Chủ nhật, 24/11/2024 08:23 (GMT+7)
    Thứ tư, 29/06/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 29/6

    Theo dõi KTMT trên

    Trên 14 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong nửa đầu năm 2022; Tháng 6, doanh thu nhóm xăng dầu tăng cao nhất... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 29/6/2022.

    Tháng 6, doanh thu nhóm xăng dầu tăng cao nhất

    Ngày 29/6, báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 6 và sáu tháng đầu năm 2022 của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,91% so với tháng trước.

    Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tính CPI có 9 nhóm hàng tăng so với tháng trước. Chỉ có nhóm dịch vụ bưu chính viễn thông; nhóm dịch vụ văn hóa, giải trí và du lịch giảm.

    Chỉ số giá nhóm giao thông tăng cao nhất với 3,89% chủ yếu do nhóm nhiên liệu tăng 7,18% và trong tháng 6 có ba lần điều chỉnh giá xăng, dầu (ngày 1, 13, 21/6).

    Tăng cao thứ hai là chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (lương thực, thực phẩm, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình) với 1,05%.

    Trong đó, nhóm lương thực tăng 0,28%, giá gạo tăng 0,57% do nguồn cung giảm khi vụ thu hoạch Đông Xuân gần kết thúc; nhóm thực phẩm tăng 1,27% trong đó đặc biệt trứng các loại tăng 2,59%, thịt gia cầm tăng 1,58%, giá dầu thực vật tăng 1,29%; rau tươi, khô và chế biến tăng 4,47%, bánh mứt kẹo tăng 1,65%…

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 29/6 - Ảnh 1
    Tháng 6, doanh thu nhóm xăng dầu tăng cao nhất. 

    Dịch vụ ăn uống ngoài gia đình cũng tăng khá cao với mức 0,87% do hầu hết các mặt hàng lương thực, thực phẩm đều tăng, chi phí vận chuyển tăng.

    Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng cao thứ ba với 0,92%, chủ yếu do giá nhà ở thuê tăng 1,63%, vật liệu bảo dưỡng nhà tăng 0,13%, nước sinh hoạt tăng 0,23%...

    Các nhóm thiết bị đồ dùng và gia đình; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm giáo dục; nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm may mặc mũ nón và giày dép; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng nhẹ.

    So với cùng kỳ, CPI tháng 6 tăng 3,01%, có 8/11 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông tăng cao nhất với mức tăng 22,15% do tác động giá xăng dầu tăng cao. Bình quân 6 tháng đầu năm 2022 CPI tăng 2,04% so với cùng kỳ.

    Bên cạnh đó, Cục Thống kê đánh giá hoạt động thương mại dịch vụ tháng 6 của thành phố tiếp tục phục hồi, tăng trưởng khả quan nhưng vẫn đứng trước thách thức khi chịu tác động giá xăng dầu tăng cao, tình hình lạm phát toàn cầu.

    Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 ước đạt 99.657 tỉ đồng, tăng 41,1% so với cùng kỳ.

    Sáu tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ lữ hành, dịch vụ khác) ước đạt 556.488 tỉ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ.

    Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 6 ước đạt 59.323 tỉ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ, chiếm 60% trong tổng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ.

    Đáng chú ý, doanh thu của tất cả các nhóm hàng trong tháng 6 đều tăng, trừ ô tô. Tăng cao nhất vẫn là nhóm xăng dầu với 5,7% và nhiên liệu khác tăng 8,2% chủ yếu do tăng giá.

    Sáu tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 335.595 tỉ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ.

    Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng 6 ước đạt 8.113 tỉ đồng, tăng 230,7% so với cùng kỳ, chiếm 8,1% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ.

    Theo Cục Thống kê, sáu tháng đầu năm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,2% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư trên địa bàn tăng 8% so với cùng kỳ; cấp phép thành lập doanh nghiệp trong nước tăng 13,4%; thu hút vốn FDI đạt 2,21 tỷ USD tăng 55,2%...

    Đây là những tín hiệu khả quan chứng tỏ doanh nghiệp có niềm tin vào chính sách phục hồi kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, thành phố…

    Trên 14 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong nửa đầu năm 2022

    Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính từ đầu năm đến ngày 20/6/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và vốn góp mua cổ phần tại Việt Nam đạt trên 14 tỷ USD, bằng 91,1% so với cùng kỳ năm 2021.

    Cụ thể, trong tổng số 14,03 tỷ USD vốn FDI được đầu tư vào Việt Nam trong 6 tháng qua có 4,94 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới (giảm 48,2% so với cùng kỳ) với 752 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 6,82 tỷ USD (tăng 65,6% so với cùng kỳ) với 487 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư; 2,27 tỷ USD giá trị vốn góp (tăng 41,4% so với cùng kỳ) với 1.707 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 29/6 - Ảnh 2
    Trên 14 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong nửa đầu năm 2022.

    Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, số vốn cấp đăng ký mới giảm so với cùng kỳ năm 2021 là do tác động của cuộc xung đột chính trị, thương mại trên thế giới, bên cạnh đó còn do "dư âm" từ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021. Tuy nhiên, bù lại, số vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đã tiếp tục tăng mạnh, lần lượt là 65,6% và 41,4%.

    Theo nhận định của Cục Đầu tư nước ngoài, số vốn FDI đầu tư điều chỉnh tăng cao cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mở rộng dự án hiện hữu.

    Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.

    Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 8,84 tỷ USD, chiếm gần 63% tổng vốn đầu tư đăng ký; Đứng thứ hai là ngành kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư trên 3,15 tỷ USD, chiếm 22,5% tổng vốn đầu tư đăng ký; Tiếp đến là các ngành thông tin truyền thông, hoạt động chuyên môn khoa học - công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 442,6 triệu USD, 408,5 triệu USD...

    Cũng trong thời gian này đã có 84 quốc gia và vùng lãnh thổ rót vốn đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, Singapore là quốc gia dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,1 tỷ USD, chiếm 29,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; đứng thứ hai là Hàn Quốc với trên 2,66 tỷ USD, chiếm gần 19% tổng vốn đầu tư...

    Dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong 06 tháng đầu năm 2022 đã cho thấy nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan của Việt Nam nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài.

    Điển hình như, từ năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 nhằm thu hút dòng vốn FDI có chất lượng vào các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam.

    Theo đánh giá của các chuyên gia, trong những năm gần đây, Việt Nam đã rất thành công trong thu hút FDI. Xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn FDI tiếp tục tăng mạnh. Điều đó khẳng định, Việt Nam vẫn có thể tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cải cách chính sách đầu tư và các quy định có mục tiêu, tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như chế biến chế tạo, y tế, giáo dục đào tạo…

    Mỹ Latinh không ủng hộ kế hoạch của G7 áp giá trần với dầu mỏ của Nga

    Các nước Mỹ Latinh có thể sẽ không ủng hộ sáng kiến của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) áp mức giá trần đối với dầu mỏ nhập từ Nga. Đây là nhận định của Giáo sư, nhà kinh tế người Paraguay Victor Raul Benítez González làm việc tại Quỹ Getulio Vargas của Brazil.

    Theo ông González, nguyên nhân khiến các Mỹ Latinh không ủng hộ sáng kiến của G7 là do việc áp giá này sẽ làm tăng lạm phát và gây mất ổn định cho các nguồn cung cấp lương thực. Ông nêu rõ việc áp giá này "sẽ làm suy yếu nỗ lực của các nước Mỹ Latinh nhằm giảm lạm phát, đồng thời cản trở nỗ lực bảo vệ an ninh lương thực."

    Trước đó, ngày 28/6, lãnh đạo các nước G7 đã nhất trí nghiên cứu việc áp giá trần đối với dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu từ Nga. Các nước G7 sẽ xem xét đưa ra lệnh cấm toàn diện đối với các dịch vụ vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga bằng đường biển trên toàn thế giới, trừ khi nguyên liệu thô ấy được mua bán với giá ngang bằng hoặc thấp hơn mức giá trần mà các đối tác quốc tế chấp nhận thông qua thỏa thuận.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 29/6 - Ảnh 3
    Mỹ Latinh không ủng hộ kế hoạch của G7 áp giá trần với dầu mỏ của Nga.

    Liên minh châu Âu (EU) cùng với các đối tác quốc tế sẽ thăm dò các biện pháp để kiềm chế giá năng lượng, trong đó có nghiên cứu tính khả thi của phương án tạm thời áp mức trần giá nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Nga.

    Các nước thành viên G7 đã tranh luận về việc áp giá trần toàn cầu đối với năng lượng từ Nga sau khi căng thẳng Nga-Ukraine bùng phát khiến giá dầu và khí đốt tăng vọt. Mỹ là quốc gia đầu tiên kêu gọi áp dụng cơ chế nhằm giới hạn mức giá thanh toán cho dầu mỏ nhập khẩu từ Nga. Cơ chế này gắn dịch vụ tài chính, bảo hiểm và vận chuyển đường biển với mức trần giá dầu mỏ Nga.

    Trong khi đó, Italy, quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào năng lượng Nga, thúc đẩy mở rộng áp mức giá trần đối với mặt hàng khí đốt. Pháp đề xuất cơ chế áp mức giá trần cần mở rộng ra ngoài các sản phẩm nhập khẩu từ Nga để giảm giá trên diện rộng hơn, trong đó có việc các nước G7 tìm các nguồn cung từ những nơi khác.

    Hàng tồn kho đạt kỷ lục 1.800 tỉ đô la trên toàn cầu

    Phân tích các thông tin từ QUICK FactSet, hãng Nikkei Asia nhận thấy hàng tồn kho do 2.349 công ty sản xuất toàn cầu có niêm yết trên sàn chứng khoán đã đạt mức kỷ lục 1.870 tỉ đô la hồi cuối tháng 3, tăng 97 tỉ đô la so với ba tháng trước đó. Đây là mức cao nhất trong thập niên qua hoặc kể từ khi có dữ liệu so sánh.

    Sự tích tụ hàng tồn kho như thế này có thể bắt nguồn từ các yếu tố: khó vận chuyển sản phẩm bởi chuỗi cung ứng bị gián đoạn và một số doanh nghiệp phòng xa, lo trữ hàng để đề phòng họ gặp phải tình trạng thiếu hụt. Một số doanh nghiệp cũng tích trữ hàng với dự đoán rằng nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng lên khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau khi số ca nhiễm Covid giảm hẳn.Vấn đề hiện nay là lượng hàng tồn kho song hành với sức mua hay tiêu thụ chậm lại, có thể buộc các nhà sản xuất phải dừng hoạt động và làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái kinh tế có thể xảy ra.

    Nhu cầu tiêu dùng chậm lại đặc biệt đáng chú ý ở các mặt hàng điện tử, chẳng hạn như smartphone và laptop do người tiêu dùng cảm thấy không cần thiết phải mua khi họ không phải ở nhà làm việc trực tuyến như thời dịch. Và người tiêu dùng cũng cảm thấy sức mua của họ bị teo tóp khi vật giá tăng phi mã.Mức tăng 97 tỉ đô la lớn hơn mức tăng 83 tỉ đô la được ghi nhận trong quí 1-2018 với lượng hàng tồn kho trên toàn thế giới tăng khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung bùng nổ.

    Tính theo tỷ lệ phần trăm, tỷ lệ tăng trong quí 1-2022 là 5,3%, lớn nhất sau mức tăng 6,1% của quí cùng kỳ 2018. Điều này dẫn đến vòng quay hàng tồn kho dài hơn, với tỷ lệ giảm 3% trong quí đầu tiên của 2022 so với quí cuối năm 2021.Các doanh nghiệp phải mất 81,1 ngày để bán hết hàng, tăng 3,6 ngày so với quí 4-2021. Đây là khung thời gian dài nhất trong 10 năm qua, không bao gồm năm 2020 khi doanh số bán hàng giảm mạnh do Covid. Hàng tồn kho tăng ở tất cả 12 lĩnh vực sản xuất. Ba lĩnh vực chiếm 61% tổng số – điện tử, xe hơi và máy móc.

    Điện tử ghi nhận mức tăng đột biến nhất, đạt 457 tỉ đô la, tăng thêm 26,7 tỉ đô la so với trước, tức 6%. Phân tích ớ cấp độ công ty riêng lẻ cho thấy rằng nguyên vật liệu thô có mức tăng lớn nhất, tiếp theo là các nguyên vật liệu đang chờ đưa vào sản xuất.

    Trong số tất cả các công ty được đề cập trong phân tích, Samsung Electronics ghi nhận mức tăng hàng tồn kho lớn nhất tính theo đô la, là 4,4 tỉ đô la, hay tăng 13% so với quí trước lên 39,2 tỉ đô la. Trong số đó, 2,5 tỉ đô la là của nguyên liệu thô.Samsung đã báo cáo doanh số bán hàng không đổi trong quí 1-2022 so với quí cuối năm trước. Hồi tháng 4, Samsung gặp gián đoạn trong quá trình thu mua nguyên liệu thô để sản xuất bộ nhớ. Tập đoàn tuyên bố rằng họ dự định tích trữ nguyên vật liệu để tránh những vấn đề như vậy tiếp tục xảy ra.

    Với hãng sản xuất máy tính cá nhân Asus của Đài Loan, doanh số bán hàng giảm 9% trong khi hàng tồn kho tăng 18%, do nguyên liệu và thành phẩm đều tăng khoảng 500 triệu đô la. Asus đã tăng dự trữ vật liệu điện tử, nhưng doanh số bán hàng ở châu Âu cũng chậm lại do chiến tranh ở Ukraine. Giám đốc tài chính Nick Wu nói rằng công ty dự định giữ mức tồn kho hiện tại.

    Trong ngành công nghiệp xe hơi, mức tồn kho tăng 14,8 tỉ đô la để đạt 273 tỉ, tức tăng 6% do Ford Motor giảm doanh thu 8% và lượng hàng tồn kho tăng 21% lên 14,6 tỉ đô la – cao nhất trong 25 năm qua.Có tới 53.000 xe đang lắp ráp dang dở do thiếu các bộ phận, linh kiện. Giám đốc tài chính John Lawler của Ford đã nói rằng việc tích tụ hàng tồn kho đang đè nặng lên dòng tiền của công ty.Tại Mercedes-Benz, cổ phiếu tăng 9%. Hãng xe Đức cũng gặp tình trạng xe lắp ráp dang dở, một phần do thiếu linh kiện và một phần là cuộc chiến Nga – Ukraine ảnh hưởng đến chuỗi vận tải. Giám đốc tài chính Harald Wilhelm cho biết rất khó đưa ra dự báo do yếu tố địa chính trị không chắc chắn hay lường trước.

    Nhưng xét về góc độ tích cực, hàng tồn kho cao trên toàn thế giới được cho là sẽ không sớm dẫn đến khủng hoảng tiền mặt nghiêm trọng. Lượng tiền mặt mà 2.349 công ty nắm giữ ở mức 2.200 tỉ đô la hồi cuối tháng 3, gấp 2,3 lần doanh thu hàng tháng của họ. Bất kỳ con số nào vượt ngưỡng hai lần đều được xem là hợp lý.

    Samsung tự hào rằng họ đang nắm giữ 100 tỉ đô la tiền mặt, hoặc tương đương với doanh số bán hàng trong 5 tháng. Toyota Motor có 6.000 tỉ yen (44,19 tỉ đô la) tiền mặt, trị giá 2,3 doanh số bán hàng trong tháng.Tuy nhiên, các công ty vẫn đúng khi tỏ ra thận trọng. Cả Mỹ và khu vực đồng euro đều chứng kiến chỉ số quản lý mua hàng (PMI) giảm xuống khoảng 50, mức hòa vốn, trong tháng 6 này. Trong khi đó, chỉ số PMI ở Trung Quốc duy trì ở mức dưới 50 trong ba tháng liên tiếp 3, 4 và 5 vừa rồi. Nếu chỉ số này dưới 50, suy giảm kinh tế như bóng ma đang chờ chực trước cửa.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 29/6. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới