Tiếp tục sửa đổi nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai
Ngày 25/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã công bố Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai để lấy ý kiến rộng rãi.
Theo đánh giá của Bộ TN&MT tại Dự thảo tờ trình, trong thời gian qua, trên cơ sở phản ánh, kiến nghị của các địa phương, người dân và doanh nghiệp về các khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai 2013, Bộ TN&MT đã tập trung nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Các văn bản quy phạm pháp luật nên trên đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành Luật Đất đai trong thời gian qua.
Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/07/2014. Để tổ chức thi hành Luật Đất đai, các Bộ: TN&MT, Tư pháp, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu xây dựng và trình Chính phủ ban hành 25 Nghị định (trong đó có 16 nghị định ban hành mới, 07 nghị định sửa đổi, bổ sung và 02 nghị định ban hành thay thế); các Bộ, ngành đã ban hành 59 thông tư, thông tư liên tịch, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì ban hành 46 thông tư.
Song song với quá trình xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi, thực hiện chủ trương chung của Chính phủ về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, người dân và doanh nghiệp, Bộ TN&MT tiếp tục chỉ đạo các cơ quan có liên quan rà soát các quy định của pháp luật đất đai để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành trong khi chờ sửa đổi toàn diện Luật đất đai.
Qua kết quả rà soát, Bộ TN&MT đánh giá, việc thực thi Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản pháp luật có liên quan còn nhiều hạn chế. Bộ TN&MT đã nhìn rõ những tồn tại cần tháo gỡ như:
Thứ nhất, về hoạt động của Tổ chức phát triển quỹ đất với chức năng khai thác phát triển quỹ đất để khai thác nguồn lực đất đai còn bất cập, chưa phát huy hiệu quả như mong muốn.
Thứ hai, công tác đăng ký, cấp Giấy chứng nhận còn gặp khó khăn. Trong đó, đối với tổ chức chưa quy định rõ trách nhiệm của các bên có liên quan; đối với hộ gia đình, cá nhân còn so bì, chưa công bằng khi xác định lại diện tích đất ở trong trường hợp sử dụng đất từ trước 18/12/1980 nhưng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất.
Đặc biệt, Bộ TN&MT khẳng định, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với các công trình xây dựng là khách sạn, căn hộ - khách sạn, văn phòng lưu trú, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, nhà nghỉ du lịch và công trình khác (công trình phục vụ mục đích lưu trú, du lịch) trên đất thương mại - dịch vụ gặp nhiều khó khăn tại các địa phương do cách hiểu quy định của pháp luật cũng như cách triển khai thực hiện gây ách tắc, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư cũng như của người nhận chuyển nhượng quyền sở hữu.
Ngoài ra, theo Bộ TN&MT, việc tổ chức lập, lấy ý kiến và tích hợp phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trước khi tích hợp vào quy hoạch tỉnh còn vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai; việc xác định giá đất còn kéo dài, giá đất chưa phù hợp với thị trường do vấn đề thông tin định giá và việc áp dụng các phương pháp định giá.
Bộ TN&MT cũng đánh giá, thủ tục hành chính trong việc xác định các trường hợp bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ sử dụng đất, thủ tục thu hồi đất trong trường hợp dự án bị chấm dứt hoạt động đầu tư chưa đủ rõ; thủ tục điều chỉnh quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích của Thủ tướng Chính phủ còn kéo dài. Hiện cũng chưa có quy định về trình tự, thủ tục gia hạn sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân mua tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thông qua bán đấu giá, phát mãi...
Từ thực tế nêu trên, Bộ TN&MT khẳng định, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai để giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn là cần thiết trong khi Quốc hội chưa ban hành Luật Đất đai sửa đổi.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai được Bộ TN&MT thực hiện lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân từ ngày 25/3/2 đến ngày 25/5/2022; được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TN&MT.
S.H