Chủ nhật, 24/11/2024 08:11 (GMT+7)
Thứ sáu, 24/06/2022 15:50 (GMT+7)

Thúc đẩy đóng góp Quỹ môi trường toàn cầu vì mục tiêu thiên nhiên và khí hậu

Theo dõi KTMT trên

29 chính phủ đã cam kết hỗ trợ 5,33 tỷ USD cho Quỹ Môi trường toàn cầu trong 4 năm tới. Hành động này nhằm giải quyết đa dạng sinh học và mất rừng, cải thiện hệ sinh thái biển, chống ô nhiễm và giảm tác động của biến đổi khí hậu trong thập kỷ tới.

Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) là nguồn tài chính chính cho việc bảo vệ đa dạng sinh học trên toàn cầu và là quỹ đa phương duy nhất hoạt động trên tất cả các khía cạnh của sức khỏe môi trường. Đồng thời là cơ chế tài trợ cho Công ước Đa dạng sinh học; tài trợ cho Công ước của Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa, Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Công ước Minamata về thủy ngân và Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, giúp các nước đang phát triển đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế của họ theo từng lĩnh vực.

Mới đây, 29 chính phủ đã cam kết hỗ trợ 5,33 tỷ USD cho Quỹ Môi trường toàn cầu trong 4 năm tới, tăng hơn 30% so với giai đoạn trước. Đây cũng một nỗ lực lớn từ cộng đồng quốc tế nhằm hiện thực hóa các mục tiêu về thiên nhiên và khí hậu.

Theo đó, khoản tài trợ kỷ lục này sẽ hỗ trợ các sáng kiến quy mô lớn nhằm giải quyết đa dạng sinh học và mất rừng, cải thiện hệ sinh thái biển, chống ô nhiễm và giảm tác động của biến đổi khí hậu trong thập kỷ tới. Đó là sự đồng thuận ngày càng lớn từ các quốc gia về việc tăng cường các nỗ lực giải quyết vấn đề này, cũng như tăng cường hợp tác xuyên biên giới và ngành nghề.

Thúc đẩy đóng góp Quỹ môi trường toàn cầu vì mục tiêu thiên nhiên và khí hậu - Ảnh 1
Các khoản tài trợ nhằm giải quyết đa dạng sinh học và mất rừng, cải thiện hệ sinh thái biển, chống ô nhiễm và giảm tác động của biến đổi khí hậu trong thập kỷ tới. (Ảnh minh họa)

Giám đốc điều hành và Chủ tịch GEF Carlos Manuel Rodriguez cho biết: “Sự hỗ trợ hào phóng này từ các nhà tài trợ của chúng tôi trong một thời điểm khó khăn cho thấy, các quốc gia trên thế giới cam kết “chữa bệnh” thay vì làm tổn hại đến thiên nhiên như thế nào. Chúng tôi đặc biệt tập trung vào việc thực hiện các mục tiêu môi trường năm 2030, những mục tiêu quan trọng để làm cho hành tinh của chúng ta khỏe mạnh hơn và an toàn hơn cho con người. Chương trình và chính sách hỗ trợ sắp tới của chúng tôi đều hướng đến việc chuyển đổi sang một tương lai trung hòa carbon và không ô nhiễm và vì thiên nhiên”.

Số tiền cuối cùng cho chu kỳ tài trợ của GEF-8 bao gồm các cam kết bổ sung nhận được trong những tuần sau khi kết thúc đàm phán bổ sung chính thức vào tháng 4/2022. Hội đồng GEF đã thông qua quy mô bổ sung cuối cùng trong cuộc họp lần thứ 62 - lần đầu tiên cơ quan quản lý gặp mặt trực tiếp kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.

Được biết, bảo vệ đa dạng sinh học chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chu kỳ thứ tám của GEF, (GEF-8), sẽ kéo dài từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2026. Sự hỗ trợ này sẽ rất quan trọng đối với việc đạt được “Cam kết của các nhà lãnh đạo vì thiên nhiên”, nhằm mục đích đảo ngược sự mất mát đa dạng sinh học vào năm 2030 thông qua các biện pháp bảo vệ lãnh thổ đất liền và đại dương với đa dạng sinh học quan trọng trên toàn cầu.

Các ưu tiên khác trong GEF-8 bao gồm giải quyết các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, suy thoái đất, hóa chất và chất thải, đồng thời giảm bớt áp lực lên đại dương và đường thủy quốc tế, với sự hỗ trợ cho các dự án và chương trình, cũng như các cuộc đàm phán quốc tế và kết quả của chúng. Phần lớn tài trợ sẽ được phân phối thông qua một bộ 11 chương trình tổng hợp nhằm giải quyết nhiều mối đe dọa cùng một lúc, chẳng hạn như suy thoái môi trường liên quan đến các thành phố, hệ thống thực phẩm, nhựa, nước và quản lý rừng.

Tính đến nay, GEF đã tài trợ 20,2 tỷ USD và huy động 129,9 tỷ USD tài trợ bổ sung cho hơn 5.200 dự án trên thế giới. Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) ra đời từ năm 1991 tại Hội nghị về Môi trường và Phát triển lần thứ nhất của Liên hợp quốc nhằm giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách trên phạm vi toàn cầu. 

Việt Nam gia nhập GEF từ rất sớm (tháng 12/1994) và trải qua 7 chu kỳ tài trợ, chúng ta đã thực hiện 119 dự án với tổng kinh phí hỗ trợ trên 183 triệu USD (tổng kinh phí đồng tài trợ đạt xấp xỉ 2,2 tỷ USD), tham gia 56 dự án vùng/toàn cầu với kinh phí hỗ trợ 733 triệu USD (tổng kinh phí đồng tài trợ đạt trên 6,2 tỷ USD). Và Việt Nam ghi dấu ấn đặc biệt khi tổ chức rất thành công Kỳ họp lần thứ 6 của Đại Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF-6) vào tháng 6/2018 tại Đà Nẵng.

Đến tháng 12/2021, Việt Nam đã vận động tài trợ thành công cho 16 dự án từ nguồn GEF với tổng kinh phí đạt 83,8 triệu USD (khoảng 1.927 tỷ đồng), tăng 185% so với chu kỳ GEF-6, trong đó, nguồn Non-STAR tăng 5,6 lần. Đặc biệt, từ “nguồn vốn mồi” này, có thể huy động được gấp khoảng 7 lần vốn đồng tài trợ (tương đương 13.500 tỷ đồng). Đây là nguồn lực rất quý cho công tác bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong giai đoạn hiện nay.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Thúc đẩy đóng góp Quỹ môi trường toàn cầu vì mục tiêu thiên nhiên và khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới