Chủ nhật, 24/11/2024 09:30 (GMT+7)
Thứ hai, 06/06/2022 17:15 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 6/6

Theo dõi KTMT trên

Hà Nội: Nhiều tuyến đường phố có nguy cơ ngập lụt cao; Gần 6.000 cây được trồng ở Vân Hồ nhân Ngày Môi trường thế giới 2022; Thừa Thiên - Huế: Đầu tư 160 tỷ đồng khắc phục sạt lở bờ biển.. là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 6/6.

Hà Nội: Nhiều tuyến đường phố có nguy cơ ngập lụt cao

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trưa nay, khu vực Hà Nội đã có mưa, mưa vừa đến mưa to.

Cơ quan khí tượng cảnh báo trong vài giờ tới, khu vực nội thành Hà Nội và các vùng lân cận vẫn tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến trong khoảng từ 50 - 100 mm, có nơi trên 100mm.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 6/6 - Ảnh 1
Mưa lớn có khả năng sẽ gây ngập úng cho một số khu vực thuộc nhiều tuyến phố nội thành. (Ảnh minh họa)

Đợt mưa này có khả năng sẽ gây ngập úng cho một số khu vực thuộc nhiều tuyến phố nội thành với độ sâu phổ biến từ 20-40cm; một số tuyến phố ngập sâu hơn với độ sâu từ 40-60cm.

Theo đó, các tuyến phố chính có nguy cơ ngập gồm có: Thụy Khuê, Trích Sài, Âu Cơ, Đội Cấn, Liễu Giai, Ngọc Khánh, Cao Bá Quát, La Thành, Điện Biên, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Phùng Hưng, Bát Đàn, Đường Thành, Đinh Liệt, Nguyễn Khuyến, Trường Chinh, Thái Hà, Láng Hạ, Tôn Thất Tùng, Vương Thừa Vũ, Quan Nhân, Nguyễn Tuân, Nguyễn Trãi, Định Công, Bùi Xương Trạch, Lê Văn Lương, Tố Hữu,...

Gần 6.000 cây được trồng ở Vân Hồ nhân Ngày Môi trường thế giới 2022

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2022, ngày 5/6, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức hoạt động “Ngày Môi trường ta đi trồng cây” nhằm góp phần phủ xanh các khoảnh rừng trống trong diện tích rừng phòng hộ tại xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Xã Vân Hồ có tổng diện tích 2.779 ha, trong đó, rừng chiếm hơn 1.657 ha bao gồm dải rừng 1250 ha có tính đa dạng sinh học cao. Khu vực rừng này nằm sát với Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò của Hòa Bình và thuộc vùng cảnh quan chung với Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Nha của Sơn La. Đây không chỉ là nơi lưu giữ nhiều loại cây thân gỗ quý hiếm mà còn là ngôi nhà của một quần thể vượn đen má trắng 13 cá thể đang cực kỳ nguy cấp, chỉ có ở Việt Nam và Lào.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 6/6 - Ảnh 2
Hưởng ứng Ngày Môi tường thế giới 2022, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức hoạt động “Ngày Môi trường ta đi trồng cây”. (Ảnh: Báo TN&MT)

Mặc dù, đàn vượn được người dân xem như linh vật không được phép xâm hại, song quần thể quý hiếm này đang đối mặt với nguy cơ mất nhà và nguồn thức ăn do các hoạt động xâm lấn, chia cắt đất rừng làm nương rẫy và khai thác gỗ, củi. Ước tính, khoảng 25% diện tích rừng tự nhiên tại Vân Hồ đã bị tàn phá và suy thoái. Khu vực rừng mà quý vị sắp tới thuộc khu vực rừng phòng hộ của bản Hua Tạt, xã Vân Hồ là một trong những khu vực sinh cảnh của loài vượn. Tuy nhiên rừng nơi đây cũng đang bị xâm lấn, phân mảnh, rất cần được phục hồi.

Đại diện Phòng TN&MT huyện Vân Hồ chia sẻ: Hoạt động “Ngày Môi trường ta đi trồng cây” không chỉ góp sức phục hồi môi trường sống của loài vượn nguy cấp, mà còn góp phần giữ gìn một Vân Hồ có cảnh quan đẹp, góp phần phát triển du lịch và nâng cao sinh kế cho người dân địa phương. Đây cũng là hành động thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới với thông điệp là “Chỉ một Trái đất”. Vì chỉ có một Trái đất nên chúng ta nỗ lực không chỉ gìn giữ mà còn nhân rộng màu xanh cho chúng ta và thế hệ con cháu tương lai.

Tại sự kiện, gần 60 người bao gồm đại diện: Phòng Tài nguyên Môi trường, Hạt Kiểm lâm huyện Vân Hồ, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La, các thành viên cộng đồng địa phương, thành viên Nhóm Cộng đồng quản lý Tài nguyên thiên nhiên; đoàn thanh niên địa phương, và nhóm những người ủng hộ hoạt động trồng cây từ Hà Nội và các tỉnh thành đã chia thành 5 nhóm đi gieo hạt và trồng cây tại các khu vực rừng nghèo kiệt và phân mảnh khảo sát trước đó thuộc bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Các thành viên của đoàn đã gieo được 4.500 bom hạt, trồng được 1025 cây dổi, trám dâu da và 250 hom đa. Đây là các loài cây thức ăn phù hợp cho quần thể Vượn đen má trắng.

Thừa Thiên - Huế: Đầu tư 160 tỷ đồng khắc phục sạt lở bờ biển

Tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 5 HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VIII (nhiệm kỳ 2021-2026) vừa diễn ra đầu tháng 6 đã nhất trí thông qua chủ trương đầu tư dự án xử lý sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận và xã Phú Hải (huyện Phú Vang).

Dự án có tổng mức đầu tư 160 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp khoảng 122 tỷ đồng, bao gồm xây dựng tuyến kè bảo vệ có chiều dài 300 m với kinh phí khoảng 14 tỷ đồng; xây dựng tuyến đê ngầm dài khoảng 550 m cách bờ biển 150m - 200 m với kinh phí 108 tỷ đồng.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 6/6 - Ảnh 3
Thừa Thiên - Huế đầu tư 160 tỷ đồng khắc phục sạt lở bờ biển. (Ảnh: Báo TN&MT)

Đây là dự án có nguồn vốn từ ngân sách Trung ương thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua.

Trong những năm qua, do ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là sau các đợt mưa bão năm 2020 và năm 2021, tình hình sạt lở, xâm thực bờ biển trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế diễn ra nghiêm trọng.

Trong đó, tình trạng sạt lở nặng diễn ra tại nhiều vị trí dọc tuyến bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận và xã Phú Hải (huyện Phú Vang), làm ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của nhiều hộ dân sống ở khu vực ven biển. Trước thực trạng này, tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định, việc đầu tư, khắc phục sạt lở bờ biển rất cần thiết và cấp bách, nhằm giúp hàng nghìn hộ dân sống ở vùng ven biển ở địa bàn tỉnh ổn định cuộc sống về lâu dài.

Đà Nẵng: Kêu gọi đầu tư thực hiện Nhà máy xử lý chất thải rắn hơn 800 tỷ đồng

Ngày 6/6, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.Đà Nẵng cho biết đang mời các nhà đầu tư đăng ký quan tâm thực hiện dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày/đêm tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn TP.Đà Nẵng theo hình thức PPP.

Dự án góp phần đạt được mục tiêu xây dựng Đà Nẵng-thành phố môi trường giai đoạn 2021 - 2025, hướng đến đô thị sinh thái, áp dụng công nghệ xử lý chất thải tổ hợp (bao gồm phân loại, xử lý chất thải sau phân loại), giảm diện tích chôn lấp, tạo ra các sản phẩm có ích.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 6/6 - Ảnh 4
Sở TN&MT TP.Đà Nẵng đang mời các nhà đầu tư đăng ký quan tâm thực hiện dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày/đêm tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn TP.Đà Nẵng. (Ảnh minh họa)

Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần giảm thiểu những tác động hiện trạng của hoạt động chôn lấp chất thải rắn như giảm thiểu mùi hôi, nước rỉ rác phát sinh, giảm quỹ đất chôn lấp và tăng tỷ lệ tận dụng, tái chế nguyên liệu.

Công suất thiết kế dự án 1.000 tấn rác sinh hoạt/ngày-đêm, thời gian thực hiện dự kiến năm 2023 – 2024, tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng với tổng diện tích 29.059 m2, trong đó diện tích xây dựng nhà máy phù hợp với quy hoạch chi tiết được UBND thành phố phê duyệt.

Dự kiến tổng mức đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn là hơn 802,991 tỷ đồng.

Nhà đầu tư quan tâm cung cấp các thông tin bao gồm hồ sơ về tư cách pháp lý; năng lực, kinh nghiệm tương ứng với thông tin dự án nêu; phản hồi của nhà đầu tư đối với các nội dung khảo sát ý kiến của cơ quan có thẩm quyền; thông tin liên lạc của nhà đầu tư. Thời điểm hết hạn đăng ký là 14h ngày 3/7/2022.

Liên quan xử lý tình trạng quá tải xử lý rác, hiện Đà Nẵng đang thực hiện Dự án nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng làm chủ đầu tư.

Dự án triển khai trên phạm vi gần 40 ha tại bãi rác Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu với tổng mức đầu tư hơn 184 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.

Malaysia khai thác chuyến bay chở khách đầu tiên dùng nhiên liệu xanh

Hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines (MAS) mới đây đã khai thác chuyến bay chở khách đầu tiên sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) với hành trình từ Kuala Lumpur đến Singapore. 

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, chiếc máy bay Boeing 737-800 mang số hiệu MH603 được vận hành bằng nhiên liệu được pha trộn giữa nhiên liệu máy bay phản lực thông thường và SAF sản xuất từ 100% chất thải tái chế và nguyên liệu thô như chất thải mỡ động vật của Nestle - nhà sản xuất SAF lớn nhất thế giới. 

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 6/6 - Ảnh 5
Malaysia khai thác chuyến bay chở khách đầu tiên dùng nhiên liệu xanh. (Ảnh: Reuters)

Giám đốc phụ trách lĩnh vực bền vững của Tập đoàn Hàng không Malaysia (MAG), công ty mẹ của MAS, Philip See tuyên bố tập đoàn đặt mục tiêu trở thành nhà tiên phong trong việc sử dụng SAF cho các chuyến bay ở Malaysia như một phần trong cam kết đạt mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050.

MAG đã chủ động triển khai các biện pháp giảm thiểu lượng khí thải carbon thông qua các biện pháp được thực hiện trong các hoạt động của tập đoàn, trong đó có các chương trình tiết kiệm nhiên liệu như SAF. 

Ông Philip See nhấn mạnh: “Với việc thực hiện chuyến bay chở khách đầu tiên sử dụng SAF, chúng tôi khuyến khích hành khách cùng đồng hành khi chúng tôi thực hiện các bước cần thiết để giảm thiểu tác động đến môi trường và lập kế hoạch cho nhiều chuyến bay sử dụng SAF nhằm cải thiện ngành, quốc gia và tương lai của Trái Đất. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tìm cách đưa SAF trở thành lựa chọn năng lượng sạch hơn và khả thi hơn cho các chuyến bay thường lệ vào năm 2025".

Trong khi đó, Nestle cam kết hỗ trợ ngành hàng không đạt được các mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng và hiện đang mở rộng năng lực sản xuất SAF toàn cầu lên 1,5 triệu tấn vào cuối năm 2023 để sẵn sàng hỗ trợ thị trường hàng không châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu.

SAF giảm phát thải khí nhà kính tới 80%, so với nhiên liệu hóa thạch. SAF do Neste sản xuất được làm từ 100% nguyên liệu thô và chất thải có thể tái tạo và có nguồn gốc bền vững.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 6/6. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới