Tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 15/7
Khởi động dự án Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở 2; Bão nhiều hơn mọi năm, miền Trung có nguy cơ mưa lũ dồn dập; Sạt lở đe dọa miền Tây... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 15/7.
Khởi động dự án Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở 2
Ngày 15/7, tại Vườn Quốc gia Bạch Mã, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Tổ chức động vật châu Á khởi động dự án "Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở 2."
Dự án Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở 2 được thực hiện từ năm 2022 và dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Dự án do Tổ chức động vật châu Á tài trợ với kinh phí viện trợ không hoàn lại là 10,5 triệu USD.
Trung tâm được xây dựng ở khu hành chính của Vườn Quốc gia Bạch Mã, trên diện tích 12,7ha.
Trung tâm bao gồm 12 nhà gấu; 12 khu bán hoang dã; khu hành chính và khu nghỉ cho nhân viên; khu cách ly; khu bệnh viện thú y; khu chế biến thức ăn cho gấu; khu xử lý chất thải và các khu tiện ích cơ sở hạ tầng khác.
Trung tâm sẽ có năng lực nuôi cứu hộ hơn 300 cá thể gấu tiếp nhận từ các cơ sở nuôi gấu tư nhân, các vụ vi phạm.
Ngoài ra, Trung tâm cũng thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ loài gấu và lồng ghép vào chương trình nghiên cứu tái thả, bảo tồn loài gấu trong tự nhiên nhằm thực hiện việc bảo tồn gấu được bền vững.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết dự án được triển khai thể hiện cam kết mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện đầy đủ các quy định của những Công ước quốc tế liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học, các loài động vật hoang dã mà Việt Nam đã tham gia.
Thông qua việc thực hiện dự án, Việt Nam phấn đấu chấm dứt việc nuôi gấu trong cơ sở nuôi nhốt của hộ gia đình, cá nhân vào cuối năm 2026.
Việc triển khai dự án cũng sẽ việc làm cho người lao động địa phương; phát triển hoạt động du lịch sinh thái của Vườn Quốc gia Bạch Mã.
Thứ trưởng đề nghị các cơ quan có liên quan triển khai dự án theo đúng chỉ đạo của Bộ tại Quyết định số 1797 ngày 20/5/2022; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ động vật hoang dã, thay đổi thói quen trong việc sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã.
Tiến sỹ Jill Robinson MBE, sáng lập viên kiêm Tổng giám đốc Tổ chức động vật châu Á, chia sẻ Việt Nam là quốc gia đầu tiên cấm hoàn toàn nuôi nhốt gấu lấy mật.
Sạt lở đe dọa miền Tây
Theo ông Võ Kim Thuần - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An, tình hình sạt lở đất tại địa phương diễn biến phức tạp. Mỗi năm tỉnh Long An có hàng chục vụ sạt lở đất, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Thủ Thừa, Bến Lức, Thạnh Hóa và TP Tân An có nhiều vụ sạt lở nhất.
Nguyên nhân chính của tình trạng sạt lở là do các tác động của dòng chảy, phương tiện thủy có trọng tải lớn lưu thông với mật độ dày; việc neo đậu tàu, thuyền sai quy định; các công trình nhà ở, kho bãi xây dựng lấn chiếm lòng dẫn trên các tuyến sông, kênh, rạch làm gia tăng tải trọng trên nền đất yếu.
Trong khi đó, tình hình ở tỉnh Tiền Giang cũng phức tạp không kém. Tại huyện Cái Bè có 40 điểm sạt lở, huyện Cai Lậy 44 điểm, huyện Châu Thành 19 điểm. Nguyên nhân được cho là do lượng phù sa bồi và bùn cát từ thượng nguồn sông Mekong đổ về giảm mạnh trong những năm gần đây; phương tiện thủy lưu thông tấp nập tạo sóng gây sạt lở; nền đất hai bên bờ sông, rạch yếu kết hợp tác động sóng, gió xâm thực và biến đổi khí hậu khiến bờ sông và kênh rạch sạt lở với diễn biến ngày càng phức tạp cùng một số các nguyên nhân khách quan, chủ quan khác. Khác với tỉnh Long An, tình trạng sạt lở chủ yếu diễn ra ven sông kênh, tỉnh Tiền Giang còn đối diện với tình trạng sạt lở ven biển khi tuyến đường ven biển của tỉnh này kéo dài hơn 50 cây số.
Theo thống kê mới nhất, hiện nay toàn bộ miền Tây Nam bộ có khoảng 500 điểm sạt lở ven sông, biển với tổng chiều dài hơn 800 km. Mỗi năm, sạt lở làm biến mất khoảng 300 ha đất, rừng ngập mặn ven biển, ảnh hưởng tới hơn 19.000 hộ dân ven sông phải di dời khỏi vùng nguy hiểm.
Điều đáng nói, tình trạng sạt lở năm nào cũng diễn ra với tình trạng khốc liệt hơn năm trước và được coi là vấn nạn thiên nhiên nghiêm trọng nhất ở dải đất này chứ không phải bão, lũ lụt như các tỉnh, thành miền Trung, miền Bắc.
Bão nhiều hơn mọi năm, miền Trung có nguy cơ mưa lũ dồn dập
Mùa bão năm nay được nhận định đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Đến nay, Biển Đông ghi nhận một cơn bão có tên quốc tế CHABA, hình thành từ một vùng áp thấp trên đảo Luzon (Philippines) đi vào Biển Đông, mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới sau đó mạnh lên thành bão vào sáng 30/6. Đây là cơn bão phức tạp với cường độ thay đổi liên tục, chỉ một ngày mạnh lên 3 cấp. Bão sau đó đổ bộ vào bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) ngày 1/7, ảnh hưởng một phần khu vực Đông Bắc nước ta.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, từ nay đến tháng 1 năm 2023, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 9-11 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng từ 4-6 cơn khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Dự báo gần nhất cho thấy, từ nay đến khoảng 10/8, trên Biển Đông có thể đón 1-2 cơn bão/áp thấp nhiệt đới.
Cơ quan khí tượng lưu ý, những năm La Nina tác động, cần đề phòng xảy ra bão dồn dập trong các tháng cuối năm. Ngoài ra, nguy cơ cao xuất xuất hiện các cơn bão mạnh, diễn biến bất thường, trái quy luật.
Dự báo, tháng 10/2022, tổng lượng mưa ở Bắc Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 10-25% so với trung bình nhiều năm. Khu vực Trung và Nam Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 30-60%, có nơi trên 70%.
Tháng 11/2022, tại Bắc Trung Bộ tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm với xác suất khoảng 60-70%, riêng khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 20-40%, có nơi trên 50%.
Tây Nguyên trong hai tháng 10 và 11, tổng lượng mưa cũng dự báo cao hơn từ 30-60% so với trung bình nhiều năm, riêng trong tháng 10 có nơi có thể cao hơn tới 70%.
"Giải cứu" bờ biển Quảng Ngãi trước nguy cơ bủa vây rác thải
Trước nguy cơ nhiều làng chài ở Quảng Ngãi trở thành vịnh rác thải, lực lượng đoàn viên thanh niên, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển hải đoàn 23 (Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 2) cùng nhân dân đã ra quân thu gom, xử lý hàng tấn rác.
Dọc bãi biển thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) là nơi cảnh quan rất đẹp, thơ mộng, tuy nhiên từ nhiều năm nay khu vực bãi biển này lại tràn ngập rác thải gồm bao nilon, chai lọ, ly nhựa, thùng xốp… chất thành đống, bốc mùi hôi thối rất khó chịu.
Để trả lại bãi biển sạch, hơn 500 người là lực lượng đoàn viên thanh niên, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển hải đoàn 23 (Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 2) cùng nhân dân đã ra quân góp sức thu gom, xử lý rác. Rất nhiều loại rác bị vùi lấp dưới lớp đất, cát cũng được cào xới, thu gom, cho vào túi để đưa đi xử lý tập trung.
Sau hoạt động ra quân đã có hơn 6 tấn rác được thu gom và đưa đi xử lý đúng nơi quy định. Việc tiến hành thu gom rác thải, làm sạch bờ biển góp phần mang lại vùng biển tươi đẹp cho địa phương.
Ông Phan Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Bình Đông cho biết, từ cầu Trà Bồng đến cuối bãi biển thôn Sơn Trà có chiều dài khoảng 1,5 km. Địa phương nằm hạ lưu sông Trà Bồng chính vì vậy, số lượng rác thải sinh hoạt trên thượng nguồn sông Trà Bồng đổ xuống cũng như rác trên biển tập kết ở đây. Tình trạng rác thải ứ đọng dọc bờ biển xã Bình Đông đặc biệt ở một phần thôn Tân Hy 1 và Sơn Trà đã diễn ra từ nhiều năm nay.
Biến đổi khí hậu có thể khiến 1 triệu người Việt nghèo vào năm 2030
Theo WB, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, nếu Việt Nam không có các biện pháp thích ứng phù hợp, kịp thời, khoảng một triệu người dân sẽ rơi vào tình trạng nghèo khó...
Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết từ vị thế là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới vươn lên thành một thị trường mới nổi năng động, Việt Nam đang phải đối mặt với những rủi ro ngày một nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, đe dọa mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.
Đáng chú ý là sự gia tăng lượng phát thải khí nhà kính. Tuy không đóng góp nhiều vào khí nhà kính toàn cầu với tỷ trọng chỉ 0,8% lượng phát thải của thế giới, nhưng chỉ trong 2 thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên là một trong những quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người tăng nhanh nhất trên thế giới.
Theo WB, trong giai đoạn 2000-2015, khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người tăng từ 390 USD lên 2.000 USD, thì lượng khí thải carbon dioxide (CO2) cũng tăng gần gấp 4 lần. Trong đó, phát thải khí nhà kính của Việt Nam gắn liền với tình trạng ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe con người và năng suất lao động tại nhiều thành phố, đặc biệt là Hà Nội.
Ngoài ra, với hơn 3.200 km bờ đường biển trải dài từ Bắc vào Nam, nhiều thành phố có địa hình trũng thấp và các vùng đồng bằng ven sông, Việt Nam vẫn đang là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu.
Còn ở miền Nam, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn - khu vực nổi danh với “vựa lúa số 1 Việt Nam” sẽ phải chịu nhiều rủi ro do mực nước biển dâng cao. Dự báo, gần một nửa vùng đồng bằng này sẽ bị ngập nếu mực nước biển dâng cao 75-100 cm (trên mức trung bình trong giai đoạn 1980-1999), qua đó sẽ đe dọa thiệt hại kinh tế do độ mặn gia tăng và không thể sản xuất một số loại cây trồng.
Lan Anh