Tiền Giang: Khai thác cát trái phép vấn diễn biến phức tạp
Trước tình trạng khai thác trái phép vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn, UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý.
Theo ngành chức năng tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, tình hình khai thác cát trái phép tiếp tục diễn biến phức tạp, các ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong phối hợp, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản và đã triển khai được nhiều cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi không phép trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, tại các khu vực thường xuyên, liên tục xảy ra hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên tuyến sông Tiền như: Khu vực cầu Mỹ Thuận thuộc các xã Tân Thanh, Hòa Hưng, Hòa Khánh, huyện Cái Bè; Cồn Thới Sơn, xã Thới Sơn thuộc thành phố Mỹ Tho; xã Bình Đức, Phú Phong, Kim Sơn thuộc huyện Châu Thành; xã Bình Minh, Xuân Đông thuộc huyện Chợ Gạo; bến phà Bình Ninh; Vàm Giồng, Rạch Vách, Tân Long thuộc huyện Chợ Gạo, …. mà người dân, tổ chức và dư luận của báo chí liên tục đưa tin phản ánh... nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, gây lãng phí tài nguyên, thất thu ngân sách Nhà nước.
Số liệu ghi nhận được, từ năm 2022 đến nay, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã tập trung kiểm tra, phát hiện, xử lý 208 vụ/369 đối tượng khai thác cát trái phép, vận chuyển khoáng sản không hóa đơn, chứng từ, tổng số tiền phạt 17.996.737.640 đồng, tịch thu 12 phương tiện và tang vật vi phạm hành chính gồm 7.587,378 m3 cát san lấp.
Trước những diễn biến phúc tạp của nạn khai thác khoáng sản trái phép vàdự báo thời gian tới, nhu cầu tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là cát lòng sông rất cao, lợi nhuận lớn trong khi các quy định pháp luật, công tác quản lý nhà nước vẫn còn những bất cập chưa được hoàn thiện, điều chỉnh. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản; đồng thời tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát trên địa bàn, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Công văn số 1600/UBND-KT về việc mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý hành vi phạm trong khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các sở, ngành và địa phương lập kế hoạch mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông. tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, nhất là tại địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép; thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết nhanh tin báo về vi phạm khai thác cát sông trái phép và công khai kết quả kiểm tra cho người dân biết.
Đặc biệt tiếp tục công khai số điện thoại đường dây nóng của Tổ công tác liên ngành, huyện và cơ quan, đơn vị liên quan để người dân biết, tố giác hành vi vi phạm về khai thác khoáng sản không phép trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị định, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản và Kế hoạch phê duyệt Phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.
Tăng cường tổ chức phối hợp đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát trái phép. Giải quyết dứt điểm các “tụ điểm” phức tạp về hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh, không để nhân dân bức xúc, gửi đơn thư phản ánh nhiều nơi mà không được giải quyết thỏa đáng; để báo chí phản ánh gây bức xúc trong dư luận.
Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, tham mưu Ban Chỉ đạo quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn Tiền Giang, UBND tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương có liên quan sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với tình hình hiện nay, không để tội phạm lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân tham gia tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát trái phép. Làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và vi phạm pháp luật trên lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản; thông qua công tác kiểm tra, xử lý, tổ chức phối hợp các cơ quan thông tin, truyền thông công khai kết quả xử lý nhằm định hướng dư luận, tạo sự đồng tình ủng hộ của các cấp, ngành và nhân dân.
Củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác liên ngành cấp huyện trong kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát trái phép thuộc trách nhiệm quản lý.
Không có sự chống lưng, bao che, 100% doanh nghiệp không dám làm sai!
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn ngang nhiên diễn ra ở nhiều nơi. Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ:
“Tình trạng khai thác khoáng sản được phép, trái phép, không đúng quy hoạch đã và đang diễn ra ở nhiều nơi, nhiều khu vực. Giữa nhà đầu tư và chính quyền địa phương có thể có sự câu móc, hoặc du di với nhau nên xảy ra nhiều trường hợp khai thác khoáng sản bất hợp pháp, khai thác không đúng quy định, khai thác kéo dài dẫn đến kiệt quệ tài nguyên.
Trong khi đó, việc xử lý của cơ quan chức năng vẫn còn khiến người dân phàn nàn, cảm thấy có vấn đề gì đó hay là sự móc nối của chính quyền, của bộ ngành hoặc giữa các doanh nghiệp với nhau trong khai thác khoáng sản để mang lại lợi nhuận riêng tư gây thất thoát nguồn tài nguyên quý giá. Đồng thời làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, môi trường, biến đổi khí hậu của đất nước.
Thời gian qua, chúng ta có thực hiện quản lý, có xử lý vi phạm nhưng theo tôi đánh giá thì mức độ xử lý cũng chưa nghiêm. Có những địa phương xử lý nghiêm, những cũng có những địa phương xử lý chưa nghiêm.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, đối với những doanh nghiệp, cá nhân sai phạm cần phải xử lý thật nghiêm minh, trước tiên xử lý bằng biện pháp hành chính.
Đối với những doanh nghiệp, cá nhân làm chưa đúng nhưng có quyết tâm khắc phục sửa sai thì phạt hành chính để sửa sai và làm lại cho tốt. Đối với những cá nhân, doanh nghiệp ngoan cố, chai lì không chịu sửa sai thì theo tôi cần xử lý bằng biện pháp hình sự”.
“Cốt lõi là những hành vi sai phạm có sự móc nối, bao che từ chính quyền, ngành chức năng chuyên môn hay không? Thiết nghĩ nếu không có sự bao che mà vào cuộc quyết liệt của chính quyền và ngành chuyên môn thì đố doanh nghiệp nào dám làm ăn phi pháp. Không có sự chống lưng, bao che thì tôi nghĩ chắc chắn 100% doanh nghiệp không dám làm sai, làm trái quy định của nhà nước. Chỉ có trường hợp bao che, ầu ơ ví dầu, du di rồi có sự can thiệp của một thế lực nào đó thì doanh nghiệp, cá nhân mới dám làm những việc phi pháp” – Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh!
Thanh Tùng