Thưởng Tết Nguyên đán 2020 cao nhất 950 triệu đồng/người
Dự kiến, mức thưởng bình quân Tết Nguyên đán năm 2020 khoảng một tháng lương, tương đương 6,71 triệu đồng/người, tăng 7,1% so với năm 2019. Mức thưởng cá nhân cao nhất dịp Tết Canh Tý là 950 triệu đồng/người, thuộc về doanh nghiệp dân doanh sản xuất sản phẩm nhựa sinh học tại tỉnh Hải Dương.
Ảnh minh họa: Bảo An. |
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa công bố thông tin về tình hình tiền lương năm 2019, thưởng Tết năm 2020. Với số liệu thu thập từ gần 25 nghìn doanh nghiệp được báo cáo, tương ứng 3,155 triệu lao động, khoảng 89,3% doanh nghiệp trong số này dự kiến có thưởng Tết Nguyên đán mức bình quân khoảng một tháng lương, tương đương 6,71 triệu đồng/người. Mức thưởng này tăng 7,1% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán 2019.
Tết Nguyên đán 2020: Thưởng cao nhất 950 triệu đồng
Mức thưởng cao nhất cho một cá nhân dịp Tết Nguyên đán 2020 là 950 triệu đồng/người. Đây là mức thưởng của một doanh nghiệp dân doanh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nhựa sinh học tại địa bàn Hải Dương.
Cụ thể, so với năm 2019, nhóm Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước thưởng 6,12 triệu đồng/người, bằng năm ngoái; Công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước 7,53 triệu đồng/người, tăng 10,6%; Doanh nghiệp dân doanh 6,27 triệu đồng/người, tăng 0,5%’; Doanh nghiệp FDI 6,91 triệu đồng/người, tăng 11,1%.
Tiền lương, tiền thưởng là nội dung quan trọng được người lao động quan tâm, nhất là vào dịp Tết. Hằng năm, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đề nghị các địa phương hướng dẫn doanh nghiệp khảo sát nhanh tiền lương, tiền thưởng của người lao động để báo cáo về Cục. Đến nay, 40 tỉnh, thành phố gửi thông tin, với 24.907 doanh nghiệp được báo cáo (tương ứng với 3,155 triệu lao động, chiếm khoảng 12,8% tổng số lao động làm công hưởng lương trên cả nước).
Năm 2019, lương bình quân chung ước đạt 7,8 triệu đồng/tháng
Theo công bố của Cục Quan hệ lao động - Tiền lương, Năm 2019, tiền lương bình quân chung ước đạt 7,8 triệu đồng/tháng, tăng 6,8% so với năm 2018.
Trong đó, so với năm 2018, loại hình Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước 10,5 triệu đồng/tháng, tăng 10,5%; Công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước 9,1 triệu đồng/tháng, tăng 13,8; Doanh nghiệp dân doanh 6,9 triệu đồng/tháng, tăng 1,5%; Doanh nghiệp FDI 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 2,7%.
Khoảng 85,6% doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết Dương lịch với mức thưởng bình quân 930 nghìn đồng/người, bằng 73,2% so với tiền thưởng cùng dịp năm 2018.
Cụ thể, so với năm 2019, Công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước 2,14 triệu đồng/người, tăng 36,3%. Tuy nhiên, với cùng thời điểm, Công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước thưởng 1,36 triệu đồng/người, chỉ bằng 95,8%; Doanh nghiệp dân doanh 790 nghìn đồng/người, bằng 79,8%; Doanh nghiệp FDI 800 nghìn đồng/người, bằng 56,7%.
Tuy nhiên, mức thưởng cao nhất cho một cá nhân dịp Tết Dương lịch năm 2020 lên tới 3,5 tỉ đồng thuộc về doanh nghiệp FDI thuộc lĩnh vực ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2019 của các doanh nghiệp tiếp tục có sự tăng trưởng, tạo thuận lợi để doanh nghiệp có điều kiện chăm sóc tốt hơn đến đời sống của người lao động. Qua đó, tiền lương, tiền thưởng của người lao động đều tăng so với năm 2018.
Các doanh nghiệp trả lương, thưởng cho người lao động khác nhau tùy theo vị trí công việc, ngành - nghề sản xuất, kinh doanh. Trong số những doanh nghiệp có tiền thưởng Tết, doanh nghiệp thưởng cao tới vài tháng lương, có trường hợp cá nhân được thưởng vài trăm triệu đồng, thường tập trung vào ngành nghề có nhiều lợi thế như ngân hàng, kiểm toán, điện tử.... Có doanh nghiệp thưởng khoảng 100 nghìn đồng/người, thường là ngành gia công, chế biến.
Trong năm 2020, hai dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau, các doanh nghiệp tập trung chủ yếu cho mức thưởng Tết Nguyên đán nên tiền thưởng này tăng 7,2% so với năm 2019. Thưởng Tết Dương lịch năm 2020 bằng 72,7% so với năm 2019. Đối với một số doanh nghiệp có kết quả sản xuất, kinh doanh tốt, ngoài thưởng bằng tiền còn thưởng bằng hình thức khác như sản phẩm do chính doanh nghiệp sản xuất ra để quảng bá sản phẩm, bằng cổ phiếu, các chuyến du lịch hoặc thưởng bằng chế độ khác... Bên cạnh đó, vẫn còn số ít doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn không có thưởng Tết.
Hiện nay, việc thu thập số liệu phục vụ báo cáo chủ yếu tập trung tại các doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần có vốn chi phối của Nhà nước. Số liệu thu thập từ các doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp FDI còn hạn chế, chưa phản ánh đầy đủ bức tranh chung về tiền lương năm 2019 và thưởng Tết năm 2020.
Trong điều kiện giáp Tết, tâm lý của người lao động mong muốn có một khoản thưởng để chi tiêu trong dịp Tết. Tuy nhiên, hiện còn một số doanh nghiệp chưa có kế hoạch thưởng do tại thời điểm báo cáo doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc chưa lên kế hoạch cụ thể để thưởng. Vì vậy, các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp phối hợp tổ chức công đoàn tìm giải pháp tiết kiệm các chi phí để chia sẻ, hỗ trợ với người lao động trong dịp Tết.
Xuân Đức