Thứ năm, 28/11/2024 04:52 (GMT+7)
Thứ hai, 23/12/2019 07:47 (GMT+7)

Thưởng Tết bằng hiện vật: 'Cần suy nghĩ trên góc độ người lao động'

Theo dõi KTMT trên

Nhiều nhân sự trong các tập đoàn lớn thưởng Tết có thể là tiền tỉ, nhưng cũng không ít lao động đang thấp thỏm liệu có phải nhận hiện vật thay tiền?

Đến thời điểm này, dù Bộ LĐ-TB-XH đã yêu cầu các Sở LĐ-TB-XH báo cáo về tình hình lương thưởng Tết năm 2020, song vẫn chưa nhận được con số chính xác. Theo thống kê, thưởng Tết năm 2019, có doanh nghiệp FDI đạt tới hơn 1,7 tỉ đồng. Bên cạnh mức thưởng Tết “khủng”, thì cũng có không ít người lao động ngậm ngùi với mức thưởng Tết mang tính “tượng trưng”, động viên là chính, hay chỉ là vài túi quà.

Thời điểm cuối năm, vấn đề thưởng Tết chưa bao giờ hết nóng, năm nay, chuyện thưởng Tết lại càng nhận được nhiều chú ý hơn nữa, khi Luật Lao động 2012 (sửa đổi) vừa được thông qua có nhiều thay đổi về hình thức thưởng của người chủ sử dụng lao động đối với người lao động.

Thưởng Tết bằng hiện vật: 'Cần suy nghĩ trên góc độ người lao động' - Ảnh 1

Thay vì chỉ thưởng bằng tiền, quy định mới cho phép mở rộng hình thức thưởng (gồm cả thưởng Tết) bằng hiện vật hoặc dịch vụ. Mức thưởng căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngay cả khi chưa có quy định này, nhiều doanh nghiệp trước đây vẫn áp dụng hình thức thưởng hiện vật, dịch vụ cho người lao động.

Như báo chí đã phản ánh, có tình trạng doanh nghiệp may mặc ở Hà Nội năm 2013 đã thưởng cho nhân viên 70 cái quần đùi vào dịp Tết Nguyên đán, doanh nghiệp sản xuất gạch thưởng 200 viên gạch cho công nhân, hay có doanh nghiệp ở Hà Nội năm 2013 cũng đã thưởng cho nhân viên 10 bịch giấy vệ sinh trị giá 300.000 đồng...

Chị Nguyễn Thị Huế, quê Thanh Hóa, hiện đang làm cho một công ty sản xuất bánh kẹo tại Thanh Hóa chia sẻ, đến thời điểm này, công ty vẫn chưa có thông báo chính thức về mức thưởng Tết, như năm 2018, công ty chị thưởng cho công nhân 1 thùng bia và 1 ít bánh kẹo, còn chồng chị làm cho một công ty vận tải, cuối năm cũng chỉ được thưởng vài trăm ngàn.

“Đi làm đến cuối năm chỉ mong được thưởng Tết để có cái chi tiêu. Gia đình 2 vợ chồng, 2 con nhỏ, nên Tết phải tiêu rất nhiều, từ sắm của nhà mình, đến đi Tết bên nội bên ngoại. Thưởng bằng hiện vật có giá trị, nhưng cũng không phải lúc nào cũng quy đổi được ra tiền”, chị Huế cho biết.

Thưởng Tết để giữ chân lao động

Anh Vũ Trường Giang, trưởng phòng Kinh doanh công ty Inox Gia Hưng cho rằng, việc thưởng Tết bằng hiện vật chỉ mang tính chất “quảng cáo sản phẩm cho doanh nghiệp, là một kênh truyền thông. Song không nên chỉ thưởng bằng hiện vật, những sản phẩm của công ty sản xuất. Bởi người lao động đi làm cả năm ai cũng muốn có cái Tết ấm no, thưởng bằng tiền mặt là thực tế nhất.

Anh Giang cho biết, tại công ty anh đang làm, mỗi năm lao động đều được thưởng từ 1-1,5 tháng lương. Năm nay mức thưởng này có thể tăng lên do hoạt động kinh doanh có nhiều khởi sắc. Thường xuyên tham gia vào công tác tuyển dụng nhân sự, anh Vũ Trường Giang cho rằng, lương thưởng Tết là một yếu tố quan trọng để người lao động gắn bó lâu dài với các doanh nghiệp.

Chị Đào Phượng, Phó giám đốc công ty CP Đầu tư và Phát triển giáo dục Amazing cũng cho biết, công ty chị có tặng hiện vật là các loại máy massage, quà Tết cho nhân viên. Song vẫn thưởng kèm theo tiền từ 2-5 triệu đồng, tùy thuộc vào kết quả đánh giá hiệu suất công việc của từng nhân viên.

“Theo tâm lý chung, nếu như những sản phẩm của công ty có giá trị lớn như xe máy, TV,... người lao động sẽ cần và có thể quy đổi ra tiền nếu như không dùng đến, nhưng có nhiều công ty sản phẩm sản xuất ra không phải ai cũng phù hợp. Do đó, việc thưởng bằng tiền dù nhiều hay ít cũng sẽ tiện lợi hơn cho người lao động, họ có thể thoải mái mua những gì họ cần. Như thông tin báo chí phản ánh, nhiều doanh nghiệp thưởng Tết bằng gạch, phân bón... cho nhân viên, thì lãnh đạo công ty chỉ cần thử đặt mình vào vị trí của nhân viên, suy nghĩ dưới góc độ của họ sẽ biết có nên thưởng như vậy không”, chị Phượng cho biết.

Chị Đào Phượng cho rằng, mức thưởng Tết nên căn cứ vào tình hình sản xuất của doanh nghiệp và hiệu quả công việc của từng người, không nên cào bằng, đổ đồng để tạo động lực làm việc cho các cá nhân.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội cho rằng, đã gọi là thưởng thì không nên thưởng bằng hiện vật. Khi tặng bằng hiện vật những thứ người lao động không cần hoặc không ưa thích thì sẽ không có giá trị. Nhiều sản phẩm người lao động phải mang bán để quy đổi tành tiền song cũng không giữ được giá trị như ban đầu.

“Doanh nghiệp có mức thưởng cao thì rất hoan nghênh, nhưng những doanh nghiệp thưởng kiểu cho có thì không nên. Tâm lý của người lao động là “trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”. Tiền thưởng có ý nghĩa rất sâu sắc”, ông Bùi Sỹ Lợi nêu ý kiến.

Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 8, Quốc Hội khóa XIV, mức tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt khoảng 6,8%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng tăng lên, bên cạnh đó hiện nay nhiều doanh nghiệp cũng đang rơi vào tình trạng khan hiếm lao động. Do đó, ông Bùi Sỹ Lợi dự báo rằng mức thưởng Tết năm nay có thể tăng nhẹ so với những năm trước.

“Nếu không có chế độ đãi ngộ tốt, người lao động sẽ không quay trở lại làm việc tại doanh nghiệp sau Tết Nguyên đán. Hơn nữa, việc tăng trưởng kinh tế tốt, doanh nghiệp phát triển nên khả năng thưởng Tết khả quan, đặc biệt rơi vào một số ngành ngân hàng, tài chính có mức thưởng nổi bật. Tiền thưởng tết khả quan thì người lao động có động lực làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và tạo ra động lực phát triển cho nền kinh tế của đất nước", ông Bùi Sỹ Lợi nhận định.

Bạn đang đọc bài viết Thưởng Tết bằng hiện vật: 'Cần suy nghĩ trên góc độ người lao động'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới