Chủ nhật, 24/11/2024 05:54 (GMT+7)
Thứ ba, 21/06/2022 09:55 (GMT+7)

Bảo vệ môi trường – Điểm nhấn trong chiến lược phát triển đất nước

Theo dõi KTMT trên

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Để thực hiện mục tiêu này, Đảng ta đã đề ra chiến lược cụ thể cho từng giai đoạn, với điểm nhấn xuyên suốt về bảo vệ môi trường. Đây là cơ sở để Nhà nước hoàn thiện pháp luật về môi trường, bảo đảm phát triển đất nước bền vững.

BVMT là tiêu chí để phát triển bền vững

Kể từ khi tiến hành Đổi mới (năm 1986) đến nay, hệ thống các quan điểm về bảo vệ môi trường (BVMT) của Đảng ta đã thể hiện sự nhất quán, xuyên suốt. Các nhiệm kỳ đại hội Đảng thường xuyên tổng kết, bổ sung, hoàn thiện các quan điểm cho phù hợp với từng bối cảnh phát triển đất nước và thời đại.

Quan điểm xuyên suốt về BVMT của Đảng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định lại trong bài viết: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Trong bài viết này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định: “Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, tiêu chí để phát triển bền vững...”.

Bảo vệ môi trường – Điểm nhấn trong chiến lược phát triển đất nước - Ảnh 1

“Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ, hủy hoại môi trường".

(Nhấn mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”).

Đi lại hành trình hơn 35 năm tiến hành Đổi mới để thấy được quan điểm xuyên suố của Đảng ta về BVMT. Quan điểm xuyên suốt của Đảng ta qua các kỳ đại hội xác định BVMT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và nghĩa vụ của mọi công dân.

Kế thừa quan điểm về BVMT tại các kỳ đại hội trước, Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định “Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân là mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Từ nhận thức đến hành động

Trên thực tế, Việt Nam luôn đặt mục tiêu BVMT song hành với mục tiêu phát triển kinh tế. Ngay từ năm 1991, Chính phủ Việt Nam đã thông qua Kế hoạch quốc gia về môi trường và phát triển bền vững 1991 - 2000.

Tiếp theo đó, quan điểm về BVMT và phát triển bền vững đã được lồng ghép xuyên suốt trong các chiến lược, kế hoạch, như: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015, 2016 - 2020, 2021 - 2025.

Bảo vệ môi trường – Điểm nhấn trong chiến lược phát triển đất nước - Ảnh 2

“Tôi kêu gọi cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện các nghị quyết của Đảng về chuyển đổi nền kinh tế đang dựa vào nhiên liệu hóa thạch, lãng phí tài nguyên hiện nay sang nền kinh tế số, phát triển xanh với phát thải thấp, sức chống chịu cao. Các bộ, ngành, địa phương tích cực chủ động, kịp thời tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn và tạo mọi thuận lợi cho quá trình chuyển đổi, đảm bảo cam kết quốc tế của Việt Nam”.

(Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ phát động Quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022, diễn ra ngày 23/3/2022)

Tại Đại hội XIII, Đảng ta đề ra mục tiêu: Đến năm 2025, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy hoạch quy chuẩn đạt 90%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý chất thải tập trung, đạt tiêu chuẩn môi trường 92%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý là 100%; tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng tiêu thụ cuối cùng là 31,5%. Đến năm 2030, cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 87, 276).

Bảo vệ môi trường – Điểm nhấn trong chiến lược phát triển đất nước - Ảnh 3

“Chúng tôi kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”; không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá, thiếu tính bền vững; và càng không chạy theo tăng trưởng đơn thuần mà phải hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống của người dân”.

(Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP26, ngày 31/5/2021).

Bên cạnh đó, trên cơ sở 17 mục tiêu phát triển bền vững của thế giới trong giai đoạn 2015 - 2030 được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc vào tháng 9/2015, ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg, “Về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”. Kế hoạch xác định 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030, trong đó có tới 4 mục tiêu trực tiếp về BVMT.

Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nhấn mạnh: “Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững” (khoản 2, Điều 4) và giải thích: “Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu” (khoản 2 Điều 3).

Có thể thấy, BVMT vì mục tiêu phát triển bền vững là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta quan tâm từ rất sớm và luôn được xác định trong công cuộc phát triển đất nước. Minh chứng rõ nhất cho sự quan tâm này là ngân sách nhà nước dành cho BVMT tăng theo thời gian.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2006, vốn đầu tư phát triển trong lĩnh vực BVMT khoảng 1.429 tỷ đồng thì đến năm 2011 đã nâng lên thành 2.954,3 tỷ đồng (ngoài vốn ngân sách thì trong giai đoạn 2006 – 2011, nguồn vốn ODA dành cho công tác BVMT đạt khoảng 2.914 triệu USD). Đến năm 2019, chi ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ BVMT đã tăng lên 20.442 tỷ đồng; chưa tính chi các hoạt động kinh tế, chi đầu tư phát triển, chi dự phòng của ngân sách địa phương cho các nhiệm vụ BVMT và các khoản vay, viện trợ chi trực tiếp cho dự án về BVMT không đưa vào ngân sách nhà nước…

Bảo vệ môi trường – Điểm nhấn trong chiến lược phát triển đất nước - Ảnh 4
Công tác BVMT luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta. (Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trồng cây lưu niệm tại Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long ngày 17/02/2021. (Ảnh: TTXVN).

Điều đó cho thấy, phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với BVMT, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên được Đảng, Nhà nước ta xác định là yêu cầu sống còn trên con đường phát triển của đất nước. Đây chính là điểm nhấn xuyên suốt trong chiến lược phát triển đất nước, hướng tới mục tiêu “Vì một Việt Nam xanh”.

Tùng Nguyên

Bạn đang đọc bài viết Bảo vệ môi trường – Điểm nhấn trong chiến lược phát triển đất nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới