Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 12/7
Giá thép tiếp tục giảm sâu; Việt Nam chiếm 15% thị trường mua sắm trực tuyến Đông Nam Á... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 12/7.
Giá thép tiếp tục giảm sâu
Các loại thép giảm giá cụ thể như sau, giá thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 của thương hiệu Hòa Phát hiện sau khi giảm 260.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn, xuống còn 16,2 triệu đồng/tấn và 16,6 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Ý cũng giảm 200.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 xuống 16,1 triệu đồng/tấn, giảm 210.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, ở mức 16,5 triệu đồng/tấn.
Thương hiệu thép Việt Đức miền Bắc với dòng thép cuộn CB240 giảm 300.000 đồng/tấn hiện ở mức hơn 16 triệu đồng/tấn; còn thép thanh vằn D10 CB300 giảm 260.000 đồng/tấn có giá 16,5 triệu đồng/tấn.
Còn tại miền Trung, thương hiệu này chỉ giảm 200.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 xuống 16,1 triệu đồng/tấn và thép thanh vằn D10 CB300 giảm 160.000 đồng/tấn ở mức 16,6 triệu đồng/tấn.
Trong số các doanh nghiệp thép, Pomina là thương hiệu giữ được giá thép xây dựng ở mức hơn 17 triệu đồng/tấn.
Sau khi giảm 250.000 – 310.000 đồng/tấn, giá thép cuốn CB230 của Pomina đang ở mức 17 - 17,2 triệu đồng/tấn; còn thép thanh vằn D10 CB300 khoảng 17,5 triệu đồng/tấn.
Đây là đợt giảm thứ 8 liên tiếp kể từ ngày 11/05.
Việt Nam chiếm 15% thị trường mua sắm trực tuyến Đông Nam Á
Theo báo cáo của Ninja Van Group về sức mua hàng trực tuyến tại 6 quốc gia: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Việt Nam, Thái Lan với gần 9.000 đáp viên tham gia, Việt Nam là quốc gia đứng đầu với số lượng mua hàng trực tuyến trung bình lên đến 104 đơn hàng/năm.
73% đáp viên cho biết họ thường xuyên mua hàng trên các nền tảng mua sắm thương mại điện tử. 59% cho biết đã từng nhiều lần đặt hàng hoặc mua sắm trên các website quốc tế. Ngoài ra, đa số đáp viên khu vực Đông Nam Á đều quen thuộc với việc mua hàng xuyên biên giới trong khu vực châu Á hoặc trên toàn thế giới.
Trong năm 2022, số lượng người Việt mua hàng trực tuyến lên đến hơn 51 triệu, tăng 13,5% so với năm trước, tổng chi tiêu cho việc mua sắm đạt 12,42 tỷ USD. Cùng thời điểm này Google và Bain & Company dự báo quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.
Trong báo cáo từ Ninja Van Group, Việt Nam đang chiếm 15% tổng thị trường mua sắm trực tuyến tại Đông Nam Á, chỉ đứng sau Thái Lan với tỷ lệ 16% và ngang bằng với Philippines. Báo cáo cho thấy người Việt Nam yêu thích việc mua sắm online và đang dẫn đầu khu vực ở nhiều chỉ số.
Theo một báo cáo khác từ Statista, Việt Nam dự kiến sở hữu thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia trước năm 2025. Việt Nam hiện có mức quy mô mua hàng trung bình (ABS) là 26 USD, cao hơn hai nước đông dân là Thái Lan (25 USD) và Indonesia (18 USD).
Trong hai năm qua, số lượng người mua sắm trực tuyến ở khu vực Đông Nam Á đã tăng đáng kể, đạt khoảng 70 triệu người tính đến thời điểm hiện tại. Trên quy mô khu vực, 70% tổng dân số ở Đông Nam Á đã bắt đầu mua sắm trực tuyến trước cả khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Số lượng người mua sắm trực tuyến tại Đông Nam Á dự kiến tăng đến con số 380 triệu trước năm 2026.
Theo số liệu Statista, tỷ trọng thương mại điện tử xuyên biên giới trung bình của Đông Nam Á tăng từ 74 tỷ USD năm 2020 lên 120 tỷ USD năm 2021. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng đạt trung bình 37,7%/năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu 27,4%/năm. Dự báo, doanh thu thương mại điện tử năm 2025 tại khu vực Đông Nam Á dự kiến đạt 234 tỷ USD.
EC tăng viện trợ cho các công ty chịu ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt Nga
Khoản viện trợ cho các công ty châu Âu bị tổn thương do các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga liên quan tới tình hình Ukraine có thể tăng 25% lên 500.000 euro (504.050 USD), nhằm giúp họ đối phó với tác động của sự kiện trên cũng như cuộc khủng hoảng năng lượng sau đó.
Thông tin trên được đưa ra trong một tư liệu của Ủy ban châu Âu (EC). Cơ quan này cho biết họ sẽ đón nhận phản hồi từ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) về đề xuất nêu trên trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, Ủy ban không đưa ra các số liệu cụ thể nào trong tài liệu.
Hồi tháng Ba, EC đã nới lỏng các quy định về viện trợ nhà nước để cho phép các quốc gia EU đưa ra những biện pháp hỗ trợ lên tới 400.000 euro và 30% chi phí năng lượng cho các doanh nghiệp.
Tài liệu cho biết hiện EC muốn tăng số tiền trên lên 500.000 euro. Trong đó, viện trợ của nhà nước có thể là viện trợ trực tiếp không hoàn lại, ưu đãi thuế và thanh toán, hoặc các hình thức khác như tạm ứng, bảo lãnh, cho vay có thể hoàn trả.
Các công ty trong lĩnh vực nông nghiệp có thể được phép nhận hỗ trợ nhà nước lên tới 62.000 euro, trong khi các công ty trong lĩnh vực đánh bắt và nuôi trồng thủy sản được nhận tới 75.000 euro so với mức trần hiện tại là 35.000 euro.
EC cũng sẽ tạo điều kiện giúp các chính phủ EU dễ dàng đầu tư vào năng lượng tái tạo hơn, bao gồm các nguồn hydro tái tạo, khí sinh học và khí methane sinh học cùng với nhiệt từ các nguồn tái tạo.
Đây là một phần của mục tiêu giảm thiểu sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga, đồng thời đa dạng hóa các nguồn năng lượng của khối này.
Ngoài ra, các nước thành viên EU cũng sẽ được khuyến khích thiết lập các chương trình đấu thầu mới, hoặc hỗ trợ trực tiếp các dự án không đấu thầu về tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và giúp các ngành công nghiệp khử carbon.
Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo giá dầu toàn cầu có thể tăng tới 40%
Ngày 12/7, một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ nhận định giá dầu toàn cầu có thể tăng tới 40% lên mức 140 USD/thùng nếu không thực hiện kiềm chế giá dầu mỏ của Nga cùng với các biện pháp miễn trừ trừng phạt cho phép bàn giao những lô dầu có giá dưới mức trần đề ra.
Quan chức này cho biết Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ thảo luận về việc triển khai đề xuất kiềm chế giá mà Mỹ đưa ra và tình hình phát triển kinh tế toàn cầu với người đồng cấp Nhật Bản Shunichi Suzuki trong cuộc gặp diễn ra ngày 12/7 tại Tokyo.
Mục tiêu là định ra một mức giá trần đảm bảo bao trùm chi phí sản xuất của Nga để Moskva vẫn tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ nhưng mức trần này cũng không quá cao để làm lợi cho Nga.
Các quan chức Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại về việc đặt ra trần giá dầu mỏ quá thấp nhưng cũng không phản đối mức giá dao động trong khoảng từ 40-60 USD/thùng.
Bà Yellen cũng dự định sẽ thông qua chuyến thăm đầu tiên tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong vai trò Bộ trưởng Tài chính Mỹ để kêu gọi sự ủng hộ đối với đề xuất áp trần giá với dầu mỏ Nga và giải đáp những hoài nghi rằng liệu biện pháp này có hiệu quả hay không khi một số nền kinh tế lớn như Ấn Độ và Trung Quốc không tham gia.
Tháng trước, Mỹ và các thành viên còn lại của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) gồm Anh, Canada, Đức, Pháp, Italy và Nhật Bản, cùng với Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí áp dụng trần giá để giảm doanh thu từ dầu mỏ của Nga.
Tuy nhiên, các bên vẫn chưa thống nhất về kế hoạch chi tiết. Hiện EU đang chuẩn bị áp dụng lệnh cấm dầu mỏ Nga chia theo nhiều giai đoạn và cấm các công ty cung cấp bảo hiểm hàng hải cho các tàu chở dầu Nga. Anh cũng ủng hộ biện pháp này.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ cho rằng việc áp giá trần sẽ vừa giúp duy trì hoạt động xuất khẩu dầu mỏ vừa kiềm chế đà tăng giá dầu mỏ được cho là có thể dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu.
Mỹ đề xuất cơ chế "ngoại lệ giá" cho phép miễn áp dụng các lệnh cấm bảo hiểm hàng hải với những đơn hàng có giá thấp hơn mức trần giá đã thống nhất, để tránh tình cảnh hàng triệu thùng dầu mỏ Nga bị tắc nghẽn mỗi ngày vì thiếu bảo hiểm.
Mô hình phân tích của Bộ Tài chính Mỹ chỉ ra rằng việc thực hiện các biện pháp trừng phạt mà không áp dụng "ngoại lệ giá" sẽ khiến giá dầu thô tăng mạnh, có thể lên mức 140 USD/thùng, từ mức 100 USD/thùng hiện nay.
Quan chức giấu tên của Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết hiện các công ty EU, Anh và Mỹ đang đảm nhận khoảng 90% thị phần bảo hiểm và tái bảo hiểm tàu chở dầu toàn cầu.
Nếu các lệnh cấm bảo hiểm được áp dụng vào cuối năm, Nga sẽ gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu dầu mỏ, ảnh hưởng đến nguồn cung và khiến giá dầu bị đẩy lên cao.
Hà Lan