Chủ nhật, 24/11/2024 07:40 (GMT+7)
Thứ sáu, 16/09/2022 11:50 (GMT+7)

Chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững là xu thế tất yếu

Theo dõi KTMT trên

Theo giới chuyên gia, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững là xu thế tất yếu. Tuy nguồn lực còn hạn chế nhưng Việt Nam đang có những bước đi thực sự trong chuyển đổi cơ cấu năng lượng để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Năng lượng phát triển theo hướng xanh, bền vững

Hàng loạt nhiệm vụ, chính sách của các ngành, lĩnh vực đã được cập nhật, sửa đổi và ban hành trong thời gian gần đây đã cho thấy Việt Nam đang tích cực triển khai chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030.

Trong hội nghị về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô mới đây, một nội dung được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh đó là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với kinh tế xanh và thích ứng biến đổi khí hậu.

Chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững là xu thế tất yếu - Ảnh 1

Chuyển đổi sang năng lượng sạch sẽ giúp các sản phẩm tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. (Ảnh minh họa)

Nhằm theo hướng xanh là xu thế tất yếu và chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa. Dư địa vẫn còn rất lớn, khi hiện nay nguồn điện từ năng lượng tái tạo tại Việt Nam mới chiếm khoảng 15,4% công suất lắp đặt trên toàn quốc, theo Bộ Công Thương.

CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Ngãi Cầu cho biết đã đầu tư 11 tỷ đồng lắp đặt hệ thống pin mặt trời, lấy nguồn năng lượng đó để hoạt động hàng ngày. Lợi ích thấy ngay là giảm thiểu được 800 tấn khí thải ra môi trường mỗi năm và công nhân cảm thấy dễ chịu hơn khi làm việc vì công xưởng trở nên mát hơn.

Ông Chu Hoàng Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Ngãi Cầu cho biết: "Lắp đặt pin mặt trời thứ nhất là chúng tôi được sử dụng nguồn năng lượng sạch, thứ hai là giúp hạ nhiệt nhà máy khoảng 3 độ so với ngoài trời".

Cơ hội càng rõ nét hơn khi theo đại diện Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE, trong 10 năm qua, chi phí sản xuất năng lượng tái tạo đã giảm tới 70% và sẽ còn tiếp tục giảm nữa.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE nói: "Là vì công nghệ phát triển kinh khủng, cho phép làm ra các tourbin gió tới 10 megaW và 20 megaW vào năm 2025. Với những tourbin lớn như vậy chi phí sẽ hạ".

Bài toán đối với Việt Nam là chuyển đổi sang năng lượng tái tạo song song với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng. Bởi dự báo nhu cầu về năng lượng và điện của Việt Nam những năm tới sẽ tăng trưởng nhanh trong quá trình hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Ông Cho Han Deog, Giám đốc Quốc gia Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đánh giá: "Nhiều địa phương của Việt Nam hội đủ các yếu tố để phát triển năng lượng tái tạo đó là lợi thế mà nhiều nước không có ví dụ đất nước chúng tôi, Hàn Quốc cũng nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo nhưng điều kiện tự nhiên không cho phép như Việt Nam. Nhiều công ty Hàn Quốc và các công ty nước ngoài khác sẵn sàng và mong muốn đầu tư vào công nghệ xanh tại Việt Nam".

Theo các chuyên gia, chuyển đổi sang năng lượng sạch sẽ giúp các sản phẩm tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Anh Dũng cán bộ cao cấp Chương trình Hỗ trợ Năng lượng, Tổ chức Hơp tác Quốc tế Đức GIZ cho hay: "Hiện nay xu hướng trên thế giới là khuyến khích sản phẩm sạch và họ còn đưa ra các cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến sản phẩm sạch hơn, ví dụ như cơ chế biên giới carbon của EU. Khi doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch để sản xuất ra sản phẩm sạch và được dán nhãn thì họ có thể dễ dàng tiếp cận được thị trường trên thế giới hoặc là họ không bị đánh thuế môi trường".

 Sản phẩm xanh khuyến khích trên thế giới

Loại thuế môi trường đang được quan tâm nhất hiện nay trên toàn cầu là cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của châu Âu, hay hiểu đơn giản là thuế phát thải CO2 đối với hàng hoá nhập khẩu gây ô nhiễm. Loại thuế này sẽ tác động tới thương mại của những nước đang phát triển như Việt Nam và ảnh hưởng cụ thể đến các doanh nghiệp sản xuất như thế nào?

Ví dụ đối với ngành thép, hiện nay những lô thép xuất khẩu sang châu Âu đang bon bon trên đường nhờ "cao tốc EVFTA". Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã giúp sắt thép sang thị trường EU tăng hơn 8 lần, với gần 2 tỷ USD vào năm ngoái. 7 tháng đầu năm nay, tuy mức cầu trên thế giới suy yếu mạnh nhưng sắt thép xuất khẩu sang EU vẫn tăng hơn 18%.

Thế nhưng chỉ 6 tháng nữa, tức là từ năm 2023, những lô hàng này bắt đầu phải kê khai lượng khí thải có trong hàng hoá và sẽ bị đánh thuế carbon từ năm 2026.

Không chỉ sắt thép mà tất cả hàng hoá nhập khẩu vào EU trong các lĩnh vực công nghiệp có cường độ carbon cao như nhôm, xi măng, phân bón và điện đều nằm trong phạm vi áp thuế.

Tuy nhiên, những quốc gia xuất khẩu hàng hoá vào EU mà có những chính sách mạnh mẽ nhằm giảm thiểu khí thải carbon sẽ được miễn trừ thuế biên giới carbon. Do đó, để những lô hàng không phải quay xe hay cõng thuế thì xanh hoá quá trình sản xuất là lựa chọn tối ưu cho doanh nghiệp.

Chuyển đổi xanh hóa chuỗi sản xuất

Chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững là xu thế tất yếu. Đối với đất nước đang phát triển, nguồn lực còn hạn chế như Việt Nam đâu là những giải pháp về cả mặt kỹ thuật và tài chính để thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh hiệu quả?

Để thực hiện mục tiêu xanh hóa chuỗi sản xuất không chỉ là về kinh tế, mà còn cần quan tâm đến cả việc làm thế nào để những người dân có thu nhập thấp không bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng tái tạo. Dưới đây là một số gợi ý từ các chuyên gia quốc tế.

Theo ông Lurion De Mello, Giảng viên cao cấp Khoa Tài chính Ứng dụng, Đại học Macquarie, Australia: "Phát triển năng lượng tái tạo cần hỗ trợ rất lớn từ cơ sở hạ tầng. Ở Việt Nam, quá trình chuyển đổi không nên diễn ra quá nhanh bởi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được sẽ gây ra lãng phí, ví dụ điện mặt trời của các bạn đang mở rộng rất nhanh nhưng công nghệ lưu trữ hay truyền tải chưa tốt gây ra hao hụt lớn, đó là khoản mất về thuế và chi phí đối với người dân.

Việc chuyển đổi sang năng lượng sạch cũng không phải chuyện một sớm một chiều, có thể Việt Nam cần những bước đệm chuyển tiếp. Cụ thể trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam có thể chuyển từ than đá sang khí thiên nhiên hoá lỏng LNG để sản xuất điện và dùng nhiều khí gas thay thế cho than đá trong lĩnh vực sản xuất, chế biến chế tạo vì nó ít gây ô nhiễm hơn. Gas được xem là nhiên liệu chuyển tiếp, đặc biệt đối với các ngành công nghiệp nặng".

Ông Alain Cany, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu EuroCham khuyến nghị: "Chúng ta cần có nguồn ngân sách từ địa phương, Nhà nước và cần huy động cả nguồn tư nhân. Chính phủ cần có những hỗ trợ về mặt chính sách, khuyến khích các Ngân hàng cung cấp tín dụng xanh, tài chính xanh, trái phiếu xanh cho doanh nghiệp tiếp cận. Đây chính là những công cụ để tăng cường lòng tin của nhà đầu tư trong việc xây dựng hạ tầng xanh, năng lượng xanh. Nguồn tín dụng xanh từ ngân hàng có thể được cho phép vượt qua giới hạn tăng trưởng tín dụng để khuyến khích ngân hàng cho vay thêm các dự án xanh".

Ghi nhận mong muốn cũng như các khuyến nghị từ tổ chức và hiệp hội doanh nghiệp quốc tế trong hội nghị mới đây liên quan tới chuyển đổi năng lượng xanh, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đòi hỏi cần sự phối hợp công - tư trong hợp tác chiến lược hướng tới chuyển đổi xanh, từ đó về lâu dài nâng cao năng lực tự chủ của nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Chuyển đổi năng lượng xanh trong đó có chuyển đổi năng lượng điện, chuyển đổi năng lượng về giao thông, chuyển đổi năng lượng dịch vụ, chuyển đổi xây dựng trong phát triển nông nghiệp nhưng chuyển đổi có nền tảng chúng ta phải làm là giảm CO2, giảm khí nhà kính thì tập trung nhiều cho chuyển đổi năng lượng. Chúng ta phải tập trung phát triển ngành công nghiệp tái tạo. Cụ thể là việc sản xuất các trang thiết bị từ nắng gió ra điện, bao gồm tuabin, đế, pin mặt trời… Phải có ngành công nghiệp tự chủ về cái này thì giá mới rẻ, khi đó nền kinh tế mới chịu đựng được",

Hiện nay, nền kinh tế thích ứng biến đổi khí hậu là xu hướng chung trên toàn cầu. Khái niệm biến đổi khí hậu hiện nay không chỉ là vấn đề môi trường nữa, mà là một yếu tố không thể tách rời của mọi nền kinh tế và mọi tính toán về tăng trưởng. Việt Nam muốn phát triển bền vững, không thể nằm ngoài xu thế này, vì vậy chuyển đổi xanh nền kinh tế là điều tất yếu đúng như chủ trương chỉ đạo mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị ổn định kinh tế vĩ mô vừa qua.

Để thúc đẩy năng lượng phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển của nền kinh tế và đời sống dân sinh, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thu hút vốn đầu tư của toàn xã hội, của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào ngành năng lượng, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo là định hướng nhất quán của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh sự tham gia của Chính phủ và cơ quan chức năng, để chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững thành công cần có quyết tâm chính trị lớn của các cấp, ngành, đặc biệt cần có sự phối hợp đồng bộ, toàn diện từ tất cả các bên liên quan; sự đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững là xu thế tất yếu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới