Chủ nhật, 24/11/2024 04:52 (GMT+7)
Thứ sáu, 05/01/2024 06:00 (GMT+7)

Tiêu dùng xanh – Phát triển bền vững, hướng đến Net Zero Carbon 2050

Theo dõi KTMT trên

Hiện nay không chỉ tiêu dùng mà hàng loạt hoạt động, hàng hóa có thêm bổ ngữ “xanh” đi kèm như giao thông xanh, sản xuất xanh, năng lượng xanh, thực phẩm xanh…đều có cùng nội hàm vì môi trường, BVMT.

Bối cảnh

Quả thật viết bài có nội dung liên quan tới Tiêu dùng xanh tôi bị áp lực. Một mặt, tôi là người tiêu dùng nhưng đồng thời có nghiên cứu ít nhiều và đặc biệt suy nghĩ khá nhiều về vấn đề làm sao có hàng hóa tốt nhất cho người tiêu dùng. Vậy nên, viết theo dạng suy ngẫm hay theo dạng nghiên cứu đều khó vì hiện nay tiêu dùng xanh đang là chủ đề nóng trong dư luận xã hội. Nhất là gần đây nhất, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng với rất nhiều điều khoản quan trọng, chưa thể làm sáng rõ một sớm một chiều và chắc rằng phải đợi những văn bản dưới Luật hướng dẫn thì Luật này mới đi vào đời sống xã hội được.

Vì vậy, xin được viết theo suy ngẫm cá nhân nhưng có trộn lẫn cả những nghiên cứu về chủ đề Tiêu dùng xanh – Phát triển bền vững, hướng đến Net Zero Carbon 2050.

Tiêu dùng xanh – Phát triển bền vững, hướng đến Net Zero Carbon 2050 - Ảnh 1
GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.
  1. Những câu hỏi về Tiêu dùng xanh

Thế nào là tiêu dùng xanh?

Lịch sử loài người có những dấu mốc rất đáng tự hào gắn liền với phát triển kinh tế. Con người, bằng trí tuệ của mình đã sáng tạo ra nhiều cách thức sản xuất để có nhiều sản phẩm ngày càng hiện đại, tiện dụng, góp phần giúp chống chịu được những tác động bất lợi của môi trường. Việt Nam cũng vậy, chúng ta đã có bước tiến rất nhiều để sản xuất đủ lương thực, thực phẩm giúp ăn no, ăn đủ và tiến tới ăn ngon. Việt Nam đã phát triển ngành hàng công nghiệp nhẹ như dệt may, da giày đảm bảo cung cấp đủ quần áo, giày dép để mặc đủ, mặc ấm, mặc đẹp. Rồi phát triển ngành điện để có đủ điện phủ gần như kín, cả vùng miền núi, hải đảo xa xôi cũng có ánh sáng điện, có nguồn năng lượng cho nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa của các cộng đồng dân cư. Và còn nhiều nữa những thành công trong sản xuất, trong thương mại để người Việt Nam có đủ các sản phẩm hiện đại, từng bước theo kịp các nước tiên tiến trên thế giới. Người Việt Nam đã có phương tiện nghe nhìn, liên lạc thuộc loại tiên tiến và được sử dụng phổ biến. Các em nhỏ được học trong ngôi trường khang trang với thiết bị dạy học hiện đại, các Viện nghiên cứu, các Trường Đại học đã được đầu tư để từng bước tiếp cận trình độ khu vực và thế giới.

Không thể kể hết thành tựu kinh tế, xã hội mà Việt Nam đạt được trong mấy chục năm tiến hành đường lối Đổi mới mà Đảng và Nhà nước đặt ra, thực hiện nhưng rõ ràng điều đó đã đưa đến cho nhân dân ta cuộc sống ngày một ấm no, văn minh hơn.

Tuy nhiên, nói gì thì nói Việt Nam vẫn còn là nước đi sau, phát triển chậm so với nhiều nước. Thế giới đã hình thành nhóm quốc gia giàu có với mức GDP bình quân đầu người ở mức rất cao, trên dưới một trăm nghìn USD một năm. Đặc biệt, một số nước có nền công nghiệp phát triển rất cao, sản xuất nhiều mặt hàng cao cấp như máy bay, tàu thủy, tàu hỏa lớn hiện đại và hàng triệu ô tô một năm. Trong khi đó, công nghiệp hóa của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, chúng ta chưa có ngành hàng, sản phẩm công nghiệp chủ lực, có tính cạnh tranh cao trên thế giới. Một số sản phẩm sản xuất tại Việt Nam nhưng bản quyền lại thuộc công ty nước ngoài.

Sau Thế chiến Thứ hai (kết thúc năm 1945) một số nước có tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh, trong đó mặt hàng chủ lực là hàng công nghiệp. Vì vậy, nhiên liệu, nguyên liệu huy động ở mức quá cao nên đã nảy sinh nhiều vấn đề môi trường rất nghiêm trọng. Than đá ở các thập niên 1960, 1970 đóng vai trò then chốt trong sản xuất điện năng ở Mỹ và nhiều nước khác đã thải các chất ô nhiễm gây tổn hại sức khỏe và hệ sinh thái. Mưa axit đã tàn phá nặng nề rừng của Mỹ và một số quốc gia châu Âu, khai thác rừng cũng ở mức cao nên diện tích rừng ở Mỹ giảm rất nhanh chóng và đến những năm 1920-1930 nhiều nhà khoa học đã phải thốt lên là về cơ bản nhiệm vụ phá rừng ở Mỹ đã hoàn thành. Nhưng sau đó, nhận ra những tác động sinh thái to lớn do mất rừng mà Mỹ đã có kế hoạch dài hơi để trồng lại rừng và kiểm soát mưa axits thành công nên thảm rừng được phục hồi nhưng diện tích rừng tự nhiên còn rất ít. Ngay tại nước Anh, do nhiều nguyên nhân dẫn đến sử dụng nhiều than đá trong sản xuất và sưởi ấm cùng điều kiện khí tượng khá đặc biệt nên đã xảy ra thảm họa về ô nhiễm không khí dẫn đến cái chết của hàng nghìn người năm 1952 chỉ trong vài tuần lễ ở Luân Đôn.

Như vậy, đi kèm với phát triển kinh tế để có ngày càng nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu con người thì đã phát sinh nhiều hệ quả, hậu quả môi trường rất lớn, gây tác hại trực tiếp tới sức khỏe con người, đến hoạt động của hệ sinh thái và bây giờ đang nổi lên nguy cơ gây thảm họa cho loài người nếu không có hành động hiệu quả để giảm thiểu biến đổi khí hậu (BĐKH) không mong muốn do con người gây nên.

Rất may, loài người mà đội quân tiên phong là các nhà khoa học đã sớm chỉ ra những hậu quả môi trường-xã hội của các hoạt động kinh tế thiếu kiểm soát và đang cùng nhau giải quyết trên quy mô toàn cầu. Một câu hỏi là các nước đều tăng cường phát triển kinh tế với mục tiêu thỏa mãn nhu cầu người tiêu dùng vậy người tiêu dùng có đóng vai trò gì, có phải là một tác nhân gây ra các hậu quả đó không?. Câu trả lời niện nay là có, và có thể coi tiêu dùng với nhu cầu ngày càng cao là nguyên nhân gián tiếp gây ra những hậu quả đã biết cũng như tiềm ẩn nhiều tác động khác đến chính người tiêu dùng và toàn nhân loại.

Người tiêu dùng là ai?, là anh, chị, là tôi, là chúng ta đó. Hàng ngày chúng ta cần nhiều loại lương thực, thực phẩm, đồ uống cho các bữa ăn, cần điện cho các nhu cầu sử dụng các loại thiết bị (TV, tủ lạnh, bếp, điều hòa,…) và cần nhiều thứ khác nữa mà ta gọi chung là nhiên liệu, nguyên liệu, vật dụng hay chung nhất là hàng hóa. Tiêu dùng được coi là khâu cuối của hệ thống kinh tế tuyến tính, đi từ khai thác tài nguyên đến sản xuất và tiêu thụ. Tiêu thụ là quá trình chiết xuất các tính năng, các giá trị sử dụng của hàng hóa phục vụ cuộc sống của chúng ta mà nhiều nhà kinh tế gọi đó là phúc lợi do hàng hóa mang lại. Xét về nhu cầu, con người hiện đang suy nghĩ là khi nào thì đủ, khi nào thì thỏa mãn hết các mong muốn của con người?. Như trên dã nói nhu cầu ăn là ăn no rồi đến ăn ngon rồi tiếp đến là ăn kiểu gì đây hay mặc ấm, mặc đủ rồi đến mặc đẹp rồi đến mặc kiểu gì đây, hay ngày xưa đi bộ rồi có xe ngựa, xe đạp, xe máy, ô tô rồi máy bay, trên biển thì từ thuyền chèo tay, thuyền buồm, thuyền máy, tàu thủy lớn nhỏ, hiện đại. Đi du lịch thì muốn khám phá những cảnh đẹp tự nhiên, văn hóa, lễ hội xung quanh rồi tiến xa đến các nơi trên đất nước mình, trên các nước khác, bây giờ là du lịch vũ trụ, đến mặt trăng, sao Hỏa và xa hơn nữa chăng?.

Khi còn giảng dạy ở trường đại học, tôi có hỏi sinh viên ngành môi trường các câu hỏi này và tôi thấy các em bàn luận sôi nổi và đưa ra một nhu cầu rất hay là tìm đến cái “lạ” như ăn lạ, mặc lạ, đến những nơi lạ và nhiều thứ lạ khác mà con người muốn khám phả. Tất nhiên cái lạ mà mỗi người hiểu theo nghĩa khác nhau, có cả cái lạ “tốt” thì xã hội cần đáp ứng nhưng với nghĩa xấu, độc phải kiên quyết loại trừ. Ví dụ, sử dụng bóng cười, xử dụng ma túy để có cảm giác lạ nhưng sẽ có những hậu quả cho chính bản thân người sử dụng nên phải có cách điều chỉnh, thậm chí cấm.

Theo nhiều nghiên cứu, thuật ngữ “tiêu dùng xanh” xuất hiện lần đầu ở các nước phát triển sớm, nhanh, mạnh, tốc độ cao như Mỹ, các nước Tây Âu khi các nhà khoa học nhìn ra các hậu quả, thiệt hại môi trường do chính quá trình phát triển gây nên. Khi đó, các nhà nghiên cứu chuyển sang một cách tiếp cận mới, khác trước, đó là tiếp cận quá trình tiêu dùng, người tiêu dùng để tìm cách giảm thiểu tác động có hại đến sức khỏe con người, đến sức khỏe hệ sinh thái hay nói chung là hại đến môi trường. Trước đó, cách tiếp cận tập trung vào người sản xuất, tìm phương pháp, công nghệ sản xuất ít phát thải, ít gây tác động có hại nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong muốn. Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng phải tiếp cận cả phía cung (sản xuất) và cầu (tiêu dùng) đối với hàng hóa thì mới có thể đạt hiệu quả cao trong giảm thiểu các tác động tiêu cực trong đó đáng kể nhất là các tác động đến môi trường. Theo cách lập luận này thì chắc chắn thuật ngữ tiêu thụ xanh xuất hiện ở các nước như Mỹ, Tây Âu từ những năm 1960, 1970 là điều dễ hiểu. Xin dẫn ra dưới đây đoạn viết về sự ra đời của thuật ngữ này của một nghiên cứu:

Ở các xã hội phương Tây, tiêu dùng xanh xuất hiện trong những năm 1960 và đầu những năm 1970, với nhận thức ngày càng tăng về sự cần thiết phải bảo vệ môi trường và sức khỏe con người khỏi những tác động do ô nhiễm công nghiệp và tăng trưởng kinh tế và dân số gây ra. Những năm 1980, những thương hiệu “xanh” đầu tiên của Mỹ bắt đầu xuất hiện và bùng nổ trên thị trường Mỹ. Trong những năm 1990, sản phẩm xanh tăng trưởng chậm và vẫn chỉ là một hiện tượng nhỏ. Sự quan tâm của người Mỹ đối với các sản phẩm xanh bắt đầu tăng trở lại vào đầu những năm 2000 và tiếp tục tăng”.

Hiện nay không chỉ tiêu dùng mà hàng loạt hoạt động, hàng hóa có thêm bổ ngữ “xanh” đi kèm như giao thông xanh, sản xuất xanh, năng lượng xanh, thực phẩm xanh,…đều có cùng nội hàm vì môi trường, BVMT.

Ai thuộc loại tiêu dùng xanh

Cùng sản phẩm hàng hóa (ví dụ cùng bó rau muống, cùng 1kWh điện, cùng chiếc tủ lạnh,…), có loại hàng hóa mà quá trình sản xuất và sử dụng, tiêu thụ ít tác động có hại đến môi trường thì chúng được coi là sản phẩm xanh mà chính xác là “xanh hơn” so với sản phẩm khác.

Khi đó, Người tiêu dùng xanh sẽ là người chọn mua các sản phẩm và dịch vụ được coi là ít có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường hay các sản phẩm xanh theo nội hàm trên. Người ta đã xem xét về hành vi của người tiêu dùng xanh với những đặc điểm như: mua và sử dụng các sản phẩm có tác động môi trường thấp hơn, chẳng hạn như các sản phẩm phân hủy sinh học, tái chế hoặc ít bao bì đóng gói hay sử dụng năng lượng thấp; sử dụng các sản phẩm hữu cơ, được thực hiện bằng các quy trình giúp tiết kiệm năng lượng, sau đó là hoạt động tái chế.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra một số nhóm người rất có ý thức với tiêu dùng xanh, một số khác lại không để ý nhiều và tìm cách giải thích nguyên do. Để có ý thức tiêu dùng xanh người ta phải có quá trình chuyển đổi hành vi từ bước hiểu, nhận thức được về tiêu dùng xanh, cách phân biệt sản phẩm xanh rồi tiến tới có ý thức tiêu dùng xanh, nghĩa là khi mua sản phẩm phải có sự xem xét lựa chọn đúng sản phẩm xanh để mua, tiêu dùng.

Lý thuyết kinh tế đã chỉ ra lý do tại sao con người trả tiền mua hàng hóa để tiêu dùng, đó là tiêu thụ hàng hóa sẽ đem đến lợi ích, phúc lợi, thỏa mãn nhu cầu, ý thích của mình. Tuy nhiên, nhu cầu, ý thích của mỗi người khác nhau nên các nhà kinh tế cố gắng xác định đường cầu cho cá nhân, nhóm người, cộng đồng, xã hội và thấy rằng mặc dù đường cầu của cá nhân khác nhau nhưng lượng cầu hàng hóa tăng khi giá hàng hóa giảm. Trong thị trường cụ thể, khi xác định được giá hàng hóa và đường cầu chung của thị trường, các nhà kinh tế phân tích, chỉ rõ thặng dư tiêu dùng, phần người tiêu dùng được hưởng mà không phải chi trả. Đường cầu trên hình dưới đây minh họa cho nhận xét này. Khi đã có đường cầu đối với một loại hàng hõa và gia thị trường được xác định tại p* thì tổng chi phí người tiêu dùng phải trả chỉ là diện tích hình chữ nhật có  gạch ngang (1), Trong khi ở các giá cao hơn chẳng hạn Pb hoặc Pa vẫn có người sẵn sàng chi tiền để có hàng hóa. Nghĩa là họ sẵn sàng trả giá cao hơn giá thị trường vì họ nhận thức được lợi ích hàng hóa đem lại cao hơn hoặc đơn giản vì họ thích loại hàng hóa này. Vì vậy tổng lợi ích người tiêu dùng được hưởng mà không phản trả là diện tích tam giác có gạch chéo (2) trên hình minh họa.

Lý thuyết này có thể dùng để lý giải sự lựa chọn, mua hàng hóa thân thiện môi trường, hàng hóa xanh của khách hàng cho dù giá của nó cao hơn so với hàng hóa cùng loại khác. Vì vậy, các chiến dịch quảng cáo sẽ có tác dụng rất lớn giúp người tiêu dùng nhận thức được tác dụng BVMT đối với hàng hóa xanh và xẵn lòng mua để tiêu dùng và khi đó họ trở thành người tiêu dùng xanh.

Tiêu dùng xanh – Phát triển bền vững, hướng đến Net Zero Carbon 2050 - Ảnh 2

Làm thế nào để biết sản phẩm xanh

Đây là câu hỏi khó, nhưng tất cả những người tiêu dùng đều đặt ra và tìm câu trả lời. Có nhiều loại hàng hóa sản phẩm tiêu dùng nhưng chỉ xin phân tích hai loại hàng hóa, dịch vụ sau:

Hàng hóa phục vụ trực tiếp nhu cầu sống, chữa bệnh

Đây là loại hàng hóa phục vụ bữa ăn hàng ngày cho con người như lương thực, thực phẩm, rau, quả và khi ốm đau là các loại thuốc chữa bệnh. Người tiêu dùng sẽ ưu tiên chọn loại sản phẩm an toàn hơn với sức khỏe của mình, ưu tiên chọn sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, hay trong quá trình sản xuất không lạm dụng nhiều loại phân bón (đối với cây trồng) thức ăn (đối với vật nuôi), thuốc bảo vệ thực vật, thuốc phòng chữa bệnh cho vật nuôi, thuốc kích thích tăng trưởng có nguồn gốc hóa học do con người chế tạo và sử dụng. Có nhiều từ chỉ tính an toàn của thực phẩm, thuốc chữa bệnh như xanh, sạch, hữu cơ, sinh thái,… theo những tiêu chí nào đấy, Ở Việt Nam là những lương thực thực phẩm canh tác chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Tra từ khóa VietGAP ta sẽ nhận được quá nhiều thông tin trên mạng nhưng không có nhiều thông tin chính thống. May mắn, chúng tôi tìm được các văn bản chính thống quy định về VietGAP, đó là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số01/2012/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 và Thông tư liên tịch số: 42/2013/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT ngày 16 tháng 10 năm 2013 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (BNNPTNT), Bộ Tài chính (BTC) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (BKHĐT) hướng dẫn thực hiện Quyết định này. Tiếp đến đã có Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) được ban hành liên quan đến VietGAP để có  cơ sở cấp phép các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP. Khi kết hợp với các QCVN liên quan đến chất lượng thực phẩm, lương thực, rau củ quả,… thì đã có đủ cơ sở pháp lý xác định một sản phẩm xanh. Một số cơ quan cũng đã được phép xem xét, cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP cho các sản phẩm xứng đáng.

Như vậy, nếu có cách gì để người dân hiểu, tin tưởng vào sản phẩm VietGAP là sản phẩm xanh thì sẽ giúp người dân tiêu thụ nhiều hơn.

Một loại sản phẩm mới đây cũng được thị trường hoan nghênh, đó là sản phẩm OCOP (viết tắt từ tiếng Anh: One Commune One Product - Mỗi xã một sản phẩm). Đây là loại sản phẩm có cơ sở pháp lý để tồn tại và cơ sở khoa học khá toàn diện, được đánh giá phân hạng và cấp giấy chứng nhận lưu hành. Sản phẩm OCOP bao gồm những sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có thương hiệu, mang đặc trưng về văn hóa, lợi thế của địa phương, được đánh giá, phân hạng theo 03 cấp: cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương và theo mức chất lượng từ một sao tới 5 sao. Có thể dẫn ra các văn bản quy định về sản phẩm OCOP như Quyết định số 919/QĐ-TTg, ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 – 2025 và Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy định đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Hiện trên thị  trường và trong xã hội xuất hiện một số thông tin về nhiều sản phẩm xanh, thân thiện môi trường khác nên người tiêu dùng lúng túng trong việc chọn lựa. Chẳng hạn, tiêu chí an toàn cho sức khỏe thì người tiêu dùng chỉ cần thông tin như không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không có kim loại năng, các chất độc hại khác vượt quy chuẩn cho phép nhưng thật khó tìm trên các tài liệu đi kèm sản phẩm. Nhiều người tiêu dùng ước gì có một loại thiết bị nhỏ gọn (kít thử- kit test) có thể nhanh chóng phát hiện chất độc hại trong thực phẩm, thuốc uống chữa bệnh. Các nhà khoa học cũng đã cố gắng chế tạo các loại kit này nhưng vẫn chưa có kết quả mong muốn. Xem các phim cổ Trung Hoa chúng ta thường thấy các vị lang trung (thầy thuốc) có cây kim thử độc, không rõ thực hư nhưng có lẽ với khoa học công nghệ hiện đại tôi hy vọng chúng ta sớm có “cây kim” loại này, cấu tạo như một cây bút nhiều đầu thử để tiện sử dụng.

Hàng hóa, vật dụng, dịch vụ tiêu dùng gián tiếp, lâu dài

Chúng ta sử dụng điện để thắp sáng, chạy tủ lạnh, để bật TV xem truyền hình, để khởi động bếp điện, từ nấu ăn,… Hiện nay, điện đã đến được với hầu hết các khu vực trên cả nước, kể cả những bản làng vùng sâu vùng xa giúp cuộc sống con người được cải thiện đáng kể. Và nếu coi Vệt Nam đã điện khí hóa cả nước thì theo định nghĩa của Lê Nin, Việt Nam đã thành nước đạt mốc Xã hội Chủ nghĩa. Với người dân, có điện thì sử dụng nhưng rồi dần dần người ta hiểu được nguồn gốc điện từ đâu, sản xuất điện có tác động đến môi trường không và những sự kiện về mưa axits ở Mỹ hay sự cố ô nhiễm không khí ở Anh đã thôi thúc người tiêu dùng có nguyện vọng được biết. Sản xuất điện công nghiệp thời kỳ đầu dùng nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ, khí đốt) là chính và chúng đã thải ra lượng lớn chất ô nhiễm không khí (bụi, SO2, NOx,…) và đặc biệt là chất khí nhà kính (KNK) với lượng CO2 rất lớn. Nhận thức được điều này sẽ dẫn người tiêu dùng đi tìm nguồn điện xanh hơn, sạch hơn thân thiện hơn với môi trường để sử dụng và đến bây giờ họ hiểu rõ hơn về một số loại điện sạch hơn, xanh hơn như thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện thủy triều, điện dùng khí hydro,… Tuy nhiên, họ rất khó tự sản xuất điện (do công nghệ sản xuất còn nhiều hạn chế) nên vẫn trông chờ vào hệ thống sản xuất điện quốc gia. Mặc dù vậy, đã và đang có xu thế tự sản xuất điện tại chỗ dùng năng lượng mặt trời, dùng khí biogas để sử dụng do công nghệ sản xuất, lưu giữ điện không ngừng phát triển và có kết quả đột phá. Điện mặt trới áp mái là một ví dụ rất cần được nhân rộng. Có người tiêu dùng nói, họ không có sự lựa chọn mà việc này do Nhà nước quyết định, cả về lựa chọn loại điện nào để sản xuất và phân phối, họ chỉ có thể mua để sử dụng. Thật ra, người tiêu dùng rất nhạy bén với việc tăng giá điện vì nó ảnh hưởng ngày càng nhiều đến cuộc sống của chính mình. Vậy câu hỏi đặt ra là sản xuất điện sạch hơn có thể làm tăng giá thành, tăng giá bán thì người tiêu dùng có phản ứng như thế nào, ủng hộ hay phản đối. Nếu họ hiểu thì coi khoản chênh lệch giá họ phải trả thêm là phần đóng góp của họ vào việc BVMT, giảm BĐKH còn nếu không thì sẽ có những phản ứng có thể dẫn đến xáo trộng trong xã hội.

Không chỉ có hộ gia đình mà hầu như tất cả các cơ quan, tổ chức đều phải sử dụng điện trong nhiều hoạt động của mình, đặc biệt là cơ sở sản xuất cần nhiều năng lượng. Vì vậy, chính các cơ sở này cũng phải có giải pháp hạn chế sử dụng nguồn điện có nguồn gốc không thân thiện môi trường, tăng cường sử dụng nguồn điện xanh, sạch cho dù giá cả có tăng lên hoặc từng bước lắp đặt thiết bị sản xuất điện sạch (mặt trời, gió) chính tại khuôn viên cơ sở, cơ quan.

Phương tiện giao thông, hoạt động giao thông hiện đang là đối tượng được quan tâm nhiều. Một mặt, những phương tiện hiện đại như xe máy, ô tô, máy bay, tàu thủy hiện đại đã giúp làm công tác vận chuyển hành khách, hàng hóa nhanh hơn, giúp con người ở những vùng xa nhau hàng vạn dặm có thể gặp nhau, giao lưu, ngắm cảnh,… Nhưng mặt khác hoạt động giao thông là nguồn sử dụng nhiều xăng dầu (nhiên liệu hóa thạch), phát sinh nhiều chất thải, cả chất ô nhiễm môi trường và KNK. Phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô chẳng hạn) đang tăng lên chóng mặt ở Việt Nam, theo thống kê các năm 2021-2023 về xe máy, phương tiện có mật độ lưu hành lớn nhất cả ở thành thị và nông thôn, cả nước có khoảng 70 triệu chiếc, nghĩa là cứ 3 người dân có hơn 2 xe máy. Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam rất ngạc nhiên về mật độ lưu thông xe máy quá cao ở Việt Nam nhưng rõ ràng đây là phương tiện hợp túi tiền và rất hữu dụng, thuận tiện trong điều kiện Việt Nam hiện nay (dễ đi, dễ đỗ, hầu như ai trong độ tuổi đều điều khiển được). Nhìn chung, hầu hết xe máy là xe cá nhân nên việc kiểm soát còn nhiều khó khăn, chưa có giải pháp hạn chế lưu hành xe cũ, xe chất lượng thấp và xe phát thải lớn chất ô nhiễm và chất KNK.

Đối với xe ô tô, có thể lấy số liệu từ một bài báo trên trang mạng xe.baogiao thông đăng ngày 21/3/2023 để hình dung: “Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, số liệu mới nhất (tính đến 15/3/2023) số lượng ô tô tại Việt Nam là 5.014.243 chiếc. Trong đó năm 2022 số lượng ô tô lăn bánh lần đầu là 454.382 chiếc, gồm 333.957 xe du lịch gia đình (dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải) và 120.425 chiếc xe loại khác (gồm dưới 9 chỗ có kinh doanh vận tải, xe buýt, xe chuyên dùng, đầu kéo và sơ-mi rơ-moóc). Nếu tính riêng loại xe dưới 9 chỗ (gồm xe cá nhân, xe gia đình, xe doanh nghiệp và xe kinh doanh vận tải taxi), số lượng xe đang lưu hành là 3.052.533 chiếc”.

Như vậy, có thể coi hầu hết xe dưới 9 chỗ (không và có kinh doanh) là xe cá nhân, xe của hộ gia đình. Và có thể quy tác động môi trường do hoạt động của loại xe này cho chủ nhân cụ thể  của nó. Vậy người tiêu dùng cá nhân này sẽ được coi là người tiêu dùng xanh hay không phụ thuộc vào chất lượng chiếc xe họ đang dùng (năm sản xuất, thuộc tiêu chuẩn Euro nào, chạy nhiên liệu gì,…). Và, về nguyên tắc có thể biết chất lượng xe, mức phát thải chất ô nhiễm, KNK qua công tác kiểm định định kỳ với quy trình khắt khe. Tất nhiên, chỉ khi quá trình kiểm định diễn ra tốt, làm đúng quy trình, có thiết bị hiện đại, có lưu giữ số liệu tốt thì mới giúp đánh giá, kiểm soát được chất lượng xe ô tô, còn khi thẩm định gặp quá nhiều sai sót như vừa xảy ra những năm gần đây thì không biết nói thế nào nữa.

Các loại xe do chủ các cơ sở kinh doanh sở hữu, sử dụng trong vận tải hành khách, hàng hóa cũng rất cần được rà soát về chất lượng để kiên quyết loại trừ phương tiện không đảm bảo cả về an toàn, quá cũ, quá hạn sử dụng.

Hiện tại, đã xuất hiện nhiều loại xe máy, xe ô tô chạy điện, chạy khí ga và tiến tới chạy trực tiếp bằng năng lượng mặt trời, bằng năng lượng hydro được cho là phương tiện xanh, rất xanh. Vậy làm thế nào để khuyến khích, thậm chí có cơ chế yêu cầu chủ sở hữu chuyển sang sử dụng phương tiện xanh hơn. Đơn cử như Hà Nội đã có lúc rộ tin cấm xe máy lưu hành hay từng bước chuyển xe buýt chạy dầu, xăng sang xe buýt chạy điện là những dấu hiệu đáng được quan tâm.

Hai loại hàng hóa nêu trên chưa phải là tất cả nhưng đã cho thấy phần nào bức tranh về sản phẩm xanh, tiêu dùng xanh và chắc chắn chủ đề này còn phải được quan tâm, xem xét, nghiên cứu nhiều hơn nữa.

Một số trải nghiệm về sản xuất xanh và tiêu dùng xanh

Nhân viết về chủ đề này xin được đề cập một chút trải nghiệm về sản xuất xanh và tiêu thụ xanh khi nghiên cứu một dự án nhỏ về rau sinh thái ở Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên vào đầu những năm 2000. Khi đó, chúng tôi gọi “rau sinh thái” là rau được trồng, thẩm định, phân phối tuân thủ đúng tất cả quy định của các cấp có liên quan. Khoa Môi trường là khoa có đầy đủ các nhà chuyên môn về thổ nhưỡng, sinh thái, công nghệ và kết hợp với khoa Sinh học nữa thì có thể kép kín các khâu trồng rau sinh thái, cả đánh giá chất lượng đất, chất lượng nước, chọn loại giống rau, chọn các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng chủng loại cho phép, tuân thủ các quy định hiện hành. Chúng tôi lại được UBND xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, Hà Nội sẵn sàng giao đất, cử lao động tham gia nên rất thuận lợi. Khi lập dự án nghiên cứu chúng tôi chưa được tài trợ bởi cơ quan nào nhưng một số cán bộ tự bỏ tiền “kinh doanh” thử loại rau sinh thái này theo mô hình phối hợp 4 nhà là nhà nông (đại diện là nông dân địa phương), nhà quản lý (UBND xã), nhà khoa học (ở khoa Môi trường) và nhà doanh nghiệp (công ty tiêu thụ rau).

Chúng tôi đã được giao 0,6 ha (6.000 m2) đất do UBND xã quản lý, được UBND cử 5 lao động tham gia sản xuất các loại rau. Các nhà khoa học nhiều chuyên môn khác nhau của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học Nông nghiệp đã lên khảo sát, lấy mẫu phân tích đất, nước, xem xét khả năng tưới, khả năng phòng tránh sâu hại, bệnh có thể ảnh hưởng đến rau. Và vì đang trong giại đoạn thử nghiệm, chúng tôi đã chia diện tích đất thành 5 phần, mỗi phần giao cho một người, trồng một loại rau đang được trồng nhiều ở khu vực như cà chua, rau bắp cải, su hào, súp lơ và xà lách. Dự án đã khoan giếng lấy nước tưới, tiến hành làm đất và bắt thăm nhận đất trồng các loại rau, mỗi lao động được trả thù lao 500.000 đồng một tháng và khi có sản phẩm thu hoạch họ sẽ được hưởng 60% thu nhập từ bán rau. Nhìn chung, bà con rất vui và rất ủng hộ phương án này và tuân thủ tất cả những quy định về trồng và chăm bón rau như chỉ dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc, được quy định sử dụng, tuân thủ số ngày sinh trưởng của từng loại rau (không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng), viết nhật ký ghi rõ ngày giờ sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,… nên chỉ sau 2 vụ rau (khoảng 9 tháng) số tiền bán sản phẩm mà dự án thu được đã gần trang trải số tiền ban đầu bỏ ra. Tôi nhớ nhất là, sau 2 mùa rau, tôi nhận được cuộc gọi xuống kiểm tra, tôi rất lo lắng cùng cả nhóm dự án xuống ngay nhưng hóa ra bà con mời xuống “liên hoan” vì hai vụ rau được “mùa”, là thịt hẵn một con chó cùng vui. Một sự cố đã xảy ra khi chúng tôi thử nghiệm trồng loại súp lơ Thái Lan có hình san hô, tháp rất đẹp, khi còn non ăn sống rất ngọt vì vậy chỉ trong một đêm hơn 50% cây súp lơ dã bị chuột ăn cụt ngọn. Bà con thấy vậy, lập tức đi mua thuốc chuột đánh “bả” xung quanh vườn rau. Khi chúng tôi xuống thấy vậy đã yêu cầu bà con dọn sạch, chôn lấp thuốc chuột xuống hố sâu, tìm cách xua chuột rồi dùng lưới quay lại, chỗ cây bị chuột cắn nhổ đi thay bằng loại rau khác nên cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Hay, thời điểm thu hoạch súp lơ Thái Lan rất ngặt nghèo, chỉ để muộn một chút là chất lượng giảm hẵn. Riêng rau xà lách trồng theo kiểu sinh thái nên ăn rất ngon, chúng tôi mua lại toàn bộ rau về làm quà cho cán bộ trong khoa Môi trường và được khen là rau rất ngon, có lẽ là rau có thời gian sinh trưởng đủ dài, không bị ép tăng trưởng.

Chúng tôi đã viết dự án dạng dự án sản xuất thử, thử nghiệm (dự án phải có sản phẩm bán để nộp trả lại khoảng 70% vốn tài trợ) gửi Đại Học Quốc gia và Sở Nông nghiệp Thành phố Hà Nội nhưng không được xét duyệt. Chúng tôi rất buồn vì UBND xã đánh giá cao mô hình rau sinh thái và đã sẵn sàng dành cho chúng tôi khoảng 10ha đất, sẵn sàng cử lao động, cử các tổ chức, đoàn thể xã hỗ trợ nhưng đành ngậm ngùi vậy.

Một vấn đề chúng tôi rất quan tâm khi thực hiện dự án này là làm thế nào có được văn bản kiểm định chất lượng rau và đưa được vào bán ở các quầy rau, siêu thị uy tín. Chúng tôi đã tổ chức được một cuộc họp có sự tham dự của Viện kiểm/thẩm đinh của Bộ Y tế và công ty HAPRO (Tổng công ty Thương mại Hà Nội). Chúng tôi được đồng chí lãnh đạo Viện thẩm định cho biết, đưa rau đến Viện, sau thẩm định sẽ cấp giấy chứng nhận chất lượng. Khi chúng tôi hỏi lại về nguồn gốc rau thì lãnh đạo Viện cho rằng không nhất thiết phải biết nguồn gốc rau ở đâu. Đây có thể là một lỗ hổng vì rất có thể chứng nhận sẽ được sử dụng cho loại rau khác.

Khi hỏi về cách nhận biết rau “sạch” thì lãnh đạo HAPRO cho biết sẽ dựa vào giấy chứng nhận chất lượng (do Viện kiểm định cấp) và có thêm cảm quan (nhìn, thử thủ công) của các cán bộ có kinh nghiệm của công ty. Và như vậy, HAPRO cũng không thật rõ nguồn gốc rau ở đâu. Sau này, khi HAPRO liên kết với những vùng trồng rau lớn thì nguồn gốc rau được chỉ rõ hơn.

Cuối buổi họp, lãnh đạo Viện thẩm định chất lượng và HAPRO yêu cầu chúng tôi nêu rõ cách thức chứng minh chất lượng rau như thế nào là hợp lý, rõ ràng nhất. Chúng tôi đã đưa ra quy trình: sẽ cùng HAPRO liên kết sản xuất 10ha rau, khi đến vụ thu hoạch sẽ mời Viện thẩm định cử người về lấy mẫu (theo quy định), phân tích và cho giấy chứng nhận đối với các loại rau mà chúng tôi thực trồng. Sau đó trình giấy chứng nhận, xác định giá cả (nếu HAPRO chấp nhận) và đề nghị HAPRO cử người xuống chứng kiến quá trình thu hoạch, vận chuyển về cơ sở bán hàng. Nghe xong quy trình như vậy cả lãnh đạo Viện thẩm định chất lượng và HAPRO đều cho rằng chưa thể thực hiện được.

Chúng tôi vẫn còn để ngỏ câu hỏi về vấn đề này và nếu cơ quan nào có câu trả lời thì xin đăng bài để mọi người biết. Hiện nay ở một số siêu thị lớn đã có quảng cáo về nguồn gốc sản phẩm, nhưng cần làm rõ hơn quy trình từ trồng, chăm bón, thu hoạch, thẩm định, lưu giữ sản phẩm để khách hàng biết, an tâm hơn.

Kết luận

Quả thật “Người tiêu dùng xanh” có rất nhiều nội hàm cần được làm rõ, một số bàn luận của chúng tôi mới là những suy ngẫm và tìm hiểu qua các tài liệu đã có. Nên chăng, cần nhiều hơn bài viết khác, nhiều hơn các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn để mọi người biết, hiểu và tích cực tham gia tiêu dùng xanh.

Tiêu dùng xanh được cho là quan trọng góp phần giảm thải chất ô nhiễm, giảm thải KNK, giảm BĐKH và nếu làm tốt thì từ nay đến năm 2050 có thể góp phần đưa phát thải ròng KNK của Việt Nam (NetZero) về không như cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ở COP26.

Bài viết đã quá dài nhưng vẫn còn một số vấn đề chúng tôi muốn đề cập, đó là: (1). Vai trò của các tổ chức cơ quan nhà nước trong việc khuyến khích và đảm bảo tiêu thụ xanh; (2). Vai trò các cơ quan và các nhà khoa học; (3). Vai trò của người sản xuất; (4). Vai trò người tiêu dùng. Các vấn đề này chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và khi có đủ tự tin sẽ viết bài trình bày sau.

Hoàng Xuân Cơ - Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Tiêu dùng xanh – Phát triển bền vững, hướng đến Net Zero Carbon 2050. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới