Chủ nhật, 24/11/2024 06:34 (GMT+7)
Chủ nhật, 21/06/2020 17:05 (GMT+7)

Tiền điện của hơn 3,1 triệu khách hàng tăng vọt, EVN nói gì về nghi vấn gian lận?

Theo dõi KTMT trên

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, tháng 5 có tới hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên cả nước có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% so với tháng 4/2020.

Tiền điện của hơn 3,1 triệu khách hàng tăng vọt, EVN nói gì về nghi vấn gian lận? - Ảnh 1
EVN cho biết nắng nóng kỷ lục làm nhu cầu tiêu dùng điện tăng cao.

Theo số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đã có tới hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92%) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020, đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%

Thậm chí, trong tháng 5 có tới hơn 215 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.

Tổng công ty Điện lực miền Nam và Tổng công ty Điện lực miền Bắc có số lượng khách hàng sử dụng điện sinh hoạt tăng trên 30% cao nhất cả nước và thấp nhất là Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh.

Theo EVN, nguyên nhân chủ yếu là do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, đặc biệt đợt nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ vừa qua là đợt nóng kéo dài kỷ lục trong 27 năm qua, đã khiến tiêu thụ điện tăng rất cao, chủ yếu do nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí tăng mạnh.

Khi vào mùa khô ở miền Nam và mùa nắng nóng ở miền Bắc và miền Trung, nhu cầu sử dụng điện cho việc làm mát (đặc biệt là điều hòa) là nguyên nhân chính làm cho điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao dẫn đến tiền điện tăng.

Ví dụ, một hộ gia đình có mức tiêu thụ tháng 4 là 300 kWh thì số tiền điện cần thanh toán là 688.160 đồng (không tính giảm giá do Covid-19). Nếu sang tháng 5, gia đình này nếu tiêu thụ điện tăng 20% nghĩa là sản lượng điện tiêu thụ ở mức 360 kWh số tiền điện cần thanh toán 875.204 đồng, tức là hóa đơn tiền điện tăng 27,18%.

Nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng 50% (450 kWh) thì số tiền điện thanh toán là 1.160.885 đồng – tiền điện tăng 68,69% so với tháng 5. Nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng 100% (600 kWh) thì số tiền thanh toán là 1.643.840 đồng - tăng 138,87% so với tháng 4.

Theo các chuyên gia, khi sử dụng máy lạnh/máy điều hòa nhiệt độ, điện năng sử dụng của thiết bị này phụ thuộc rất nhiều vào chênh lệch nhiệt độ giữa nhiệt độ ngoài trời và nhiệt độ trong phòng. Nhiệt độ ngoài trời càng cao, chênh lệch nhiệt độ ngoài trời so với trong nhà càng lớn thì thiết bị điều hoà nhiệt độ sẽ phải hoạt động nhiều hơn, tiêu tốn nhiều điện năng hơn.

Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân khác như việc mở cửa ra vào nhiều. đóng mở tủ lạnh nhiều lần cũng gây thất thoát nhiệt làm cho lượng điện tiêu thụ có thể tăng đến 17%. Khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1 độ C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng từ 2 đến 3%.

Nếu nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 5 độ C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng thêm 10%. “Do đó, mặc dù thời gian sử dụng điều hòa không đổi nhưng khi nhiệt độ môi trường tăng và nhiệt độ trong phòng vẫn đặt ở mức không thay đổi thì lượng điện tiêu thụ của điều hòa vẫn tăng lên rất nhiều”- một chuyên gia cho biết.

Nghi vấn công tơ điện và ghi số điện không chính xác

Trước tình hình tiêu thụ điện tăng đột biến nêu trên, nhiều khách hàng đã đặt ra nghi vấn, liệu công tơ điện “có vấn đề” hoặc ghi số điện không chính xác hay không?

Phản hồi về thông tin này, đại diện EVN cho biết, các công tơ/điện kế đo lường lượng điện năng tiêu thụ khi được lắp đặt đều được kiểm định đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư số 07/2019/TT BKHCN ngày 26/7/2019.

Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2. Các công tơ đến hạn kiểm định sẽ được các đơn vị của ngành thực hiện thay thế định kỳ bằng công tơ đã được kiểm định cho khách hàng.

Hiện tại, các công tơ điện tử được thu thập chỉ số tiêu thụ điện hoàn toàn tự động và thực hiện từ xa. Đối với công tơ cơ khí được áp dụng việc ghi chỉ số bằng phần mềm trên máy tính bảng có các tính năng cảnh báo vượt sản lượng, các tính năng hỗ trợ phát hiện các số liệu bất thường để nhân viên ghi chỉ số thực hiện kiểm tra đảm bảo hạn chế tối đa việc xảy ra sai sót (nếu có) trong công tác ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện.

Cũng theo EVN, khách hàng sử dụng điện có quyền giám sát việc ghi chỉ số công tơ. Lịch ghi chỉ số công tơ được quy định trong hợp đồng mua bán điện và được đơn vị điện lực công khai, đảm bảo khách hàng biết, kiểm tra chỉ số công tơ và sản lượng điện tiêu thụ. Trên cơ sở lịch ghi chỉ số của từng khu vực được công bố công khai, khách hàng có thể giám sát công tác ghi chỉ số công tơ của Điện lực.

Biểu giá điện 6 bậc như hiện nay bộc lộ nhiều khuyết điểm

Trả lời VOV, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng: "Biểu giá điện sinh hoạt bậc thang 6 bậc hiện nay vẫn có những ưu điểm nhất định, nhưng để đáp ứng với tình hình mới thì biểu giá đã bộc lộ khá nhiều khuyết điểm.

Cụ thể, biểu giá điện nhiều bậc đang gây ra những khó khăn nhất định cho việc quản lý của ngành điện, trong theo dõi giám sát của khách hàng sử dụng điện. Hơn nữa, biểu giá điện không phù hợp với thực tế tiêu thụ điện hiện nay, do tỉ trọng số hộ dùng điện gắn với tỉ trọng tiêu thụ điện của từng bậc đã có sự dịch chuyển.

Thực tế qua các năm có thể thấy, các hộ dùng điện ở các bậc thấp đã giảm đi, các hộ dùng điện ở các bậc phổ biến trong xã hội và bậc cao tăng lên. Ví dụ, số hộ tiêu thụ điện dưới 50 kWh/tháng trong năm 2014 chiếm 21,79% trên tổng số hộ dùng điện, thì năm 2017 đã giảm xuống còn 17% và năm 2018 giảm còn 15,17%. Trong khi đó, số hộ tiêu thụ điện từ 300 kWh/tháng trở lên năm 2014 chỉ chiếm tỉ lệ 8,63% thì năm 2018 đã nâng tỉ lệ lên 10,69%.

Bên cạnh đó, khoảng chênh lệch về lượng và giá giữa các bậc thang (giãn cách bậc) như hiện nay là không hợp lý. tỉ lệ giá bán lẻ của từng bậc thang so với giá bán lẻ điện bình quân chưa phù hợp, dẫn đến có những thời điểm (tháng 3/2019 khi giá điện được điều chỉnh) nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, làm cho người tiêu dùng phải trả thêm nhiều tiền hơn, do tốc độ tăng tiền điện phải thanh toán nhanh và cao hơn tốc độ tăng của lượng điện tiêu thụ.

Đây là nguyên nhân chính gây ra bức xúc trong xã hội của đợt điều chỉnh giá điện vừa qua, vì số lượng điện tiêu thụ nhiều hơn thường bị “nhảy vào” bậc 3 có giá cao hơn bậc 2 là 16,5% và bậc 4 có giá cao hơn bậc 3 là 25,91%. Vì vậy, nhiều hộ sử dụng điện sẽ phải trả giá điện bình quân từ 2.000 đến trên 2.000 đồng/kWh, mà không phải với giá 1.844,44 đồng/kWh sau đợt điều chỉnh tháng 3 tăng bình quân 8,36%.

Với nhiều bất cập như trên, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng biểu giá điện hiện hành phải được sửa đổi.

"Để tồn tại biểu giá điện hợp lý và được nhiều người đồng thuận, theo tôi nên rút gọn biểu giá điện hiện nay xuống còn khoảng 3 - 4 bậc (tốt nhất là 3 bậc). Bố trí giá lũy tiến nhưng tính theo tỉ trọng tiêu dùng điện thực tế, bảo đảm không vượt giá điện sinh hoạt bình quân. Cần chú ý đến đối tượng tiêu thụ điện ít, khả năng chi trả không cao nhưng cũng bảo đảm cho đơn vị kinh doanh điện bù đắp đủ chi phí sản xuất và có lợi nhuận ở mức độ nhất định" - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam chia sẻ.

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Tiền điện của hơn 3,1 triệu khách hàng tăng vọt, EVN nói gì về nghi vấn gian lận?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới