Tin tức môi trường nổi bật ngày 26/10: Miền Bắc chuẩn bị bước vào “mùa ô nhiễm không khí”
Hà Nội sẽ đón 3-4 đợt không khí lạnh tăng cường trong tháng 11; Miền Bắc chuẩn bị bước vào “mùa ô nhiễm không khí”; ĐBSCL đối mặt với đợt triều cường lịch sử... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay.
Hà Nội sẽ đón 3-4 đợt không khí lạnh tăng cường trong tháng 11
Theo dự báo thời tiết Hà Nội của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời kỳ cuối tháng 10 và đầu tháng 11, không khí lạnh có xu hướng hoạt động suy yếu hơn. Đến khoảng tuần giữa tháng 11, không khí lạnh có xu hướng hoạt động gia tăng hơn về cường độ và tần suất.
Trong khi đó, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ nhận định, trong tháng 11, trên Biển Đông có thể xuất hiện 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới nhưng ít có khả năng ảnh hưởng đến Hà Nội. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian nói trên, Hà Nội sẽ chịu ảnh hưởng của 3-4 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường.
Theo cơ quan khí tượng, so với trung bình cùng kỳ nhiều năm, nhiệt độ trung bình tháng 11 tới tại Hà Nội ở mức cao hơn, tổng lượng mưa ở mức thấp hơn. Mực nước hạ lưu các sông Đà, sông Hồng, sông Đuống... phụ thuộc điều tiết của các hồ thủy điện.
Trong hôm nay, ở Bắc Bộ có mưa vài nơi, khu vực đồng bằng và ven biển có mưa, mưa rào rải rác. Sáng sớm và đêm trời lạnh, vùng núi có nơi trời rét.
Từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi hiện đã có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và giông. Lượng mưa tính từ 8h ngày 25/10 đến 8h ngày 26/10 có nơi trên 300mm như: Hồ Kim Sơn (Hà Tĩnh) 301.2mm, Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 380.4mm, Tam Trà (Quảng Nam) 316.6mm, Trà Phú (Quảng Ngãi) 368.2mm,…
Miền Bắc chuẩn bị bước vào “mùa ô nhiễm không khí”
Theo “quy luật”, khi Hà Nội và các tỉnh phía Bắc chuẩn bị bước vào mùa đông cũng là thời điểm ô nhiễm không khí gia tăng.
Ngoài yếu tố thời tiết như gió lặng, nhiệt độ thấp, ít mưa… làm giảm khả năng khuếch tán của không khí, khiến các chất ô nhiễm lưu cữu ở tầm thấp, thì sau nhiều năm, các nguồn gây ô nhiễm vẫn chưa được kiểm soát.
Theo ứng dụng PamAir, vào lúc 8h sáng nay, đa số điểm quan trắc tại Hà Nội cho chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức màu cam (không lành mạnh cho các nhóm nhạy cảm). Cá biệt có các địa điểm: Giảng Võ (chỉ số 160, màu đỏ, không lành mạnh), hay đường Nguyễn Văn Huyên (chỉ số 207, màu tím, rất không lành mạnh).
Ô nhiễm không khí cùng thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Chưa kể những tác hại lâu dài của khói bụi, đặc biệt là bụi mịn, gây ra với sức khỏe con người.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nước ta hiện còn thiếu các nghiên cứu về ô nhiễm không khí, giải pháp hiện nay chủ yếu vẫn chỉ là... chờ mưa. Và “điệp khúc” ô nhiễm không khí theo mùa sẽ còn tái diễn nếu không có các biện pháp kiểm soát nguồn phát thải hiệu quả. "Mưa chỉ giải quyết được tức thời tình trạng ô nhiễm thôi. Các cấp phải ngồi lại cùng các biện pháp để giảm thiểu: hạn chế phương tiện giao thông như thế nào? Nhiều người có đốt rác hay không? Thế rồi các cơ sở sản xuất, các làng nghề ví dụ tái chế giấy, kim loại, nhựa… Phải làm cương quyết mới mong hạn chế được phần nào".
ĐBSCL đối mặt với đợt triều cường lịch sử
Theo dự báo của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, những ngày cuối tháng 10/2022, khu vực các tỉnh ĐBSCL đối mặt với đợt triều cường lịch sử, gây ngập lụt diện rộng. Tại các đô thị, khả năng nước tràn vào nhà dân, các cửa hàng tiện ích, bệnh viện; trong khi ở vùng nông thôn, người dân lo sạt lở đê trước sự uy hiếp của triều cường.
Đài Khí tượng thủy văn TP.Cần Thơ dự báo, mực nước đỉnh triều trên các sông rạch tại TP.Cần Thơ sẽ tiếp tục lên cao trong những ngày tới, khả năng đạt đỉnh trong các ngày 26, 27 và 28-10. Đỉnh triều cao nhất tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu trong đợt triều cường này có khả năng lên từ 2,22 - 2,27m (cao hơn mức báo động 3 từ 0,22 - 0,27m), thời gian xuất hiện hàng ngày từ 4 - 6 giờ sáng và chiều tối từ 16 - 18 giờ. Cảnh báo triều cường kết hợp các đợt mưa lớn làm mực nước trên các sông rạch dâng cao, gây ngập úng khu vực trũng thấp, vỡ đê bao ở các cồn trên sông. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị và người dân chủ động có phương án chuẩn bị ứng phó để giảm thiệt hại.
Theo chuyên gia khí tượng thủy văn, triều cường ở Nam bộ vừa qua lên cao không chỉ ở miền Tây, mà ngay cả trạm Phú An ở huyện Nhà Bè trên sông Sài Gòn cũng vượt mức báo động 3. Thế nhưng, chỉ có trên sông Tiền, sông Hậu ở miền Tây vượt mức lịch sử vì các sông ở ĐBSCL có thêm yếu tố nước lũ từ thượng nguồn sông Mekong đổ về. Năm nay, lượng nước về vượt báo động 1 xấp xỉ trung bình nhiều năm và cao hơn nhiều so với vài năm gần đây.
Bên cạnh đó còn có yếu tố sụt lún mặt đất do khai thác nước ngầm, vì mức độ đô thị hóa cao làm thiếu không gian cho tiêu thoát nước khi gặp tình trạng ngập kết hợp với mưa... Không có không gian, nước dồn về các trung tâm, đô thị ven biển. Khu trung tâm nội ô TP.Cần Thơ và các tỉnh miền Tây có hai bài toán cần phải giải ngập là giảm khai thác nước ngầm nhằm hạn chế sụt lún, tạo không gian cho nước lan tỏa.
Khắc phục sạt lở bờ biển ở Hội An
Theo thống kê của UBND thành phố Hội An, do ảnh hưởng của bão số 4 và bão số 5, từ ngày 14/10 đến nay, trên địa bàn từ phường Cửa Đại đến phường Cẩm An và xã đảo Tân Hiệp xuất hiện triều cường cao từ 2 m đến trên 5 m đánh vào đất ở, đất kinh doanh nhà hàng, các khu nghỉ dưỡng sát bờ biển của các hộ dân, doanh nghiệp.
Hậu quả, triều cường đã làm khoảng 700 nhà ở của các hộ dân bị ngập sâu từ 0,1 - 0,4 m. Tại xã đảo Tân Hiệp bị sạt lở bờ kè Bãi Bàng khoảng 10 m; sạt lở các tuyến đường khoảng 100 m; sạt lở ở Bãi Chồng khoảng 50 m; sạt lở núi 1 đoạn dài 0,5 km; sập 80 m tường chắn của Tiểu đoàn HH 70...
Triều cường đã đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống, sản xuất của các hộ dân ở các phường Cửa Đại, Cẩm An, bờ kè biển bị sạt lở, cuốn trôi khoảng 1 km, rộng khoảng 100 m; sạt lở kênh ngầm tưới tiêu của khối Thanh Tây (phường Cẩm Châu) khoảng 100 m; sạt lở kè bảo vệ Nghĩa trang xã Cẩm Kim khoảng 80 m; hư hại toàn bộ 30 ha diện tích rau màu và ngã đổ, ngập úng khoảng 20.000 chậu cây cảnh…
Đặc biệt, tại phường Cẩm An, triều cường đã làm sạt lở hầu hết chiều dài bờ biển của phường, những đoạn không có kè tạm bị sạt lở sâu vào đất liền từ 3 - 5 m, còn những đoạn có kè tạm vẫn bị triều cường và sóng đánh hư hại; thậm chí sóng và triều cường còn khoét sâu xuống dưới chân kè cuốn trôi khối lượng lớn cát ở bên trong bờ kè.
Tại khối Thịnh Mỹ (phường Cẩm An), do không có bờ kè tạm nên sóng và triều cường đã đánh sạt lở từ 3 - 5 m ở Dự án Khu du lịch sinh thái ven biển 5 sao - Hội An Holiday, Dự án khu du lịch Lê Phan. Đặc biệt, sóng và triều cường đã làm sạt lở nghiêm trọng đến nhà ở của 4 hộ dân. Chính quyền phường Cẩm An đã bố trí để các hộ dân sơ tán đến nơi an toàn.
Theo ông Đinh Hùng - Trưởng phòng Kinh tế thành phố Hội An, để khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển, thời gian tới, tỉnh Quảng Nam tiếp tục làm đê ngầm chống sóng và bơm cát vào khoảng rộng giữa những đoạn bờ biển hay bị sạt lở. Dự kiến, riêng 1 km bờ biển từ phường Cửa Đại đến khối Thịnh Mỹ (phường Cẩm An) bị sạt lở nghiêm trọng trong đợt mưa bão vừa qua sẽ được làm kè cứng bằng bê tông cốt thép.
Philippines hứng chịu nhiều thiệt hại sau trận động đất mạnh
Trận động đất trên xảy ra vào tối 25/10 cách thị trấn Lagayan thuộc tỉnh Abra 9 km về phía Tây Bắc với tâm chấn ở độ sâu 11 km. Không có cảnh báo sóng thần được đưa ra nhưng động đất có thể cảm nhận được trên khắp khu vực rộng lớn tại đảo chính Luzon, phía Bắc Philippines, bao gồm một số khu vực ở thành phố Manila, cách tỉnh Abra 400 km về phía Nam.
Giới chức địa phương cho biết, tại thành phố Batac ở tỉnh Ilocos Norte, bệnh viện lớn nhất tỉnh này đã buộc phải sơ tán khi trần nhà ở khoa hồi sức cấp cứu sập xuống khi tòa nhà bị rung lắc do động đất. Dịch vụ khám chữa bệnh tại đây cũng tạm dừng.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos khuyến cáo người dân tránh xa các tòa nhà cao tầng, đồng thời cho biết nhà chức trách đang đánh giá mức độ an toàn của cơ sở hạ tầng, trong khi một số quan chức bảo trợ xã hội hỗ trợ người dân tại các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng do động đất.
Còn tại tỉnh Abra, nơi xảy ra trận động đất, người dân không dám trở về nhà của mình sau khi nhiều dư chấn xảy ra, làm rung chuyển khu vực phía Bắc Philippines, vốn đang bị mất điện. Các dư chấn xảy ra từ tối 25/10 đến sáng 26/10. Theo Tổng thống Marcos, người dân tại khu vực bị ảnh hưởng đang yêu cầu sự hỗ trợ về chỗ trú ẩn bởi họ không thể về quay trở lại nhà của mình. Trong khi đó, lực lượng cứu hộ nỗ lực giải tỏa tuyến đường bị đất đá vùi lấp. Nhiều nhà thờ ở tỉnh Abra và Ilocos Norte bị hư hại nặng.
Hồi tháng 7 vừa qua, một trận động đất có độ lớn 7 đã gây ra sạt lở đất nghiêm trọng, khiến 11 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Vào năm 1990, một trận động đất với độ lớn 7,7 đã cướp đi sinh mạng của gần 2.000 người ở phía Bắc nước này, gây thiệt hại nặng, gồm cả thủ đô Manila.
Lan Anh