Chủ nhật, 24/11/2024 13:14 (GMT+7)
    Thứ hai, 25/04/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 25/4

    Theo dõi KTMT trên

    Chứng khoán châu Âu 'đỏ sàn'; Giá vàng miếng bán ra đạt mốc 70 triệu đồng/lượng... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 25/4/2022.

    Xuất khẩu khởi sắc, cả nước vượt 104 tỷ USD

    Tính đến giữa tháng 4/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đã vượt 104 tỷ USD, tăng 13,15 tỷ USD, tương đương mức tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2021.

    Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong kỳ 1 tháng 4 (từ ngày 1/4 đến ngày 15/4) đạt 32,17 tỷ USD, giảm 12,3% so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 3/2022.

    Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 4/2022 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/4/2022 đạt 208,83 tỷ USD, tăng 15,4%, tương ứng tăng 27,85 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021.

    Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 145,04 tỷ USD, tăng 14,2%.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 25/4 - Ảnh 1
    Trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ đầu năm đến 15/4/2022 và cùng kỳ năm 2021.

    Tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 4 đạt gần 15,28 tỷ USD, giảm 20,9% (tương ứng giảm 4,04 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 3/2022 do một số nhóm hàng có kim ngạch giảm, như: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 1,27 tỷ USD, tương ứng giảm 41,8%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 1,02 tỷ USD, tương ứng giảm 27,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 281 triệu USD, tương ứng giảm 14%.

    Trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ đầu năm đến 15/4/2022 và cùng kỳ năm 2021.

    Như vậy, tính đến hết 15/4/2022, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 104,34 tỷ USD, tăng 14,4% tương ứng tăng 13,15 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.

    Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh như: hàng dệt may tăng 1,72 tỷ USD, tương ứng tăng 20,4% tiếp tục là nhóm hàng tăng lớn nhất trong các nhóm hàng chủ lực xuất khẩu; tiếp theo là điện thoại các loại và linh kiện tăng 1,42 tỷ USD, tương ứng tăng 8,8%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 1,19 tỷ USD, tương ứng tăng 8,6%; máy móc thiết bị dung cụ và phụ tùng khác tăng 1,09 tỷ USD, tương ứng tăng 10,3%... so với cùng kỳ năm 2021.

    Số liệu thống kê cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 4/2022 đạt gần 11 tỷ USD, giảm 24,5% so với kỳ 2 tháng 3/2022. Hết 15/4/2022, tổng trị giá xuất khẩu của khối FDI đạt 76,29 tỷ USD, tăng 11,7%, tương ứng tăng 8 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,1% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

    Ở chiều nhập khẩu, tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 4/2022 đạt 16,89 tỷ USD, giảm 2,6% so với nửa cuối tháng 3/2022.

    Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 4/2022 giảm so với kỳ 2 tháng 3/2022 chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 373 triệu USD, tương ứng giảm 8,8%; xăng dầu giảm 281 triệu USD, tương ứng giảm 36,3%; sắt thép các loại giảm 144 triệu USD, tương ứng giảm 23,5%...

    Đến hết 15/4/2022, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 104,48 tỷ USD, tăng 16,4% (tương ứng tăng 14,7 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.

    Trong kỳ đầu tháng 4/2022, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 1,62 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/4/2022, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 144 triệu USD.

    Chứng khoán châu Âu 'đỏ sàn'

    Tính đến 7h05 giờ GMT (tức 14h05 giờ Việt Nam), chỉ số STOXX 600 “bốc hơi” 1,9% xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3 vừa qua. Chỉ số CAC 40 trên sàn chứng khoán của Pháp mất 2% và chỉ số DAX của Đức giảm 1,9%. Ngoài Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), chỉ số FTSE 100 trên sàn chứng khoán London (Anh) đầu phiên giảm xuống còn 7.409,08 điểm, mất 1,5% so với mức chốt phiên ngày 22/4.

    Chuyên gia phân tích Victoria Scholar thuộc dịch vụ tài chính Interactive Investor nhận định: “Mặc dù chiến thắng của ông E.Macron (trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp) khiến chính trường tại châu Âu phần nào an tâm, nhưng nhiều thị trường châu Âu đang bị những mối lo ngại lớn hơn ở tầm vĩ mô bủa vây, cũng như đang bị tác động từ đợt bán tháo mạnh trên thị trường Phố Wall ngày 22/4 và tại Trung Quốc trong đêm”.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 25/4 - Ảnh 2
    Chứng khoán châu Âu 'đỏ sàn'. (Ảnh minh hoạ)

    Ngày 22/4 vừa qua, thị trường chứng khoán Mỹ “bốc hơi” hơn 2,5% giá trị khi cả 3 chỉ số chính đều giảm mạnh trước những thông tin tiêu cực bủa vây, từ những số liệu kinh doanh kém hiệu quả của nhiều công ty, khả năng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng mạnh lãi suất, tốc độ phục hồi kinh tế chậm lại do tác động từ các lệnh trừng phạt qua lại giữa Nga và phương Tây đến ảnh hưởng từ chính sách phong tỏa chống COVID-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc.

    Cũng trong ngày 25/4, thị trường chứng khoán châu Á có phiên giao dịch tồi tệ nhất trong 1 tháng rưỡi khi lo ngại Bắc Kinh sẽ thực hiện phong tỏa để phòng COVID-19, sau động thái tương tự của thành phố Thượng Hải.

    Chốt phiên giao dịch, chỉ số Nikkei 225 ở Nhật Bản giảm 1,9% xuống 26.590,78 điểm, chỉ số Hang Seng ở Hong Kong (Trung Quốc) giảm 3,7% xuống 19.869,34 điểm, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 5,1% xuống 2.928.51 điểm.

    Giá vàng miếng bán ra đạt mốc 70 triệu đồng/lượng

    Theo ghi nhận tại TP.Biên Hòa, trong những ngày vừa qua, giá vàng miếng có nhiều biến động. Tại chi nhánh của Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) ở TP.Biên Hòa vào chiều 25-4, giá vàng miếng SJC mua vào ở mức 69,3 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 70 triệu đồng/lượng. Giá vàng liên tục giữ ở mức cao xoay quanh mốc 70 triệu đồng/lượng trong khoảng 1 tuần trở lại đây.

    Trong khi đó, tại cửa hàng kim hoàn của Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) trên đường Đồng Khởi (TP.Biên Hòa) ghi nhận giá vàng PNJ mua vào khoảng 55,3 triệu đồng/lượng và bán ra 56,4 triệu đồng/lượng.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 25/4 - Ảnh 3

    Theo Cục Thống kê Đồng Nai, thời điểm cuối quý I-2022, giá vàng bình quân tăng 2,85% so với tháng trước và tăng 3,5% so với tháng 12-2021. Bình quân quý I-2022, giá vàng miếng tăng 1,45% so với cùng kỳ năm ngoái.

    TP.HCM: Tín dụng tăng đột biến

    Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết: Dự ước đến cuối tháng 4-2022, dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt trên 3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với cuối năm 2021. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ này nhiều năm trước đây.

    Tín dụng bốn tháng đầu năm tăng trưởng cao, chủ yếu do nhu cầu vốn cho phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng, kinh tế thành phố phục hồi nhanh. Trong đó, tín dụng bằng VND chiếm tỉ trọng cao trong tổng dư nợ tín dụng (chiếm 93%) và tăng trưởng 7,6% so với cuối năm 2021.

    Cũng theo số liệu từ lãnh đạo NHNN chi nhánh TP.HCM, tính đến uối tháng 4 tổng giá trị nợ hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, cho gần 2 triệu lượt khách hàng vay vốn; góp phần trực tiếp cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch để ổn định và phục hồi tăng trưởng.

    Riêng tín dụng đối với các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp – khu chế xuất (KCN-KCX) trên địa bàn (đến cuối tháng 3-2022) đạt trên 400.000 tỷ đồng, tăng 23,4% so với cuối năm 2021, tăng cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn.

    Kết quả này phù hợp với những chuyển biến tích cực của các doanh nghiệp hoạt động trong KCN-KCX với hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng khá trong ba tháng đầu năm và thời gian qua.

    Dư nợ tín dụng ngắn hạn bằng VND đối với năm nhóm ngành, lĩnh vực (xuất khẩu; nông nghiệp nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) đạt 196.000 tỷ đồng, với lãi suất thấp (không quá 4,5%/năm) đã tạo điều kiện cho các nhóm ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế phục hồi và phát triển.

    Trong đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chiếm tỉ trọng cao nhất, 76% trong tổng dư nợ của chương trình này.

    "Lãi suất huy động tuy có sự thay đổi song mức tăng không nhiều (tăng khoảng 0,17%- 0,2%/năm) và chủ yếu ở các loại sản phẩm tiền gửi đặc thù (như số tiền gửi lớn; kỳ hạn gửi trung dài hạn và gắn với sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử như gửi tiết kiệm online, sử dụng dịch vụ ngân hàng số…).

    Về cơ bản, lãi suất trên địa bàn trong bốn tháng đầu năm ổn định và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn phục hồi và tăng trưởng" - ông Lệnh nói.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 25/4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới