Chủ nhật, 24/11/2024 05:18 (GMT+7)
    Thứ hai, 07/03/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 7/3/2022

    Theo dõi KTMT trên

    Vàng SJC vượt 73 triệu đồng/lượng; Giá dầu tăng vọt, áp sát ngưỡng 140 USD/thùng; Tạm dừng xuất khẩu cá tra đi Nga;... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 7/3/2022.

    Vàng SJC vượt 73 triệu đồng/lượng

    Lúc 16 giờ ngày 7/3, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC mua vào 70,7 triệu đồng/lượng, bán ra 72,5 triệu đồng/lượng, cao hơn buổi sáng 1,3 triệu đồng/lượng.

    Cùng thời điểm, Công ty Mi Hồng, chuỗi tiệm vàng khá lớn tại TP HCM giao dịch vàng SJC quanh 71,3 triệu đồng/lượng mua vào, 73 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 2 triệu đồng/lượng so với buổi sáng.

    Trong khi đó, các cửa hàng thuộc hệ thống DOJI niêm yết giá vàng SJC mua vào 70,6 triệu đồng/lượng, bán ra 72,6 triệu đồng/lượng.

    Còn tại các ngân hàng thương mại, giá vàng SJC cũng nhảy "loạn xạ". Như Eximbank niêm yết giá vàng SJC mua vào 71,6 triệu đồng/lượng, bán ra 72,9 triệu đồng/lượng, trong khi TPBank bán ra 73 triệu đồng/lượng vàng SJC, mua vào chỉ 70 triệu đồng/lượng.

    Như vậy, biên độ chênh lệch giá mua - bán vàng SJC được đẩy cao nhất lên tới 3 triệu đồng/lượng.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 7/3/2022 - Ảnh 1
    Bảng giá vàng ngày 7/3 lúc 17h30p.

    Giá dầu tăng vọt, áp sát ngưỡng 140 USD/thùng

    Giá dầu thô của Mỹ đã tăng hơn 8%. Cụ thể, giá dầu WTI tăng lên trên 125 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008. Có thời điểm giá dầu đã tăng lên 130,5 USD vào tối Chủ nhật trước khi quay đầu đi xuống.

    Tương tự, giá dầu thô Brent, tăng hơn 9% lên 128,6 USD, cũng là mức giá cao nhất kể từ năm 2008. Có thời điểm, giá dầu Brent đã đạt mức cao 139,13 USD. Kỷ lục mọi thời đại của giá dầu là mức hơn 150 USD/thùng được thiết lập cách đây 14 năm.

    Chuyên gia John Kilduff của Again Capital cho biết: “Giá dầu tăng mạnh do khả năng lệnh cấm vận hoàn toàn được đưa ra đối với dầu thô và các sản phẩm khác của Nga. Giá xăng đã cao rồi và sẽ tiếp tục tăng lên, đẩy lạm phát leo thang. Giá xăng tại một số bang của Mỹ sẽ sớm vượt 5 USD/gallon”.

    Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Mỹ và các nước đồng minh đang xem xét cấm nhập khẩu dầu thô và khí đốt từ Nga. Ông Blinken nói: "Chúng tôi đang trao đổi với các đối tác và đồng minh ở châu Âu để tìm ra một phương thức phối hợp nhằm cấm nhập khẩu dầu Nga nhưng vẫn đảm bảo được đầy đủ nguồn cung dầu cho thế giới”.

    Hiện tại, các biện pháp trừng phạt mà phương Tây nhằm vào Nga vẫn cho phép giao dịch năng lượng của Nga được duy trì. Tuy nhiên, hầu hết khách mua đều tránh dầu Nga vì lo sợ dính líu đến trừng phạt hoặc khó thanh toán. Theo ước tính của JPMorgan Chase, 66% lượng dầu xuất khẩu của Nga hiện nay không tìm được khách mua.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 7/3/2022 - Ảnh 2
    Căng thẳng chính trị leo thang, giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh.

    Mỗi tháng chi hơn 1 tỷ USD nhập sắt thép

    Nhập khẩu thép và sản phẩm từ sắt thép vọt lên gần 3 tỷ USD sau 2 tháng đầu năm 2022.

    Nhập khẩu sắt thép tiếp tục lập kỷ lục, khi mới qua 2 tháng đầu năm, nhưng chi ngoại tệ nhập khẩu đã vượt 2,1 tỷ USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2021, với sản lượng hơn 2 triệu tấn (giảm 10,1%).

    Nếu tính cả nhập khẩu sản phẩm từ thép 2 tháng đạt 835 triệu USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ, nhập khẩu thép và sản phẩm từ thép xấp xỉ 3 tỷ USD.

    Căng thẳng Nga-Ukraine đã đẩy giá nhiều loại nguyên liệu, trong đó có sắt thép tăng rất mạnh. Tính từ đầu năm đến nay, giá thép đã tăng 5,4%. Theo ước tính của MEPS, sản lượng thép không gỉ trên thế giới đã tăng ở mức hai con số so với cùng kỳ năm ngoái vào. Tuy nhiên, nhu cầu thép của thế giới hiện vẫn tăng mạnh. Hiện nguồn cung không thể đáp ứng nhu cầu thị trường.

    Giá quặng sắt kỳ hạn trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giao tháng 5/2022, tăng phiên thứ năm liên tiếp và tăng 5,7% lên 836 CNY (tương đương 132,28 USD)/tấn.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 7/3/2022 - Ảnh 3
    (Ảnh minh họa)

    Ukraine và Nga là những nhà xuất khẩu nguyên liệu sắt quan trọng trên thế giới mâu thuẫn chính trị giữa hai nước này cũng ảnh hưởng đến giá quặng sắt trong thời gian tới.

    Nhu cầu nhập sắt thép trong nước đã tăng rất mạnh trong năm ngoái. Bất chấp dịch bệnh nhu cầu sử dụng sắt thép trong nước vẫn tăng cao, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2021, Việt Nam nhập khẩu sắt thép đạt 12,31 triệu tấn, tương đương 11,52 tỷ USD, giảm 7% về lượng, nhưng tăng 42,8% về kim ngạch so với 2020. Giá trung bình nhập khảu sắt thép năm 2021 là 935,8 USD/tấn, tăng 53,8% so với năm 2020.

    Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất có xuất xứ từ thi trường Trung Quốc, chiếm 40,3% trong tổng lượng và chiếm 38% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước, đạt 4,96 triệu tấn, trị giá 4,38 tỷ USD, giá trung bình 882,2 USD/tấn, tăng cả lượng, kim ngạch và giá so với năm 2020, với mức tăng tương ứng 32%, 79,9% và 36,3%.

    Nhật Bản là thị trường lớn thứ 2 đạt 1,89 triệu tấn, trị giá 1,73 tỷ USD, giá trung bình 913,6 USD/tấn, giảm 22,8% về lượng, nhưng tăng 23,8% về kim ngạch, tăng 60,3% về giá so với năm 2020.

    Đứng thứ 3 là thị trường Hàn Quốc đạt 1,48 triệu tấn, trị giá 1,59 tỷ USD, giá trung bình 1.074 USD/tấn, giảm 16,5% về lượng, tăng 24,4% kim ngạch, tăng 49% về giá so với năm 2020.

    Nhìn chung, trong năm 2021, kim ngạch nhập khẩu sắt thép từ hầu hết các thị trường tăng mạnh so với năm 2020.

    Tạm dừng xuất khẩu cá tra đi Nga

    Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine thì tình hình xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này đang tạm thời bị gián đoán và gặp rất nhiều khó khăn.

    Theo hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, năm 2021, Nga là một trong những thị trường tiềm năng trong bức tranh xuất khẩu cá tra của Việt Nam với giá trị đạt 32,5 triệu USD, tăng 72,5% so với cùng kỳ năm trước.

    Tuy nhiên, bắt đầu sang năm 2022, xuất khẩu cá tra sang thị trường này lại đang gặp sự cố và ẩn chứa nhiều bất ổn.

    Cụ thể, đầu năm nay, có 5 doanh nghiệp cá tra Việt Nam tham gia XK sang thị trường Nga. Tuy nhiên, trong tháng 1-2022, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này chỉ đạt 2,18 triệu USD, giảm 29,8% so với cùng kỳ năm 2021.

    Đáng chú ý sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine thì tình hình xuất khẩu cá tra

    Việt Nam sang thị trường này đang tạm thời bị gián đoán và gặp rất nhiều khó khăn.

    Theo phản ánh của một số doanh nghiệp lớn xuất khẩu cá tra đi Nga, sau khi các nước phương Tây đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt tài chính nhắm vào các ngân hàng Nga thì đồng Ruble đã giảm gần 30%, xuống mức thấp nhất từ trước tới nay so với đồng USD, với mốc gần 95 Ruble đổi 1 USD trong ngày 1-3.

    Do đồng Ruble mất giá mạnh nên nhiều nhà NK không muốn trả tiền đơn hàng. Tình hình thanh toán qua các ngân hàng của các doanh nghiệp gần như tê liệt, một số nhà NK có tài khoản ở các nước khác nhưng việc thanh toán không hề dễ dàng.

    Hiện nay, các DN tạm ngưng kí các đơn hàng cá tra XK đi Nga cho dù nhiều nhà NK vẫn mong muốn tiếp tục hợp tác.

    Các hãng tàu biển cũng đã thông báo không nhận vận chuyển container hàng đi Nga vì rủi ro rất cao khi các lô hàng có thể bị giữ lại tại Cảng Rotterdam trước khi tới được hai cảng biển lớn của Nga là Saint Petersburg và Vladivostok.

    Hơn thế, hiện nay, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đã tăng lên mức 32.000 đồng/kg do khan hiếm. Doanh nghiệp không thể mua được nguyên liệu do giá tăng mạnh.

    Nhiều thị trường lớn khác cũng đang có nhu cầu nhập khẩu cá tra lớn tuy nhiên các nhà máy không đủ nguyên liệu cho chế biến, chưa nói tới đủ cá thành phẩm XK đi Nga trong bối cảnh căng thẳng chiến sự như hiện nay.

    Cổ phiếu ngân hàng gần hết room ngoại

    Theo công bố của Trung tâm Lưu ký chứng khoán về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp niêm yết, một số ngân hàng Việt đang ở tình trạng cạn room ngoại, được nhà đầu tư săn đón như VIB, VPB, TCB, OCB… Nhiều cổ phiếu chỉ vừa "hở" room, lập tức có nhà đầu tư nước ngoài mua vào ồ ạt.

    Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng có nhiều cổ phiếu bị khối ngoại "xả" liên tục thời gian gần đây.

    Phiên giao dịch hôm nay (ngày 7/3), trong khi bán mạnh HDB, TPB... , dòng tiền của khối ngoại lại tích cực chảy vào VIB, STB, VPB,… Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài đã mua gần sạch VIB.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 7/3/2022 - Ảnh 4
    Cổ phiếu VIB được nhà đầu tư ngoại săn đón.

    Cụ thể, VIB đang chốt "room" ngoại ở mức 20,5%. Tỷ lệ này được ngân hàng cố định trước khi lên sàn UPCOM năm 2017 và duy trì từ đó đến nay.

    Trong 1 tháng trở lại đây, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại VIB liên tục ở mức 20,49%, tiệm cận với mức tối đa. Trong phiên ngày 7/3, khối ngoại đã mua ròng 120.800 cổ phiếu VIB, gần sạch số cổ phiếu được phép sở hữu thêm, chỉ còn lẻ 39 cổ phiếu.

    Động thái của khối ngoại gây chú ý, bởi nhiều công ty dự báo cổ phiếu ngân hàng sẽ có sự phân hóa mạnh trong năm 2022.

    Trong báo cáo phân tích chiến lược tháng 3/2022, Công ty chứng khoán Mirae Asset chỉ nêu tên 3 cổ phiếu ngân hàng có triển vọng tích cực trong năm nay, gồm TCB, CTG, VIB.

    Nhóm phân tích của Mirae Asset cho rằng, VIB có thể duy trì tốc độ tăng trưởng đầu ngành ngân hàng bất chấp ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh trong năm 2021. Nhà băng này có kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ với mức lợi nhuận gần 2.700 tỷ đồng trước thuế trong quý 4/2021 – mức cao nhất trong lịch sử một quý mà VIB đạt được – đã giúp ROE của VIB giữ 30% trong liên tiếp 2 năm 2020 và 2021 (dẫn đầu khối top ngân hàng thương mại cổ phần).

    VIB cũng công bố NIM 2021 đạt 4,4% giảm nhẹ so với mức 4,5% của 2020. Theo VIB, Ngân hàng đã tối ưu hóa chi phí sử dụng vốn, giảm đến 1,1% so với năm 2020. Dư nợ tái cơ cấu cũng được giảm mạnh so với cuối quý 3/2021.

    VIB sẽ là ngân hàng tổ chức ĐHĐCĐ thường niên sớm nhất trong năm 2022,  dự kiến diễn ra ngày 16/3 với nhiều nội dung quan trọng.

    Theo tài liệu gửi tới Đại hội, năm 2022, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt tới 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỷ đồng; 265.600 tỷ đồng và 280.600 tỷ đồng. Trong đó, mức tăng trưởng tổng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào giới hạn cho phép của Ngân hàng Nhà nước.

    Đáng chú ý, VIB có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng thông qua việc chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 35% cho cổ đông hiện hữu và và 0,7% cho cán bộ nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu. Đề xuất này xuất phát từ nhu cầu vốn của Ngân hàng dành cho các dự án đầu tư vào hệ thống công nghệ, mạng lưới, cấp tín dụng, đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong kinh doanh theo quy định của pháp luật.

    Bên cạnh đó, chính sách ESOP (chia cổ phiếu thưởng cho CBNV) nhằm phát triển và duy trì đội ngũ nhân sự chất lượng, phục vụ cho các hoạt động kinh doanh, vận hành của Ngân hàng.

    Hà Lan (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 7/3/2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới