Chủ nhật, 24/11/2024 10:33 (GMT+7)
    Thứ tư, 30/03/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 30/3

    Theo dõi KTMT trên

    Giá vàng châu Á phục hồi; EVN lo thiếu điện từ tháng 4 khi nguồn cung than cho nhiệt điện gặp khó... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 30/3/2022.

    Giá vàng châu Á phục hồi trong phiên 30/3

    Giá vàng tại thị trường châu Á đi lên trong phiên giao dịch chiều ngày 30/3, nhờ đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đồng loạt hạ.

    Đà tăng của giá vàng diễn ra bất chấp các dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đã đạt được một số tiến triển, làm giảm sức hấp dẫn của vàng như một nơi trú ẩn an toàn và hạn chế biên độ tăng của kim loại quý này.

    Chiều phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,3%, lên 1.925,75 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 28/2 do kỳ vọng rằng các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine sẽ giúp chấm dứt cuộc xung đột giữa hai quốc gia này. Trong khi đó, giá dầu giao kỳ hạn cũng tăng 0,6%, lên 1.930,10 USD/ounce.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 30/3 - Ảnh 1

    Nhà phân tích thị trường cao cấp của City Index, Matt Simpson cho biết: "Đồng USD suy yếu đã hỗ trợ cho giá vàng. Giá trái phiếu tăng từ mức hỗ trợ quan trọng vào phiên trước (29/3) đã kéo lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ xuống thấp hơn, bất chấp sự phục hồi được cho là có rủi ro trên thị trường chứng khoán.

    Các nhà đầu tư vẫn cảnh giác về ý định thực sự của Nga đằng sau cam kết giảm quy mô "các hoạt động quân sự" tại Ukraine, mặc dù các cuộc đàm phán giữa phái đoàn Nga và Ukraine diễn ra tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 29/3 mang tính xây dựng.

    Chỉ số đồng USD đứng ở gần mức thấp nhất trong hơn một tuần vào phiên trước, khiến vàng trở nên bớt đắt đỏ đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

    Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng giảm từ mức cao nhất trong gần ba năm, làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ vàng vốn không sinh lời.

    Cũng trong phiên này, giá vàng bạc giao ngay tăng 0,4%, lên 24,84 USD/ounce. Giá bạch kim cũng tiến 1,4%, lên 996,61 USD/ounce. Trong khi đó, giá palladium tăng 2,7%, lên 2.207,68 USD/ounce. Phục hồi từ mức thấp nhất hai tháng là 2.032,97 USD/ounce ghi nhận trong phiên trước đó. Giá kim loại quý này đã hạ gần 40% kể từ khi đạt mức cao nhất mọi thời đại vào ngày 7/3, do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung từ Nga đã được cải thiện.

    Tại Việt Nam, vào chiều ngày 30/3, công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 68 - 68,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

    EVN lo thiếu điện từ tháng 4 khi nguồn cung than cho nhiệt điện gặp khó

    Ngày 30/3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tình hình cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN vẫn đang tiếp tục có nhiều khó khăn và thiếu hụt rất lớn so với hợp đồng cung cấp than đã ký.

    Theo EVN, trong quý I/2022, tổng khối lượng than đã được cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN là 4,49 triệu tấn trên tổng số 5,85 triệu tấn theo hợp đồng đã ký (tương ứng tỉ lệ 76,76%). Như vậy, lượng than được cung cấp đã thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng.

    Do lượng than cung cấp thiếu và tồn kho ở mức thấp nên đến cuối tháng 3-2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát. Cụ thể, các nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 hiện nay chỉ đủ than vận hành 1 tổ máy ở mức 60 - 70% công suất; nhà máy nhiệt điện Hải Phòng chỉ đủ than vận hành cho 1 trong 4 tổ máy.

    Trước tình hình đó, toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do thiếu than cho sản xuất điện. Để khắc phục những khó khăn do tình trạng thiếu than cho sản xuất điện, vừa qua các đơn vị vận hành nguồn và lưới điện của EVN đã có nhiều biện pháp đồng bộ để duy trì vận hành an toàn, ổn định cho hệ thống điện quốc gia.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 30/3 - Ảnh 2

    Mặc dù các đơn vị cung cấp than là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc đã có nhiều nỗ lực trong việc khắc phục khó khăn để khai thác than từ các mỏ trong nước và nhập khẩu than để pha trộn, nhưng thông tin từ 2 đơn vị này cho biết, tình hình cung cấp than còn tiếp tục có nhiều khó khăn trong thời gian tới. Như vậy, nguy cơ thiếu than dẫn đến thiếu điện từ tháng 4 trở đi là rất hiện hữu.

    Trong thời gian tới đây, nhất là vào thời điểm nắng nóng cao điểm của mùa khô năm 2022, công tác sản xuất điện từ nhiên liệu than đóng một vai trò hết sức quan trọng cho đảm bảo cung cấp điện, đặc biệt là các tháng 4, 5, 6, 7 tại khu vực miền Bắc.

    Để chủ động ứng phó với nguy cơ ảnh hưởng đến cung cấp điện từ phía người sử dụng điện, EVN kêu gọi người dân và các khách hàng sử dụng điện thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện như: tắt các thiết bị điện không cần thiết, tránh sử dụng nhiều thiết bị điện vào các giờ cao điểm, sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ,... góp phần giảm bớt những khó khăn về nguồn điện. EVN rất mong nhận được sự chia sẻ của các khách hàng sử dụng điện.

    Giảm thuế bảo vệ môi trường, giá xăng vẫn chưa chắc giảm từ 1/4

    Theo Nghị quyết 18/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 15, từ ngày 1/4 đến hết 31/12/2022, thuế bảo vệ môi trường với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn giảm 50%; dầu hỏa được giảm 70%. Như vậy, mỗi lít xăng sẽ được giảm khoảng 2.000 đồng tiền thuế BVMT, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít.

    Việc giảm thuế Bảo vệ môi trường nhằm giúp giá xăng dầu trong nước giảm xuống, tuy nhiên, tại họp báo thường kỳ Bộ Công thương diễn ra ngày 30/3, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, kỳ điều hành giá xăng dầu vào ngày 1/4 chưa thể nói trước về việc giá xăng dầu tăng hay giảm. Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, dù thuế BVMT giảm 2.000 đồng/lít xăng nhưng giá bán xăng dầu còn phụ thuộc vào giá xăng dầu trên thị trường thế giới.

    Loạt cổ đầu cơ bị bán tháo, 24 mã giảm sàn 'tắt' thanh khoản

    Thị trường yếu đi đáng kể trong phiên chiều ngay cả khi nhóm blue-chips cũng tụt giá. Tuy nhiên tổn thương nặng nhất vẫn là các mã nhỏ, số lượng mã mất thanh khoản do bán tháo tăng vọt so với phiên sáng. Trong 320 mã đỏ ở HoSE hôm nay thì hơn một nửa giảm quá 2%.

    Chỉ số VNSmallcap đóng cửa giảm 2,08%, Midcap giảm 1,02%, trong khi VN30-Index không đáng kể 0,02% và VN-Index giảm 0,48%. Lẽ ra nhóm blue-chips đã có thể giữ được màu xanh nếu như một vài trụ khác không tạo gánh nặng cho cổ phiếu ngân hàng.

    Tâm điểm hôm nay là nhóm cổ phiếu đầu cơ, đặc biệt là bất động sản. Cuối phiên sáng HoSE mới ghi nhận 11 mã sàn, kết phiên đã lên 24 mã. Tất cả số này đều “múa bên trăng” khi mất thanh khoản chiều bán và dư bán sàn hàng trăm triệu cổ.

    Nhóm cổ phiếu FLC dĩ nhiên vẫn giảm sàn và mất thanh khoản từ sáng, chiều nay có thêm TGG, LDG, FTM, HQC, OGC, DQC, HAR, QBS... Các mã này đã giảm rất sâu từ sáng và đến chiều thì không thể giao dịch được nữa. Số ít các mã bất động sản còn tăng được có thể kể tới HAG, QCG, VIC, D2D, SJS, NVT. Chỉ số đại diện nhóm bất động sản sàn HoSE là VNREAL giảm tới 1,28%.

    Áp lực bán tháo lớn đến mức nhiều cổ phiếu lâu nay thanh khoản bình bình, hôm nay cũng đột biến kỷ lục. Ví dụ HQC khớp gần 47,5 triệu cổ tương đương 458,3 tỷ đồng chưa kể lượng dư bán sàn. LDG cũng giao dịch gần 375 tỷ. Nhóm phân bón có DPM, DCM cũng giảm sàn với giao dịch rất cao.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 30/3 - Ảnh 3

    Nhóm khởi sắc nhất hôm nay là cổ phiếu ngân hàng, dù không phải tất cả đều tăng hay mức tăng mạnh như nhau. Tới 7/10 cổ phiếu đỡ điểm số nhiều nhất cho VN-Index là cổ phiếu ngân hàng, bao gồm BID tăng 2,71%, VIB tăng 4,68%, SSB tăng 4,25%, MBB tăng 2,03%, VPB tăng 1,1%, HDB tăng 2,72%, TCB tăng 0,51%. 3 mã ngoài nhóm ngân hàng là VNM, VIC và FPT.

    Cổ phiếu ngân hàng cũng bất ngờ hút dòng tiền mạnh mẽ. Tổng nhóm ngân hàng sàn HoSE giao dịch gần 4.068 tỷ đồng, tăng 73% so với hôm qua và lên mức cao nhất 16 phiên. Thị phần của nhóm ngân hàng cũng tăng lên mức 15% giá trị khớp cả sàn.

    Dù vậy ngân hàng cũng chỉ đủ bù trừ phần nào cho số giảm quá nhiều và cũng có những mã rất lớn. NVL giảm 3,03%, GAS giảm 1,61%, VHM giảm 0,92%, DIG giảm 6,4% là ví dụ. Cổ phiếu ngân hàng ít nhất cũng phát huy tác dụng giúp chỉ số không mất điểm quá nhiều. Trong một ngày mà độ rộng chỉ có 133 mã tăng/320 mã giảm, VN-Index mất 7,25 điểm hay 0,48% cũng không phải là quá nhiều.

    Thanh khoản chung của thị trường hôm nay rất tốt, nhưng do áp lực bán tháo lớn ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ nên vị thế của rổ VN30 chưa nổi bật. Nhóm Midcap vẫn giao dịch vượt trội VN30, đạt 12.330 tỷ đồng, chiếm 44,3% sàn HoSE trong khi VN30 giao dịch 7.477 tỷ đồng, chiếm 27%. Dù vậy khi dòng vốn tháo chạy xong trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ thì kỳ vọng sẽ hút vào blue-chips rõ hơn. Hôm nay dòng tiền tăng tại nhóm ngân hàng là ví dụ.

    VN-Index đóng cửa hôm nay lại để mất mốc 1.500 điểm nhưng vẫn không tổn thương gì lớn. Sau nhịp tăng tốt và nhanh nửa cuối tháng 3, thị trường đã chững lại đi ngang trên ngưỡng hỗ trợ 1480 điểm. Dòng tiền nếu quay lại các blue-chips sẽ là động lực mới cho chỉ số.

    “Giảm thuế môi trường nhằm giảm giá bán xăng. Tuy nhiên, giá xăng dầu vào kỳ điều hành ngày 1/4 vẫn phải phụ thuộc vào giá thế giới. Ví dụ, thuế BVMT giảm 2.000 đồng/lít nhưng giá thế giới tăng tới 3.000 đồng/lít thì mỗi lít xăng vẫn tăng 1.000 đồng. Ngày 31/3, sau khi có giá trung bình của kỳ điều hành, Liên bộ Tài chính – Công thương mới đưa ra mức giá xăng dầu. Nhưng Bộ Công thương sẽ điều hành nhằm mục tiêu mang lợi ích cao nhất cho doanh nghiệp (sử dụng xăng dầu là mặt hàng đầu vào thiết yếu) và người dân”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

    Lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định, dù nguồn cung của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn gặp khó nhưng bộ sẽ cố gắng chỉ đạo, cùng thương nhân đầu mối nhập khẩu đủ nhu cầu xăng dầu trong nước. Với nguồn cung xăng dầu cho quý 3/2022, Bộ Công thương sẽ làm việc với NMLD Nghi Sơn để đánh giá sản lượng cung ứng xăng dầu và lên phương án với 10 thương nhân đầu mối nhập khẩu xăng dầu lên kế hoạch đàm phán nhập khẩu đảm bảo nguồn cung trong nước.

    Ngày 30/3, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cũng có gửi công văn yêu cầu Cục Thuế chủ động tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn cho người nộp thuế trên địa bàn. Đồng thời chỉ đạo các Chi cục Thuế trên địa bàn tỉnh, thành phố kịp thời triển khai thực hiện áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo quy định tại Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 nêu trên nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh giá dầu thô có xu hướng tăng cao, tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 30/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới