Chủ nhật, 24/11/2024 09:28 (GMT+7)
Thứ hai, 25/04/2022 19:00 (GMT+7)

Tin tức môi trường nổi bật ngày 25/4

Theo dõi KTMT trên

Khả năng xuất hiện bão, mưa lớn vào dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5; Năm 2022 có khả năng xuất hiện nhiều cơn bão mạnh trái quy luật; Bộ Tài chính đề xuất sửa mức phí môi trường một số loại khoáng sản... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 25/4.

Khả năng xuất hiện bão, mưa lớn vào dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, dịp nghỉ lễ từ 30/4 đến 2/5, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa rào và dông; vùng núi và trung du Bắc Bộ khả năng xảy ra mưa vừa, mưa to diện rộng.

Cũng theo Trung tâm khí tượng thuỷ văn, trước khi đón đợt mưa rào và dông, từ 25-27/4, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ, khu vực Tây Bắc Bộ nắng nóng trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Vùng núi phía Tây của Bắc và Trung Trung Bộ nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ C, có nơi trên 39 độ C. Độ ẩm trung bình ngày thấp nhất từ 45-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 12-17 giờ.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 25/4 - Ảnh 1
Dịp nghỉ lễ từ 30/4 đến 2/5, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa rào và dông; vùng núi và trung du Bắc Bộ khả năng xảy ra mưa vừa, mưa to diện rộng.

Từ 25 đến 26/4, khu vực đồng bằng Bắc Bộ nắng nóng trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C. Độ ẩm trung bình ngày thấp nhất từ 50-60%. Thời gian nhiệt độ trên 35 độ C từ 13-16 giờ.

Bên cạnh đó, ngày 27-28/4, Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C.

Khu vực Hà Nội từ 25-26/4 nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 35-36 độ C. Độ ẩm trung bình ngày thấp nhất từ 50-60%. Thời gian nhiệt độ trên 35 độ C từ 13-16 giờ.

Nắng nóng diện rộng ở miền Bắc và miền Trung có thể lên tới trên 39 độ C

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trưa 25/4, ở Bắc và Trung Trung Bộ, một số nơi ở khu vực Tây Bắc Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ lúc 13 giờ phổ biến 35 - 37 độ C; riêng vùng núi Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lúc 13 giờ phổ biến 37 - 38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Độ ẩm tương đối lúc 13 giờ phổ biến 50 - 65%.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 25/4 - Ảnh 2
Nắng nóng diện rộng ở miền Bắc và miền Trung có thể lên tới trên 39 độ C.

Dự báo, từ 25/4 đến ngày 27/4, ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 37 độ C, có nơi trên 37 độ C; riêng vùng núi của Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C; từ ngày 28/4 cường độ nắng nóng giảm dần. Độ ẩm trung bình ngày thấp nhất từ 45 - 60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 12 - 17 giờ.

Từ 25/4 đến ngày 26/4, ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất 34 - 36 độ C. Độ ẩm trung bình ngày thấp nhất từ 55 - 65%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 13 - 16 giờ.

Các chuyên gia cảnh báo, do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Năm 2022 có khả năng xuất hiện nhiều cơn bão mạnh trái quy luật

Đó là thông tin được đưa ra trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 được tổ chức sáng nay (25/4) tại Hà Nội.

Năm 2021, cả nước có 12 cơn bão và ATNĐ; 326 trận dông, lốc, mưa lớn; 170 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 139 trận động đất; 403 điểm sạt lở nguy hiểm. Mặc dù đã giảm mạnh so với năm 2020, nhưng cả nước vẫn có 108 người chết và mất tích do thiên tai, thiệt hại về kinh tế trên 5.200 tỷ đồng.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 25/4 - Ảnh 3
"Cần chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động đối phó sang chủ động phòng ngừa, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng công tác PCTT và TKCN năm 2021 vẫn còn nhiều bất cập. Khả năng ứng phó với tình huống thiên tai lớn còn bị động, lúng túng; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng thấp, chưa đáp ứng yêu cầu trước sự tàn phá của bão, lũ; trang thiết bị phục vụ công tác PCTT&TKCN còn hạn chế; nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả mới đáp ứng khoảng 20-30% nhu cầu thực tế…

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ: “Một bộ phận người dân và chính quyền còn hạn chế, chủ quan, bất cẩn dẫn đến thiệt hại đáng tiếc, nhất là về người. Bộ máy PCTT các cấp chưa đủ mạnh và thiếu đồng bộ, công tác PCTT&TKCN chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác PCTT& TKCN và đầu tư trang thiết bị, phương tiện hiện đại phục vụ công tác ứng phó thiên tai và TKCN”.

Năm 2022, chỉ tính từ đầu năm đến nay, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính đã lên tới 2.400 tỷ đồng, gần bằng 1/2 thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra trong cả năm 2021.

Chủ động sớm các giải pháp phòng, chống thiên tai, “Chúng ta cần chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động đối phó sang chủ động phòng ngừa, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai. Tăng cường năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành ứng phó nâng cao năng lực cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức; tăng cường ứng dụng KHCN, hợp tác quốc tế trong PCTT & TKCN”, đồng chí Lê Văn Thành nhấn mạnh, sau khi nghe ý kiến, kiến nghị của các địa phương, ban, ngành và đại diện một số tổ chức quốc tế.

Bộ Tài chính đề xuất sửa mức phí môi trường một số loại khoáng sản

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

Thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với khoáng sản theo quy định tại Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; tăng cường quản lý khai thác khoáng sản. Qua đó, khuyến khích đầu tư phát triển công nghệ, khai thác hiệu quả, tiết kiệm khoáng sản gắn liền với công tác bảo vệ môi trường; góp phần phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đối với môi trường; khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra; bảo vệ, tái tạo cảnh quan môi trường nơi khai thác khoáng sản.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 25/4 - Ảnh 4
Bộ Tài chính đề xuất mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

Theo Bộ Tài chính, số thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản hàng năm đã góp phần tích cực để địa phương bổ sung nguồn đầu tư cho bảo vệ môi trường tại nơi khai thác. Số thu phí năm 2017 là 3.029 tỷ đồng; năm 2018 là 3.448 tỷ đồng; năm 2019 là 3.737 tỷ đồng; năm 2020 là 3.576 tỷ đồng.

Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Nghị định số 164/2016/NĐ-CP đã phát sinh một số vấn đề cần hoàn thiện nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong chính sách phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; khắc phục những hạn chế của chính sách hiện hành về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; từng bước hạn chế tác động xấu đến môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản. Ngoài ra, cần sửa đổi Nghị định 164/2016/NĐ-CP để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý thuế và Luật Bảo vệ môi trường.

Do đó, Bộ Tài chính đã xây dựng Dự thảo Tờ trình Chính phủ và Nghị định thay thế Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

Mạng xã hội Twitter cấm các quảng cáo phủ nhận biến đổi khí hậu

Mạng truyền thông xã hội Twitter mới đây thông báo sẽ cấm toàn bộ các nội dung quảng cáo thể hiện quan điểm về biến đổi khí hậu trái ngược với sự đồng thuận khoa học, ảnh hưởng tới nỗ lực của nhân loại trong cuộc chiến chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh các nền tảng truyền thông xã hội như Twitter và Facebook những năm gần đây trở thành nơi phát tán các quan điểm sai lệch và phủ nhận biến đổi khí hậu.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 25/4 - Ảnh 5
Mạng xã hội Twitter cấm các quảng cáo phủ nhận biến đổi khí hậu.

Trong một bài đăng trên blog Ngày Trái Đất, Twitter nêu rõ: "Chúng tôi cho rằng sự phủ nhận biến đổi khí hậu không được trở thành công cụ kiếm tiền trên Twitter và không được để cho những quảng cáo sai lệch hạ thấp giá trị của những thảo luận quan trọng về biến đổi khí hậu. Chúng tôi thừa nhận thông tin sai lệch về biến đổi khí hậu sẽ tác động tiêu cực tới những nỗ lực bảo vệ hành tinh của chúng ta."

Việc đánh giá các nội dung quảng cáo được thông báo dựa trên những nguồn thông tin uy tín như các tổ chức quốc tế, cơ quan chính phủ, trong đó có Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc.

Trong những tháng tới, Twitter sẽ bổ sung các biện pháp nhằm viện dẫn thêm thông tin đáng tin cậy và có căn cứ trong các thảo luận về biến đổi khí hậu trên nền tảng mạng xã hội này.

Bước đi mới nhất trên là một phần trong nỗ lực của Twitter nhằm tăng vai trò trong cuộc chiến biến đổi khí hậu. Năm ngoái, để giúp người dùng tìm kiếm thông tin đáng tin cậy về biến đổi khí hậu, Twitter đã triển khai Chủ đề dành cho biến đổi khí hậu, cùng với các trung tâm thông tin đáng tin cậy trong mục khám phá, tìm kiếm và xu hướng của trang web.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường nổi bật ngày 25/4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới