Chủ nhật, 24/11/2024 11:00 (GMT+7)
    Thứ bảy, 05/03/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 5/3/2022

    Theo dõi KTMT trên

    Giá lương thực trên thế giới ở mức cao nhất trong 61 năm qua, Dầu tăng kỷ lục lên đỉnh 9 năm, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 5,5%,... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 5/3/2022.

    Dầu tăng kỷ lục lên đỉnh 9 năm

    Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2022 đứng ở mức 115,00 USD/thùng, tăng 7,33 USD/thùng trong phiên, là mức cao nhất kể từ tháng 9/2008.

    Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 5/2022 đứng ở mức 118,04 USD/thùng, tăng 7,58 USD/thùng trong phiên, là mức cao nhất kể từ tháng 2/2013.

    Giá dầu ngày 5/3 tăng phi mã khi mà lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu ngày một lớn bởi tình hình chiến sự Nga – Ukraine gia tăng và các nhà giao dịch từ chối mua dầu của Nga.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 5/3/2022 - Ảnh 1
    Dầu tăng kỷ lục lên đỉnh 9 năm.

    Các lệnh trừng phạt vẫn đang được Mỹ và các nước đồng minh áp đặt đối với Nga tuy không trực tiếp nhắm vào thị trường năng lượng nhưng nó lại đang tạo rào cản, áp lực và cả rủi ro đối với các giao dịch trong lĩnh vực này. Nhiều hãng vận tải biển lớn tuyên bố sẽ không đưa tàu đến Nga, trong khi có không ít tàu chở dầu của Nga dù đã cập cảng các nước nhưng lại không tìm được khách mua dầu.

    Dầu Nga đang ế và gần như không có giao dịch. Điều này có nghĩa thị trường dầu thô vốn đang bị thắt chặt nguồn thì nay sẽ phải tìm kiếm nguồn cung khác thay thế hoặc tình trạng thiếu hụt sẽ nghiêm trọng hơn. Các dữ liệu thống kê cho thấy, Nga từng xuất khẩu từ 4 – 5 triệu thùng/ngày và là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 thế giới sau Saudi Arabia.

    Tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu có thể sẽ trầm trọng hơn nữa khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang đứng trước áp lực phải cắt giảm nhập khẩu dầu của Nga. Giới phân tích lo ngại, nếu điều này được thực hiện, nó sẽ tạo ra hiệu ứng Domino khi nhiều nước sẽ nối gót Mỹ và áp dụng các biện pháp cắt giảm nhập khẩu dầu từ Nga.

    Giá vàng tiếp tục thiết lập kỷ lục mới, vượt mốc 69 triệu đồng mỗi lượng

    Cập nhật lúc 14 giờ 45 phút ngày 5/3, giá vàng trong nước đã thiết lập kỷ lục mới với mức niêm yết trên 69 triệu đồng/lượng.

    Tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn điều chỉnh tăng 950.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua, niêm yết ở mức 67,9-69,22 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

    Cũng tại thị trường Hà Nội, Công ty CP Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng SJC ở mức 67,75-69 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), tương đương mức tăng 1,45 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,35 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 5/3/2022 - Ảnh 2
    Giá vàng vẫn tiếp tục tăng không dừng.

    Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tăng 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua, ở mức 67,9-69,1 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

    Như vậy, chỉ trong 2 ngày 4-5/3, giá vàng trong nước liên tục cán mốc 67-68-69 triệu đồng/lượng. Với mức tăng nóng này, giá vàng đã tăng 3,2 triệu đồng, tương đương mức tăng gần 5% trong tuần qua.

    Giá lương thực trên thế giới ở mức cao nhất trong 61 năm qua

    Giá lương thực thế giới đã lên tới mức cao nhất trong lịch sử 61 năm kể từ khi Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cho ra đời Chỉ số giá lương thực, trong bối cảnh các vấn đề về chuỗi cung ứng và cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang chi phối nhiều khía cạnh cuộc sống.

    Trong tháng Hai vừa qua, Chỉ số giá lương thực của FAO đã đạt mức 140,7 điểm - cao hơn 3,9% so với tháng trước đó và cao hơn 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Không những thế, mức thống kê này còn cao hơn 2% so với chỉ số cao nhất mà FAO ghi nhận hồi tháng 2/2011.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 5/3/2022 - Ảnh 3
    Giá lương thực trên thế giới ở mức cao nhất trong 61 năm qua. (Ảnh minh họa)

    Số liệu thống kê cho thấy ngũ cốc đã tăng giá 3,0% so với tháng trước đó, do những quan ngại về nguồn cung do cả Nga và Ukraine đều là những nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn của thế giới. Trong khi đó, dầu thực vật cũng tăng 8,5%, sữa tăng 6,4% và thịt tăng 1,1%.

    Ở chiều ngược lại, giá đường đã giảm 1,9% và đây là tháng thứ 3 liên tiếp mặt hàng này chứng kiến mức giá giảm. Theo FAO, có được điều này là nhờ những triển vọng sản xuất mạnh mẽ ở Ấn Độ, Thái Lan và Brazil.

    Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 5,5%

    Phát biểu tại Kỳ họp thứ 5 Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội) khóa XIII sáng nay (5/3), Thủ tướng Lý Khắc Cường đã công bố mục tiêu tăng trưởng năm 2022 của nước này là khoảng 5,5%. Còn các chi tiêu kinh tế khác như việc làm và lạm phát vẫn giống như năm 2021.

    Tuy nhiên, ông Lý Khắc Cường cho biết thâm hụt ngân sách năm nay của Trung Quốc sẽ khoảng 2,8%, thấp hơn mức 3,2% của năm ngoái. Thủ tướng Trung Quốc kỳ vọng thu ngân sách sẽ tăng lên trong năm 2022 và chính phủ nước này có thể sử dụng lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước, cho phép tăng chi tiêu năm 2022 hơn 2.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 316,5 tỷ USD) so với năm 2021.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 5/3/2022 - Ảnh 4
    Trung Quốc tăng trưởng 8,1% trong năm 2021. 

    Theo Thủ tướng Lý Khắc Cường, Trung Quốc đặt mục tiêu tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành phố là "không quá 5,5%" và chỉ số giá tiêu dùng là "khoảng 3%".

    "Một bản phân tích toàn diện về các động lực phát triển trong và ngoài nước chỉ ra rằng năm nay đất nước sẽ gặp nhiều rủi ro và thách thức hơn, và chúng ta phải tiếp tục nỗ lực để vượt qua chúng", ông Lý Khắc Cường phát biểu. "Những việc càng khó, chúng ta càng phải tự tin hơn và chúng ta phải thực hiện những bước đi vững chắc hơn để mang lại kết quả", Thủ tướng Trung Quốc nói thêm.

    Ông Lý Khắc Cường cho biết, để đạt các chỉ tiêu kinh tế của năm nay, Trung Quốc cần theo đuổi "các chính sách vĩ mô thận trọng và hiệu quả", với chính sách tiền tệ "linh hoạt và phù hợp". Tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ "nhìn chung sẽ được giữ ổn định ở mức cân bằng, thích ứng".

    Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm nhẹ trong quý IV/2021, đạt mức tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tăng trưởng cả năm 2021 đạt 8,1%. Năm 2020, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất đạt tăng trưởng, trong khi các nền kinh tế lớn khác phải vật lộn với đại dịch Covid-19 và ghi nhận tăng trưởng âm.

    Volkswagen phê duyệt đầu tư 2 tỷ euro vào nhà máy xe điện mới ở Đức

    Nhà sản xuất ôtô của Đức Volkswagen ngày 4/3 cho biết đã phê duyệt kế hoạch đầu tư 2 tỷ euro (khoảng 2,2 tỷ USD) vào một nhà máy ôtô điện mới, trong bối cảnh “ông lớn” này đang nỗ lực cải cách hoạt động kinh doanh trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ đối thủ Tesla của Mỹ.

    Trong một thông báo, Volkswagen cho biết sẽ khởi công xây dựng nhà máy mới này gần trụ sở của tập đoàn tại Wolfsburg vào mùa Xuân năm 2023 và bắt đầu sản xuất vào năm 2026.

    Nhà máy mới này sẽ là nơi sản xuất mẫu xe đại chúng Trinity, vốn là tâm điểm trong dàn xe chạy hoàn toàn bằng điện mới của Volkswagen.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 5/3/2022 - Ảnh 5

    Giám đốc điều hành của thương hiệu Volkswagen Ralf Brandstaetter cho biết quyết định trên là một “cột mốc quan trọng” đối với công ty này, trong bối cảnh Volkswagen đang chuyển hướng khỏi các loại xe chạy bằng động cơ đốt trong truyền thống.

    Tập đoàn Volkswagen, với 12 thương hiệu, trong đó có những cái tên đình đám như Audi, Porsche và Skoda, đang đầu tư 35 tỷ euro vào quá trình chuyển đổi sang xe điện, đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới.

    Kế hoạch đầy tư trị giá 2 tỷ euro nói trên được công bố cùng ngày đối thủ của Volkswagen là Tesla được giới chức Đức “bật đèn xanh” để bắt đầu sản xuất tại một nhà máy mới gần thủ đô Berlin.

    Volkswagen hy vọng sẽ cạnh tranh với đối thủ từ Mỹ này với nhà máy mới nói trên bằng cách sản xuất xe điện mới trong khoảng thời gian 10 tiếng. Hiện Volkswagen phải mất khoảng 30 tiếng để sản xuất một chiếc xe điện tại nhà máy ở Zwickau nằm ở phía đông nước Đức.

    Lạng Sơn khuyến cáo DN cân nhắc việc đưa hoa quả tươi lên cửa khẩu

    Ngày 5/3, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khuyến cáo đến các doanh nghiệp cân nhắc, tạm dừng việc đưa hàng hóa hoa quả tươi lên khu vực các cửa khẩu biên giới đường bộ của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu trong thời điểm hiện nay.

    Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho hay, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang duy trì thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại 4 cửa khẩu gồm Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, cửa khẩu Chi Ma, cửa khẩu Tân Thanh.

    Với mục tiêu giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa, tăng hiệu suất thông quan, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo các điều kiện về phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh giữa hai bên, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã tích cực trao đổi, thống nhất với phía Quảng Tây (Trung Quốc) xây dựng và triển khai phương thức giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu mới tại cặp cửa khẩu Tân Thanh-Pò Chài từ ngày 26/2 và tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị-Hữu Nghị Quan từ ngày 1/3.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 5/3/2022 - Ảnh 6
    Tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu vẫn chưa thể giải quyết.

    Tuy nhiên, do thời gian triển khai gấp nên còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong việc khai báo, đăng ký phương tiện cũng như một số vấn đề kỹ thuật liên quan khác chưa thống nhất được giữa hai bên phát sinh trong vận hành, đặc biệt tại cửa khẩu Hữu Nghị, vì vậy hiệu suất thông quan vẫn chưa được cải thiện.

    Dự báo từ ngày 6/3, sau khi hết thời hạn tạm dừng dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi đến cửa khẩu đường bộ của tỉnh Lạng Sơn, lượng trái cây tươi đưa lên cửa khẩu Lạng Sơn chờ xuất khẩu sẽ ngày càng tăng do các tỉnh phía Nam đang vào vụ thu hoạch, nhu cầu của phía Trung Quốc tăng cao, ngoài ra một số cửa khẩu tại các địa phương khác đang tạm dừng hoạt động, gây khó khăn cho công tác kiểm soát dịch bệnh, giữ gìn an ninh trật tự, công tác quản lý, đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh; phát sinh tăng chi phí, thiệt hại về kinh tế cho lái xe, doanh nghiệp.

    Hà Lan (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 5/3/2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới