Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 8/6
Thâm hụt thương mại của Mỹ giảm mạnh trong tháng 4; VN-Index lấy lại mốc 1.300 điểm sau 1 tháng... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 8/6/2022.
Thâm hụt thương mại của Mỹ giảm mạnh trong tháng 4
Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 7/6 cho biết thâm hụt hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong tháng 4 giảm 20,6 tỷ USD, còn 87,1 tỷ USD. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm lần đầu tiên trong nửa năm qua, với mức giảm 3,4%, xuống còn 339,7 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 3,5% lên 252,6 tỷ USD.
Theo các nhà phân tích, kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh trong quý I/2022 là nguyên nhân chính khiến GDP của Mỹ giảm 1,5%. Với hoạt động nhập khẩu nới lỏng trong tháng 4, chuyên gia kinh tế thuộc Wells Fargo Securities, ông Jay Bryson cho rằng đây sẽ là yếu tố giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP của Mỹ trong Quý II.
Liên quan kinh tế Mỹ, Bộ trưởng Tài chính nước này, bà Janet Yellen ngày 7/6 hối thúc các nghị sĩ thông qua khoản đầu tư bổ sung cho ngành năng lượng tái tạo cũng như chính sách tăng thuế đối với người giàu.
Theo Bộ trưởng Yellen, có nhiều việc Quốc hội Mỹ có thể làm để giảm bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình hiện nay. Cụ thể, bà cho rằng việc tăng cường đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn liên quan đến giá xăng dầu tăng cao. Bên cạnh đó, bà ủng hộ các giải pháp thúc đẩy thị trường nhà đất có mức giá hợp lý và nỗ lực kiềm chế giá dược phẩm.
Bà Yellen thừa nhận thách thức hiện nay đối với Chính phủ Mỹ là kiềm chế lạm phát, trong bối cảnh mức lạm phát của cả năm 2022 dự kiến có thể cao hơn mức 4% dự báo ban đầu.
Giá thép trong nước giảm lần thứ 5 liên tiếp
Nhiều doanh nghiệp thép trong nước thông báo tiếp tục hạ giá sản phẩm từ chiều 6/6.
Cụ thể, thương hiệu thép Hòa Phát tại miền Bắc điều chỉnh giảm 300.000 đồng/tấn đối với thép CB240 và D10 CB300, xuống còn 16,95 triệu đồng/tấn và 17,51 triệu đồng/tấn. Tại miền Nam, giá hai loại thép CB240 và D10 CB300 cũng giảm 300.000 đồng/tấn, xuống còn 16,95 triệu đồng/tấn và 17,41 triệu đồng/tấn.
Tương tự, thương hiệu thép Việt Ý cũng điều chỉnh giảm lần lượt 300.000 đồng/tấn và 310.000 đồng/tấn với 2 loại thép CB240 và D10 CB300 xuống còn 16,92 triệu đồng/tấn và 17,42 triệu đồng/tấn.
Thương hiệu thép Việt Đức cũng giảm giá bán dòng thép cuộn CB240 giảm 300.000 đồng/tấn xuống mức 16,82 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn D10 CB300 giảm 310.000 đồng/tấn có giá bán 17,47 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Nhật điều chỉnh giảm 300.000 đồng/tấn với dòng thép cuộn CB240 ở mức 16,87 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 giảm còn 17,07 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Sing tiến hành giảm 310.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240, xuống mức 17 triệu đồng/tấn; dòng thép thanh vằn D10 CB300 giảm 310.000 đồng/tấn, có giá 17,2 triệu đồng/tấn.
Thép miền Nam cũng giảm mức ứng đối với hai loại thép trên, kéo giá CB240 và CB300 còn 17,36 triệu đồng/tấn và 17,76 triệu đồng/tấn.
Thép Pomina tiến hành giảm 300.000 đồng/tấn đối với cả 2 loại thép CB240 và CB300, giá bán còn 17,76 triệu đồng/tấn và 17,96 triệu đồng/tấn.
Tính từ ngày 11/5, đây là lần giảm thứ năm liên tiếp của giá thép trong nước với tổng mức giảm hơn 2 triệu đồng/tấn.Trong đó, thép CB240 và CB300 của Hòa Phát tại miền Bắc giảm lần lượt 2,04 triệu đồng/tấn và 1,58 triệu đồng/tấn. Thép CB240 và CB300 của thép Việt Ý cũng giảm 1,97 triệu đồng/tấn và 1,57 triệu đồng/tấn.
Nguyên nhân giá thép trong nước quay đầu giảm mạnh sau thời gian tăng nóng được cho là giá phôi thép và nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng đi xuống. Giá nguyên vật liệu trong sản xuất thép liên tục giảm từ cuối tháng 3 đến nay khiến thị trường thép chững lại.
19 rủi ro trong triển khai dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam
Tại Hội thảo "Kinh tế Biển và Hải đảo: Công tác cấp phép khảo sát cho dự án điện gió ngoài khơi” diễn ra tại Hà Nội chiều 8/6/2022, ông Nguyễn Việt Long, Phó tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam (EY)- thay mặt cho nhóm tư vấn được tài trợ của Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam cho hay, sau khi phỏng vấn 3 nhà đầu tư trong nước, 2 nhà đầu tư nước ngoài, 5 bên cho vay trong nước và 7 bên cho vay quốc tế, nhóm đã liệt kê 19 rủi ro cần lưu ý trong quá trình triển khai dự án điện gió.
“EY đã tiến hành tham vấn cùng 17 đơn vị là các bên liên quan thuộc khu vực tư nhân để hiểu rõ hơn về những rủi ro mà họ bày tỏ quan ngại, khiến cho việc đầu tư vào các dự án điện gió ngoài khơi bị hạn chế. Để thúc đẩy việc huy động vốn nước ngoài và thu hút đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, các rủi ro chính mà các nhà đầu tư cùng các bên cho vay trong nước cũng như quốc tế quan ngại nhất cần được ưu tiên trong việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu”, ông Long nhận xét.
Cụ thể, hiện các nhà đầu tư đang chịu cả 19 rủi ro, bên cho vay cũng chịu 14 rủi ro, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng chịu 5 rủi ro và Chính phủ cũng có 2 rủi ro.
Các rủi ro này cũng được chia theo quá trình triển khai dự án điện gió ngoài khơi. Đơn cử như trong giai đoạn chuẩn bị dự án, các nhà đầu tư chịu toàn bộ rủi ro dự án bao gồm: rủi ro liên quan đến hoạt động cấp phép (bao gồm cả giấy phép khảo sát) và phê duyệt; rủi ro lựa chọn vị trí thực hiện dự án; rủi ro tài nguyên gió; rủi ro thiết kế kỹ thuật; rủi ro huy động vốn.
Trong giai đoạn đầu tư, các nhà đầu tư và các bên cho vay cũng chia sẻ phần lớn rủi ro dự án. Các nhà đầu tư, các bên cho vay và EVN cũng chia sẻ rủi ro thoái vốn (và thay đổi quyền kiểm soát). Chính phủ chia sẻ một phần rủi ro chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Tới giai đoạn vận hành, cơ chế phân bổ rủi ro cũng tương tự giai đoạn xây dựng. Ngoài ra EVN chia sẻ với các nhà đầu tư và các bên cho vay rủi ro chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; rủi ro về giải quyết tranh chấp và rủi ro về bất khả kháng.
Trong giai đoạn kết thúc, hoàn trả mặt bằng, mặc dù các nhà đầu tư có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp xử lý môi trường phù hợp khi hoàn trả khu vực biển được giao, tuy nhiên Chính phủ chịu phần lớn rủi ro còn lại liên quan đến việc hoàn trả mặt bằng nếu các nhà đầu tư không hoàn thành nghĩa vụ nêu trên.
Để thúc đẩy sự phát triển của thị trường điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, nghiên cứu cũng cho rằng, Chính phủ đóng một vai trò vô cùng quan trọng; do vậy, cần cân nhắc thực hiện các hành động sau đây nhằm giải quyết các mối quan ngại của các nhà đầu tư cũng như các bên cho vay trong nước và quốc tế, đồng thời giảm thiểu rủi ro của họ liên quan đến việc phát triển và tài trợ vốn cho các dự án điện gió ngoài khơi.
Cụ thể là cải thiện khả năng huy động vốn của Hợp đồng mua bán điện bằng việc xây dựng cơ chế phân bổ rủi ro được chấp nhận bởi thông lệ quốc tế (trên cơ sở tham chiếu kinh nghiệm của Vương quốc Anh). Tiếp đó là xây dựng một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ và minh bạch. Việc phát triển chuỗi cung ứng trong nước để hỗ trợ lĩnh vực điện gió ngoài khơi cũng được đặt ra và vấn đề tăng cường kế hoạch gia cố lưới điện và Quy hoạch điện VIII để hỗ trợ lĩnh vực điện gió ngoài khơi.
“Những khuyến nghị này sẽ giúp thúc đẩy việc huy động vốn nước ngoài và thu hút vốn đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với mức giá điện cạnh tranh”, ông Long nhận xét.
VN-Index lấy lại mốc 1.300 điểm sau 1 tháng
Thị trường chứng khoán phiên 8/6 diễn biến khá tích cực khi VN-Index thêm lần nữa thách thức ngưỡng cản cứng 1.300 điểm, tâm lý ổn định của nhà đầu tư giúp chỉ số dễ dàng phá cản để xác lập xu hướng khả quan.
Một số cổ phiếu vốn hóa bứt phá đã kéo chỉ số đi lên nhanh chóng, bên cạnh đó còn có sự đóng góp tốt của các mã ngân hàng, bất động sản, sản xuất điện, bán lẻ, cổ phiếu đầu cơ...
Kết thúc phiên giao dịch VN-Index tăng 16,56 điểm (1,28%) đứng ở 1.307,91 điểm, chính thức lấy lại ngưỡng trên 1.300 điểm sau một tháng lao dốc.
Trong khi đó HNX-Index cũng bứt phá 6,78 điểm (2,23%) lên mức 310,93 điểm. UPCoM-Index ghi nhận mức tăng 1,31 điểm (1,4%) đạt đúng 95 điểm.
Cổ phiếu vốn hóa lớn như thường lệ vẫn dẫn dắt xu hướng của thị trường khi rổ VN30 tăng tốc 17,66 điểm (1,33%) với 21/30 kết phiên trong sắc xanh. Trong đó, đáng chú ý khi GVR và STB còn tăng hết biên độ, trở thành các mã có đóng góp quan trọng cho thị trường.
Cổ phiếu ngân hàng có một phiên bứt phá ấn tượng khi những mã SHB, STB, LPB có được sắc tím, phần lớn các mã khác tăng tích cực 2-4% trong ngày. Ngoại trừ VCB của Vietcombank đi ngược xu hướng khi giảm 2,2% về 79.200 đồng, là mã có tác động tiêu cực nhất.
Cổ phiếu bất động sản và xây dựng ghi nhận sắc tím của Đất Xanh (DXG) khi tăng trần trở lại sau chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp. Bên cạnh đó còn có QCG, HQC, FCN và NLG tăng hết biên độ, HBC và VCG tăng trên 4%.
Cổ phiếu đầu cơ cũng gây ấn tượng sau chuỗi rơi liên tục. Trong đó nhóm FLC Group đạt được sắc tím ở toàn bộ 6 cổ phiếu có thanh khoản là FLC, ROS, ART, HAI, KLF và AMD. Nhóm Louis như TGG, SMT, BII cũng lấy lại sắc xanh sau các phiên giảm sàn. Nhóm Apec như APS và IDJ tăng hơn 2%. Cổ phiếu DIG và CEO tăng trên 4%, JVC và NVT tăng trần...
Cổ phiếu bán lẻ như DGW và FRT chạm giá trần. Ngoài ra YEG của Yeah1 cũng gây ấn tượng khi nối dài chuỗi 8 phiên tăng liên tiếp (trong đó 6 phiên tăng trần). PAN có được sắc tím 2 phiên sau thông tin về việc tăng vốn...
Độ rộng thị trường hoàn toàn nghiêng về phe mua với sắc xanh áp đảo. Toàn sàn có 786 mã tăng giá, 216 mã giảm giá và 130 mã đứng tại tham chiếu.
Thị trường đang đi lên trong sự nghi ngờ bởi thanh khoản vẫn chưa có nhiều đột phá. Tổng giá trị khớp lệnh thậm chí giảm 7% so với hôm qua còn 18.565 tỷ đồng, riêng giá trị khớp lệnh sàn HoSE giảm 5% xuống 15.678 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn giao dịch ổn định với chiều hướng tích cực. Họ mua vào lượng cổ phần trị giá 1.489 tỷ và bán ra 1.219 tỷ trên sàn HoSE, tương đương mua ròng 270 tỷ đồng.
Trước phiên giao dịch, Chứng khoán SHS cũng cho rằng xu hướng của thị trường vẫn tích cực và ngưỡng cản tâm lý 1.300 điểm sẽ sớm bị vượt qua trong thời gian tới.
Chứng khoán Asean dự báo VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm để kiểm định vùng kháng cự gần 1.295-1.300 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.305-1.310 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày.
Hà Lan