Chủ nhật, 24/11/2024 06:01 (GMT+7)
Thứ ba, 19/04/2022 20:00 (GMT+7)

Tiếp tục gỡ nút thắt phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân

Theo dõi KTMT trên

Đây là vấn đề được các chuyên gia thảo luận tại tọa đàm “Gỡ nút thắt phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân” do Đài Truyền hình KTS VTC và Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức tại hai đầu cầu Hà Nội và TP.HCM ngày 19/4.

Chăm lo giải quyết nhà ở cho nhân dân là vấn đề quan trọng

Tại tọa đàm, các nhà quản lý và chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, kết quả phát triển nhà ở xã hội trong những năm qua đã đạt được một số kết quả rất đáng ghi nhận, giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình có điều kiện nâng cao chất lượng nhà ở.

Tiếp tục gỡ nút thắt phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân - Ảnh 1
Nhận diện những "nút thắt" để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. (Ảnh minh họa)

Trên cả nước hiện đã hoàn thành 275 dự án nhà ở xã hội với quy mô khoảng 147.000 căn hộ (khoảng 7,35 triệu m2 sàn); đang tiếp tục triển khai 339 dự án với quy mô khoảng 371.500 căn hộ (tương đương khoảng 18,58 triệu m2 sàn).

Tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, trên cả nước đã khởi công 7 dự án với tổng số khoảng 23.965 căn, trong đó, nhà ở xã hội 5 dự án quy mô 20.765 căn. Ngày 21/4/2022 tới đây, Hà Nam sẽ khởi công 01 dự án với quy mô 564 căn. Trong quý III, quý IV 2022, dự kiến Hà Nội sẽ khởi công 02 dự án nhà ở xã hội với khoảng 1.860 căn.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng - ông Nguyễn Văn Sinh, khẳng định, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho nhân dân là một trong những vấn đề quan trọng, thường xuyên được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo.

Tiếp tục gỡ nút thắt phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân - Ảnh 2
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh tại Tọa đàm.

Hệ thống pháp luật về nhà ở trong những năm qua đã ngày càng được hoàn thiện. Nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã được ban hành nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách, khó khăn về nhà ở trong đó có công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp như các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi lãi suất thấp.

Ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Trong đó, có giải pháp hỗ trợ tín dụng đối với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo xây dựng lại chung cư.

Bộ Xây dựng ngay sau đó đã khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ như: Xây dựng và ban hành Chương trình hành động; Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP đối với những nhiệm vụ của Ngân hàng; Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng dự thảo Nghị định hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Mặt khác, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cũng đang triển khai đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo ông Trần Văn Thuật, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đến nay đơn vị đã ký kết được chương trình phối hợp với hơn 20 UBND các tỉnh nhằm tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính... Qua đó kêu gọi đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn tỉnh, thành phố để cho công nhân lao động... được thuê, thuê mua và mua để cải thiện chỗ ở.

Tiếp tục gỡ nút thắt phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân - Ảnh 3
Ông Trần Văn Thuật, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Nhận diện để giải quyết những điểm nghẽn

Nhiều chuyên gia đánh giá, kết quả này vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Nguyên nhân chính là do thiếu quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội; vướng mắc trong thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; thiếu nguồn vốn ưu đãi và cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH TM Xây dựng Lê Thành - một doanh nghiệp dành nhiều tâm huyết cho nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, chia sẻ, sau gần 10 năm triển khai doanh nghiệp đang phải chịu nhiều cay đắng và "sợ" xây nhà giá rẻ trong bối cảnh thị trường vẫn thiếu nghiêm trọng phân khúc này. Bởi, trong khi thị trường bất động sản khan hiếm căn hộ giá rẻ thì nhiều dự án của đơn vị mất từ 4-5 năm vẫn chưa xong thủ tục và vướng mắc ở nhiều khâu.

Cụ thể, tại Dự án Nhà ở xã hội cho thuê Lê Thành An Lạc tại quận Bình Tân, TP.HCM dù được chuyển mục đích sử dụng đất từ năm 2014 và được cấp phép, khởi công xây dựng từ năm 2017, nhưng tới giờ, 19 căn nhà phố của Dự án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do chưa được tính tiền sử dụng đất. Còn tại Dự án Nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên tại Bình Chánh, TP.HCM, dù Công ty Lê Thành đã nộp hồ sơ từ tháng 3/2019, nhưng tới nay vẫn chưa có quyết định chủ trương đầu tư Dự án - là bước đầu tiên trong 4 bước hoàn thiện quy trình thủ tục.

Nhằm giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp và các dự án trong lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, các địa phương đã triển khai không ít giải pháp. Đơn cử, tại TP.HCM, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết, địa phương đã thành lập các tổ công tác hàng tuần sẽ có lãnh đạo Thành phố phối hợp với các sở, ngành và doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn đang gặp phải;

Tiếp tục đề xuất bổ sung các quỹ đất do Nhà nước trực tiếp quản lý ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao để sắp xếp, điều chỉnh lại quy hoạch trước đây; tiếp tục rà soát các huyện có khu công nghiệp, khu chế xuất xây dựng các khu nhà trọ cho công nhân thuê từ 3-5 năm theo yêu cầu của các doanh nghiệp trong khu vực này; tiếp tục đề nghị hỗ trợ vay vốn từ 10 năm trở lên để có nhà lưu trú cho công nhân.

Song, để phát triển nhà ở xã hội hiệu quả, đúng mục tiêu trong thời gian tới, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, cần triển khai ngay 3 giải pháp cấp bách.

Đó là rà soát, sửa đổi, bổ sung các chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở theo Chương trình phát triển nhà ở quốc gia mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các địa phương phải rà soát lại các quy hoạch phát triển đô thị của địa phương phải có quỹ đất với địa điểm, diện tích để đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; rà soát và thực hiện nghiêm các quy định về việc dành 20% quỹ đất đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong các dự án phát triển nhà ở thương mại để có quỹ đất cho đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện một số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này cũng đề xuất, nhà ở xã hội mang tính chất đặc thù nên doanh nghiệp cần được ưu đãi thuế, hỗ trợ vốn, nhất là tạo đột phá về quỹ đất và thủ tục pháp lý tại địa phương, nhằm tạo động lực và yên tâm phát triển nhà ở xã hội. Vì thực tế, hầu hết các doanh nghiệp muốn tăng cung các dự án, nhưng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề pháp lý dự án. Các doanh nghiệp khi có cơ hội, thuận lợi đều sẵn sàng bắt tay triển khai các dự án.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Tiếp tục gỡ nút thắt phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới