Thứ năm, 28/11/2024 01:15 (GMT+7)
Thứ bảy, 05/08/2023 13:35 (GMT+7)

Tồn tại nhiều hạn chế, vi phạm trong việc cấp phép khai thác cát tại An Giang

Theo dõi KTMT trên

Gia hạn giấy phép khai không đúng quy định, không thu tiền cấp quyền khai thác, không thực hiện kiểm kê trữ lượng,… là những hạn chế, vi phạm được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trong công tác quản lý nhà nước về cấp giấy phép khai thác cát tại An Giang.

Tồn tại hàng loạt vi phạm trong công tác quản lý nhà nước về cấp phép thăm dò, gia hạn khai thác

Mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành Kết luận Thanh tra (KLTT) số 1654/TB-TTCP về việc chấp hành pháp luật trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng; Công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng cơ bản; Công tác cấp giấy phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2015-2020.

Liên quan đến vấn đề quy hoạch, cấp phép và quản lý hoạt động khai thác cát, TTCP nhận định, giai đoạn 2015 – 2020, UBND tỉnh An Giang đã thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, cấp phép, thăm dò và khai thác cát sông, công tác quản lý hoạt động khai thác cát lòng sông,…

Qua đó, hạn chế được tình trạng khai thác cát trái phép, đưa hoạt động khai thác cát từng bước tuân thủ theo đúng quy định pháp luật, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên cát lòng sông phục vụ cho nhu cầu đầu tư xây dựng toàn xã hội, tăng thu ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác cát và việc cấp phép khai thác cát cũng còn một số hạn chế, vi phạm.

Cụ thể, trong giai đoạn từ 01/07/2011 đến 31/12/2020, UBND tỉnh An Giang đã cấp 4 giấy phép thăm dò khoáng sản cát sông tại khu vực không đấu giá nhưng không thực hiện thủ tục lựa chọn tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản; Từ sau ngày 01/07/2011, UBND tỉnh An Giang thực hiện gia hạn đối với 15 giấy phép khai thác cát cấp trước ngày 01/07/2011 là không đúng quy định của Luật Khoáng sản; Cấp 07 giấy phép khai thác cát thuộc khu vực khoanh định không đấu giá nhưng không xác định phục vụ riêng cho các công trình xây dựng sử dụng ngân sách nhà nước, công trình khắc phục thiên tai, địch họa, công trình hạ tầng giao thông và công trình phúc lợi thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhưng việc này thực hiện không đúng với các quy định tại Nghị định 15/2012/NĐ-CP và Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh An Giang không thu tiền cấp quyền khai thác cát đối với 2 trường hợp gia hạn khai thác cát là vi phạm quy định tại Nghị định 158/2016/NĐ-CP và Nghị định số 203/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phương án tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Xác định tiền cấp quyền khai thác cát đối với 02 tổ chức theo giá cát san lấp trong khi quyết định phê duyệt trữ lượng cát trước đó là cát xây dựng là không đúng với thực tế; Chưa quy định giá tính tiền cấp quyền khai thác và thuế tài nguyên đối với bùn sét, dẫn đến một số dự án khai thác cát có nạo vét bùn sét chưa xác định được tiền cấp quyền và thuế tài nguyên để thu nộp ngân sách nhà nước; Chưa xác định và thu tiền thuê đất mặt nước đối với tổ chức được cấp phép khai thác cát là không đúng các quy định của Luật Đất đai 2013.

Tồn tại nhiều hạn chế, vi phạm trong việc cấp phép khai thác cát tại An Giang - Ảnh 1
Công tác quản lý nhà nước trong việc cấp phép, gia hạn khai thác cát tại An Giang tồn tại nhiều hạn chế, vi phạm. Ảnh nguồn Internet

Cùng với đó, TTCP cũng chỉ ra, cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương không thực hiện kiểm kê trữ lượng cát tại các mỏ cát lòng sống đã cấp phép, không có biện pháp đảm bảo giám sát chặt chẽ khối lượng cát khai thác thực tế hàng năm tại các mỏ được cấp phép.

Đồng thời, Cục Thuế và Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh An Giang không phối hợp thực hiện đối chiếu khối lượng cát khai thác của tổ chức được cấp phép khai thác cát giai đoạn 2015-2020 là không đúng quy định tại Thông tư 152/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về cơ chế phối hợp giữa cơ quan thuế, cơ quan tài nguyên và môi trường trong việc quản lý hoạt động khai thác tài nguyên. Có trương hợp doanh nghiệp khai thác cát kê khai nộp thuế với cơ quan thuê không đúng khối lượng cát thực tế đã báo cáo với Sở TN&MT.

Ngoài ra, TTCP còn nêu, các đơn vị được cấp phép khai thác cát thuộc dự án “Chỉnh trang dòng chảy nhằm hạn chế sạt lở bờ sông Hậu, bảo vệ đô thị TP.Long Xuyên thích ứng với biến đổi khí hậu” khai thác chậm tiến độ, công suất đạt thấp so với giấy phép xác định.

Trong đó, 01 tổ chức được cấp phép khai thác với diện tích nhỏ hơn nhiều so với diện tích được Bộ TN&MT phê duyệt tại dự án, dẫn tới không đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu của dự án nhưng cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương không có biện pháp kiểm tra, đôn đốc hoặc xử lý theo quy định.

Đến thời điểm thanh tra (06/2022), Hợp tác xã khai thác cát Chợ Mới còn nợ thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường với số tiền gần 1 tỷ đồng nhưng Cục Thuế tỉnh An Giang chưa có biện pháp xử lý cương quyết để thu nộp ngân sách nhà nước.

Những hạn chế, vi phạm nêu trên ao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do hiểu và áp dụng quy định pháp luật trong một số trường hợp chưa đầy đủ, chính xác, do công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác cát còn có mặt yếu kém,….

TTCP xác định trách nhiệm đối với những hạn chế, vi phạm này thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang (phụ trách lĩnh vực tài nguyên khoáng sản), Giám đốc Sở TNMT giai đoạn 2011 -2022 và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Sẽ chuyển cơ quan CSĐT nếu không hoàn thành việc thu hồi, điều chỉnh giấy phép khai thác cát đã cấp và gia hạn

Trước những vi phạm nêu trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh An Giang: Tiến hành rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch khai thác cát và khoanh định lại khu vực đấu giá, không đấu giá quyền khai thác cát để thực hiện việc lựa chọn hoặc tổ chức đấu giá theo đúng các quy định của pháp luật; Rà soát, thực hiện các thủ tục xác định và thu tiền thuê đất mặt nước đối với các tổ chức khai thác cát.

Thực hiện thu hồi các giấy phép khai thác đã cấp mới sau ngày 01/07/2011 và các giấy phép được cấp từ trước ngày 01/07/2011 nhưng được gia hạn sau ngày 01/07/2011 còn hiệu lực hoạt động (ngoại trừ các giấy phép được cấp thông qua đấu giá) mà không chỉ định cung cấp phục vụ cho các công trình hoặc xem xét việc cấp phép điều chỉnh để cung cấp cát cho các công trình theo quy định.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi công bố KLTT, nếu chưa hoàn thành việc thu hồi, điều chỉnh đối với các giấy phép khai thác cát đã cấp và gia hạn còn hiệu lực hoạt động (như nội dung đã nêu) thì TTCP sẽ chuyển thông tin để cơ quan CSĐT của Bộ Công an xem xét, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, TTCP còn kiến nghị UBND tỉnh An Giang khẩn trương xác định giá đối với tài nguyên bùn sét, làm cơ sở để xác định và thu tiền cấp quyền khai thác, thuế tài nguyên và các loại thuế, phí khác theo đúng quy định đối với các tổ chức được cấp phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo thực hiện kiểm kê, giám sát chặt chẽ trữ lượng cát và khối lượng cát khai thác thực tế của các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác cát trên địa bàn để làm cơ sở để đối chiếu xác định khối lượng cát khai thác thực tế phải kê khai nộp thuế, phí theo đúng quy định.

Tồn tại nhiều hạn chế, vi phạm trong việc cấp phép khai thác cát tại An Giang - Ảnh 2
Ảnh minh họa.

Đồng thời, UBND tỉnh An Giang cần chỉ đạo kiểm tra, rà soát tình hình khai thác cát và nạo vét bùn sét đối với 2 Công ty TNHH MTV môi trường Vạn Hưng Tùng và Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại Tấn Thắng tại các khu vực thuộc dự án “Chỉnh trị dòng chảy nhằm hạn chế sạt lở bờ sông Hậu, bảo vệ đô thị TP Long Xuyên thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Trên cơ sở đó có biện pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ khai thác nhằm đạt mục tiêu chỉnh trị dòng chảy, hạn chế sạt lở bờ sông Hậu. Trường hợp doanh nghiệp không có năng lực để triển khai theo đúng công suất và tiến độ dự án được duyệt thì xem xét thu hồi giấy phép khai thác.

Song song đó, TTCP cũng kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo ngành thuế có hình thức định kỳ thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chế độ hóa đơn, chứng từ kế toán, việc kê khai nộp thuế,… của các tổ chức được cấp phép khai thác cát lòng sông.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan có liên quan thực hiện việc kiểm tra, giám sát đối với hoạt động khai thác cát sông tại các địa phương. Bộ TNMT nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy định của pháp luật liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong việc kiểm kê trữ lượng khoáng sản và việc theo dõi, giám sát chặt chẽ khối lượng khoáng sản khai thác thực tế tại các mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác, đặc biệt là tại các khu vực cấp phép khai thác cát lòng sông.

Ngoài ra, tỉnh An Giang cần khẩn trương xác định và thu nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước số tiền hơn 3,6 tỷ đồng (tiền cấp quyền khai thác khoáng sản chưa được xác định hoặc xác định chưa đúng và tiền nợ thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường) của các tổ chức đã nêu tại phần kết quả kiểm tra, xác mình và kết luận của KLTT; xác định và thu bổ sung tiền cấp quyền khai thác khoáng cát và các khoản thuế, phí đối với 102.822 m3 cát chưa kê khai nộp thuế của Công ty TNHH Xây dựng Thương Mại Dịch vụ Hải Toàn.

Quản lý khai thác cát bền vững rất cần một giải pháp thuận thiên để giúp ĐBSCL giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu

Tại phiên họp tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Sáu, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách khóa XV tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XV đã nêu thực trạng vấn đề cát sông và việc khai thác cát sông không bền vững tại ĐBSCL.

Theo đó, hiện nay, ĐBSCL có khoảng 82 công ty được cấp phép khai thác cát với 28 triệu tấn cát mỗi năm, trong đó có 70% cát khai thác để sử dụng san lấp. Tuy nhiên, khối lượng cát được báo cáo và lượng cát khai thác thực tế rất khó kiểm soát, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra thường xuyên.

Cùng với đó là các nguyên nhân khác đã làm cho Đồng bằng sông Cửu Long có đến 621 điểm sạt lở với tổng chiều dài sạt lở 610 km, trong đó có 147 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm dài 127 km.

Từ thực tế trên, đại biểu Trần Văn Sáu cho rằng việc quản lý khai thác cát bền vững rất cần một giải pháp thuận thiên để giúp ĐBSCL giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tác động tiêu cực lên địa mạo của đồng bằng, sinh kế của người dân, an ninh lương thực, đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Việc quản lý khai thác cát bền vững phải dựa vào sự cân bằng thay đổi theo thời gian giữa lượng cát đổ về, lượng cát có ở đáy sông, lượng cát khai thác cả hợp pháp và bất hợp pháp và lượng cát đổ ra biển để biết được lượng cát có thể khai thác và vị trí khai thác mà không gây ra ảnh hưởng tiêu cực.

Hiện nay, việc cấp phép khai thác cát chỉ dựa trên kết quả đo đạc trữ lượng cát có ở đáy sông là chưa thực sự phù hợp.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Tồn tại nhiều hạn chế, vi phạm trong việc cấp phép khai thác cát tại An Giang. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới