Thúc đẩy hành động để bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học
Để thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch đã đề ra 8 nhiệm vụ cụ thể về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.
Ngày 23/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định 3220/QĐ-BTNMT về Kế hoạch thực hiện Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Quyết định phân công các nội dung công việc cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (tổ chức chủ trì, phối hợp, nguồn vốn và thời gian thực hiện) và xác định danh mục các chương trình, dự án, nhiệm vụ ưu tiên triển khai để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Để thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch đã đề ra 8 nhiệm vụ cụ thể. Đó là, xây dựng, hoàn thiện các văn bản chính sách, quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; tăng cường năng lực quản lý và thực thi pháp luật về đa dạng sinh học; điều tra quan trắc và xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học; triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học; thúc đẩy hợp tác quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học; thực hiện các giải pháp và mô hình thí điểm về bảo tồn, phục hồi sử dụng bền vững hệ sinh thái, loài, nguồn gen và kiểm soát các tác động tới đa dạng sinh học; theo dõi, đánh giá việc tổ chức thực hiện kế hoạch, chiến lược.
Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học là đơn vị đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược; chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ triển khai, thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên theo Phụ lục ban hành kèm theo Kế hoạch này và các nhiệm vụ thường xuyên nhằm thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch; định kỳ hàng năm thực hiện rà soát Kế hoạch, đánh giá, báo cáo, đề xuất các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện đồng bộ và có hiệu quả Chiến lược.
Đồng thời, theo dõi, đánh giá và xây dựng báo cáo đánh giá việc thực hiện Chiến lược theo chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm được giao của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch hành động cấp tỉnh triển khai thực hiện Chiến lược.
Bảo tồn đa dạng sinh học là một trong những nội dung được nhấn mạnh trong các văn bản của Đảng và Nhà nước. Nhà nước đã ban hành khung pháp lý tương đối đầy đủ liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học. Luật Đa dạng sinh học 2008 quy định việc lập quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước. Trong đó, thực hiện Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 09/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các Bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 03/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Trước đó, Dự thảo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia nhằm định hướng việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học trong thời gian tới; bảo đảm các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý hiếm được bảo tồn và phát triển bền vững; tăng cường hợp tác hiệu quả giữa các ngành trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Gần 70% quần thể động vật hoang dã bị suy giảm trong vòng chưa đầy một thế kỷ
Theo báo cáo Sức sống Hành tinh 2022 của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), quần thể các loài hoang dã thuộc các lớp thú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá đã giảm trung bình 69% kể từ năm 1970. Cụ thể, dữ liệu LPI cho thấy từ năm 1970 cho đến 2018, những quần thể động vật hoang dã được giám sát tại châu Á - Thái Bình Dương giảm trung bình 55%. Con số này tại châu Phi, châu Mỹ Latinh và khu vực Caribbe là 94%.
Theo báo cáo, nguyên nhân chính làm suy giảm các quần thể động vật hoang dã là suy thoái môi trường sống do con người phát triển và nuôi trồng, khai thác không hợp lý, sự du nhập của các loài xâm lấn, ô nhiễm, biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Báo cáo LPI chỉ rõ, để xây dựng một tương lai trong đó thiên nhiên được bồi hoàn thì cộng đồng địa phương và người bản địa ở khắp thế giới phải được công nhận quyền trong việc tham gia quản lý và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
Lan Anh