Chủ nhật, 24/11/2024 08:48 (GMT+7)
Thứ ba, 31/05/2022 17:50 (GMT+7)

Tin tức môi trường nổi bật ngày 31/5

Theo dõi KTMT trên

Ngay sau mưa kỷ lục, miền Bắc đón nắng nóng kéo dài; Nói "Không" với thuốc lá để bảo vệ môi trường sống của chúng ta; Huy động hơn 17.400 tỷ đồng chống sạt lở bờ biển, bờ sông ở Kiên Giang... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 31/5.

Nói "Không" với thuốc lá để bảo vệ môi trường sống của chúng ta

Hơn 600 triệu cây bị đốn chặt, hơn 22 tỷ tấn nước tiêu hao cho quá trình sản xuất thuốc lá và 84 triệu tấn khí thải từ thuốc lá phát thải vào không khí góp phần gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

“Thuốc lá: Mối đe dọa với môi trường của chúng ta” - chủ đề của Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 năm nay nêu bật một thông điệp: Thuốc lá không chỉ gây tổn hại tới sức khỏe con người, mà còn từ từ "đầu độc" môi trường sống trên Trái Đất.

Số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy mỗi năm trên thế giới có hơn 8 triệu người tử vong vì thuốc lá, trong đó khoảng 1,2 triệu người tử vong do tiếp xúc với khói thuốc một cách thụ động.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 31/5 - Ảnh 1
Trẻ em Ấn Độ xếp hình biểu tượng "Không hút thuốc lá" nhằm nâng cao ý thức của người dân trong Ngày Thế giới không hút thuốc lá, tại Patiala. (Ảnh: AFP)

Theo nghiên cứu khoa học, một điếu thuốc khi cháy tạo ra hơn 7.000 chất hóa học và gần 70 trong số đó gây nguy cơ ung thư. Các bệnh phổ biến nhất trực tiếp gây ra tử vong ở những người hút thuốc lá là thiếu máu cơ tim, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi và đột quỵ.

Vì lẽ đó, thuốc lá lâu nay vẫn được xem là một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn nhất mà thế giới từng đối mặt.

Hơn 80% trong số gần 1,3 tỷ người hút thuốc lá trên toàn thế giới hiện sống ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi gánh nặng bệnh tật và tử vong liên quan đến thuốc lá là nghiêm trọng nhất. 

Không chỉ vậy, WHO khẳng định thuốc lá còn là mối hiểm họa với sức khỏe môi trường và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất.

Càng nhiều người hút thuốc, tác hại đến môi trường ngày càng lớn thêm, gia tăng áp lực không cần thiết đối với nguồn tài nguyên vốn dĩ ngày càng cạn kiệt và các hệ sinh thái dễ bị tổn thương của Trái Đất. 

Mỗi năm trên thế giới có khoảng 3,5 triệu ha đất bị xói mòn do hoạt động trồng cây thuốc lá. Trồng cây thuốc lá cũng góp phần gây nên nạn phá rừng. Hằng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá và lấy gỗ để sấy thuốc lá.

Nông dân trồng cây thuốc lá thường phát quang đất bằng cách đốt rừng và bỏ hoang đất chỉ sau vài mùa vụ, dẫn đến tình trạng hoang hóa, suy thoái đất và giảm năng suất của những loại cây trồng khác.

Đốt rừng dẫn tới phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và làm giảm mức độ che phủ rừng vốn có thể hấp thụ 16 triệu tấn CO2 do hoạt động sản xuất thuốc lá mỗi năm.

Ước tính, lượng khí thải carbon của ngành sản xuất, chế biến và vận chuyển thuốc lá tương đương với 20% lượng CO2 mà ngành hàng không thương mại thải ra mỗi năm, góp phần làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu.

Chưa kể hơn 7.000 chất hóa học tạo ra khi hút thuốc, rất nhiều chất độc hại với môi trường. Bản thân môi trường ô nhiễm cũng nguy hại cho sức khỏe con người, là nguyên nhân dẫn tới 9 triệu ca tử vong trên thế giới mỗi năm.

Xử lý chất thải từ thuốc lá cũng là một vấn đề. Ước tính có tới 4.500 tỷ đầu mẩu thuốc lá (tương đương 766.571 tấn) bị thải ra môi trường mỗi năm. Lượng rác thải này thường phơi nhiễm trong môi trường, trên đường phố, lối đi bộ và các khu vực công cộng, trôi ra cống và cuối cùng làm ô nhiễm sông hồ, bờ biển và đại dương, gây hại cho các loài sinh vật.

Thái Nguyên: Sạt lở đất trong đêm, ba người tử vong

Vào 23 giờ 30 phút ngày 30/5, xóm Na Quán, tại xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã xảy ra sạt lở đất khiến một phần nhà dân bị sập, làm ba người trong nhà tử vong.

Mưa lớn kéo dài liên tục với lượng mưa xấp xỉ 300mm xảy ra từ tối 30/5 đến rạng sáng 31/5 đã gây ngập úng sâu tại nhiều khu vực thuộc huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên làm hư hại hàng chục ha lúa và hoa màu.

Đặc biệt, vào khoảng 23 giờ 30 phút ngày 30/5, tại xóm Na Quán, xã Nam Hòa đã xảy ra sạt lở taluy, khoảng 1.000m3 đất khiến một phần nhà dân bị sập, làm ba người trong nhà tử vong.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 31/5 - Ảnh 2
Sạt lở đất trong đêm, ba người tử vong tại Thái Nguyên. (Ảnh: TTXVN)

Nạn nhân thiệt mạng gồm ông H.V.L (sinh năm 1976) là chủ nhà, chị H.T.M (sinh năm 1992) và chị V.T.T (sinh năm 1981) là họ hàng ông L. từ huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang sang chơi. Người thân của ông L may mắn thoát nạn.

Ngay trong đêm, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn xã Nam Hòa đã kịp thời có mặt tại hiện trường, huy động máy móc và gần 100 người triển khai phương án cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả.

Đến 4 giờ ngày 31/5, thi thể ba nạn nhân đã được tìm thấy và bàn giao cho gia đình để làm thủ tục an táng.

Nước lũ khiến hàng chục ngôi nhà, nhiều tuyến đường trên địa bàn các xã Nam Hòa (huyện Đồng Hỷ), xã Linh Sơn (thành phố Thái Nguyên) bị ngập sâu khoảng 1-2m.

Đặc biệt, tại xóm Hoàng Gia, xã Nam Hòa, nước lũ dâng cao đã cuốn trôi một đoạn đường liên xóm khiến cho một phần xóm đang bị cô lập hoàn toàn. Nước lũ đang rút chậm. Đến 11 giờ ngày 31/5, tình trạng ngập lụt vẫn chưa hết. Công tác thống kê thiệt hại đang được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tích cực triển khai.

Ngay sau mưa kỷ lục, miền Bắc đón nắng nóng kéo dài

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ ngày 2-6/6, ở khu vực Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất từ 36-38 độ C, có nơi hơn 39 độ C. Thời gian có nhiệt độ hơn 35 độ C từ 12-17 giờ.

Trưa nay, 31/5, nắng nóng đã xảy ra cục bộ ở khu vực Trung Bộ. Dự báo, ngày mai, 1/6, ở khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ C. Độ ẩm thấp nhất trong ngày từ 50-65%. Thời gian có nhiệt độ hơn 35 độ C từ 12-16 giờ.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 31/5 - Ảnh 3
Ngay sau mưa kỷ lục, miền Bắc sẽ đón nắng nóng kéo dài. (Ảnh minh họa)

Ở khu vực Thanh Hóa đến Phú Yên từ ngày 2-6/6, có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-38 độ C, có nơi hơn 39 độ C. Độ ẩm thấp nhất trong ngày từ 45-55%. Thời gian có nhiệt độ hơn 35 độ C từ 12-17 giờ.

Từ ngày 3-5/6, nắng nóng có khả năng xảy ra trên khu vực trung du, đồng bằng Bắc Bộ, Sơn La và Hòa Bình với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, có nơi hơn 36 độ C. Độ ẩm thấp nhất trong ngày từ 50-60%. Thời gian có nhiệt độ hơn 35 độ C từ 13-16 giờ.

Từ ngày 6/6, nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng dịu dần. Cảnh báo, do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.

Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1.  

Hà Nội: Công viên Hòa Bình ngập rác thải

Hiện nay trên các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Hoàng Minh Thảo ngay cạnh Công viên Hòa Bình, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội xuất hiện nhiều bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Các bãi rác này mặc dù tồn tại đã lâu nhưng đến nay chưa được lực lượng chức năng địa phương xử lý dứt điểm.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 31/5 - Ảnh 4
Nhiều bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. (Ảnh: Báo TN&MT)

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, rác thải sinh hoạt, phế thải, vật liệu xây dựng, rác thải cồng kềnh… bị một bộ phận người dân thiếu ý thức vứt, đổ trộm chất từng đống lớn nhỏ nằm dọc phố Phạm Văn Đồng, Hoàng Minh Thảo. Việc để nhiều bãi rác “bủa vây” khu vực công viên Hòa Bình không chỉ tạo nên hình ảnh nhếch nhác, mất mỹ quan mà tình trạng ô nhiễm này còn tác động trực tiếp đến người dân tới thăm quan, vui chơi tại một trong công viên lớn nhất của Hà Nội.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 31/5 - Ảnh 5
Phế thải, vật liệu xây dựng… bị đổ trộm chất từng đống lớn nhỏ nằm dọc phố Phạm Văn Đồng. (Ảnh: Báo TN&MT)

Trước thực trạng trên đề nghị UBND quận Bắc Từ Liêm, lực lượng chức năng sở tại cần có kế hoạch tổ chức thu gom, xử lý và vận chuyển những bãi rác tồn đọng. Đồng thời, có biện pháp ngăn chặn, xử phạt nghiêm đối với các trường hợp vứt, đổ rác không đúng nơi quy định. Từ đó tạo cảnh quan môi trường sống xanh, sạch và trong lành cho người dân trong khu vực.

Kiên Giang: Huy động hơn 17.400 tỷ đồng chống sạt lở bờ biển, bờ sông

Giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch huy động nguồn lực đầu tư 200 công trình phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn, trong đó phòng, chống sạt lở bờ biển 18 công trình, bờ sông 182 công trình, với tổng nhu cầu vốn hơn 17.400 tỷ đồng.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh triển khai thực hiện 18 công trình kè phòng, chống sạt lở bờ biển, tổng chiều dài hơn 71km, kinh phí 2.450 tỷ đồng và 72 công trình kè bờ sông, tổng chiều dài trên 480km, kinh phí 7.958 tỷ đồng.

Tiếp đến, giai đoạn 2026-2030, tỉnh tiếp tục thực hiện 110 công trình kè phòng, chống sạt lở bờ sông, tổng chiều dài hơn 586 km, kinh phí khoảng 6.937 tỷ đồng.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 31/5 - Ảnh 6
Kiên Giang huy động hơn 17.400 tỷ đồng chống sạt lở tại các bờ biển, bờ sông. (Ảnh: TTXVN)

Theo lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, giải pháp cấp bách trước mắt là tổ chức cắm biển cảnh báo tại những khu vực bị sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở; kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác đất, cát trên sông và vùng ven biển, đảo, khắc phục tình trạng mất cân bằng bùn cát để hạn chế nguy cơ sạt lở.

Tỉnh chỉ đạo các địa phương tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực bờ biển, bờ sông bị sạt lở, bố trí tái định cư theo các hình thức tái định cư xen ghép hoặc xây dựng khu tái định cư tập trung phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Tỉnh tập trung xây dựng các công trình khắc phục sự cố sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng ven sông, ven biển và rừng phòng hộ ven biển, nhất là rừng ngập mặn bảo vệ trực tiếp đê biển.

Bên cạnh diện tích rừng ngập mặn được trồng mới và phục hồi thuộc các dự án xây dựng kè phá sóng, gây bồi, tạo bãi ven biển Tây, tỉnh Kiên Giang đã và đang triển khai thực hiện trồng rừng trong các dự án xây dựng kè hơn 644 ha.

Ban Quản lý rừng Kiên Giang dự kiến kế hoạch trồng rừng bãi bồi rừng phòng hộ ven biển, bảo vệ cây mới trồng giai đoạn 2022-2025 trong kè phá sóng, gây bồi, tạo bãi diện tích 63 ha rừng hỗn giao với cây mắm, bần… ở bãi bồi ven biển huyện An Biên với kinh phí đầu tư hơn 20 tỷ đồng.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường nổi bật ngày 31/5. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới