Chủ nhật, 24/11/2024 07:35 (GMT+7)
Thứ bảy, 23/01/2021 07:00 (GMT+7)

Tiến tới Đại hội Đảng: Động lực cho phát triển kinh tế nhanh, bền vững

Theo dõi KTMT trên

Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trước hết cần đổi mới tư duy, hành động theo hướng quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt lên và biến khó khăn, thách thức thành cơ hội.

Tiến tới Đại hội Đảng: Động lực cho phát triển kinh tế nhanh, bền vững - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trong giai đoạn 2016-2020, toàn cầu hóa, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo cùng với sự xuất hiện của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đem lại nhiều cơ hội, song còn đó những khó khăn và thách thức đan xen. Đặc biệt, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp đã có nhiều đổi mới, cải cách mạnh mẽ, tham mưu cho Chính phủ và đề ra phương châm hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình mới.

Tận dụng tối đa các cơ hội

Với phương châm hành động “trí tuệ, bản lĩnh, đổi mới, phát triển” xuyên suốt trong nhiệm kỳ qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Các đề án, báo cáo, kiến nghị tham mưu của Bộ đều nhất quán quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước, luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng ưu tiên phục vụ. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo nhằm tận dụng tối đa các cơ hội phát triển của đất nước, nhất là cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cùng với đó, theo dõi sát sao và thường xuyên phân tích, dự báo tình hình để kịp thời đề xuất các giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành phát triển kinh tế-xã hội.

Đặc biệt là các thể chế liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao đã góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong 5 năm qua, qua đó khẳng định vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Bộ trong giai đoạn vừa qua là phù hợp với thực tiễn.

Ngoài ra, đảm bảo sự liên tục và đáp ứng tốt các yêu cầu quản lý nhà nước có tính chất đa ngành, đa lĩnh vực được Chính phủ giao. Đặc biệt, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ trong việc xây dựng, đề xuất các giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư công; bảo đảm các cân đối vĩ mô, các mục tiêu kế hoạch đã đề ra trong bối cảnh tình hình kinh tế trong và ngoài nước thường xuyên có nhiều biến động.

Phục hồi và tăng trưởng

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV cũng như là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.

Nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra trong năm 2021 rất nặng nề và có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm. Nghị quyết số 124/2020/QH14 về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 đã được Quốc hội thông qua với 12 chỉ tiêu chủ yếu như: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%; tỉ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm từ 1-1,5 điểm phần trăm...

Tuy nhiên, dự báo tình hình quốc tế và trong nước năm 2021 có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Đại dịch COVID-19 tiếp tục tác động tiêu cực, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... ngày càng nghiêm trọng và khó lường.

Tiến tới Đại hội Đảng: Động lực cho phát triển kinh tế nhanh, bền vững - Ảnh 2
Dây chuyền sợi xuất khẩu tại Công ty TNHH dệt Phú Thọ. (Ảnh: TTXVN)

Để đạt được những mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trước hết cần đổi mới tư duy, hành động theo hướng quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt lên và biến khó khăn, thách thức thành cơ hội. Đồng thời, tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Tiếp đó, quyết tâm thực hiện các chủ trương đổi mới, cải cách và phát triển; chủ động, tích cực cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng, công trình quan trọng quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn và thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước khai thác tối đa cơ hội, lợi ích của các FTA đã ký như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)...

Sau 4 năm liên tiếp từ 2016-2019 hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra và kiểm soát thành công đại dịch COVID-19 trong năm 2020, các tổ chức quốc tế đều dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2021; trong đó, IMF dự báo kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ phục hồi và tiếp tục nằm trong nhóm có tăng trưởng kinh tế cao nhất Đông Nam Á.

“Tuy nhiên, chúng ta không thể thành công nếu không linh hoạt, sáng tạo, chủ động đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách để nâng cao khả năng thích ứng và phát triển; đồng thời, phải lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng, là chìa khóa của phát triển kinh tế nhanh và bền vững,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đẩy nhanh chuyển đổi số

Hiện nay, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã được thành lập, thực hiện vai trò chủ thể trong kết nối và thu hút các nguồn lực cho đổi mới sáng tạo. Sự ra đời và Trung tâm đi vào hoạt động sẽ đưa các ý tưởng đổi mới sáng tạo vào một hệ sinh thái đầy đủ, hoàn chỉnh và sử dụng các cơ chế thuận lợi để thúc đẩy nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chúng ta phải đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số; thực hiện chuyển đổi số trong quản trị quốc gia, sản xuất, kinh doanh và tổ chức xã hội.

Trước mắt, sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý, đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây là những tiền đề quan trọng để Việt Nam có thể “bắt kịp, đi cùng, vượt lên” về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế trong thời kỳ hậu COVID-19.

Đặc biệt, xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường trên cơ sở làm chủ công nghệ, đi đôi với chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, các mô hình kinh doanh mới...

“Tận dụng tốt thời cơ, cơ hội để đưa đất nước vươn lên mạnh mẽ, thu hẹp khoảng cách phát triển, phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ  năm 2021, tạo nền tảng vững chắc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tới và hiện thực hóa khát vọng phát triển về tầm nhìn đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Thúy Hiền

Bạn đang đọc bài viết Tiến tới Đại hội Đảng: Động lực cho phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới