Chủ nhật, 24/11/2024 08:57 (GMT+7)
Thứ năm, 07/07/2022 19:15 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h: Bộ TN&MT lên kế hoạch 'hồi sinh' các dòng sông bị ô nhiễm

Theo dõi KTMT trên

Phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022; TP.HCM: Tăng cường công tác quản lý thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Bãi rác Xuân Sơn và nỗi lo nước rỉ rác... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 7/7.

Phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022

Ngày 7/7, Quảng Ninh xảy ra mưa dông với lưu lượng lớn. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN&PTDS) tỉnh đã có văn bản gửi các địa phương đảm bảo an toàn, phòng chống thiên tai, nhất là trong thời điểm diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn Quảng Ninh, sáng nay, mây dông bắt đầu phát triển ở khu vực Quảng Yên, sau đó lan dần ra các khu vực lân cận. Đến 11h trưa nay, mưa dông hầu như đã xuất hiện trên toàn tỉnh.

Trung tâm mưa là khu vực Quảng Yên với lượng mưa 30-70mm; Hạ Long, Cẩm Phả từ 10-30mm, các nơi khác phổ biến dưới 10mm. Hiện nay, vùng tâm mưa đã dịch chuyển dần đến khu vực Cẩm Phả, Vân Đồn và đang tiếp tục di chuyển lên phía Bắc.

Tin tức môi trường 24h: Bộ TN&MT lên kế hoạch 'hồi sinh' các dòng sông bị ô nhiễm - Ảnh 1
Ngày 7/7, Quảng Ninh xảy ra mưa dông với lưu lượng lớn. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Dự báo, chiều nay, mưa sẽ giảm dần; đêm nay và sáng ngày mai, mưa trở lại với mức độ tương đương. Hiện, một số tuyến đường ở các địa phương mưa dông đi qua đã xuất hiện tình trạng ngập. Tuy nhiên, chưa có sự cố nào xảy ra do ảnh hưởng của mưa lớn.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 3-7/7, Bắc Bộ khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn diện rộng. Mưa lớn nguy cơ gây ngập úng cho các vùng trũng, đặc biệt các diện tích lúa mới gieo và uy hiếp an toàn công trình thủy lợi, nhất là các hồ chứa nước, xung yếu, hồ chứa đang thi công, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới.

Dù vậy, buổi thi đầu tiên của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 ngày 7/7 diễn ra trong điều kiện thời tiết mưa to đến rất to. Để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn và thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai tại Văn bản số 41/QGPCTT ngày 21/6/2022 về việc rà soát, cập nhật phương án phòng, chống thiên tai phục vụ tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH năm 2022; trước đó, Ban chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh đã có văn bản đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các địa phương và các đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó tình hình thời tiết phức tạp.

TP.HCM: Tăng cường công tác quản lý thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Tại Chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” với chủ đề “Quản lý thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt” do HĐND TP.HCM tổ chức mới đây, lãnh đạo Sở TN&MT TP.HCM đã trả lời cử tri nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố.

Theo cử tri, hiện nay, dù đã thực hiện kế hoạch chuyển đổi các đường dây rác dân lập sang mô hình mới (doanh nghiệp, hợp tác xã) nhưng các đường dây rác vẫn hoạt động theo mô hình trước khi chuyển đổi, như vẫn còn tình trạng da beo, các tuyến thu gom nhỏ lẻ, thời gian thu gom giữa các tuyến với nhau không thống nhất... Ngoài ra, lực lượng thu gom rác dân lập vẫn sử dụng nhiều phương tiện thu gom rác cũ kỹ, lạc hậu, không đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn giao thông…

Đồng thời, hiện trạng đơn giá thu gom rác thải sinh hoạt còn thấp, mức giá 44.000 đồng/tháng được quy định cào bằng cho nhà ở riêng lẻ, khu nhà trọ nhiều phòng sâu trong hẻm nhỏ, những hộ dân sống ở chung cư không có thang máy… Trong khi đó, công sức và thời gian để đơn vị tổ chức thu gom rác tại các khu nhà trọ nhiều phòng, hộ dân ở các chung cư tầng cao phải mất công sức gấp 3 lần hộ dân ở tầng trệt hoặc nhà ở riêng lẻ. Vì vậy, cử tri bày tỏ và mong muốn các sở, ngành cần tính toán lại đơn giá cho phù hợp.

Hiện nay, mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh trên 9.000 tấn rác thải sinh hoạt và được thu gom, xử lý an toàn. Mục tiêu đến năm 2025, 80% khối lượng rác thải sinh hoạt sẽ được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế.

Về công tác thu gom rác, hiện Sở TN&MT đã có hướng dẫn cho các địa phương, tùy theo đặc điểm lựa chọn hai cách để ký hợp đồng giữa đơn vị thu gom và chủ nguồn thải: UBND phường, xã có thể ký hợp đồng trực tiếp với các chủ hộ, người phát sinh nguồn thải; hộ gia đình ký trực tiếp với người thu gom rác. Đối với phương án đơn giá thu gom, việc lựa chọn đơn giá, địa phương hoàn toàn quyết định phương thức thu cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương mình.

Bộ TN&MT lên kế hoạch 'hồi sinh' các dòng sông bị ô nhiễm, cạn kiệt

Trong năm 2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ điều tra đánh giá và đề xuất cơ chế, chính sách cải tạo, phục hồi các dòng sông bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt như sông Nhuệ Đáy, kênh Bắc Hưng Hải...

Để đảm bảo an ninh tài nguyên nước - “mạch nguồn của sự sống,” ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết trong năm 2023, cơ quan này sẽ triển khai 30 nhiệm vụ quan trọng, hướng tới việc phục hồi các dòng sông.

Theo đó, thời gian tới, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, điều tra đánh giá và đề xuất cơ chế, chính sách cải tạo, phục hồi các dòng sông bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt như: sông Nhuệ Đáy, Ngũ Huyện Khê, kênh Bắc Hưng Hải...

Với nhiệm vụ chuyển tiếp, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ tập trung thực hiện dự án “Đánh giá tình hình thực thi, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về khai thác, sử dụng nước; đề xuất các biện pháp, chính sách tăng cường quản lý, bảo vệ tài nguyên nước,” để hỗ trợ xây dựng Luật Tài nguyên nước.

Tin tức môi trường 24h: Bộ TN&MT lên kế hoạch 'hồi sinh' các dòng sông bị ô nhiễm - Ảnh 2
Trong năm 2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ điều tra đánh giá và đề xuất cơ chế, chính sách cải tạo, phục hồi các dòng sông bị suy thoái, ô nhiễm... (Ảnh minh họa)

Với các nhiệm vụ mở mới, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ triển khai xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, mô hình số để hỗ trợ ra quyết định điều hòa phân bổ nguồn nước trên các lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, Sê San và Srepork.

Đặc biệt, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ tiến hành điều tra, đánh giá thực trạng, dự báo xu thế, đề xuất biện pháp giảm thiểu bồi lắng, sạt, lở lòng, bờ, bãi sông và lập danh mục các hồ, ao, đầm, phá liên tỉnh nhưng không được san lấp trên các lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, Sê San và Srepork, để kịp thời giải quyết.

Ngoài ra, Cục Quản lý tài nguyên nước cũng sẽ phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính và Tổng cục Môi trường để cùng xây dựng, vận hành hệ thống giám sát mục tiêu chất lượng nước (gồm cả dòng chảy tối thiểu). Việc này được thực hiện quy hoạch trên các lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, Sê San và Srepork..

Bãi rác Xuân Sơn và nỗi lo nước rỉ rác

Sáng 6/7, trao đổi với báo chí, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, do ảnh hưởng của cơn mưa lớn diễn ra chiều và tối 5/7, công tác tiếp nhận rác tại bãi rác Xuân Sơn đang gặp rất nhiều khó khăn do lượng nước mưa tràn vào hồ chứa nước rỉ rác. Nếu tiếp tục tổ chức tiếp nhận rác, những sự cố về môi trường có thể xảy ra.

Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu bãi rác Xuân Sơn rơi vào hoàn cảnh này. Trước đó, ngày 7/6, Urenco đã có Văn bản số 550/MTĐT-KTCN gửi Sở Xây dựng, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị về tình hình khẩn cấp trong công tác quản lý vận hành bãi Xuân Sơn (Sơn Tây), trong đó dự báo nếu điều kiện hạ tầng không đảm bảo buộc phải dừng tiếp nhận từ ngày 22/6/2022.

Tin tức môi trường 24h: Bộ TN&MT lên kế hoạch 'hồi sinh' các dòng sông bị ô nhiễm - Ảnh 3
Do ảnh hưởng của cơn mưa lớn, lượng nước mưa tràn vào hồ chứa nước rỉ rác khiến công tác tiếp nhận rác tại bãi rác Xuân Sơn đang gặp rất nhiều khó khăn. (Ảnh: Báo Lao Động)

Theo lý giải của Urenco, lượng nước rác phát sinh tại bãi Xuân Sơn mỗi ngày khoảng 700 - 800m3, trạm xử lý nước rác của Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Sơn Tây công suất 700m3/ngày đã dừng hoạt động từ ngày 1/6/2022 (đây là trạm xử lý nước rác duy nhất tại bãi rác Xuân Sơn), dẫn đến lượng nước rác phát sinh hàng ngày không được xử lý, trong khi tổng khối lượng nước rác lưu chứa tại các hồ tính đến ngày 23/6/2022 khoảng 70.152m3/71.000m3. Nếu tiếp tục thực hiện tiếp nhận rác tại bãi Xuân Sơn chắc chắn sẽ xảy ra sự cố tràn nước rác ra môi trường.

Trong khi đó, việc chôn lấp rác thải tại bãi rác Xuân Sơn đang thực hiện tại ô 2,3ha Ba Vì, dự kiến đến hết ngày 31/10/2022 sẽ hết khối lượng xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp theo gói thầu số 6. Các hồ chứa cơ bản đã gần hết khả năng lưu chứa nước rỉ rác phát sinh. Thậm chí, tại vị trí góc hồ chứa số 1.3 đã xảy ra hiện tượng ngấm, rò rỉ nước rác ra môi trường…

An Giang: Công bố tình huống khẩn cấp thiên tai sạt lở bờ Tây sông Hậu

Thông tin từ Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trần Anh Thư đã ký Quyết định số 1286A/QĐ-UBND “Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với đoạn sạt lở bờ Tây sông Hậu (từ bến phà Quốc Thái-Phú Hữu về phía hạ lưu khoảng 1.000m) thuộc khu vực triển khai Dự án Kè chống sạt lở bờ Tây sông Hậu, đoạn xã Quốc Thái, huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Quyết định nêu rõ từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn huyện An Phú, tỉnh An Giang xảy ra 29 vụ sạt lở, trong đó, tại xã Quốc Thái từ năm 2020-2022 xảy ra 4 vụ sạt lở, gây thiệt hại 1 căn nhà và 4 căn nhà phải di dời khẩn cấp.

Tin tức môi trường 24h: Bộ TN&MT lên kế hoạch 'hồi sinh' các dòng sông bị ô nhiễm - Ảnh 4
An Giang công bố tình huống khẩn cấp thiên tai sạt lở bờ Tây sông Hậu. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 18/5, trên địa bàn ấp Quốc Khánh, xã Quốc Thái, huyện An Phú đã xảy ra sạt lở thuộc bờ Tây sông Hậu, cách bến đò Cây Me về phía Nam khoảng 100m với chiều dài khoảng 30m, ngang khoảng 4m. Sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến 2 căn nhà.

Ngày 23/6/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Nhân dân huyện An Phú… tiến hành khảo sát hiện trường.

Ngoài ra, khu vực sạt lở có khả năng ảnh hưởng đến khoảng 600 hộ sống trong khu vực sạt lở và dự kiến thực hiện dự án; có 116 hộ có khả năng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp nếu sạt lở mở rộng trong thời gian tới.

Nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang giao ủy ban nhân dân huyện An Phú huy động các nguồn lực để ứng phó với tình huống khẩn cấp; huy động lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để cứu hộ, cứu nạn; tổ chức cấp cứu kịp thời người bị nạn; nhanh chóng sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm; đồng thời, triển khai cấp phát lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu khác để giúp nhân dân ổn định đời sống trong quá trình ứng phó và khắc phục hậu quả.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h: Bộ TN&MT lên kế hoạch 'hồi sinh' các dòng sông bị ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới