Chủ nhật, 24/11/2024 08:08 (GMT+7)
Thứ bảy, 17/09/2022 09:43 (GMT+7)

Tiêu thụ năng lượng sơ cấp toàn cầu và Việt Nam [Tạm kết]: Những vấn đề cần quan tâm

Theo dõi KTMT trên

Bài viết cập nhật tình hình năng lượng sơ cấp tiêu thụ bình quân đầu người toàn cầu, các châu lục, nhóm nước và các nước. Đặc biệt là phân tích về tình hình tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Việt Nam năm 2020 - 2021.

TẠM KẾT: NĂNG LƯỢNG SƠ CẤP TIÊU THỤ BÌNH QUÂN NĂM 2020 - 2021 TRÊN TOÀN CẦU, VIỆT NAM VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM

Trong giai đoạn 2011 - 2021 tiêu thụ năng lượng sơ cấp (NLSC) bình quân đầu người của thế giới tăng nhẹ 0,2%/năm, chủ yếu là do châu Á - TBD tăng 1,9%/năm, Trung Đông 0,4%/năm và CIS 0,3%/năm, khối ngoài OECD tăng 1,2%/năm. Còn các châu lục, khối nước khác đều bị giảm, nhất là châu Âu giảm 0,9%/năm, Bắc Mỹ giảm 0,7%/năm và EU giảm 0,8%/năm.

Tiêu thụ NLSC bình quân đầu người năm 2021 của thế giới đạt 75,6 GJ/người (tăng 4,8% so với năm 2020). Trong đó, Bắc Mỹ 227,0; Nam và Trung Mỹ 53,7; châu Âu 122,0; CIS 163,0; Trung Đông 143,0; châu Phi 14,6; châu Á - TBD 63,6; OECD 167,9; ngoài OECD 56,2; EU 135,0.

Đặc biệt, nhiều nước đạt trên 200 GJ/người, như: Ca-na-đa 364,4; Mỹ 279,5; Trinidad và Tobago 438,3; Bỉ 235,8; Phần Lan 209,3; Iceland 612,4; Luxembourg 234,7; Na Uy 378,0; Hà Lan 198,2; Thụy Điển 218,9; LB Nga 214,5; Turkmenistan 262,0; Cô-oét 402,5; Ô man 329,8; Qatar 686,2; Ả rập Xê-ut 301,3; UAE 487,9; Úc 222,1; Xing-ga-po 630,3; Nam Triều Tiên 245,1; Đài Loan 210,8; các nước châu Á-TBD khác 683,1.

Năm 2021 so với năm 2020 các châu lục, nhóm nước, khối nước và hầu hết các nước đều tăng. Trong đó, nhiều nước tăng cao trên 10% (Cô-lôm-bi-a 10,8%; E-cu-a-dor 15,0%; Pê-ru 14,7%; Trung Mỹ 11,1%; các nước Ca-ri-bê khác 12,3%; Bỉ 12,0%; Bun-ga-ri 13,4%; Estonia 12,6%; Turkmenistan 18,6%; Ô-man 14,0%; các nước Bắc Phi khác 16,4%).

Tình hình của Việt Nam:

Năm 2021, Việt Nam tiêu thụ NLSC 4,32 EJ, tăng 2,6% so với năm 2020 và chiếm 0,7% tổng tiêu thụ NLSC toàn cầu. Trong giai đoạn từ 2011 - 2021 có tốc độ tiêu thụ NLSC tăng bình quân 7,2%/năm, vào loại cao trên thế giới.

Trong cơ cấu tiêu thụ NLSC năm 2021 của Việt Nam than chiếm 49,77%; dầu 21,76%; thủy điện 16,44%; NLTT 6,25%; khí đốt 6,02%. Như vậy, than chiếm tỷ trọng cao nhất, còn NLTT nếu cộng cả thủy điện thì có tỷ trọng chiếm 22,69%, vào loại tương đối cao trên thế giới.

Tiêu thụ NLSC bình quân đầu người năm 2021 tăng 1,8% so với năm 2020 và bằng 1,82 lần năm 2011, đưa đến tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011 - 2021 là 6,2%/năm. Tuy nhiên, mức tiêu thụ NLSC bình quân đầu người của Việt Nam còn rất thấp, chỉ bằng 58,21% của thế giới; bằng 26,21% của OECD; 32,60% của EU và rất thấp so với của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới (chẳng hạn bằng 20,88% của Đài Loan; 60,28% của Thái Lan; 17,96% của Nam Triều Tiên; 6,98% của Sing-ga-po; 26,72% của Niu Zi-lân; 34,46% của Ma-lai-xi-a; 31,25% của Nhật Bản; 40,33% của Trung Quốc; 19,81% của Úc, v.v...).

Là nước đang phát triển có mức thu nhập vào loại trung bình thấp cho nên nhu cầu tiêu thụ NLSC cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới ngày càng tăng cao như đã dự báo trong dự thảo Quy hoạch phát triển tổng thể năng lượng và Quy hoạch phát triển điện lực.

Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã dự báo nhu cầu năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175 - 195 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), đến năm 2045, đạt khoảng 320 - 350 triệu TOE; tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125 - 130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 - 600 tỉ KWh. Tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045. Tỉ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045.

Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (được phê duyệt theo Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13 tháng 3 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ) đề ra mục tiêu:

Giai đoạn đến năm 2025: Đạt mức tiết kiệm năng lượng 5,0 đến 7,0% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025; giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân cho các ngành/phân ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015 - 2018. Cụ thể:

(i) Đối với công nghiệp thép: Từ 3,00 đến 10,00% (tùy loại sản phẩm và công nghệ sản xuất).

(ii) Đối với công nghiệp hóa chất: Tối thiểu 7,00%.

(iii) Đối với công nghiệp sản xuất nhựa: Từ 18,00 đến 22,46%.

(iv) Đối với công nghiệp xi măng: Tối thiểu 7,50%.

(vi) Đối với công nghiệp dệt may: Tối thiểu 5,00%.

(vii) Đối với công nghiệp rượu, bia và nước giải khát: Từ 3,00 đến 6,88% (tùy vào loại sản phẩm, quy mô sản xuất).

(viii) Đối với công nghiệp giấy: Từ 8,00 đến 15,80% (tùy từng loại sản phẩm và quy mô sản xuất).

Giai đoạn đến năm 2030: Đạt mức tiết kiệm từ 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 đến năm 2030; giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân cho các ngành/phân ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015 - 2018. Cụ thể:

(i) Đối với công nghiệp thép: Từ 5,00 đến 16,50% (tùy loại sản phẩm và công nghệ sản xuất).

(ii) Đối với công nghiệp hóa chất: Tối thiểu 10,00%.

(iii) Đối với công nghiệp sản xuất nhựa: Từ 21,55 đến 24,81%.

(iv) Đối với công nghiệp xi măng: Tối thiểu 10,89%.

(v) Đối với công nghiệp dệt may: Tối thiểu 6,80%.

(vi) Đối với công nghiệp rượu, bia và nước giải khát: Từ 4,6 đến 8,44% (tùy vào loại sản phẩm, quy mô sản xuất).

(vii) Đối với công nghiệp giấy: Từ 9,90 đến 18,48% (tùy từng loại sản phẩm và quy mô sản xuất).

Như vậy, về bản chất, Chương trình nêu trên mới chỉ đề cập đến việc sử dụng tiết kiệm năng lượng mà chưa đề cập đến việc sử dụng hiệu quả năng lượng trên cơ sở tái cơ cấu kinh tế theo hướng giảm, hoặc không phát triển các ngành, lĩnh vực tiêu hao quá nhiều năng lượng. Mặt khác, chưa đẩy mạnh phát triển các ngành, lĩnh vực tiêu hao ít năng lượng, nhưng đem lại giá trị kinh tế gia tăng cao nhằm tạo sự tăng trưởng GDP và thu nhập cho người dân.

Do vậy, vấn đề là đi đôi với tăng cường khai thác các nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, nhất là năng lượng tái tạo, cần phải đẩy mạnh nhập khẩu và đầu tư khai thác tài nguyên năng lượng ở nước ngoài, nhất là than, dầu khí. Đồng thời, phải phát huy cao độ việc thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là sử dụng năng lượng hiệu quả theo định hướng như đã nêu trên nhằm đảm bảo đồng thời đạt 3 mục tiêu: Đảm bảo an ninh năng lượng, tăng trưởng kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp./.

PGS.TS NGUYỄN CẢNH NAM - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM; KHOA QUẢN LÝ CÔNG NGHIỆP VÀ NĂNG LƯỢNG - EPU

Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Tiêu thụ năng lượng sơ cấp toàn cầu và Việt Nam [Tạm kết]: Những vấn đề cần quan tâm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới