Chủ nhật, 24/11/2024 07:02 (GMT+7)
Thứ sáu, 23/12/2022 09:44 (GMT+7)

Tổng kết chương trình hỗ trợ phát triển Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Chiều 22/12, tại tòa nhà Liên Hợp Quốc (304, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) UNDP đã tổ chức chương trình "Harvest day and CE Connect" (Tạm dịch : Lễ tổng kết và kết nối kinh tế tuần hoàn).

Chương trình có sự tham gia của bà Ramla Khalidi – Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, ông Kees van Baar – Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, ông Mai Thế Toản – Viện phó Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên Môi trường (ISPONRE), đại diện đại sứ quán Na-Uy tại Việt Nam, đại diện Bộ Công thương, đại diện các viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng đại diện các doanh nghiệp tham gia dự án.

Tổng kết chương trình hỗ trợ phát triển Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam - Ảnh 1
Bà Ramla Khalidi phát biểu khai mạc chương trình. 

Phát biểu khai mạc chương trình bà Ramla Khalidi chia sẻ : “Kinh tế tuần hoàn không chỉ góp phần giải quyết các vấn đề môi trường mà còn duy trì và tạo ra các nguồn nguyên liệu tự nhiên cho doanh nghiệp. Áp dụng kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra lợi ích lớn cho quốc gia, đảm bảo an toàn với môi trường, tạo ra việc làm cho người lao động. Tại Việt Nam hiện nay, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 90% sử dụng 70% lực lao động và đóng góp 60% vào nền kinh tế. Chính vì vạy các doanh nghiệp này có vai trò lớn trong việc góp phần đẩy mạnh quá trình phát triển KTTH tại Việt Nam.

Trong chương trình hỗ trợ phát triển KTTH tại Việt Nam, chúng tôi cũng đã tổ chức một số tập huấn về KTTH dành có 120 học viên, 2 hội thảo với hơn 100 doanh nghiệp tham dự. Gần đây, phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan đã đào tạo được hơn 100 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau về mô hình KTTH”.

Tổng kết chương trình hỗ trợ phát triển Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam - Ảnh 2
Quang cảnh chương trình.

Bà Ramla cũng bày tỏ mong muốn rằng các giá trị được tạo ra từ chương trình này sẽ tiếp tục được sử dụng trong các chương trình phát triển KTTH tại Việt Nam trong tương lai, tăng cường năng lượng cho 1 hệ sinh thái để thực hiện các mô hình KTTH cho doanh nghiệp, đặc biệt là chuyển giao công nghệ để thúc đẩy các mô hình KTTH tại Việt Nam.

Ông Kees van Baar cũng bày tỏ sự vui mừng vì những thành công mà chương trình đã đạt được. “Tất cả chúng ta đều đã hiểu rằng tại sao KTTH lại quan trọng và tại sao cần có sự phối hợp giữa các bên để thực hiện KTTH tại Việt Nam. Tại Hà Lan, chúng tôi tập trung nhiều vòa các doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp này có nguồn lực tốt, các chuyên gia về KTTH để thực hiện quá trình này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có nguồn lực lớn như vậy. Tại Việt Nam, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm số lượng lớn, có một vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Khi nhắc về KTTH người ta thường nhớ về việc sử dụng lại các sản phẩm đã cũ và bán chúng. Tuy nhiên, KTTH còn bao gồm nhiều hoạt động hơn thế nữa. Và để có thể thực hiện KTTH, đầu tiên cần nâng cao nhận thức của mọi người về KTTH, nhất là các doanh nghiệp. Việc áp dụng KTTH không chỉ nhằm bảo vệ môi trường mà còn tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp. Với KTTH chúng ta vẫn có thể có lợi nhuận vì chúng ta tái sử dụng lại tài nguyên và không phải mua quá nhiều ở ngoài. Đây là lợi ích lớn và góp phần truyền cảm hứng cho KTTH phát triển”.

Tổng kết chương trình hỗ trợ phát triển Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam - Ảnh 3
Ông Mai Thế Toản phát biểu tại chương trình. 

Phát biểu tại chương trình, ông Mai Thế Toản – Phó viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên Môi trường đã chia sẻ những hoạt động của đơn vị trong phát triển KTTH tại Việt Nam. “Điều 142 trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã quy định về KTTH, quy định về các tiêu chí để thực hiện KTTH cũng như trách nhiệm của các địa phương để có thể vận hành KTTH tại Việt Nam. Có thể thấy về pháp luật, KTTH tại Việt Nam đã bước đầu được hình thành. Chúng tôi đánh giá rất cao sự vào cuộc của UNDP ngay từ đầu trong việc thúc đẩy phát triển KTTH tại Việt Nam”.

Trong thời gian tới, ISPONRE sẽ hoàn thiện đề cương của kế hoạch hành động quốc gia hoạt động KTTH dựa trên góp ý của các địa phương, các chuyên gia. Đồng thời, Viện cũng sẽ xây dựng khung hướng dẫn áp dụng KTTH tại Việt Nam; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các sản phẩm thứ cấp được sản xuất từ KTTH; xây dựng kế hoạch hành động KTTH của Bộ Tài nguyên và Môi trường; tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn. 

Tổng kết chương trình hỗ trợ phát triển Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam - Ảnh 4
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh báo cáo tại chương trình. 

Cũng tại chương trình, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (EEPI) đã báo cáo về các hoạt động mà Viện đã thực hiện trong khuôn khổ chương trình này. Theo báo cáo, Viện đã thực hiện 3 chương trình đào tạo tại 3 miền Bắc - Trung - Nam với sự tham gia của 120 người (56 học viên tại Hà Nội, 31 học viên tại Huế, 28 học viên tại Hồ Chí Minh). Trong đó, Viện đã hỗ trợ 3 doanh nghiệp xây dựng mô hình KTTH ươm: KCN Nam Cầu Kiền, Công ty Cổ phần công nghiệp Delco, công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Phủ Lý. Ngoài ra, EEPI cũng tổ chức một số hội thảo về tuần hoàn nước, đào tạo về các công cụ xây dựng mô hình KTTH. 

Trong chương trình, các doanh nghiệp được hỗ trợ xây dựng KTTH cũng đã chia sẻ những khó khăn của mình trong quá trình phát triển mô hình này tại đơn vị và nhận được sự góp ý, giải đáp từ các chuyên gia trong nước và quốc tế. 

Linh Chi

Bạn đang đọc bài viết Tổng kết chương trình hỗ trợ phát triển Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới