Chủ nhật, 24/11/2024 09:04 (GMT+7)
Thứ ba, 28/06/2022 18:09 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h qua: Áp thấp có thể mạnh lên thành bão số 1

Theo dõi KTMT trên

Áp thấp có thể mạnh lên thành bão số 1, nắng nóng ở Bắc Bộ chấm dứt; Thủ đô Tokyo trải qua đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong 150 năm qua; Hội nghị Đại dương LHQ hướng tới vẽ bản đồ đáy biển vào năm 2030... là những tin tức môi trường nổi bật hôm nay 28/6.

Áp thấp có thể mạnh lên thành bão số 1, nắng nóng ở Bắc Bộ chấm dứt

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, vùng áp thấp hoạt động trên biển Đông dự báo sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và sau đó mạnh thành bão. Do tác động của hình thế thời tiết này, nhiều nơi trên đất liền sẽ có mưa giông.

Dự báo khoảng đêm nay và ngày mai, vùng áp thấp này có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, có xu hướng dịch chuyển về phía Tây và Tây Bắc, do đó sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Bắc và giữa Biển Đông.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia), đây là vùng áp thấp đầu tiên của mùa mưa bão năm 2022, khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới rất cao, với tỷ lệ 80-90%. Thông tin cơ quan khí tượng mới thu thập được đã ra nhận định, khoảng 50-70% áp thấp này sẽ mạnh lên thành bão.

Tin tức môi trường 24h qua: Áp thấp có thể mạnh lên thành bão số 1 - Ảnh 1
Vùng áp thấp hoạt động trên biển Đông dự báo sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và sau đó mạnh thành bão. (Ảnh minh họa)

Về tác động của áp thấp nhiệt đới, trên biển sẽ gây ra gió mạnh trên khắp khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả Quần đảo Hoàng Sa). Theo diễn biến, cường độ mạnh lên từ vùng áp thấp lên áp thấp nhiệt đới và áp thấp lên thành bão sẽ tăng dần cấp độ gió ở các vùng biển Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả khu vực Quần đảo Hoàng Sa).

Dưới tác động của áp thấp, từ đêm nay, khu vực Bắc Bộ có mưa rào và giông. Những ngày tiếp theo sẽ hình thành một dải hội tụ nhiệt đới nối với cơn áp thấp nhiệt đới/bão này và sẽ gây ra đợt mưa rào và dông diện rộng, thậm chí mưa to trong thời gian từ nay đến ngày đầu tháng 7.

Trở lại vấn đề nắng nóng đang diễn ra ở Bắc Bộ và Trung Bộ, Trưởng phòng Dự báo khí hậu thông tin, từ đêm nay Bắc Bộ có mưa, sang ngày mai nắng nóng ở Bắc Bộ cơ bản kết thúc.

Còn tại Trung Bộ, ngày mai nắng nóng vẫn duy trì từ Thanh Hóa vào đến các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, nhưng với cường độ không quá gay gắt. Nhiệt độ ở khu vực Trung Bộ ngày mai dao động khoảng 35-37 độ, vùng núi phía Tây có nơi vẫn trên 38 độ.

Đẩy nhanh công tác chuẩn bị tổ chức Cuộc họp lần thứ 3 Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện cam kết tại COP26

Ngày 28/6, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp Tổ công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Tham dự có đại diện Cục Biến đổi khí hậu, Cục Quản lý tài nguyên nước, Văn phòng Bộ, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Vụ Pháp chế…

Báo cáo tại cuộc họp, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, để chuẩn bị cho Cuộc họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, Cục Biến đổi khí hậu chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ có liên quan khẩn trương hoàn thiện các nội dung dự kiến đưa ra xin ý kiến tại Cuộc họp.

Tin tức môi trường 24h qua: Áp thấp có thể mạnh lên thành bão số 1 - Ảnh 2
Thứ trưởng Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp Tổ công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. 

Dự kiến, các nội dung báo cáo bao gồm: Tình hình triển khai thực hiện các cam kết của VN tại Hội nghị COP 26 của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; nội dung chính của Đề án nhiệm vụ giải pháp triển khai hội nghị COP26 (hiện, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ); Đề xuất kế hoạch và tổ chức đàm phán Tuyên bố chính trị về quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các nước trong và ngoài G7 (JETP); Hội nghị đối thoại hợp tác với các đối tác phát triển về triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng (dự kiến, tổ chức vào tháng 8/2022); báo cáo về tình hình khảo sát đánh giá tài nguyên năng lượng gió trên biển, giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân và đề xuất kiến nghị cụ thể; đề xuất, kiến nghị của Bộ TN&MT gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành.

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, thời gian tới, lượng hồ sơ về các dự án năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi gửi về Bộ TN&MT sẽ rất lớn nên Tổng cục Môi trường cần nghiên cứu trước vấn đề thủ tục đánh giá tác động môi trường để có sự chuẩn bị.

Về vấn đề giao khu vực biển, trong tuần này, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cần hoàn thiện hướng dẫn về giao khu vực biển để gửi sang Bộ Tư pháp lấy kiến. Cục Biến đổi khí hậu hoàn thiện Kế hoạch giảm phát thải khí mê tan của Việt Nam để trình Chính phủ trong tháng 6.

Hội nghị Đại dương LHQ hướng tới vẽ bản đồ đáy biển vào năm 2030

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 27/6 cho biết mục tiêu vẽ bản đồ 80% đáy biển vào năm 2030 cần được khởi động nhằm bảo vệ các đại dương trên thế giới.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Đại dương 2022 của Liên hợp quốc đang diễn ra ở thủ đô Lisbon (Bồ Đào Nha), Tổng Thư ký Guterres kêu gọi các chính phủ trên khắp thế giới “hãy nâng tầm tham vọng của mình nhằm cứu sống các đại dương".

Ông nhấn mạnh phải giảm ô nhiễm dưới mọi hình thức để bảo vệ “người dân đang sống phụ thuộc vào biển khỏi các tác động của biến đổi khí hậu".

Tin tức môi trường 24h qua: Áp thấp có thể mạnh lên thành bão số 1 - Ảnh 3
Mục tiêu vẽ bản đồ 80% đáy biển vào năm 2030 cần được khởi động nhằm bảo vệ các đại dương trên thế giới. (Ảnh minh họa)

Theo Tổng Thư ký, cần tạo ra các cấu trúc hạ tầng mới ở vùng duyên hải và lĩnh vực vận tải biển phải cam kết giảm khí thải CO2 xuống mức 0 vào năm 2050. Về phần mình, Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa cũng kêu gọi vẽ bản đồ các vùng biển và tăng đầu tư giáo dục về môi trường.

Ông Sousa nói: “Hội nghị tại Lisbon lần này không chỉ là một dấu hiệu cho thấy vẫn còn cơ hội cho hòa bình, chủ nghĩa đa phương, đối thoại, hợp tác, mà còn là dấu hiệu cho thấy chúng ta sẽ hành động nhanh hơn nữa.”

Tại hội nghị, Thủ tướng Antonio Costa đưa ra cam kết xếp loại 30% khu vực biển quốc gia vào năm 2030 và đưa toàn bộ các vựa cá của quốc gia vào giới hạn sinh thái bền vững.

Ông Costa cho biết: “Chính phủ Bồ Đào Nha sẽ tiếp tục đầu tư vào sáng kiến Trung tâm Không gian, như một mạng lưới hợp tác khoa học giữa các nước và các viện nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực như không gian, quan sát khí quyển, các đại dương, khí hậu và năng lượng.”

Theo ông, đến cuối năm nay, Bồ Đào Nha sẽ thành lập văn phòng 10 môn khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Bồ Đào Nha cũng sẽ đảm bảo 100% không gian biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Bồ Đào Nha được đánh giá là có các điều kiện môi trường tốt.

Thủ tướng Costa nhấn mạnh bảo vệ các đại dương đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy đa dạng sinh thái và phát triển bền vững và đảm bảo an toàn biển cũng như tự do đi lại. Ông cho rằng cần một lịch trình đại dương toàn cầu, tập trung vào các giải pháp thiết thực, dựa trên khoa học và các nguồn lực tài chính cần thiết.

Hội nghị Đại dương Liên hợp quốc diễn ra đến ngày 1/7, có sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia trên toàn cầu.

Thủ đô Tokyo trải qua đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong 150 năm qua

Ngày 28/6 là ngày thứ tư liên tiếp Nhật Bản hứng chịu cái nóng thiêu đốt. Kể từ năm 1875, đây là đợt nắng nóng xuất hiện sớm nhất từ trước đến nay, với mức nhiệt trên 35 độ C tại thủ đô Tokyo.

Trước đó, cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) đã dự báo đợt nắng nóng này sẽ kéo dài suốt mùa Hè. Vào ngày 25/6, thành phố Isesaki ở miền Đông Nhật Bản đã ghi nhận mức nhiệt cao nhất trong tất cả các tháng 6, với nhiệt độ vượt quá 40 độ C. Tại Isesaki, thành phố cách thủ đô Tokyo 85 km về phía Tây Bắc cũng ghi nhận nhiệt độ là 40,2 độ C.

Tin tức môi trường 24h qua: Áp thấp có thể mạnh lên thành bão số 1 - Ảnh 4
Ngày 28/6 là ngày thứ tư liên tiếp Nhật Bản hứng chịu cái nóng thiêu đốt. (Ảnh minh họa)

Kênh truyền hình Fuji News Network đưa tin đã có 13 người đã được đưa đến bệnh viện nghi bị say nắng tính đến 9h sáng địa phương (tức là 7h sáng Việt Nam). Các phương tiện truyền thông khác cũng đưa tin ít nhất 2 người đã tử vong vì nguyên nhân này.

Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo công suất điện dự trữ có thể giảm xuống dưới 5% vào chiều 28/6, gần với mức tối thiểu 3% để đảm bảo nguồn cung ổn định ở Thủ đô Tokyo và 8 quận xung quanh. Nếu công suất dự trữ dưới 3% sẽ có nguy cơ diễn ra tình trạng thiếu điện và mất điện.

Một số cơ quan văn phòng chính phủ - bao gồm Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) - đã tắt đèn vào buổi chiều và buổi tối, METI ngừng sử dụng 25% thang máy trong tòa nhà của mình.

Tuy nhiên, tình trạng số ca nhập viện vì nắng nóng tăng khiến nhà chức trách tiết chế lời kêu gọi tiết kiệm điện. Bộ trưởng Công thương Koichi Hagiuda cho rằng trong việc làm mát bằng điều hòa là điều cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh nắng nóng như hiện nay

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h qua: Áp thấp có thể mạnh lên thành bão số 1. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới