Chủ nhật, 24/11/2024 06:51 (GMT+7)
Thứ tư, 06/04/2022 19:00 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 6/4

Theo dõi KTMT trên

TP.HCM liên tục có mưa dông trong thời điểm chuyển mùa; Sửa đổi, bổ sung 4 chính sách lớn trong Luật Tài nguyên nước 2012; 5 thành phố lớn nghiên cứu phân vùng hạn chế xe máy… là những tin tức môi trường nổi bật ngày 6/4.

TP.HCM liên tục có mưa dông trong thời điểm chuyển mùa

Những ngày gần đây tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành Nam Bộ liên tục xuất hiện mưa dông trên diện rộng, đặc biệt là vào buổi chiều và tối, điều này phần nào giúp thời tiết của khu vực có phần dễ chịu hơn trong mùa khô.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, nguyên nhân chủ yếu là do áp cao lạnh lục địa có cường độ suy yếu chậm. Rãnh áp thấp xích đạo có trục qua 4-7 độ vĩ bắc nâng trục lên phía bắc, khiến cho khu vực Nam Bộ có mây thay đổi, ngày nắng chiều và tối có mưa rào và dông rải rác, có nơi mưa vừa và mưa to.

Thời tiết tại TP.HCM ngày nắng gián đoạn, chiều và tối có mưa, mưa rào và dông rải rác, có nơi mưa vừa đến mưa to, mưa tập trung nhiều ở phía Nam thành phố như Bình Chánh (lượng mưa 47,2 mm).

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 6/4 - Ảnh 1
TP.HCM và nhiều tỉnh thành Nam Bộ liên tục xuất hiện mưa dông trên diện rộng trong những ngày qua.

Dự báo trong 24 tới, áp cao lạnh lục địa tiếp tục di chuyển ra phía đông suy yếu và biến tính. Rãnh thấp xích đạo có trục qua 5-8 độ vĩ Bắc xu hướng nâng nhẹ lên phía bắc và hoạt động mạnh dần. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục qua Trung Trung Bộ suy yếu rút Đông. Gió đông bắc có cường độ trung bình đến mạnh trên vùng biển phía đông Nam Bộ.

Ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết tháng 4 cũng là thời điểm bắt đầu bước vào thời kỳ chuyển mùa, từ mùa khô sang mùa mưa ở Nam Bộ. Dự báo tiếp tục có mưa dông rải rác trong 24h tới, sau đó mưa sẽ giảm và tăng trở lại vào khoảng ngày 12-13/4.

Sửa đổi, bổ sung 4 chính sách lớn trong Luật Tài nguyên nước năm 2012

Sáng 6/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến với Cục Quản lý tài nguyên nước và các đơn vị liên quan để nghe báo cáo về tiến độ Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Theo Cục trưởng Châu Trần Vĩnh, từ những tồn tại và định hướng của Đảng, Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất sửa đổi, bổ sung 4 chính sách lớn gồm: An ninh tài nguyên nước quốc gia; Xã hội hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước; Tài chính về tài nguyên nước; Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và các chính sách khác, đã được Chính phủ đồng ý.

Trên cơ sở đó, Cục Quản lý tài nguyên nước đã thực hiện nghiên cứu các quy định, các định hướng của Đảng, Nhà nước liên quan đến 4 chính sách nêu trên, và nghiên cứu các kinh nghiệm một số nước trong khu vực như Trung Quốc (Luật Quản lý ô nhiễm, Luật Thủy lợi), Hàn Quốc (Luật nước dưới đất, Luật sông, Luật bảo toàn môi trường nước, Luật hệ thống thoát nước), Thái Lan (Luật tài nguyên nước), Nhật Bản (Luật sông), Hà Lan (Đạo luật nước), Pháp (Luật nước), EU. Đồng thời, xây dựng các sơ đồ, phương pháp luận để định hướng cho xây dựng dự thảo.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 6/4 - Ảnh 2
Tập trung rà soát, bổ sung các chính sách mới nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ trưởng Lê Công Thành chỉ đạo, Cục Quản lý tài nguyên nước tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung trí tuệ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Kế hoạch, Tờ trình Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa  đổi). Đồng thời, Cục tập trung rà soát, bổ sung các chính sách mới để điều chỉnh một số nội dung phát sinh trong thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đảm bảo quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp; xây dựng hệ thống chính sách pháp luật về tài nguyên nước đồng bộ, tổng hợp, thống nhất với các luật có liên quan.

5 thành phố lớn nghiên cứu phân vùng hạn chế xe máy

5 thành phố lớn bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP.HCM cần nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy sau năm 2030.

Đây là nội dung mới nhất trong Nghị quyết 48/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, đẩy mạnh triển khai các đề án, dự án về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 6/4 - Ảnh 3
5 thành phố lớn bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP.HCM cần nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy.

Đồng thời, quán triệt thực hiện một số các giải pháp như cải thiện chất lượng hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải.

Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phương tiện, linh kiện, vật liệu và hạ tầng để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và lưu hành đối với phương tiện thân thiện với môi trường.

Tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trong các đô thị lớn.

Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu: "UBND 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP.HCM nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030".

Cùng với đó, trên cơ sở thực tế của từng thành phố, rà soát, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu cho HĐND thành phố ban hành các Nghị quyết về việc ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, phấn đấu đạt chỉ tiêu tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30-35%.

Áp dụng công nghệ giao thông thông minh trong tổ chức, quản lý, điều hành giao thông đô thị. Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.

Giám sát việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại bãi rác Nam Sơn

Mới đây, tại cuộc giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết thành phố đặc biệt quan tâm tới công tác môi trường, trong đó Thành ủy đã ban hành các nghị quyết, chương trình chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Hội đồng Nhân dân TP.Hà Nội cũng ưu tiên quyết sách nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến dự án đầu tư và hỗ trợ dân cư xung quanh Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Thành phố phấn đấu thay thế dần công nghệ chôn lấp rác bằng công nghệ đốt rác để bảo vệ môi trường, đốt phát điện đạt 70%.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 6/4 - Ảnh 4
TP ưu tiên quyết sách nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến dự án đầu tư và hỗ trợ dân cư xung quanh Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, việc giám sát lần này nhằm đánh giá kết quả đạt được trong tổ chức thực hiện xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn; xác định rõ những vướng mắc, tồn tại để yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan đôn đốc, có giải pháp chỉ đạo và tháo gỡ kịp thời.

Báo cáo với Đoàn giám sát Hội đồng Nhân dân TP.Hà Nội về tiến độ triển khai thực hiện dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn (thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn), Công ty Cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội cho biết nhà máy được Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư trên diện tích khoảng 17,51 ha với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng.

Dự kiến ngày 30/4 tới, nhà máy sẽ hoàn thành giai đoạn 1 và phấn đấu năm 2022, xây dựng hoàn chỉnh nhà máy với công suất 4.000 tấn/ngày - đêm để giải quyết toàn bộ rác phân luồng tại bãi rác Nam Sơn.

Để dự án có thể vận hành thử nghiệm từ ngày 25/4/2022, Công ty Cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội mong muốn TP.Hà Nội và các ngành liên quan tiếp tục quan tâm giúp dự án hoàn thành những thủ tục pháp lý về môi trường, đấu nối điện; đồng thời cam kết sẽ tiếp nhận, xử lý đúng số lượng rác đã đăng ký trong năm 2022.

Nga bảo tồn thành công loài báo Viễn Đông quý hiếm nhất thế giới

Công viên Báo quốc gia, được thành lập tại vùng Viễn Đông của Nga năm 2012 với diện tích lên tới hơn 470.000ha, là nơi sinh sống chủ yếu của loài báo Viễn Đông được xếp hạng quý hiếm nhất thế giới.

Theo đó, số lượng cá thể báo Viễn Đông sống trong tự nhiên hiện đã vượt con số 120, tăng so với 35 con ghi nhận trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, giúp loài này thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 6/4 - Ảnh 5
Số lượng cá thể báo Viễn Đông sống trong tự nhiên hiện đã vượt con số 120, tăng so với 35 con ghi nhận trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21.

Ông Viktor Bardyuk, Giám đốc Viện Ngân sách liên bang bảo tồn loài báo, cho biết điều quan trọng là môi trường tự nhiên được hài hòa và cân bằng. Những loài thú săn mồi lớn là chỉ số về sức khỏe của hệ sinh thái. Nếu số lượng các loài báo ổn định, nếu chúng cảm thấy thoải mái, điều đó đồng nghĩa với môi trường tự nhiên hài hòa.

Công viên Báo quốc gia, được thành lập tại vùng Viễn Đông của Nga năm 2012 với diện tích lên tới hơn 470.000ha, là nơi sinh sống chủ yếu của loài báo Viễn Đông được xếp hạng là quý hiếm nhất thế giới.

Trong nhiều năm qua, số lượng loài này đã tăng do chúng được bảo vệ trước những kẻ săn bắn trộm, nạn chặt phá rừng và đốt rừng được ngăn chặn, trong khi cư dân địa phương nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Báo Viễn Đông là loài hiếm nhất trong tất cả các loài mèo lớn trên Trái Đất. Năm 2007, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp loài này vào loại cực kỳ nguy cấp trong sách Đỏ.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 6/4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới