Chủ nhật, 24/11/2024 11:55 (GMT+7)
Thứ tư, 14/04/2021 15:22 (GMT+7)

Tìm giải pháp đồng bộ, tổng thể chống sạt lở bờ biển ở Quảng Nam

Theo dõi KTMT trên

Liên tiếp nhiều năm qua, khu vực ven biển Quảng Nam, tình trạng sạt lở, xâm thực diễn ra nghiêm trọng với cường độ ngày càng mạnh hơn, uy hiếp đời sống và tài sản của người dân.

Những đợt thiên tai vào cuối năm 2020 đã đánh tan hoang bờ biển xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam… 13 ngôi nhà đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Gắn bó với mảnh đất ven biển này gần nửa đời người, ông Nguyễn Thanh Liêm đã nhiều lần chứng kiến “mẹ thiên nhiên nổi giận”. Thế nhưng, tình trạng biển xâm thực ngày càng dữ dội khiến ông Liêm và nhiều hộ dân tại xã Tam Tiến lo sợ. 

"Dân địa phương ở đây chủ yếu theo nghề biển, nếu cứ sạt lỡ như vừa qua thì không thể yên ổn mà làm được, tinh thần cứ hoang mang lo sợ nên việc làm ăn không suôn sẻ"- ông Liêm nói. 

Tìm giải pháp đồng bộ, tổng thể chống sạt lở bờ biển ở Quảng Nam - Ảnh 1
Nhiều công trình kè cứng và kè mềm được triển khai tại bờ biển Cửa Đại.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, hơn 10 năm qua, tình trạng sạt lở bờ biển tại Quảng Nam diễn biến rất phức tạp, gia tăng về quy mô, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều khu đô thị, khu dân cư. Mới đây, khu vực bờ biển Tam Thanh, TP Tam Kỳ, sạt lở hơn 3 km, uy hiếp tính mạng của gần 1.500 hộ dân nơi đây. Hay như khu vực Cửa Lở, huyện Núi Thành, trung bình mỗi năm bờ biển bị xâm thực từ 30-40 m, hàng trăm hộ dân tại đây bị mất nhà cửa, trôi đất sản xuất. Theo ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, từ sau cơn bão số 9 năm 2020, đã xuất hiện nhiều vị trí sạt lở mới thuộc khu vực bờ biển các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên… Tỉnh Quảng Nam đang triển khai các giải pháp cấp bách, đối phó với tình trạng này.

Tìm giải pháp đồng bộ, tổng thể chống sạt lở bờ biển ở Quảng Nam - Ảnh 2
Nhiều ngôi nhà đứng trước nguy có sụp đổ bởi sóng biển xâm thực.

"Trước hết phải thực hiện việc cắm biển cảnh báo cho người dân biết được khu vực đã sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Cùng với đó đề nghị các địa phương trồng lại các loại cây có khả năng hạn chế sạt lở. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam, trong giai đoạn tới sẽ mời các chuyên gia, tổ chức các đoàn nghiên cứu để đánh giá, xác định được nguyên nhân, từ đó mới đề xuất được giải pháp bền vững để bảo vệ bờ biển"- ông Trương Xuân Tý cho biết. 

Bờ biển thành phố Hội An là xảy ra sạt lở nghiêm trọng nhất. Những cái tên như Cửa Đại, An Bàng… từng được nhiều tạp chí uy tín trên thế giới bình chọn là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh thì gần đây trở thành nơi hứng chịu nặng nề những tác động của biến đổi khí hậu và những hiện tượng thời tiết cực đoan. Hơn 10 năm qua, nhiều giải pháp cấp bách đã được tỉnh Quảng Nam và TP Hội An triển khai như xây dựng kè cứng, kè mềm, kè ngầm cản sóng… Nguồn kinh phí rất lớn đã đổ xuống đây nhưng không thể cứu được bãi biển đẹp trước nguy cơ bị sóng biển cuốn trôi…

Tìm giải pháp đồng bộ, tổng thể chống sạt lở bờ biển ở Quảng Nam - Ảnh 3
Nhiều nhà hàng, khách sạn ven biển trước nguy cơ bị xóa sổ.

Cuối năm 2020, do ảnh hưởng của nhiều cơn bão lớn cộng với nước biển dâng khiến khu vực từ bãi tắm Tân Thành đến An Bàng sạt lở rất nặng. Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, thời gian qua, khi nghiên cứu về bờ biển Hội An, nhiều nhà khoa học đã chỉ ra mối liên hệ giữa những hiện tượng thời tiết cực đoan như: tình trạng sạt lở bờ biển, tình trạng bồi lấp, dòng chảy, lượng bùn cát trong khu vực… đều gắn bó mật thiết và tác động đến tình trạng chung của biển Hội An. Vì vậy, các giải pháp đặt ra phải mang tính đồng bộ mới hy vọng giải quyết căn cơ tình trạng sạt lở bờ biển Hội An. Ông Nguyễn Thế Hùng cho biết thêm, UBND TP.Hội An đã báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam xúc tiến lập hồ sơ, xin kinh phí từ trung ương để thực hiện dự án kè khẩn cấp tại vị trí giáp ranh giữa phường Cửa Đại và Cẩm An.

"Giai đoạn 1 tiến hành kè chiều dài bờ biển hơn 1 km từ dãy nhà hàng tại bãi tắm Cửa Đại đến Cẩm An. Bên cạnh đó, khu vực bờ biển còn lại, TP.Hội An có chủ trương sẽ tiến hành kè tạm từ bãi tắm Tân Thành đến An Bàng, hiện Hội An đã giao các phòng chức năng lập hồ sơ từ đó thống nhất giải pháp thi công."- ông Hùng cho biết. 

Tìm giải pháp đồng bộ, tổng thể chống sạt lở bờ biển ở Quảng Nam - Ảnh 4
Những công trình hạ tầng bị sóng biển đánh tan hoang.

Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, hiện tỉnh đang thực hiện cả hai giải pháp cấp bách và lâu dài. Đối với giải pháp khẩn cấp trước mắt, từ các nguồn của Trung ương hỗ trợ, sẽ tiến hành xây dựng hệ thống đê mềm, vừa giảm sóng vừa bảo vệ bờ. Theo ông Lê Trí Thanh, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế để bảo vệ những khu vực bị sạt lở nặng, UBND tỉnh đang khẩn trương xúc tiến những giải pháp căn cơ và bền vững hơn.

Tìm giải pháp đồng bộ, tổng thể chống sạt lở bờ biển ở Quảng Nam - Ảnh 5
Hơn 700 m bờ biển thôn Hòa Lộc, xã Tam Tiến bị sóng đánh tan hoang.

"Tỉnh Quảng Nam đã xúc tiến làm việc với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) để vay vốn đầu tư xây dựng, bảo vệ bền vững bờ biển Cửa Đại. Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư từ tháng 8/2019 và hiện nay các cơ quan chuyên môn tỉnh Quảng Nam khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ dự án, hoàn chỉnh đánh giá tác động môi trường để trình Bộ NN-PTNT phê duyệt, sau đó sớm tổ chức triển khai thiết kế và thi công sau khi hiệp định được ký kết với Cơ quan Phát triển Pháp."- ông Lê Trí Thanh cho biết. 

Những giải pháp mang tính cấp bách và đồng bộ, bền vững đã và đang được chính quyền tỉnh Quảng Nam tập trung thực hiện nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển trước diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của thời tiết.

An Nam

Bạn đang đọc bài viết Tìm giải pháp đồng bộ, tổng thể chống sạt lở bờ biển ở Quảng Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới