng vải thiều tại huyện Lục Ngạn để sản xuất vải an toàn theo tiêu chuẩn Nhật Bản GlobalGAP dành xuất khẩu riêng sang thị trường Nhật Bản. Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Bắc Giang Lê Quang Tú cho biết: Sở Công thương đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ ban hành tiêu chí và kiểm định sản phẩm vải thiều theo bộ tiêu chuẩn cụ thể nhằm đáp ứng được các yêu cầu phía Nhật Bản đề ra. Kiến nghị Bộ Y tế có cơ quan kiểm định và cấp giấy an toàn vệ sinh thực phẩm cho vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản. Vải thiều xuất khẩu thành công vào thị trường này sẽ tạo được uy tín thương hiệu, mở ra hướng xuất khẩu vào các thị trường khác. Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cũng tổ chức mời gọi các doanh nghiệp có đủ năng lực ký hợp đồng liên kết và bao tiêu sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản.

Bên cạnh xuất khẩu, Sở Công thương tỉnh cũng nỗ lực tìm hướng tiêu thụ tại thị trường trong nước cho nông sản. Hiện, sáu hệ thống phân phối hàng hóa lớn trong cả nước cam kết đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho tỉnh, đặc biệt là tiêu thụ vải thiều. Năm 2019, chợ đầu mối Thủ Ðức tại TP Hồ Chí Minh đã tiêu thụ hơn 22 nghìn tấn vải thiều Bắc Giang.

Rà soát sản xuất để điều hành xuất khẩu

Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh cho biết: Ngay từ khi dịch Covid-19 bắt đầu gây tác động bất lợi đến hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, Bộ Công thương đã liên tục cảnh báo, khuyến nghị và hướng dẫn các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu qua các tỉnh biên giới phía bắc. Ðiều này nhằm chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, điều tiết việc giao nhận, xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác. Tiếp đó, Bộ Công thương có công văn hỏa tốc gửi UBND các địa phương rà soát sản xuất để điều hành hoạt động xuất khẩu nông sản. Theo đó, các địa phương đang có nhiều động thái tích cực để điều chỉnh sản xuất. Tại Bình Thuận, trước lượng thanh long dồn ứ do không xuất khẩu sang Trung Quốc, tỉnh đã có kế hoạch hạn chế sản xuất, yêu cầu các nhà vườn đang nuôi trái tỉa bớt và hạn chế chi phí phân bón. Với diện tích chưa gieo trồng, xem xét chuyển sang các loại nông sản khác dễ tiêu thụ hơn.

Tại tỉnh Ðồng Tháp, phần lớn nông sản đều tập trung xuất khẩu sang Trung Quốc cho nên cũng đang gặp nhiều khó khăn. Xoài là mặt hàng chủ lực, sắp thu hoạch với sản lượng khoảng 90 nghìn tấn; khoai lang khoảng 11 nghìn tấn, ớt khoảng 6.700 tấn, nhãn 1.200 tấn… Tỉnh cũng đang đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ hợp tác xã và người sản xuất về chi phí vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa, vay vốn ngân hàng, chi phí lưu kho, logistics… nhằm giảm tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra đối với sản xuất và xuất khẩu nông sản.

Ðể có cơ sở điều hành kịp thời, hiệu quả hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây qua các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu biên giới đường bộ, đường sắt trên cả nước, Bộ Công thương đề nghị UBND các tỉnh phối hợp, chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn khẩn trương rà soát, thống kê cụ thể, chi tiết sản lượng từng loại nông sản, trái cây đã, đang và sắp thu hoạch, tiêu chuẩn chất lượng, năng lực cạnh tranh của các loại hàng hóa nêu trên. Bộ Công thương đã và đang tiếp tục tìm kiếm thị trường tiêu thụ, xuất khẩu mới; trong đó, có việc chỉ đạo toàn bộ hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tìm kiếm và giới thiệu khách hàng mới, góp phần thúc đẩy chuyển hướng thị trường thay thế trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, Bộ cũng lưu ý các địa phương cần chủ động nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, trái cây. Ðồng thời đẩy mạnh triển khai các quy định về truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, quy cách đóng gói (bao bì, nhãn mác)… nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với các nước nhập khẩu để chuyển hướng thị trường hiệu quả, kịp thời.

(Còn nữa)

Ngày 24-2, Bộ Công thương cho biết, tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) trong ngày 23-2 đã xuất được 181 xe nông sản, hoa quả, linh kiện điện tử, hàng may mặc; nhập 140 xe linh kiện điện tử, máy móc, đồ thủy tinh; tồn 368 xe nông sản. Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) tồn 113 xe nông sản, hoạt động xuất nhập khẩu chậm và nhiều hàng tồn đọng do lực lượng bốc xếp phía Trung Quốc rất ít. Trong khi đó tại Hà Giang, Cục Thương vụ châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) thông báo, từ ngày 24-2 chính thức mở lại hình thức trao đổi cư dân biên giới; tại Lào Cai, hiện còn khoảng 200 xe chờ xuất tại cửa khẩu.
Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu nông sản trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới