Chủ nhật, 24/11/2024 09:41 (GMT+7)
    Thứ tư, 23/03/2022 19:00 (GMT+7)

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 23/3

    Theo dõi KTMT trên

    Sốt đất ‘điên đảo’, 3 tháng miếng đất đấu giá 8 triệu/m2 vọt tăng 50 triệu; Nhiều ông lớn bất động sản vẫn "bán giấy lấy tiền" với lãi suất chót vót; Hà Nội: Bãi giữa sông Hồng được đề xuất cải tạo thành công viên văn hóa… là tin BĐS nổi bật hôm nay

    Tâm lý đám đông đang gây nên 'sốt đất' bùng phát ở nhiều địa phương

    Theo các chuyên gia bất động sản (BĐS), một trong những nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng "sốt đất" ở khắp các địa phương thời gian qua, đa phần là do tâm lý đám đông và lạm phát.

    Tham gia talkshow "Giải mã những cơn sốt đất và cơ hội cho năm 2022", Giám đốc bộ phận Tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam - Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, nhận định, thời gian qua giá BĐS, nhất là phân khúc đất nền có sự tăng đột biến, thậm chí tình trạng này xuất hiện và lan rộng hơn rất nhiều so với hiện tượng “sốt đất” giai đoạn năm 2018-2019.

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 23/3 - Ảnh 1
    Các chuyên gia BĐS cho rằng, "sốt đất" hầu hết là do tâm lý nhà đầu tư nôn nóng, muốn đi trước đón đầu thị trường, sau khi có thông tin khu vực sắp có quy hoạch, dự án hạ tầng.

    Ông Huỳnh Tuấn Kiệt cho rằng, nguyên nhân gây nên cơn “sốt đất” ở các khu vực kể trên là do nhiều yếu tố. Đầu tiên là do suốt 2 năm dịch Covid-19 hoành hành, khiến nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng, nhiều kế hoạch đầu tư hạ tầng và dự án bị đình trệ, nên khoảng thời gian gần đây, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa nền kinh tế, các địa phương ồ ạt công bố kế hoạch đầu tư hạ tầng, quy hoạch, kế hoạch triển khai dự án, khiến các nhà đầu tư chú ý và xây dựng chiến lược đầu tư đón đầu.

    Do đó, họ đua nhau đổ xô vào những khu vực xuất hiện thông tin quy hoạch, vì thế mà giá BĐS ở những khu vực này bị đẩy lên cao.

    Các chuyên gia BĐS cho rằng, “sốt đất” hầu hết diễn ra là do yếu tố nền tảng về tâm lý. Bởi trường hợp xung đột giữa Nga - Ukraine không kéo dài, nhưng hệ quả để lại là vấn đề lạm phát, khiến các nhà đầu tư luôn có tâm lý tìm kênh trú ẩn dòng tiền an toàn.

    Nhiều ông lớn bất động sản vẫn "bán giấy lấy tiền" với lãi suất chót vót

    Lãi suất trái phiếu bình quân năm giảm ở mọi nhóm song một số doanh nghiệp bất động sản vẫn phát hành trái phiếu lãi suất cao nhất thị trường, tới 12-13%/năm.

    Theo báo cáo của bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố, doanh nghiệp phát hành tổng cộng hơn 722.700 tỷ đồng trong cả năm 2021, tăng 56% so với năm 2020. Số trái phiếu phát hành ròng, tương ứng lượng phát hành trừ đi lượng đáo hạn và mua lại trước hạn, ước tính là 438.000 tỷ đồng, tăng 63%.

    Các doanh nghiệp bất động sản vẫn là nhóm phát hành nhiều nhất, tổng cộng 318.200 tỷ đồng trong năm 2021 - chiếm 44% tổng lượng trái phiếu phát hành và tăng 66,3% so với năm 2020.

    Trái phiếu bất động sản vẫn là nhóm có lãi suất hấp dẫn nhất thị trường. Cụ thể, lãi suất trái phiếu bình quân năm giảm ở tất cả các nhóm, mức giảm lớn nhất ở nhóm ngân hàng (từ 6,34% năm 2020 xuống 4,31% năm 2021). Trong khi đó, nhóm trái phiếu bất động sản có lãi suất duy trì ở mức cao trong cả 3 năm gần đây (10,3-10,6%), trong bối cảnh mặt bằng lãi suất giảm thấp thì mức giảm của trái phiếu bất động sản vẫn nhỏ nhất, SSI cho biết.

    Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng việc siết chặt, kiểm soát là cần thiết, tránh sự phát triển ồ ạt, tạo rủi ro. Theo ông, ở Việt Nam, do chưa có hệ thống xếp hạng tín nhiệm nên doanh nghiệp phát hành một cách "tự phát". Theo đó, có những doanh nghiệp thuộc loại khá - tốt, có tài sản đảm bảo nhưng cũng có nhiều bên không có tài sản đảm bảo rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư.

    Sốt đất ‘điên đảo’, 3 tháng miếng đất đấu giá 8 triệu/m2 vọt tăng 50 triệu

    Dự án khu dân cư dọc hai bên đường CSEDP (dự án Hồ Sen) thuộc khu đô thị Đông Sơn, TP Thanh Hóa trúng đấu giá 435 tỷ đang được “cò” đất tư vấn cho khách hàng lên đến 48 triệu đồng/m2.

    Ngày 24/12/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định số 5354/QĐ-UBND công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất dự án Khu dân cư dọc hai bên đường dự án CSEDP (dự án Hồ Sen) thuộc khu đô thị Đông Sơn, TP Thanh Hóa.

    Công ty TNHH Đầu tư SIGMA (Công ty SIGMA) có địa chỉ tại phường Đông Hương, TP Thanh Hóa (giấy phép đăng ký kinh doanh cấp lần đầu ngày 28/1/2021) là đơn vị trúng đấu giá quyền sử dụng đất dự án trên, với số tiền trúng đấu giá 435 tỷ đồng, chênh hơn khoảng 20 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

    Sốt đất ‘điên đảo’, 3 tháng miếng đất đấu giá 8 triệu/m2 vọt tăng 50 triệu

    Được biết, tổng diện tích khu đất đấu giá là 130.752,3 m2. Trong đó, diện tích đất ở đấu giá quyền sử dụng đất (đất biệt thự, đất chia lô) là 55.395 m2, bao gồm 28 lô đất ở biệt thự, diện tích 9.707,9 m2 và 508 lô đất ở chia lô, diện tích 45.687,1 m2. Còn lại là diện tích đất xây dựng nhà văn hóa, cây xanh, giao thông, hạ tầng kỹ thuật, chung cư nhà ở xã hội…

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 23/3 - Ảnh 2
    Vị trí khu đất vẫn đang là ao, hồ.

    Theo một số chuyên gia bất động sản tính toán, với số tiền trúng đấu giá là 435 tỷ đồng, chia cho diện tích đất ở 55.359 m2, thì giá đất bình quân doanh nghiệp bỏ ra để thực hiện dự án là khoảng 8 triệu đồng/m2.

    Đến thời điểm hiện tại, hiện trạng khu đất trên vẫn đang là những vũng ao, đầm, chưa có mặt bằng, hạ tầng… Tuy nhiên, những ngày qua rất nhiều “cò đất” đã tới mặt bằng trên để tư vấn, giới thiệu cho khách hàng đến xem và có nhu cầu tìm hiểu về các lô đất nơi đây.

    Theo các “cò đất”, giá mà chủ đầu tư đưa ra là rất cao, từ 25 triệu đến 48 triệu/m2, tùy vào vị trí.

    Hà Nội: Toàn cảnh bãi giữa sông Hồng nên thơ được đề xuất cải tạo thành công viên văn hóa

    Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang nghiên cứu lập đề án phát triển bãi giữa, bãi ven sông Hồng thành công viên văn hóa và du lịch, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước....

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 23/3 - Ảnh 3
    Bãi giữa sông Hồng nên thơ được đề xuất cải tạo thành công viên văn hóa.

    Theo đó, sẽ khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, đầu tư cải tạo khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông thành công viên văn hóa du lịch...

    Ngoài ra, sẽ tôn tạo các không gian xanh, cảnh quan, mặt nước, giải quyết vấn đề lấn chiếm đất bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng, vi phạm trật tự xây dựng, cải thiện vệ sinh môi trường.

    Theo UBND quận Hoàn Kiếm, việc phát triển khu vực bãi giữa sông Hồng của quận nhằm hướng tới mục tiêu cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

    Trong đó, quận sẽ khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng; đầu tư cải tạo khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông thành công viên văn hóa du lịch, định hướng lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

    Cũng theo UBND quận Hoàn Kiếm, bên cạnh việc siết chặt quản lý về đất đai tại khu vực bãi giữa sông Hồng, quận đã vận động quần chúng chung tay bảo vệ môi trường làm sạch sông Hồng.

    Bùi Hằng

    Bạn đang đọc bài viết Tin bất động sản nổi bật trong ngày 23/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới