Chủ nhật, 24/11/2024 08:03 (GMT+7)
Thứ tư, 26/05/2021 11:15 (GMT+7)

Tìm 'cửa mở' cho nhà tái định cư

Theo dõi KTMT trên

Trước thực tế, quỹ nhà tái định cư tại TP.HCM bị dôi dư, dẫn tới lãng phí, Thành phố đã đề xuất các cơ chế để tìm "cửa mở" cho loại hình nhà ở này. Trong đó, giải pháp chuyển loại hình nhà ở này sang nhà ở xã hội, nhà ở thương mại được xem là khả thi.

Nhiều khu nhà không có người ở

Hiện, quỹ nhà tái định cư tại thành TP.HCM còn hàng nghìn căn hộ chưa bố trí cho đối tượng thuộc diện tái định cư vào ở. Trong số này, nhiều dự án có số lượng căn hộ lớn, như: Khu tái định cư Bình Khánh (TP.Thủ Đức) còn hơn 5.300 căn; Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) còn gần 1.000 căn… Do không được sử dụng, các dự án nhà tái định cư trên đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp.

Theo Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng (Sở Xây dựng TP.HCM), mỗi năm kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, quản lý các dự án nhà tái định cư đang xuống cấp khoảng trên 70 tỉ đồng. Thời gian bỏ trống càng lâu, kinh phí bảo trì càng lớn. Trong khi đó, với nhu cầu nhà ở hiện nay của người dân thành phố, việc hàng nghìn căn hộ tái định cư đang bỏ trống gây lãng phí rất lớn.

Tìm 'cửa mở' cho nhà tái định cư - Ảnh 1
Khu tái định cư Bình Khánh, TP.Thủ Đức (TP.HCM) còn hơn 5.300 căn hộ chưa có người ở.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết, việc người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án phải di dời không chọn nhà tái định cư xây sẵn có nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn, nhà tái định cư cách xa nơi làm việc, học hành; Thiếu tiện ích, dịch vụ phục vụ cộng đồng; Các khoản phí tại nhà chung cư cao so với khả năng chi trả của người dân.

Còn Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan lý giải, thực tế, nhu cầu tái định cư của người dân rất đa dạng, ngoài dự án do Nhà nước đầu tư, còn có dự án do doanh nghiệp đầu tư. Đôi khi người dân cần mảnh đất để tự xây nhà, cũng có trường hợp chỉ cần tiền để tự lo chỗ ở. Trước đây, thành phố xây nhà tái định cư theo dự án mà không có quy hoạch tổng thể. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến một phần quỹ nhà tái định cư chưa thể đưa vào sử dụng.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, giai đoạn 2021-2025, thành phố cần phát triển khoảng 2,13 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội, tương ứng khoảng 24.000 căn hộ. Về nhà ở thương mại, thành phố cần phát triển hơn 45 triệu mét vuông sàn, tương ứng gần 500.000 căn hộ. Chính vì vậy, việc chuyển đổi nhà tái định cư bỏ trống sang nhà ở xã hội, nhà ở thương mại không những giúp thành phố tăng thêm quỹ nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, mà còn giúp tiết kiệm nguồn lực đầu tư nhà ở.

Chuyển đổi thành nhà ở xã hội, nhà ở thương mại

Việc chuyển nhà tái định cư chưa bố trí sử dụng sang nhà ở xã hội, nhà ở thương mại được nhiều người dân TP.HCM ủng hộ. Ông Võ Tấn Thành (ở nhà thuê tại phường 6, quận 10) cho biết, gia đình ông có 5 thành viên, đang có nhu cầu về nhà ở. “Gia đình tôi không thuộc đối tượng tái định cư nên rất mong thành phố chuyển nhà tái định cư đang bỏ trống sang nhà ở xã hội hoặc nhà ở thương mại giá rẻ để người dân thu nhập thấp như chúng tôi có cơ hội mua nhà”, ông Thành bày tỏ.

Tìm 'cửa mở' cho nhà tái định cư - Ảnh 2
Hàng loạt căn hộ chung cư tái định cư còn trống. 

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nêu ý kiến, người dân và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TP.HCM ủng hộ chủ trương trên, song đối với nhà tái định cư chuyển sang nhà ở xã hội, thành phố cần ưu tiên đối tượng có nhu cầu về nhà ở nhưng thu nhập còn thấp. Đối với nhà tái định cư chuyển sang nhà ở thương mại, thành phố cần linh động các hình thức bán đấu giá, để số lượng nhà ở này đến tay người tiêu dùng bảo đảm minh bạch, công bằng.

Tại buổi làm việc ngày 13/5 mới đây với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các bộ, ngành, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thông tin, quỹ nhà đất do Nhà nước quản lý trên địa bàn thành phố còn rất lớn. Để tận dụng hiệu quả nguồn lực này, thành phố đang rà soát quỹ nhà đất công, tổ chức bán đấu giá góp phần đầu tư phát triển hạ tầng của thành phố.

UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ cho phép thành phố quyết định điều chỉnh mục tiêu dự án, quỹ nhà phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội hoặc thương mại thay cho Bộ Xây dựng theo Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/10/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.

Về kiến nghị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ hoan nghênh việc chuyển nhà tái định cư sang nhà ở xã hội bởi mục tiêu sử dụng gần như nhau; còn nếu chuyển sang nhà ở thương mại, dứt khoát phải thông qua đấu giá để bổ sung nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thànhphân tích: Đối với các dự án chung cư ngoài chất lượng xây dựng, thiết kế, việc quản lý vận hành rất quan trọng sau khi đưa vào sử dụng, chưa nói đến việc bỏ hoang nhiều căn hộ dẫn tới xuống cấp trầm trọng, như tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B.

"Cần tính toán bán những căn hộ này cho người thu nhập thấp và có nhu cầu nhà ở thực sự, thay vì bỏ hoang hàng ngàn căn hộ, chưa kể phải tốn chi phí bảo trì rất lớn", ông Nghĩa nói.

Phương Anh

Bạn đang đọc bài viết Tìm 'cửa mở' cho nhà tái định cư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới