Chủ nhật, 24/11/2024 06:04 (GMT+7)
Thứ ba, 10/05/2022 06:55 (GMT+7)

Thúc đẩy ngành năng lượng Việt Nam phát triển bền vững

Theo dõi KTMT trên

Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam có tổng kinh phí là 11,3 triệu USD tương đương khoảng 252 tỷ đồng.

Ngày 9/5, tại Đà Nẵng, Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo giới thiệu: “Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam - Dự án VSUEE”.

Tham dự hội thảo gồm có lãnh đạo Bộ Công Thương, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), đại diện các Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn công nghiệp các tỉnh, các Hiệp hội công nghiệp, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp công nghiệp, công ty dịch vụ năng lượng cùng các cơ quan thông tấn, báo chí truyền hình đến đưa tin về sự kiện.

Dự án VSUEE do Quỹ Khí hậu Xanh tài trợ, ủy thác qua Ngân hàng Thế giới, Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản quản lý.

Bảo lãnh tín dụng

Dự án đặt mục tiêu thực hiện cơ chế bảo lãnh tín dụng cho các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng; tháo gỡ rào cản về tiếp cận vốn vay thương mại; tạo động lực huy động các nguồn tài chính, thúc đẩy triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng thông qua thí điểm cơ chế chia sẻ rủi ro trong đầu tư, triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng; Hỗ trợ thực hiện các mục tiêu của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng  tiết kiệm  và hiệu quả (VNEEP).

Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam có tổng kinh phí là 11,3 triệu USD tương đương khoảng 252 tỷ đồng. Kinh phí bao gồm: Hợp phần 1, Vận hành Quỹ chia sẻ rủi ro 3 triệu USD và Hợp phần 2, Hỗ trợ kỹ thuật 8,3 triệu USD. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 3/2022 đến tháng 1/2026.

Công nghiệp là lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng nhất trong cơ cấu ngành kinh tế, chiếm tới hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng. Đây cũng là lĩnh vực được đánh giá còn nhiều tiềm năng tiết kiệm năng lượng, lên tới 20-30%. Tuy nhiên, theo khảo sát của Bộ Công Thương, việc đầu tư tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp nói chung còn chưa tương xứng với lợi ích có thể đem lại.

Thúc đẩy ngành năng lượng Việt Nam phát triển bền vững - Ảnh 1
Dự án VSUEE do Quỹ Khí hậu Xanh tài trợ ủy thác qua Ngân hàng Thế giới, Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản quản lý.

Nhận định về thực tế này, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), ông Chu Bá Thi cho biết bên cạnh các yếu tố về nhận thức, áp lực về chi phí năng lượng trong tổng chi phí sản xuất chưa cao, còn có yếu tố hết sức quan trọng là vốn.

Ông Thi nhận định, các giải pháp kỹ thuật có thể đem lại hiệu quả sử dụng năng lượng rõ rệt, như nâng cấp thiết bị hiệu suất cao, thu hồi nhiệt thải, tích hợp năng lượng tái tạo, đều cần một nguồn vốn tương đối lớn. Bên cạnh đó, thời gian thu hồi vốn dài, năng lực quản lý, thẩm định của các tổ chức tài chính trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng hạn chế, các cơ chế cho vay chưa hấp dẫn, chưa thực sự khuyến khích doanh nghiệp đầu tư tiết kiệm năng lượng… đã tạo ra các rào cản khiến thị trường đầu tư tiết kiệm năng lượng chưa bứt phá trong thời gian qua.

Tham gia Dự án VSUEE, các doanh nghiệp công nghiệp được áp dụng các công nghệ cải tiến và tối ưu hóa sản xuất để cắt giảm chi phí sản xuất và tiêu thụ năng lượng, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể của mình trong các thị trường trong nước và quốc tế.

Các ngân hàng thương mại được hưởng lợi từ việc phát triển sản phẩm vay tiết kiệm năng lượng công nghiệp, được tăng cường năng lực kỹ thuật về thẩm định và theo dõi đầu tư cho tiết kiệm năng lượng. Thông qua những hoạt động này WB mong muốn tạo điều kiện giúp các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng.

Ngoài ra, các ngân hàng tham gia dự án còn được cấp bảo lãnh tín dụng một phần cho các khoản vay của doanh nghiệp và các công ty dịch vụ năng lượng đầu tư vào các dự án tiết kiệm năng lượng.

Bên cạnh các doanh nghiệp công nghiệp và ngân hàng tham gia dự án, các cơ quan/đơn vị trực tiếp tham gia thực hiện dự án như đơn vị quản lý nhà nước về tiết kiệm năng lượng ở Trung ương và Địa phương, các trung tâm tiết kiệm năng lượng trên phạm vi cả nước được tăng cường năng lực về quản lý ngành, xây dựng đồng bộ hệ thống dữ liệu để phục vụ cho công tác quản lý, số liệu trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng.

WB luôn đồng hành

Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bển vững - Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp thiết thực giúp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển nền kinh tế, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Hiện các ngành công nghiệp của Việt Nam chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Từ các khảo sát của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giái đoạn 2019 – 2030, VNEEP3 cho thấy, dư địa tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam trong công nghiệp còn khả thi từ 20-30%.

Dự án VSUEE với mục tiêu là động lực, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp thay đổi công nghệ theo hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp. Dự án mong muốn góp phần thúc đẩy khối doanh nghiệp công nghiệp kiên định theo đuổi mục tiêu tiết kiệm năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cũng như đồng hành cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu giảm phát thải nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Thúc đẩy ngành năng lượng Việt Nam phát triển bền vững - Ảnh 2
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững.

Ông Chu Bá Thi khẳng định, trong nhiều năm qua, Ngân hàng Thế giới đã đồng hành cùng với Việt Nam, thông qua Bộ Công Thương với vai trò quản lý Nhà nước trong việc thúc đẩy ngành năng lượng Việt Nam phát triển bền vững.

WB cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng thông qua hàng loạt chương trình, dự án đã và đang đưa vào triển khai trong thời gian tới. Những dự án hợp tác giữa WB và Bộ Công thương sẽ đóng góp vào thành công của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm và coi là một trong những trụ cột quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cũng như giúp cho ngành năng lượng phát triển bền vững. Năm 2020, Nghị quyết số 55 của Bộ Chính Trị về “Chiến lược phát triển ngành năng lượng đến 2030, định hướng đến năm 2045” đã nêu rõ tiết kiệm năng lượng phải được coi là quốc sách quan trọng và là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân. Tiết kiệm năng lượng có những lợi ích rất to lớn như bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia; Bảo vệ môi trường, giảm rác thải, hiệu ứng nhà kính; Giúp cho ngành năng lượng nói riêng và nền kinh tế nói chung phát triển bền vững.

PV

Bạn đang đọc bài viết Thúc đẩy ngành năng lượng Việt Nam phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới