Chủ nhật, 24/11/2024 11:55 (GMT+7)
    Thứ sáu, 15/07/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 15/7

    Theo dõi KTMT trên

    Bộ Tài chính đề xuất giảm 10% thuế nhập khẩu ưu đãi xăng; Thanh khoản tiếp tục tăng, cổ phiếu thép tỏa sáng... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 15/7.

    Bộ Tài chính đề xuất giảm 10% thuế nhập khẩu ưu đãi xăng

    Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ giảm từ 20% xuống 10% thuế nhập khẩu ưu đãi với mặt hàng xăng, thay vì mức 12% như đề xuất trước đó.

    Bộ Tài chính cho rằng, trước diễn biến tăng cao của giá xăng dầu thế giới, trong khi nguồn cung trong nước gặp sự cố kỹ thuật, Bộ Tài chính đã sớm dự thảo nghị định biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

    "Hiện Bộ Tài chính nhận được 63 công văn tham gia ý kiến của các đơn vị liên quan, trong đó có 16 bộ, cơ quan ngang bộ; 39 ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; VCCI; Hiệp hội Xăng dầu...Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến tham gia của bộ, ngành, địa phương để trình Chính phủ xem xét, ban hành.

    Tuy nhiên, do dự thảo ghị định sửa đổi nhiều nội dung phức tạp, quy mô lớn, có tính kỹ thuật (biểu thuế gần 1.000 trang) nên cũng cần phải rà soát kỹ. Bên cạnh đó, sau khi dự thảo được gửi xin ý kiến đã phát sinh thêm một số vấn đề cần tiếp tục tham vấn các đơn vị có liên quan", Bộ Tài chính cho biết.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 15/7 - Ảnh 1
    Bộ Tài chính đề xuất giảm 10% thuế nhập khẩu ưu đãi xăng.

    Hiện giá dầu thô thế giới và giá xăng dầu thành phẩm Việt Nam còn ở mức cao, tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Việc xây dựng nghị định theo trình tự, thủ tục thông thường sẽ không đảm bảo tính kịp thời, nhất là trong bối cảnh thị trường xăng dầu còn diễn biến phức tạp. Do đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng đề nghị cho phép tách nội dung điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng để ban hành một nghị định riêng theo trình tự, thủ tục rút gọn, để có thể áp dụng hiệu lực ngay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc tìm nguồn cung.

    Cụ thể, Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10% thay cho phương án trước đó đã gửi xin ý kiến (giảm từ 20% xuống 12%).

    Bộ Tài chính nhấn mạnh: "Việc điều chỉnh này vẫn đảm bảo có được dư địa để đàm phán các FTA mới trong tương lai và không phát sinh nghĩa vụ của Việt Nam trong các cam kết quốc tế. Đối với mặt hàng xăng động cơ, có pha chì, hiện nay gần như không có kim ngạch nhập khẩu và trong nước cũng không còn được phép sản xuất, sử dụng mặt hàng này nên Bộ Tài chính đề nghị giữ như mức thuế nhập khẩu MFN như hiện hành".

    Đối với mặt hàng dầu, Bộ Tài chính trình Chính phủ tiếp tục áp dụng mức thuế nhập khẩu MFN là 7% như hiện hành để không phát sinh nghĩa vụ của Chính phủ trong cam kết GGU với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

    Hiện mức thuế nhập khẩu FTA đối với dầu trong khuôn khổ Hiệp định ATIGA với các nước ASEAN và Hiệp định FTA với Hàn Quốc đã được giảm về 0% nên kim ngạch nhập khẩu theo thuế suất thuế nhập khẩu MFN là không đáng kể.

    Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký để sớm áp dụng ngay, đồng thời không quy định thời hạn áp dụng. Bởi, theo lộ trình cam kết thì thuế suất FTA của mặt hàng xăng tại Hiệp định ATIGA sẽ được giảm xuống còn 5% vào năm 2023 và về 0% vào năm 2024 nên việc quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN 10% đối với mặt hàng xăng cũng là phù hợp, đảm bảo sự chênh lệch hợp lý giữa thuế suất MFN và thuế suất FTA. Trường hợp thị trường xăng dầu thế giới có biến động bất thường dẫn đến việc phải điều chỉnh lại mức thuế suất MFN đối với mặt hàng xăng, Bộ Tài chính sẽ kịp thời báo cáo Chính phủ phương án điều chỉnh phù hợp.

    Theo Bộ Tài chính, hiện nay tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu của nước ta vẫn thấp hơn mức bình quân chung so với nhiều nước trong khu vực. Tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 40 - 55% đối với xăng và 35 - 50% đối với dầu (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn).

    Trong khi đó, ở nước ta, với mức thuế bảo vệ môi trường đang được giảm về mức sàn thì tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu vào khoảng 19,39% đối với xăng E5 RON92, 21,95% đối với xăng RON95 và khoảng 11,05% đối với dầu diesel.

    Theo tính toán, với việc tỷ trọng xăng E5 RON92 và xăng RON95 nhập khẩu chỉ chiếm tương ứng 14,36% và 31,7% lượng xăng tiêu thụ trong nước (tính theo số liệu quý 2/2022) và hiện nay xăng đang được nhập khẩu chủ yếu từ các quốc gia đã ký kết Hiệp định FTA với Việt Nam, việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN xuống 10% tuy có thể góp phần giảm giá xăng trong nước nhưng cũng chỉ ở mức thấp.

    Tuy nhiên, việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu sẽ có tác động lớn tới sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân; tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể nhập khẩu xăng từ nhiều quốc gia khác, qua đó thúc đẩy tính cạnh tranh để giảm giá mặt hàng này.

    Thanh khoản tiếp tục tăng, cổ phiếu thép tỏa sáng

    Những lo lắng về đợt tăng lãi suất tháng 7 của FED vẫn khiến thị trường bối rối khi nhà đầu tư vẫn từ chối mua giá cao. VN-Index không chỉ thiếu đi nhóm cổ phiếu dẫn dắt, mà gần như toàn bộ các blue-chips cũng đỏ khiến VN-Index mất gần 3 điểm ngày cuối tuần. Điểm sáng là thanh khoản gia tăng tốt và cổ phiếu duy trì được độ phân hóa.

    Nổi bật trên bảng điện đỏ rực hôm nay là nhóm cổ phiếu xây dựng và vật liệu. Chỉ số VN Materials sàn HoSE tăng tới 2,77% trong khi toàn bộ các chỉ số nhóm ngành khác sàn này đều đỏ. Hàng loạt cổ phiếu nhóm này trên các sàn tăng kịch trần.

    Nhóm thép với đại diện nổi bật HPG tăng 4,5%, HSG tăng 1,11%, NKG tăng 2,05%, TLH tăng 3,03%, VGS tăng 3,91%, TVN tăng 3,66%. Dòng tiền đổ vào nhóm này cũng khá mạnh, với HPG giao dịch đột biến gần 47,7 tỷ đồng trị giá 1.089,5 tỷ đồng. Rất lâu rồi HPG mới lại quay lại ngưỡng thanh khoản vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng. Đây là mức giao dịch lớn nhất của HPG trong vòng 5 tháng của mã này. NKG cũng giao dịch kỷ lục 2 tháng với 13,35 triệu cổ trị giá 267,9 tỷ đồng. Cả hai mã này đều lọt vào Top 10 thanh khoản toàn thị trường.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 15/7 - Ảnh 2
    Thanh khoản tiếp tục tăng, cổ phiếu thép tỏa sáng.

    Điều thiệt thòi của nhóm thép là chỉ có HPG vốn hóa đủ lớn để hỗ trợ chỉ số. Tăng 4,5%, mã này giúp VN-Index có được 1,5 điểm, trong khi cổ phiếu mạnh thứ hai là VPB tăng 0,71% chỉ đem lại 0,2 điểm. Do thiếu quá nhiều blue-chips làm trụ, VN-Index giảm 2,92 điểm tương đương 0,25% lúc đóng cửa.

    Loạt cổ phiếu nhóm xây dựng và vật liệu trên các sàn đều tăng rất tốt. Gần hai chục mã nhóm này tăng kịch trần, bao gồm nhiều cổ phiếu ở HNX và UpCOM. PVV, VCX, SJC, S12, S96, CTN, SHN... tăng hết biên độ, nhưng đều dựa trên nền thanh khoản rất thấp. Điều này cho thấy đã có phản ứng mang tính tâm lý ăn theo, dựa trên diễn biến của các cổ phiếu lớn.

    Độ rộng của rổ blue-chips VN30 cuối phiên chỉ còn 6 mã tăng nhưng tới 22 mã giảm. 11 mã trong rổ giảm trên 1% nhưng may mắn là trụ không quá yếu. GAS giảm 1,32%, MSN giảm 1,27%, MWG giảm 1,76% là ba trụ đáng kể nhất, còn lại BVH, SSI, PNJ, VJC... có tỷ trọng nhỏ trong chỉ số.

    Thực ra nhóm blue-chips đã không có vai trò gì lớn trong nhiều phiên trở lại đây và biểu hiện là các chỉ số cứ “nằm bẹp” quanh vùng đáy. Tuy nhiên dòng tiền không vì thế mà sợ hãi, khả năng phân hóa ở cổ phiếu là điều rất tích cực. VN-Index giảm hôm nay nhưng độ rộng của chỉ số vẫn là 215 mã tăng/233 mã giảm. Cả sàn HoSE chỉ có 34 mã giảm trên 2% và 51 mã khác giảm trên 1%. Đó chỉ là một tỷ lệ khá nhỏ trong tổng lượng cổ phiếu giảm. Ngược lại, số tăng cũng có 54 mã tăng trên 2% và 40 mã tăng trên 1%. Mức phân bổ thanh khoản ở nhóm cổ phiếu tăng giá khoảng 42% tổng giá trị khớp sàn HoSE, trong khi phân bổ ở nhóm giảm khoảng 53%. Như vậy thị trường không chỉ giằng co về chỉ số, độ rộng, mà còn cân băng ở cả dòng tiền.

    Thanh khoản phiên này cũng có sự gia tăng khá tốt với tổng giá trị khớp hai sàn niêm yết đạt 12.645 tỷ đồng, cao hơn hôm qua gần 13%. Đây cũng là mức thanh khoản khớp lệnh tốt nhất 8 phiên. Như vậy thị trường đang xuất hiện mức gia tăng thanh khoản khá liên tục kể từ đầu tuần. Tính trung bình, giao dịch tuần này tại HoSE và HNX tăng khoảng 6% so với trung bình tuần trước.

    Thị trường đang chịu áp lực nhất định từ hoạt động bán ròng chứng chỉ quỹ FUEVFVND. Hôm nay quỹ này lại bị rút ròng 260,5 tỷ đồng. Quỹ bị rút bớt vốn thì quỹ cũng phải bán ra các cổ phiếu thành phần. Các cổ phiếu khác cũng bị bán nhiều hôm nay là UIC -66,3 tỷ, DXG -40,8 tỷ, SSI -36 tỷ, FRT -34,5 tỷ, DPM -32,9 tỷ. Tính chung HoSE bị bán ròng 496,9 tỷ đồng.

    Chiều 15/7, giá dầu thế giới đi lên

    Vào lúc 13 giờ 30 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao tháng Chín tăng 94 xu Mỹ (1%) lên 100,04 USD/thùng trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 63 xu (0,7%) lên 96,41 USD/thùng.

    Stephen Innes, đối tác quản lý tại công ty quản lý tài sản SPI Asset Management có trụ sở tại Thụy Sỹ, nhận định giá dầu đang giao dịch theo nhịp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), triển vọng nhu cầu và biến động của đồng USD.

    Theo chuyên gia Innes, thị trường đã hạ dự báo về mức tăng lãi suất của Fed xuống 75 điểm cơ bản trong tuần tới so với mức dự kiến 100 điểm cơ bản trong phiên trước.

    Phiên 14/7 giá dầu có lúc giảm hơn 4 USD trước dự báo Fed sẽ tăng lãi suất 100 điểm cơ bản trong tháng này sau khi lạm phát tháng Sáu lên mức cao nhất trong hơn 40 năm.

    Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của Fed ủng hộ một đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách của Fed trong tháng này, thay vì mức tăng lãi suất lớn hơn mà các nhà giao dịch đã đồn đoán.

    Dù vậy, phiên 15/7, triển vọng nhu cầu giảm đã kiềm chế đà tăng của giá dầu. Các nhà phân tích của bộ phận nghiên cứu ANZ Research thuộc ngân hàng ANZ của Australia cho rằng các đợt bùng phát dịch COVID-19 mới tại Trung Quốc đang đe dọa ngăn chặn đà phục hồi của nhu cầu dầu. Bên cạnh đó, mức giá cao cũng làm giảm nhu cầu xăng tại Mỹ.

    Sản lượng lọc dầu của Trung Quốc trong tháng Sáu đã giảm gần 10% so với một năm trước đó, với sản lượng trong nửa đầu năm giảm 6%, ghi dấu đợt giảm đầu tiên kể từ năm 2011.

    Trung Quốc tăng hơn 6% sản lượng than trong tháng 6

    Trung Quốc sản xuất 379,31 triệu tấn than trong tháng trước, tương đương 12,64 triệu tấn mỗi ngày, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho thấy hôm thứ Sáu 15/7.

    Con số này cao hơn nhiều so với 11,87 triệu tấn mỗi ngày trong tháng 5.

    Theo số liệu của Cục Thống kê, sản lượng than trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 2,19 tỷ tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Bắc Kinh đã thúc giục các công ty khai thác tăng cường sản lượng và nhanh chóng phê duyệt công suất khai thác mới để đảm bảo đủ nguồn cung và tránh tình trạng mất điện trên diện rộng tương tự như những gì đã xảy ra với các nhà sản xuất Trung Quốc vào năm ngoái.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 15/7 - Ảnh 3
    Trung Quốc tăng hơn 6% sản lượng than trong tháng 6.

    Chính phủ trung ương đã đặt mục tiêu sản xuất than hằng ngày là 12,6 triệu tấn trong năm nay và yêu cầu các công ty khai thác ưu tiên cung cấp cho các công ty điện lực theo giá quy định.

    Số liệu thống kê cho thấy sản lượng điện trong tháng 6 đã tăng 1,5% lên 709 tỷ kilowatt giờ so với một năm trước, mức tăng trưởng đầu tiên trong ba tháng.

    Một số khu vực trên khắp Trung Quốc đã ghi nhận mức tải điện cao nhất mọi thời đại trong tuần này trong bối cảnh nhiệt độ cực cao.

    Theo số liệu của Hiệp hội vận tải và phân phối than Trung Quốc, tiêu thụ than hằng ngày tại các cơ sở lớn ở các vùng duyên hải Trung Quốc đã tăng lên khoảng 2 triệu tấn trong tuần đầu tiên của tháng 7, ít thay đổi so với khối lượng tiêu thụ của cùng kỳ năm ngoái.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 15/7. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới