Chủ nhật, 24/11/2024 07:48 (GMT+7)
Thứ hai, 28/03/2022 20:00 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 28/3

Theo dõi KTMT trên

Hà Nội: Người dân kiên quyết phản đối lấp hồ ở Ngọc Thụy; Dông lốc khiến gần 160 căn nhà ở An Giang bị sập và tốc mái; Triển khai Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về nhựa... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 28/3.

Hà Nội: Người dân kiên quyết phản đối lấp hồ ở Ngọc Thụy Long Biên

Mới đây, người dân tổ 11 và 12 phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội tập trung phản đối việc lấp hồ Bà Đồ. 

Được biết, thời gian vừa qua, gần 100 hộ dân phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội  gửi đơn tới nhiều cơ quan chức năng về việc 2 hồ tự nhiên Xuân Quế và Sơn Thủy (hay còn gọi là hồ Bà Đồ) có diện tích khoảng 1,2 ha sẽ được UBND quận Long Biên san lấp, phục vụ cho việc phân lô, bán đấu giá. Người dân khu vực bày tỏ thái độ kiên quyết, phản đối việc lấp hồ, giữ lá phổi xanh cho khu dân cư.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 28/3 - Ảnh 1
Người dân tổ 11 và 12 phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP.Hà Nội kiên quyết phản đối việc lấp hồ Bà Đồ. (Ảnh: Báo Lao Động)

Người dân phản đối đã gửi đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền. Ngày 16/3 người dân ở tổ 11 và 12 phường Ngọc Thuỵ tiếp tục có đơn kiến nghị gửi Thành uỷ Hà Nội, UBND TP.Hà Nội và nhiều cơ quan báo chí để phản đối chủ trương lấp hồ Bà Đồ làm đất ở.

Theo phản ánh của người dân, tại địa bàn tổ 11 và 12  phường Ngọc Thụy có nhiều dự án xây dựng đất ở chưa được sử dụng hết, thậm chí một số dự án chưa có người vào ở. Vì vậy, việc lấp hồ để tạo thêm đất ở là bất hợp lý, đất đang không được tận dụng, lãng phí tài nguyên. Thêm vào đó, hồ Bà Đồ là hồ sinh thái của một khu vực dân cư rộng lớn xung quanh. Nếu không có hồ, đến mùa mưa bão rất có thể sẽ dẫn đến ngập lụt.

Ông Bùi Dương, Phó Chánh Văn phòng HĐND-UBND quận Long Biên cho biết, quận đã nhận được đơn thư phản ánh của người dân phường Ngọc Thụy về kiến nghị trước việc lấp ao hồ tự nhiên trên địa bàn.

"Quận sẽ theo dõi kết quả giải quyết đơn kiến nghị của UBND Thành phố đối với đơn thư của người dân. Nếu thành phố có quan điểm khác thì quận sẽ tổ chức điều chỉnh. Còn ở thời điểm hiện tại, thành phố đã cho phép quận thực hiện cưỡng chế và tiếp tục triển khai dự án", ông Dương nói.

Dông lốc khiến gần 160 căn nhà ở An Giang bị sập và tốc mái

Liên quan đến vụ dông, lốc xảy ra vào chiều 27/3, ông Lương Huy Khanh, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu-phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang cho biết qua thống kê, có 158 căn nhà bị sập, tốc mái ở hai huyện Phú Tân, An Phú và thị xã Tân Châu.

Trước đó, vào khoảng 15 giờ 30 ngày 27/3, mưa lớn kèm theo dông, lốc đã gây thiệt hại nhà cửa cũng như sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn hai huyện Phú Tân, An Phú và thị xã Tân Châu.

Ông Lương Huy Khanh cho biết dông, lốc không gây thiệt hại về người nhưng khiến 158 căn nhà bị sập và tốc mái ở các địa phương gồm: Phú Tân 41 căn, An Phú 113 căn, thị xã Tân Châu 4 căn. Các địa phương đang rà soát, xác định mức độ thiệt hại.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 28/3 - Ảnh 2
Mưa lớn kèm theo dông, lốc đã gây thiệt hại nhà cửa cũng như sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn hai huyện Phú Tân, An Phú và thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang). (Ảnh: TTXVN)

Sau khi dông, lốc gây thiệt hại nhà cửa của người dân, Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu - phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện Phú Tân, An Phú, thị xã Tân Châu cùng lãnh đạo các xã đến thăm hỏi, động viên người dân có nhà bị thiệt hại do mưa dông. Các địa phương huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân sửa chữa lại nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu-phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang đã kiến nghị Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với địa phương thực hiện các thủ tục để hỗ trợ cho hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai theo quy định.

Mùa mưa năm nay có thể đến sớm hơn

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, mùa khô năm nay ở TP.HCM xuất hiện mưa trái mùa nhiều hơn, dự báo mùa mưa năm nay nhiều khả năng sẽ bắt đầu sớm hơn mọi năm.

Ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng Phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho biết: "Mùa mưa thường bắt đầu khoảng ngày 5/5 đến 15/5. Tuy nhiên, năm nay khoảng từ giữa tháng 4 hiện tượng ENSO sẽ tiếp tục duy trì trong trạng thái La Nina đến hết tháng 5. Sau đó, khả năng LaNina kéo dài trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 8/2022 với xác suất 53%.

Những năm LaNina hoạt động thường sẽ tác động đến thời tiết Nam bộ, do đó mưa trái mùa nhiều hơn, mùa mưa sẽ đến sớm hơn.”

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 28/3 - Ảnh 3
Dự báo mùa mưa năm nay ở TP.HCM nhiều khả năng sẽ bắt đầu sớm hơn mọi năm. (Ảnh: Zingnews)

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, tại Nam bộ, dự báo hình thế thời tiết trong 24 giờ tới áp cao lạnh lục địa di chuyển ra phía Đông, suy yếu và biến tính dần.

Theo đó, thời tiết trong những giờ tới chiều tối và tối có mưa rào và dông rải rác, có nơi mưa vừa, mưa to, trong cơn dông đề phòng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, ngày nắng gián đoạn.

Dự báo từ khoảng ngày 31/3 đến 1/4, áp cao lạnh lục địa có khả năng được tăng cường mạnh trở lại. Rãnh áp thấp xích đạo có trục 5-8 độ tiếp tục nâng trục lên phía Bắc và hoạt động mạnh dần, vùng áp thấp trên khu vực giữa và nam Biển Đông di chuyển vào đất liền Trung và Nam Trung Bộ.

Triển khai Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về nhựa

Chiều 28/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tổ chức Lễ ra mắt Nhóm công tác triển khai Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về nhựa (NPAP).

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, mục tiêu của Chương trình là hỗ trợ việc xây dựng và triển khai thực hiện nền kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa và ủng hộ triển khai các đề án, chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chương trình cũng nhằm hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai công tác quản lý nhà nước về quản lý chất thải nhựa và xây dựng kinh tế tuần hoàn được quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020, Nghị định số 08/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và các chiến lược, kế hoạch, đề án liên quan đến quản lý chất thải nhựa.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 28/3 - Ảnh 4
Giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa và ủng hộ triển khai các đề án, chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam là mục tiêu trọng tâm của Nhóm công tác triển khai Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về nhựa (NPAP).

Đồng thời, Chương trình sẽ hỗ trợ triển khai các nội dung của Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; thiết lập một nền tảng tiên tiến, chuyển đổi số trong quản lý chất thải, chất thải nhựa tại Việt Nam.

Theo đó, Chương trình sẽ thành lập, thu hút và quy tụ lãnh đạo cấp cao của tổ chức phát triển quốc tế, tổ chức tín dụng, nhà đầu tư quốc tế, các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội trong Nhóm công tác triển khai Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về nhựa do Bộ Tài nguyên và Môi trường khởi xướng; phối hợp thực hiện và phát huy vai trò tiên phong của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc tham gia, thực hiện các công ước, điều ước quốc tế và thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương, đa phương, hợp tác công-tư trong quản lý chất thải nhựa.

Trong thời gian tới, thực hiện việc đánh giá, lập báo cáo và đề xuất phương hướng tăng cường quản lý, điều phối ngân sách viện trợ và huy động nguồn lực nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa và triển khai thực hiện kinh tế tuần hoàn cho ngành nhựa; tổ chức đối thoại chính sách, hội nghị, hội thảo nhằm hoạch định chiến lược, kế hoạch và huy động nguồn lực hỗ trợ thực hiện hiệu quả quản lý, xử lý chất thải nhựa tại Việt Nam.

Nhật Bản phát cảnh báo núi lửa phun trào

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) vừa phát đi cảnh báo nguy hiểm ở các vùng biển gần khu vực Funka Asane thuộc quần đảo Ogasawara sau khi một ngọn núi lửa ngầm ở đây bắt đầu phun trào.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 28/3 - Ảnh 5
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) phát đi cảnh báo nguy hiểm ở các vùng biển gần khu vực Funka Asane (quần đảo Ogasawara) sau khi một ngọn núi lửa ngầm ở đây bắt đầu phun trào. (Ảnh minh họa)

JMA cho biết một vệ tinh theo dõi thời tiết ghi được hình ảnh các vật chất phun trào từ núi lửa ở khu vực Funka Asane vào khoảng 18h00 ngày 27/3. Một cột khói cao 5.500m đã được phát hiện ở phía trên mặt biển.

JMA cảnh báo hoạt động núi lửa có thể sẽ tiếp tục ở khu vực Funka Asane. Do vậy, các tàu thuyền di chuyển ở khu vực gần vùng biển này cần đề cao cảnh giác trước nguy cơ đá và nham thạch ra từ miệng núi lửa này rơi xuống.

Funka Asane nằm ở phía Bắc đảo Ioto (hay còn gọi là Iwojima). JMA lần đầu tiên ghi nhận ngọn núi lửa ngầm ở đây phun trào là năm 1930.

Trong giai đoạn 1930-1945, hằng năm, núi lửa ngầm này đều phun trào từ 2 đến 3 lần. Do ảnh hưởng của việc núi lửa phun trào, kể từ năm 1953 tới nay, nước biển ở khu vực này đã đổi màu đáng kể.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 28/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới