Chủ nhật, 24/11/2024 07:43 (GMT+7)
Thứ sáu, 16/09/2022 17:50 (GMT+7)

Giải pháp bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới

Theo dõi KTMT trên

Trong bối cảnh trong nước và thế giới hiện nay, giải pháp thúc đẩy sử dụng tiết kiệm và hiệu quả về năng lượng cần đặt lên hàng đầu, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, cung cấp thông tin về xu hướng phát triển công nghệ mới tại các quốc gia.

Mới đây, Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022 được tổ chức với chủ đề "Giải pháp tiết kiệm năng lượng bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới". Diễn đàn do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tổ chức.

Theo đó, nhằm mục tiêu thúc đẩy sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng giai đoạn mới góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, cung cấp thông tin về xu hướng phát triển công nghệ mới tại các quốc gia, những khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao và làm chủ công nghệ khí Việt Nam, tiếp nhận công nghệ cho chuyển dịch năng lượng toàn cầu.

Giải pháp bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới - Ảnh 1
 Thúc đẩy sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng giai đoạn mới góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng.

Đặc biệt là giải pháp công nghệ cho tiết kiệm năng lượng, góp phần đáp ứng tốt các cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) và theo tinh thần của Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 2 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ. Đồng thời Diễn đàn là nơi tiếp nhận ý kiến đóng góp từ chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước… nhằm xây dựng hoàn thiện chính sách phát triển năng lượng bền vững.

Trước đó, Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam năm 2021 chỉ rõ, nước ta có nhiều tiềm năng chuyển đổi xanh để trở thành một nền kinh tế có mức phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần xem chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh là xu thế tất yếu và chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa. Dư địa vẫn còn rất lớn, khi hiện nay nguồn điện từ năng lượng tái tạo tại Việt Nam mới chiếm khoảng 15,4% công suất lắp đặt trên toàn quốc, theo Bộ Công Thương.

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 23.000 MW điện gió, trong đó 7.000 MW điện gió ngoài khơi. Việt Nam xác định nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt điện gió ngoài khơi là nguồn năng lượng chính cho chuyển dịch năng lượng nhằm đạt được mục tiêu trung hoà carbon vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị COP26.

Đặc biệt, theo nghiên cứu Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về nguồn điện gió ngoài khơi với khoảng 600 GW, trong đó 260 GW điện gió ngoài khơi móng cố định và 338 GW điện gió ngoài khơi móng nổi. Tính đến cuối năm 2021, các nguồn điện năng lượng tái tạo của Việt Nam đã chiếm khoảng 27% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống.

Bài toán đối với Việt Nam là chuyển đổi sang năng lượng tái tạo song song với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng. Bởi dự báo nhu cầu về năng lượng và điện của Việt Nam những năm tới sẽ tăng trưởng nhanh trong quá trình hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Trong bối cảnh trong nước và thế giới như hiện nay, giải pháp thúc đẩy sử dụng tiết kiệm và hiệu quả về năng lượng cần đặt lên hàng đầu. Để góp phần thực hiện tốt các cam kết tại Hội nghị COP26 và theo tinh thần của Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tổ chức Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022 với chủ đề “Giải pháp tiết kiệm năng lượng bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới”.

Trong lộ trình thực hiện cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26, đặc biệt nhấn mạnh về công nghệ khuyến cáo nên sử dụng; Đưa lĩnh vực ứng dụng công nghệ trong năng lượng trở thành một lĩnh vực đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường; hình thành và đưa vào hoạt động có hiệu quả mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong hoạt động quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, trong các tòa nhà và trong đời sống xã hội…

Cùng với đó, từng bước tiếp nhận, chuyển giao và làm chủ công nghệ tiên tiến nhập khẩu, xây dựng và phát triển năng lực nội sinh về công nghệ trong doanh nghiệp, tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật làm nền tảng phục vụ ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Nền kinh tế thích ứng biến đổi khí hậu là xu hướng chung trên toàn cầu hiện nay. Việt Nam muốn phát triển bền vững, không thể nằm ngoài xu thế này, vì vậy chuyển đổi xanh nền kinh tế là điều tất yếu đúng như chủ trương chỉ đạo mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị ổn định kinh tế vĩ mô vừa qua.

"Chuyển đổi năng lượng xanh trong đó có chuyển đổi năng lượng điện, chuyển đổi năng lượng về giao thông, chuyển đổi năng lượng dịch vụ, chuyển đổi xây dựng trong phát triển nông nghiệp nhưng chuyển đổi có nền tảng chúng ta phải làm là giảm CO2, giảm khí nhà kính thì tập trung nhiều cho chuyển đổi năng lượng. Chúng ta phải tập trung phát triển ngành công nghiệp tái tạo. Cụ thể là việc sản xuất các trang thiết bị từ nắng gió ra điện, bao gồm tuabin, đế, pin mặt trời… Phải có ngành công nghiệp tự chủ về cái này thì giá mới rẻ, khi đó nền kinh tế mới chịu đựng được", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới