Chủ nhật, 24/11/2024 05:54 (GMT+7)
Thứ năm, 07/09/2023 17:58 (GMT+7)

Tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo "nói rõ" về chủ trương xây dựng hồ thuỷ lợi Ka Pét

Theo dõi KTMT trên

Chiều nay 7/9, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo thông tin về chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét. Theo đó tỉnh sẵn sàng lắng nghe, điều chỉnh nếu có bất cập, song song với đó là khẳng định tính cấp thiết của dự án.

Tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo "nói rõ" về chủ trương xây dựng hồ thuỷ lợi Ka Pét - Ảnh 1
Ông Dường Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận phát biểu tại buổi họp báo.

Chủ trì họp báo gồm Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải. Đến dự còn có đại diện nhiều sở, ban ngành của tỉnh và đại diện UBND huyện, Hạt kiểm lâm huyện Hàm Thuận Nam, đại diện UBND xã Mỹ Hạnh, xã Hàm Cần. 

UBND trình lý do xây dựng hồ thuỷ lợi 

Phát biểu mở đầu họp báo, ông Dương Văn An chia sẻ dự án xây dựng hồ thuỷ lợi Ka Pét đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) khảo sát, quy hoạch vị trí tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Năm 2019, dự án đã được Quốc hội phê duyệt và điều chỉnh vào năm 2023. Bộ NN&PTNT cũng đưa hồ thuỷ lợi Ka Pét vào quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Đông Nam Bộ giai đoạn đến 2030, định hướng 2050.

Tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo "nói rõ" về chủ trương xây dựng hồ thuỷ lợi Ka Pét - Ảnh 2
Khảo sát lựa chọn vị trí tuyến đập hồ Ka Pét (tháng 11/2007). 

Người đứng đầu Bình Thuận cho biết thời gian qua, dư luận cả nước quan tâm nhiều đến việc sử dụng 600ha rừng làm hồ thuỷ lợi Ka Phét. Ông Dương Văn An chia sẻ Bình Thuận là một trong những nơi khô hạn nhất cả nước. Tình trạng này khiến sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân. 

Ông Dương Văn An cũng bày tỏ sự đồng cảm với người dân địa phương, khi đi khảo sát vào mùa mưa, mới chỉ thấy được một nửa sự vất vả của người dân, nếu vào mùa khô còn gấp nhiều lần. Hiện nay, chỉ 20% đất nông nghiệp tại Bình Thuận được tưới nước chủ động, diện tích còn lại nằm chủ yếu ở phía huyện Hàm Thuận Nam, La Gi, Hàm Tân.

Từ thực tế đó, xây dựng hồ thuỷ lợi Ka Pét là cần thiết, giúp cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất. Ngoài ra dự án hồ thuỷ lợi Ka Pét sẽ giúp điều tiết nước giữ mùa mưa và mùa khô, tăng lượng nước ngầm.

Cụ thể cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô với khoảng 2,63 triệu m²/năm cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II và tạo nguồn nước thô để phục vụ sinh hoạt của 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam, TP Phan Thiết.

Sẵn sàng điều chỉnh nếu có bất cập 

Trước lo ngại về việc lấy mặt bằng xây dựng hồ thuỷ lợi Ka Pét, ông Dương Văn An khẳng định vị trí 600ha rừng đã được chọn lựa kỹ càng dựa vào điều kiện tự nhiên sẵn có của tỉnh. Xây dựng hồ thuỷ lợi phải chọn địa điểm là nơi dễ ngân đập, ít tổn hại đến rừng và là eo núi. Trong các phương án được đưa ra, vị trí được phê duyệt là khả thi nhất. 

Bên cạnh đó trên tinh thần tiếp thu, sẵn sàng thay đổi, tỉnh Bình Thuận sẵn sàng điều chỉnh, tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học cũng như báo chí. Quá trình thực hiện dự án, nếu có vướng mắc về môi trường, hệ sinh thái tỉnh cũng không bảo thủ mà sai đến đâu thì sửa đến đó. Ông Dương Văn An một lần nữa khẳng định dự án đã được đánh giá, khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động môi trường. 

Tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo "nói rõ" về chủ trương xây dựng hồ thuỷ lợi Ka Pét - Ảnh 3
Tuyến đập Hồ Ka Pét vào tháng 11/2007. 

Ông Lê Thanh Sơn - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận phát biểu, diện tích 600ha rừng sử dụng làm hồ Ka Pét chỉ chiếm 0,15% rừng tự nhiên toàn tỉnh (60.000 ha). Ngoài ra, 600ha rừng trong dự án qua điều tra chỉ có 12,2 ha là rừng giàu nằm ở lâm phần Ban quản lý rừng Sông Móng, Ka Pét. Rừng đặc dụng được sử dụng lần này cũng chiếm tỉ lệ rất nhỏ. 

Để minh hoạ cho câu nói của mình, ông Lê Thanh Sơn nói: "Tôi mạnh dạn ví von một bông hoa hồng rất đẹp khi rơi một cánh thì hoa hồng vẫn rất đẹp”.

Kế hoạch trồng rừng thay thế

Theo Điều 21 Luật Lâm nghiệp, diện tích trồng rừng thay thế của tỉnh Bình Thuận là 1.844,54ha. UBND cũng đã ban hành Quyết định 3263/QĐ-UBND ngày 30-12-2020 về việc phê duyệt phương án trồng rừng thay thế đợt I thay thế cho 144,74ha rừng tự nhiên là 434,22ha. 

Ông Lê Thanh Sơn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết năm 2021 đã có đoàn giám sát kết quả trồng rừng thay thế cho diện tích rừng phục vụ dự án. Phía đại diện Ban quản lý dự án đang tiến hành các quy trình và quyết tâm đảm bảo tiến độ vào năm 2025. 

Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, ông Phan Thanh Hoàng thông tin, giấy phép khai thác và sử dụng nước mặt của dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TT&MT) cấp phép vào ngày 28/6. Dự kiến đến quý II/2024 mới bắt đầu khởi công và hoàn thiện trong một năm rưỡi. 

Về việc phê duyệt hồ sơ Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM)

Ông Nguyễn Ngọc Đông, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận phát biểu tại họp báo về việc ĐTM chưa được Bộ TT&MT phê duyệt. Theo ông Đông, Ban quản lý đang bổ sung, hoàn thiện hồ sơ báo cáo và trình lên Bộ. 

Đặc biệt ĐTM sẽ thêm hai vấn đề cần giải quyết, phối hợp các chuyên gia để bổ sung tài liệu quan trọng vào hồ sơ ĐTM. Đó là hai mô hình sự cố vỡ đập và mô hình tác động rừng bảo tồn đánh giá bổ sung lập mô hình đa dạng sinh học.

Phạm Huyền

Bạn đang đọc bài viết Tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo "nói rõ" về chủ trương xây dựng hồ thuỷ lợi Ka Pét. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới