Chủ nhật, 24/11/2024 11:05 (GMT+7)
Chủ nhật, 26/07/2020 07:24 (GMT+7)

Tích trữ năng lượng: Gỡ khó cho các dự án năng lượng tái tạo

Theo dõi KTMT trên

Để tránh lãng phí khi hệ thống lưới truyền tải hiện chưa theo kịp công suất điện năng lượng tái tạo, cần nghiên cứu giải pháp tích trữ năng lượng.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực mới đây cho thấy, trong số 62 dự án nguồn điện công suất lớn từ 200 MW trở lên trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ.

Chính vì vậy, bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm tiến độ, đẩy mạnh tiết kiệm điện thì việc thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) như điện gió, điện mặt trời là cần thiết và cấp bách.

Điện không bán được thì tích trữ

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, để tháo gỡ khó khăn trong phát triển điện mặt trời, tránh lãng phí khi hệ thống lưới truyền tải hiện chưa theo kịp công suất, cần đa dạng giải pháp, điển hình như nghiên cứu giải pháp tích trữ năng lượng.

Tích trữ năng lượng: Gỡ khó cho các dự án năng lượng tái tạo - Ảnh 1
Tích năng không chỉ áp dụng trong các dự án thủy điện mà còn có thể được nghiên cứu sử dụng cho các dự án điện năng lượng tái tạo.

Là doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, điển hình là điện mặt trời tại Việt Nam, ông Nguyễn Hải Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo BIM chia sẻ, trong xu hướng đầu tư điện mặt trời trên thế giới hiện nay, đầu tư điện mặt trời mái nhà đang thể hiện nhiều hơn tính ưu việt.

Chính vì thế, với kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam từ 15 năm nay, điển hình là dự án đầu tư vào dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận, ngay từ ban đầu, BIM đã có định hướng sẽ phát triển càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, khi đầu tư đến một quy mô nhất định, BIM đã phải tính toán việc giải quyết bài toán chung đó là việc tắc nghẽn lưới truyền tải.

Theo nhận xét của ông Vinh, với đặc điểm của những địa phương có điều kiện thuận lợi về điều kiện tự nhiên như nắng, gió để phát triển năng lượng tái tạo như Ninh Thuận thường là địa phương có kinh tế kém phát triển, hạ tầng yếu kém.

Bởi vậy, khi xuất hiện ngày càng nhiều các nhà máy điện mặt trời, điện gió đã đặt ra yêu cầu hạ tầng phải đáp ứng đầy đủ. Thời gian gần đây, đặc biệt là năm 2019 tại Ninh Thuận, một loạt dự án điện mặt trời đã nối lưới, dẫn tới trình trạng quá tải lưới điện và BIM có một phần dự án nằm trong số đó.

Cũng tại thời điểm BIM bắt đầu tiến hành đầu tư dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận, chưa có dự án nào đấu nối lên lưới truyền tải, chỉ dừng mức lưới 110 kV. Do đó, doanh nghiệp đã tiến hành nghiên cứu kỹ là đấu nối lên lưới 220 kV hay 500 kV. Nên khi doanh nghiệp phát triển dự án lớn lên đến 300 MW và quyết định đấu nối vào lưới 220 kV.

Song song với đó, thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đưa vào một loạt công trình lưới điện 110 kV và trạm biến áp 220 KV tại Ninh Thuận, giúp tháo gỡ phần nào khó khăn về lưới truyền tải. Ngoài ra, EVN đã có những nghiên cứu như Dự án thủy điện tích năng Bác Ái cũng là giải pháp tích cực.

“Tôi đề nghị EVN kết hợp với nhà đầu tư nghiên cứu thêm các giải pháp tích trữ năng lượng… Bên cạnh đó, Bộ Công Thương có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, ví dụ khi xây dựng hệ thống tích trữ năng lượng thì hỗ trợ nhà đầu tư như thế nào… Hi vọng phải có nhiều giải pháp để giải quyết được vấn đề”, ông Vinh chỉ rõ.

Liên quan tới các giải pháp truyền tải điện cho các dự án năng lượng tái tạo, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay khi hoàn thiện nội dung Quy hoạch điện 8, ngoài việc xúc tiến hệ thống truyền tải, Viện Năng lượng cũng đang nghiên cứu các phương án như thủy điện tích năng, pin tích trữ năng lượng...

Chính sách bền vững vẫn là tiên quyết

Đề xuất mới của bà Trần Hương Thảo, Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty Năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK Vietnam) cho thấy, bên cạnh có những giải pháp xây dựng lưới truyền tải để giải quyết đầu ra cho điện mặt trời, có thể áp dụng thêm công nghệ mới như lưới điện thông minh.

Bởi hiện nay, lưới điện thông minh khá phổ biến trên thế giới và đang từng bước phát triển ở Việt Nam. Nếu áp dụng phương án này có nhiều lợi ích cho cả đơn vị quản lý cũng như khách hàng tiêu thụ điện.

Đặc biệt với khách hàng, lưới điện thông minh giúp giám sát được lượng điện năng tiêu thụ của từng thiết bị, quản lý lượng điện tiêu thụ của gia đình, cơ sở kinh doanh… Với các công ty điện lực, lưới điện thông minh giúp nâng độ tin cậy cung cấp điện, giảm chi phí vận hành…

Trong câu chuyện phát triển điện mặt trời áp mái, nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách phát triển điện mặt trời áp mái hiện chưa đảm bảo tính lâu dài và bền vững, giúp các hộ gia đình thấy rõ lợi ích khi quyết định đầu tư. Nếu chính sách càng ngắn, chỉ kéo dài vài tháng hoặc 1 năm sẽ chưa thể hiện được tính ưu việt.

Do đó, rất cần có chính sách riêng cho phát triển điện mặt trời mái nhà, thậm chí Bộ Công Thương cũng có thể đề xuất một chương trình hành động quốc gia về phát triển điện mặt trời mái nhà, tương tự như Chương trình sử dụng tiết kiệm năng lượng quốc gia.

Giải pháp cho vấn đề này theo chia sẻ của đại diện Cục Năng lượng tái tạo, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, đề xuất tham mưu với Chính phủ để có chính sách dài hơi về phát triển diện mặt trời mái nhà, khi đó các nhà đầu tư, các hộ gia đình sẽ thấy tính hiệu quả trong nỗ lực đầu tư, từ đó việc phát triển năng lượng điện mặt trời áp mái sẽ có thêm nhiều cơ sở để phát triển vững chắc.

Nguyễn Quỳnh

Bạn đang đọc bài viết Tích trữ năng lượng: Gỡ khó cho các dự án năng lượng tái tạo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới