Chủ nhật, 24/11/2024 07:39 (GMT+7)
    Thứ năm, 17/03/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 17/3/2022

    Theo dõi KTMT trên

    Doanh nghiệp đầu mối xăng dầu sẽ được tăng hạn mức tín dụng; Gần 70% công ty của Nhật Bản bị ảnh hưởng thu nhập do khủng hoảng Ukraine... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 17/3/2022.

    Doanh nghiệp đầu mối xăng dầu sẽ được tăng hạn mức tín dụng

    Trước biến động phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới và diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước, mới đây, Thủ tướng đã có yêu cầu triển khai nhiều giải pháp nhằm bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

    Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo thẩm quyền nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, không để xảy ra thiếu hụt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện một số giải pháp trong năm 2022.

    Trong đó, cơ quan quản lý tiền tệ yêu cầu các ngân hàng thương mại cân đối nguồn vốn, xem xét tạo điều kiện tăng thêm hạn mức tín dụng cấp cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (theo danh sách công bố trên website của Bộ Công Thương).

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 17/3/2022 - Ảnh 1
    (Ảnh minh họa)

    Đặc biệt, NHNN yêu cầu các ngân hàng tập trung xem xét với các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu được Bộ Công Thương phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu, góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

    Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng được yêu cầu đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cấp tín dụng; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp với nhóm doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu này.

    NHNN cũng nêu rõ, việc xem xét, thẩm định và quyết định cấp tín dụng, tăng thêm hạn mức tín dụng đối với các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nêu trên phải thực hiện theo cơ chế tín dụng hiện hành. Trong trường hợp phát sinh vướng mắc, các ngân hàng phải báo cáo lại ngay với Thống đốc NHNN để xem xét xử lý.

    Thống đốc yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại chỉ đạo sát toàn hệ thống, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có đủ điều kiện theo quy định. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý yêu cầu xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác tín dụng với nhóm doanh nghiệp này.

    Đối với các ngân hàng phát sinh dư nợ, định kỳ hàng tháng yêu cầu báo cáo NHNN thông qua Vụ Tín dụng các ngành kinh tế về tình hình cấp tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu.

    Về đề nghị nới lỏng điều kiện cho vay, NHNN cho biết, các giải pháp đặc thù ngành ngân hàng đã và đang triển khai thời gian qua là nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, mục tiêu xuyên suốt và nhất quán của chính sách tiền tệ là phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động của các TCTD. Bởi vậy, việc quy định các điều kiện cấp tín dụng là cần thiết để đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu phát sinh và cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng việc nới lỏng các điều kiện này.

    Để tăng khả năng tiếp cận vốn, ngoài những giải pháp từ ngành ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách khác về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.

    Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD triển khai thiết thực, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; tiếp tục rà soát cơ chế, thủ tục cho vay phù hợp hơn với thực tiễn thị trường và tình hình mới nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống để hỗ trợ các doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng thuận lợi.

    Gần 70% công ty của Nhật Bản bị ảnh hưởng thu nhập do khủng hoảng Ukraine

    Một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters cho thấy gần 70% các công ty Nhật Bản cho rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của họ, với đa số các công ty trả lời giá dầu tăng là mối quan tâm chính của họ.

    Tổng cộng 69% công ty được khảo sát dự báo cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, với 9% công ty tin rằng sẽ có tác động lớn.

    Cuộc khảo sát mới nhất của Reuters Corporate đã nhấn mạnh khả năng gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới đối với các công ty ở Nhật Bản nghèo tài nguyên, và đồng yen yếu đang làm tăng chi phí hàng hóa, gây thêm áp lực lên các hộ gia đình. Trong số các công ty lo ngại về tác động từ cuộc khủng hoảng Ukraine, 63% cho rằng giá dầu tăng đột biến là nỗi lo chính của họ, trong khi 15% cho biết gián đoạn chuỗi cung ứng là vấn đề đáng ngại.

    Khi được hỏi họ muốn chính phủ tập trung vào lĩnh vực nào nhất, 63% doanh nghiệp cho rằng cần phải nỗ lực kiềm chế tăng giá năng lượng với quy mô lớn, 50% doanh nghiệp đề nghị chính phủ nên đưa ra chiến lược tăng trưởng kinh tế và 43% chọn các biện pháp kiểm soát tốt đại dịch COVID-19.

    Các ngân hàng cấp 35.000 tỷ đồng cho dự án gang thép Hòa Phát

    Ngày 17/3, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng cấp tín dụng Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 giữa Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất (thành viên thuộc Tập đoàn Hòa Phát) và 8 ngân hàng tham gia đồng tài trợ, trong đó Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giữ vai trò là ngân hàng đầu mối.

    Các ngân hàng tham gia đồng tài trợ dự án cùng Vietcombank gồm Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB).

    Phát biểu tại lễ ký kết, ông Trần Đình Long-Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát nhấn mạnh dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 là dự án lớn nhất của Tập đoàn Hòa Phát, với công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC)/năm và tổng mức đầu tư 85.000 tỷ đồng. Dự kiến khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động sẽ đưa sản lượng thép của Hòa Phát đạt 14 triệu tấn/năm và giải quyết thêm hơn 8.000 lao động tại địa phương.

    Với việc triển khai dự án này, Tập đoàn Hòa Phát hướng tới sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) chất lượng cao để trở thành doanh nghiệp nội địa sản xuất thép HRC lớn nhất tại Việt Nam.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 17/3/2022 - Ảnh 2
    Đại diện các bên tham gia ký kết. (Ảnh: Vietnam+)

    Đại diện các ngân hàng tham gia tài trợ vốn phát biểu tại lễ ký kết, ông Phạm Quang Dũng-Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank khẳng định: Với tư cách là ngân hàng đầu mối, Vietcombank đã thực hiện thu xếp thành công khoản cam kết cấp tín dụng trị giá 35.000 tỷ đồng cho dự án cùng 7 tổ chức tín dụng có năng lực và uy tín tại Việt Nam.

    Cũng theo ông Dũng, Vietcombank và các ngân hàng tham gia đồng tài trợ tin tưởng, với kinh nghiệm đã triển khai và vận hành thành công Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1, cùng ưu thế về công nghệ và con người vượt trội, tư duy đầu tư chiến lược và bài bản, Dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 sẽ mang lại thành công to lớn cho Tập đoàn Hòa Phát nói riêng và ngành thép Việt Nam nói chung. Vietcombank và các ngân hàng đồng tài trợ cam kết sẽ dành những nguồn lực tối ưu cũng như hỗ trợ các giải pháp tài chính và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho Tập đoàn Hòa Phát.

    Đồng hành cùng Tập đoàn Hòa Phát ngay từ những ngày đầu thành lập, Vietcombank là ngân hàng tài trợ vốn vay cho nhiều dự án lớn như: Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát (Hải Dương); Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1; Dự án Cảng tổng hợp Hòa Phát… cũng như đồng hành tài trợ vốn lưu động cho 35 công ty thành viên trong Tập đoàn Hòa Phát.

    VN-Index vượt mốc 1.460 điểm

    Phiên giao dịch ngày 17/3, các cổ phiếu hàng hóa như dầu khí, thép, phân bón, than… hầu hết bị bán mạnh, giảm sâu; ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, xây dựng... thu hút dòng tiền khá tốt với hàng loạt mã tăng mạnh.

    Thanh khoản toàn thị trường cải thiện hơn phiên trước, giá trị giao dịch 3 sàn đạt 25.000 tỷ đồng. Sau chuỗi 8 phiên bán ròng liên tiếp, khối ngoại phiên này trở lại mua ròng 112 tỷ đồng trên toàn thị trường, lực mua tập trung vào DPM, CTG, PNJ, GMD, NLG…

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 17/3/2022 - Ảnh 3
    VN-Index vượt mốc 1.460 điểm.

    Trong phiên chiều nay, mặc dù phần lớn các cổ phiếu nhóm ngân hàng vẫn giữ được sắc xanh, tuy nhiên đà tăng đã thu hẹp so buổi sáng và thậm chí EIB, VPB, KLB, TCB, TPB đóng cửa giảm điểm.

    Bên cạnh đó, các cổ phiếu liên quan giá hàng hóa như dầu khí (GAS, PVS, PVD, PVB, PVC, PXS, PGS, CNG…), thép (HPG, HSG, NKG, VGS, TLH…), phân bón (DPM, DCM, BFC, DDV, VAF…), than (TC6, NBC, HLC, TMB…) đều giảm khá sâu, nhiều mã giảm gần hết biên độ trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới có phần chững lại.

    Chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng thu hút dòng tiền khá tốt với hàng loạt mã tăng mạnh như CEO, CTD, DIG, DRH, FLC, HBC, HLD, KBC, IJC, NTL… Nhóm cổ phiếu "họ FLC" cũng tăng khá tốt trong phiên hôm nay, trong đó FLC dư mua trần hơn 3 triệu cổ phiếu.

    Nhóm công nghệ, viễn thông cũng có phiên giao dịch khởi sắc với nhiều mã tăng điểm như FPT, CMG, VTP, VGI, CTR, VTK, ELC… trong đó CMG tăng trần lên 59.300 đồng.

    Hà Lan (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 17/3/2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới