Tin tức kinh tế 24h: Tài sản của ông chủ Shopee bốc hơi 80%
Chứng khoán tăng điểm phiên thứ hai liên tiếp; Tài sản của ông chủ Shopee bốc hơi 80%... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 17/5/2022.
Chứng khoán tăng điểm phiên thứ hai liên tiếp
Phiên tăng điểm hôm qua là yếu tố quan trọng giúp giải tỏa tâm lý cho nhà đầu tư. Hôm nay, VN-Index kiểm định lại vùng 1.240 – 1.250 điểm, và sự rung lắc đã diễn ra ở vùng giá cao, khiến chỉ số chính có lúc lùi về vùng giá đỏ.
Nhóm vốn hóa lớn giảm bớt sự tích cực, không hoàn toàn là nhân tố dẫn dắt thị trường, khi có tới 13 cổ phiếu VN30 giảm giá trong phiên hôm nay. Tác động tiêu cực nhất đến chỉ số là VCB, SAB, FPT, TPB… Cả 2 cổ phiếu hàng không là HVN, VJC cùng lọt nhóm tiêu cực kể trên.
Ở chiều ngược lại, MSN, STB tăng trần, cùng với GAS, BCM, nhóm cổ phiếu ngân hàng TCB, SHB, BID, CTG là những mã đóng góp tích cực nhất cho chỉ số.
Thị trường giằng co, nhưng nhóm tài chính, với các mã ngân hàng, chứng khoán nhìn chung vẫn khá tích cực, dù vậy đà tăng suy giảm. Nhưng đây vẫn là nhóm thanh khoản cao so với mặt bằng chung, trên nền giao dịch ảm đạm của thị trường. Giá trị giao dịch HoSE lại giảm nhẹ so với hôm qua, về dưới 13.000 tỷ đồng. Nhà đầu tư vẫn khá dè dặt trong việc quay lại thị trường, áp lực bán cũng tạm thời suy yếu.
Về cuối phiên, cổ phiếu bất động sản giảm bớt sự tiêu cực, các mã lớn như VIC, VRE, VHM, NVL giữ được tham chiếu. Một số mã BCM, DIG, HDG, DXS tăng trần. Đây là phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp của cổ phiếu “họ” Đất Xanh, còn DXG tăng 1,9%. Đà hồi phục của 2 cổ phiếu này được nối dài, sau khi doanh nghiệp lên tiếng về tin đồn liên quan các lãnh đạo cao cấp.
Khối ngoại quay lại mua ròng với giá trị 171 tỷ đồng trên HoSE, tập trung vào GAS, VNM, KBC, VHC, GEX, HAH… Ngược lại, SSI là mã bị bán mạnh nhất, giá trị hơn 129 tỷ đồng. Đi ngược sự tích cực của nhóm chứng khoán, SSI giảm 1,72%.
Giá vàng giảm mạnh khi thị trường chứng khoán khởi sắc
Rạng sáng nay, giờ Việt Nam, giá vàng thế giới tại thị trường Mỹ đứng ở mức hơn 1.815 USD/ounce, giảm hơn 9 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Giá vàng giảm trong bối cảnh thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế khởi sắc. Trong đó, chỉ số chứng khoán Dow Jones tại Mỹ tăng 1,34%, chỉ số chứng khoán chính Hang Seng tại Trung Quốc tăng mạnh 3,27%, còn VN-Index tại Việt Nam phiên hôm qua đã tăng 4,81%.
Cùng với đó, nhiều người suy đoán USD tăng giá mạnh trong tương lai. Những thông tin này đã tác động tiêu cực đến thị trường vàng, nhà đầu tư mạnh tay bán tháo khiến giá vàng giảm mạnh.
Tại thị trường trong nước, sáng nay giá vàng cũng giảm nhẹ từ 50.000 – 100.000 đồng/lượng. Giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 68,25 – 69,25 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua - bán trong khoảng 68,25 – 69,27 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với giá mở cửa sáng qua. Chênh lệch mua - bán là 1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 68,15 – 69 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 850.000 đồng/lượng.
Tại Công ty Phú Quý, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 68,2 – 69,05 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 850.000 đồng/lượng.
Trên thị trường tiền tệ, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 18/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.140 VND/USD, giảm 20 đồng so với hôm qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.834 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.445 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD hôm nay tiếp tục tăng so với phiên trước. Tại ngân hàng Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 22.955 - 23.265 VND/USD (mua vào – bán ra), tăng 25 đồng cả chiều mua và chiều bán so với mức niêm yết trước.
Ngân hàng BIDV, niêm yết giá USD ở mức 22.985 - 23.265 VND/USD (mua vào – bán ra), tăng 35 đồng cả chiều mua và chiều bán so với mức niêm yết trước.
Tại ngân hàng Techcombank niêm yết giá USD ở mức 22.980 - 23.265 VND/USD (mua vào – bán ra), tăng 28 đồng chiều mua và tăng 27 đồng chiều bán so với mức niêm yết trước.
WB: Đánh thuế tài sản bất động sản, đất đai và môi trường để tăng thu ngân sách
Một trong sáu ưu tiên thúc đẩy Việt Nam phát triển theo khuyến cáo của WB trong Báo cáo là đẩy mạnh cơ sở hạ tầng bằng cách cải thiện chất lượng chi tiêu công và tăng cường các giải pháp của khu vực tư nhân.
Theo đó, tăng đầu tư công sẽ cần có thêm dư địa tài chính, và tăng cường huy động nguồn thu sẽ là trọng tâm như một giải pháp lâu dài cho những hạn chế về tài khóa. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có thể đạt được điều này mà không cần tăng thuế suất hoặc gánh nặng thuế đối với người nộp thuế cá nhân.
WB nhấn mạnh, cần ưu tiên xem xét các biện pháp mở rộng cơ sở thuế, hợp lý hóa các ưu đãi và miễn thuế đối với thuế TNDN, hài hòa hóa thuế suất VAT, tái cân bằng thuế suất để có hiệu quả và công bằng, đồng thời mở rộng cơ sở thuế môi trường và áp dụng thuế carbon.
Báo cáo WB chỉ rõ, kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh rằng trọng tâm của chiến lược huy động nguồn thu trong tương lai nên là đánh thuế tài sản bất động sản và đất đai, cũng như các biện pháp khai thác giá trị đất đai khác (ví dụ từ nguồn gia tăng giá trị đất có được nhờ đầu tư của nhà nước vào hạ tầng cơ sở), vì chúng có thể trở thành nguồn tài chính quan trọng cho các dự án cơ sở hạ tầng ở cấp địa phương, đặc biệt là ở các khu vực thành thị.
Nhiều quốc gia đang sử dụng thuế carbon hoặc thuế môi trường để giải quyết các mục tiêu kép là vừa tăng nguồn thu ngân sách, vừa đạt được các mục tiêu về môi trường. Thuế carbon hoặc thuế môi trường có thể giúp đạt được các mục tiêu môi trường với chi phí tổng thể thấp nhất có thể cho xã hội bằng cách cung cấp các động lực giảm thiểu ô nhiễm nhiều nhất cho các doanh nghiệp có thể đạt được mức giảm thiểu đó với giá rẻ nhất.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ không chỉ cần chi tiêu nhiều hơn mà còn phải chi tiêu tốt hơn để đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng của đất nước. Điều này đòi hỏi phải cải thiện hiệu quả chi tiêu công, bao gồm việc áp dụng rộng rãi hơn các phương pháp lập kế hoạch với chi phí thấp nhất, giảm sự phân tán trong phân bổ nguồn lực, và các thủ tục mua sắm công cạnh tranh/minh bạch. Cải thiện hiệu quả chi thường xuyên, bao gồm cả phân bổ cho vận hành và bảo trì, có thể giúp tăng dư địa cho chi đầu tư.
Quản lý đầu tư công đòi hỏi phải có những cải tiến ở cả cấp trung ương và địa phương, vì các chính quyền địa phương ngày nay chịu trách nhiệm thực hiện gần 70% chương trình đầu tư công.
Theo WB, nhiều tỉnh có năng lực kỹ thuật yếu kém, điều này càng trở nên trầm trọng hơn do những hạn chế của khuôn khổ phân cấp hiện tại không khuyến khích hợp tác vùng. Việc không có các cơ chế phối hợp hành động giữa các tỉnh ngăn cản sự xuất hiện của lợi thế quy mô trong thiết kế và thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng và tạo ra sai lệch trong việc phân bổ nguồn lực. Sự phối hợp theo chiều ngang ở cả cấp Trung ương và địa phương để đảm bảo kế hoạch ngân sách hàng năm phù hợp với kế hoạch đầu tư trung hạn và chi thường xuyên (cho vận hành và bảo trì) với chi đầu tư, sẽ rất quan trọng để nâng cao hiệu quả tài chính.
WB cũng khuyến cáo nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Do những thách thức về hiệu quả hoạt động của các DNNN và tác động ngày càng tăng của chúng đối với chi phí tài khóa toàn cầu, và những rủi ro mà khu vực công phải đối mặt nói chung, WB cho rằng cần tăng cường khuôn khổ quản trị công ty cho các DNNN để đảm bảo chủ động hơn trong các chức năng sở hữu nhà nước và giám sát nhằm giảm thiểu những rủi ro này.
Hệ thống giám sát hiệu quả hoạt động của DNNN sẽ cần bao gồm cả thông tin phi tài chính và thông tin tài chính (bao gồm cả về các khoản nợ và rủi ro tài chính). Chất lượng và tần suất thông tin tài chính của tất cả các DNNN cần được cải thiện, bao gồm cả thông qua việc áp dụng các Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế. Chương trình tư nhân hóa/cổ phần hóa đòi hỏi phải nỗ lực hơn để thúc đẩy quy trình minh bạch hơn nữa như việc Chính phủ có thể niêm yết các DNNN mà nhà nước vẫn sở hữu một số cổ phần.
Ngoài ra, WB cho rằng, cần tăng cường sử dụng các giải pháp gắn với khu vực tư nhân và các công cụ thị trường. Với việc thông qua luật PPP gần đây, Chính phủ nên thể hiện quan hệ đối tác mới với khu vực tư nhân, không chỉ để lấp đầy khoảng cách tài chính dự kiến mà còn tạo ra một thị trường PPP lành mạnh và nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ trong trung và dài hạn.
Tuy nhiên, theo WB điều này sẽ đòi hỏi phải đánh giá kỹ lưỡng các cơ hội hợp tác, vì vai trò của khu vực tư nhân trong các lĩnh vực (hoặc dự án) có thể khác nhau đáng kể, tùy thuộc vào mức độ rủi ro và các điều kiện thị trường khác. Do đó, hỗ trợ của Chính phủ thông qua đóng góp bằng tiền mặt, chia sẻ rủi ro hoặc đất đai nên được điều chỉnh phù hợp với các điều kiện này, làm cho các dự án PPP cuối cùng có thể đứng vững được (về mặt tài chính và pháp lý)..
Tài sản của ông chủ Shopee bốc hơi 80%
Theo Bloomberg, tỷ phú Forrest Li, người từng giàu nhất Singapore với khối tài sản trị giá 22 tỷ USD hiện chỉ còn 4,7 tỷ USD. Một loạt sự kiện như làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ, việc phải đóng cửa hoạt động thương mại điện tử ở Ấn Độ hay báo cáo kinh doanh thất vọng đã thổi bay 80% giá trị của cổ phiếu Sea sovới mức đỉnh.
Bất chấp việc tăng hơn 14% trong phiên giao dịch ngày 17/5 sau khi công bố kết quả kinh doanh, cổ phiếu của Sea vẫn giảm hơn 60% trong năm nay.
Sea hưởng lợi lớn trong giai đoạn đại dịch khi nhu cầu thương mại điện tử và game bùng nổ. Song, quá trình gia tăng lãi suất nhằm hạn chế lạm phát và cuộc chiến ở Ukraine đã gây tổn hại tới các cổ phiếu tăng trưởng.
“Sea sẽ đón nhận nhiều thách thức hơn trong năm 2022. Giá cổ phiếu mục tiêu của công ty đã giảm từ 180 USD xuống 105 USD vào ngày 10/5”, Shawn Yang, Giám đốc công ty nghiên cứu Blue Lotus Capital, cho biết.
Doanh thu quý I của Shopee, đơn vị thương mại điện tử của Sea, chỉ tăng 64% lên 1,5 tỷ USD, thấp hơn kỳ vọng ban đầu là 1,7 tỷ USD. Tổng giá trị hàng hóa chạy trên nền tảng tăng 39% lên 17,4 tỷ USD.
Sea đã phải hạ thấp kỳ vọng doanh số thương mại điện tử từ 8,9-9,1 tỷ USD xuống 8,5-9,1 tỷ USD sau khi đối mặt sự cạnh tranh gay gắt từ một số đối thủ khác như Alibaba và sự mở cửa trở lại của mua sắm trực tiếp.
Ngoài Li, nhiều doanh nhân công nghệ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng bán tháo cổ phiếu thời kỳ hậu đại dịch. Eric Yuan - CEO Zoom Video Communications - đã mất 4,4 tỷ USD tài sản trong năm nay, trong khi Jeff Bezos - người giàu thứ hai thế giới kiêm ông chủ Amazon - thiệt hại gần 58 tỷ USD.
Bất chấp xu hướng suy giảm của cổ phiếu, các nhà phân tích vẫn lạc quan về tương lai của công ty và giữ khuyến nghị mua vào. Theo Nathan Naidu - nhà phân tích của Bloomberg Intelligence - định giá của công ty có thể bắt đầu phục hồi khi hoạt động mở rộng địa lý nới thêm triển vọng.
Tuy vậy, cổ phiếu công ty vẫn biến động. Gang Ye - một lãnh đạo của Sea - đã mất 4,3 tỷ USD trong năm nay, trong khi lãnh đạo khác là David Chen bị rơi khỏi danh sách tỷ phú.
“Trong môi trường hiện tại, quá trình nâng lãi suất từ FED, lạm phát gia tăng và tác động từ cuộc chiến Ukraine không tốt cho các tài sản rủi ro như cổ phiếu công nghệ”, ông Naidu nhận định.
Hà Lan